Bi hài sách dạy đạo đức cho học sinh cấp 3

Bi hài sách dạy đạo đức cho học sinh cấp 3

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Trong bài “Cách ứng xử với ông bà nội, ngoại, cô, dì, chú, bác”, khi viết về cách thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà tác giả viết: “Biết ơn ông bà, các cháu phải nói năng lễ phép, phải chiều chuộng ông bà vì người lớn tuổi thường khó tính (do cơ thể không được khỏe)”.

Thông tin về cuốn sách dạy đạo đức dành cho học sinh của trường THPT Đồng Hòa (Kiến An, Hải Phòng) chứa nhiều nội dung sai lệch, cách diễn đạt ngô nghê, đang là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn. Nhiều phụ huynh tỏ ra vô cùng bức xúc khi biết được cuốn sách này được lại được viết ra với mục đích “giáo dục, định hướng kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp”.

Cuốn sách có tên “Tập bài đạo đức dành cho học sinh trường THPT Đồng Hòa” gồm 16 bài giảng đạo đức, mỗi bài được dạy trong một tuần và học sinh phải viết bài thu hoạch để nộp lại để thầy cô chấm điểm sau mỗi buổi học.

Theo lời phụ huynh cung cấp thông tin về cuốn sách trên, sau khi xem xong nội dung chị thực sự thấy sốc bởi bố cục của mỗi bài lộn xộn, cách hành văn và ngôn ngữ thiếu chuẩn mực, sai kiến thức cơ bản. Tác giả không phân biệt được thành ngữ, tục ngữ, ca dao hay những câu châm ngôn, những câu nói đời thường. Tât cả đều quy về tục ngữ! Tiêu đề mỗi bài giảng có lẽ chỉ phù hợp cho học sinh tiểu học. Nhiều bài, tác giả còn trích dẫn những câu tục ngữ không hợp lý lẽ, hoàn cảnh.

Hàng loạt dẫn chứng được đưa ra để minh chứng cho lỗi sai và ngôn từ thiếu trau chuốt của cuốn sách.

Ngay bài đầu tiên, với tiêu đề "Cách cư xử lúc ra đường và ở nơi công cộng" tác giả đưa ra nội dung như sau: "Tục ngữ có câu: "Tiên học lễ, hậu học văn". Câu này cho thấy mỗi học sinh phải học lễ, học văn hóa. Các em phải có ý thức tự trọng, giữ gìn danh dự để người khác không thể chê trách được!”.

Trong bài: “Cách ứng xử với ông bà nội, ngoại,cô, dì, chú, bác” khi viết về cách thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà tác giả viết: “Biết ơn ông bà, các cháu phải nói năng lễ phép, phải chiều chuộng ông bà vì người lớn tuổi thường khó tính (do cơ thể không được khỏe)”.

Bài "Cách cư xử với anh chị em trong gia đình" có đoạn: "Nếu làm em thì phải biết kính trọng anh chị, phải biết giúp đỡ anh chị những việc trong nhà những việc vừa sức với mình như tục ngữ có câu: "Chị ngã em nâng".

Bài "Trang phục khi ra đường": "Khi ra đường ta phải ăn mặc kín đáo, giản dị theo truyền thống của nhân dân ta, không ăn mặc lố lăng, lòe loẹt, hở hang. Tục ngữ có câu: "Đói cho sạch, rách cho thơm", vì vậy quần áo phải được giặt sạch, là phẳng!".

Bài "Tình yêu": "Tình yêu đôi lứa là đề tài vĩnh hằng?!" và "Xã hội thời xa xưa trọng nam khinh nữ, người con gái không được học hành, phải lo việc nhà, việc đồng áng, lo dệt vải, thêu thùa may vá. Tuổi thọ của con người hồi ấy trung bình chỉ 40-45. Vì vậy thời xa xưa người ta lập gia đình rất sớm, nam cỡ 16 tuổi, nữ cỡ 13 tuổi. (Nữ thập tam, nam thập lục).

Nhiều nội dung gây thắc mắc cho phụ huynh

Trong bài “Cách ăn uống” lại có đoạn “Tóm lại, ta phải ăn uống điều độ, đúng giờ, hợp vệ sinh thì mới có lợi cho sức khỏe, không sinh bệnh tật. Ta phải luôn nhớ câu tục ngữ: “Ăn để sống chứ không phải sống để ăn”.

Trên nhiều diễn đàn mạng, có nhiều ý kiến tỏ ra bất bình khi đọc nội dung của cuốn sách và tỏ ra nghi ngờ trước trình độ của người biên soạn cuốn sách này. Được biết, tác giả của cuốn sách hiện là hiệu trưởng của trường THPT Đồng Hòa.

Hồng Thanh