Bí mật hai người vợ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý

Bí mật hai người vợ của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Khác với các nhạc sĩ nổi danh thời nay, thế hệ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, điều lấp lánh duy nhất song hành cùng họ chính là tình yêu. Tình yêu quê hương sắt son, tình yêu cuộc sống nồng nàn, tình yêu đôi lứa thủy chung thắp lửa cho cuộc hành trình sáng tạo mà họ coi như bổn phận với cuộc đời.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong số không nhiều những cây đại thụ lớn của nền âm nhạc Việt Nam vẫn còn tại thế. Tầm ảnh hưởng của nhạc sĩ lớn đến mức nhiều ca khúc của ông được coi là địa phương ca, ngành ca mà các thế hệ sau này vẫn coi là mẫu mực.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Là thế hệ nhạc sĩ Cách mạng đầu tiên tại Việt Nam, âm nhạc của ông gần gũi đại bộ phận công chúng bởi chất liệu dân ca dịu dàng, thắm tình quê hương được ông chắt chiu trải nghiệm qua những chuyến đi thực tế những lần hành quân qua nhiều vùng miền tổ quốc.

Bên kia dốc của một huyền thoại

Giữa lòng Sài Gòn hoa lệ ồn ào, có một căn nhà nhỏ cũ kỹ, tường vôi tróc lở trong một con hẻm nhỏ địa chỉ 94/19 Trần Khát Chân, đó là điểm dừng chân cuối cùng người người nhạc sĩ của Dư âm huyền thoại. Buổi trưa Sài Gòn nóng ngột ngạt dường như không đủ để căn nhà tuềnh toàng với vài chiếc ghế gỗ cũ kỹ, bộ ấm chén cộc cạch ố vàng, chiếc đài cát sét từ những năm 80 han rỉ… bớt đi sự lạnh vắng, buồn tẻ. Một ông lão đã từ rất lâu rồi lừng lẫy thanh danh, giờ gần bán thân bất toại đi lại khó khăn run rẩy bằng chiếc gậy chống ba chân sau hai lần tai biến mạch máu não, đi ra đón tôi bằng nụ cười ấm áp: “Cháu lại đến chơi đấy à, lâu lắm chẳng có ai đến chơi với bác, bác buồn lắm…”.

Kể từ khi biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đau ốm, ở một mình, thỉnh thoảng con cái mới đến thăm nom, mỗi lần có thời gian rảnh rỗi, tôi và vài người bạn hay đến chơi với ông, rồi những người có lòng nghe tin ông bệnh cũng đến thăm biếu ông tiền thuốc men… Nhưng có lẽ điều khiến ông vui nhất chính là có người để nói chuyện, vì phần lớn thời gian ông đều nằm trên giường. Ngôi nhà vẫn vậy, trên ban thờ là hai lư hương của hai người vợ bà cả sống với ông một năm sinh hạ một bé gái thì qua đời, bà thứ hai là Bạch Lê – em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cũng mất từ năm 2004 mà lần nào đến thăm ông, tôi cũng thấy ông bồi hồi nhìn lên, ánh mắt buồn bã.

Năm nay nhạc sĩ 88 tuổi, ông ở một mình, có cô người giúp việc mà ông coi như con đến đỡ đần ông việc nhà, nấu nướng. Ông nói: “Từ khi bà ấy mất, bác sống buồn lắm, hai năm sau bác bị liệt. Con thì đứa ở Hà Nội hơn 10 năm mới vào một lần, một người ở Sài Gòn thì thi thoảng mới đến thăm bác. Nhiều lúc mong các con lắm nhưng bác biết chúng nó cũng bận bịu nên thời gian vui nhất là dịp Tết, bác có thời gian quây quần bên con cháu”.

Một tháng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có 3 triệu tiền lương hưu nhưng phần lớn dùng để mua thuốc trị bệnh, còn vài trăm ngàn để ăn uống sinh hoạt, còn tất cả những chi tiêu khác bà con lại đỡ đần. “Bác phải uống nhiều thuốc lắm toàn thuốc đắt tiền phải tự mua, còn thuốc được cấp ít dùng vì không hiệu quả. Lâu lâu bác lại được người ta trả một ít tiền bản quyền và cũng chả biết ở đâu để đòi nữa”, nhạc sĩ cười buồn.

Tình yêu là tiếng vọng ngàn đời

Nhạc sĩ luôn hỏi chúng tôi, đứa nào có người yêu chưa, các cháu đối xử với bạn gái thế nào, có trân trọng, đúng mực hay không… Rồi, mắt xa xăm, ông kể về thời của mình. “Tình yêu của thế hệ bác ngày xưa thiêng liêng lắm. Yêu là đội nhau lên đầu, thờ phụng nhau. Càng xa càng yêu, yêu đến vong thân trọn kiếp… Bây giờ các cháu có cơ hội gần gũi tìm hiểu nhau thì đừng dễ dãi quá. Càng phải trân trọng tình yêu của mình. Bác viết ca khúc "Dư âm" vì yêu có thể sẽ hết, sẽ quên nhưng "Dư âm" thì nhớ mãi được, nhớ cho đến chết. Nhớ để biết mình yêu”.

NS Nguyễn Văn Tý và vợ (Nguyễn Thị Bạch Lê) thuở mới yêu nhau (1952)

Bài Dư âm là kết quả của một vụ thất tình éo le trong thời trai trẻ hào hoa lãng mạn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Năm 1950, khi ông là đoàn trưởng đoàn văn công sư đoàn 304, đến tán cô chị 21 tuổi nhưng cô em 16 tuổi lại mê ông. Ông kể: “Hồi đó ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, bác được bạn mai mối cho một cô gái và dẫn đến chơi nhà. Nhưng cô ấy nói nhiều, lại không có duyên nên bác không mê.

Một hôm em gái cô ấy e ấp xuất hiện đằng sau. Nàng có đôi mắt to tròn, thánh thiện đẹp nhất mà bác từng thấy. Bác sững người ra nhìn, nhưng cô chị séo xắt liền đuổi ngay cô em vào trong. Thế rồi, gia đình bên kia biết bác phải lòng cô em, nên uất lắm, cấm cửa cả hai. Về nhà bác nhớ quá, nhớ cô gái 16 tuổi bên tường hoa ôm đàn hát ấy, nên viết ra Dư âm. Sau này trong lần đi nghiên cứu dân ca ở Vĩnh yên, trời mưa lớn, bác xin vào trú mưa, thì gặp lại cô ấy, giờ cô ấy là văn công, cô ấy hỏi bác: “Anh có khỏe không? Sao từ đó anh không lại chơi”. Sợ hiểu lầm nên bác nói đôi câu rồi viện lí do đi công tác, sang xóm bên kia, để che dấu những cảm xúc của mình”.

Dư âm có thể coi là ca khúc nhạc tình duy nhất của ông. Ca khúc tuy không được phổ biến ở miền Bắc trong những năm chiến tranh nhưng lại được biểu diễn nhiều ở miền Nam trước năm 1975. Về sau ca khúc được lưu hành rộng rãi, trở thành một trong những bản tình ca được nhiều công chúng yêu thích. Sau này nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có viết thêm bài "Dư âm 2" mang tên Một ánh sao trời (1988).

Nói đến tình yêu là các bậc văn nghệ lão thành thời xưa cụ nào cụ nấy đều hào hứng như thời đôi mươi vậy. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nheo mắt kể: “Bác yêu nhiều và thất tình cũng nhiều. Vợ bác ghen lắm, chở bà ấy đi bằng xe đạp, bác cứ nhìn ai đó là bà ấy nắn đầu cho thẳng lại – “Anh đi đường mà cứ nhìn ngó”. Bác bảo, ra đường, thấy gì đẹp thì phải ngắm chứ. Bà thích hoa, ngày nào cũng mua hoa sao lại cấm tôi không được nhìn phụ nữ đẹp. Nhìn trong sáng mà”.

Hai người vợ của nhạc sĩ đều là những mối tình khắc cốt ghi tâm của ông. “Người vợ đầu tiên chỉ mới hạnh phúc 1 năm và sinh cho bác một cô con gái thì trời không thương bắt bà ấy qua đời. Bác buồn đến thất chí chả muốn sống nữa. Mãi về sau duyên trời run rủi cho bác gặp bà Bạch Lê- em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Bà có vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm vừa buồn vời vợi vừa thanh tao quý phái kiểu xưa. Những năm Bác đi biền biệt, bà về ở với mẹ chồng ở Thanh Chương - Nghệ An. Những khi thấy máy bay địch, bà được mẹ chồng đỡ lên bè chuối đẩy ra giữa sông để tránh bom.

Khi bác được ghé về thăm nhà, lúc đó chiến tranh binh lửa, bặt tin nhau, bác chỉ mong mẹ và vợ mình còn sống. Thật không ngờ, lần đó bác còn được làm cha lần thứ hai. Bác còn nhớ, lúc đó bác run lắm, rón rén vén mùng và hạnh phúc dâng trào. Một gương mặt trắng xinh, bầu bĩnh, tròn như trăng rằm, một đôi môi hé nở đỏ tươi như hoa đào... Tình cảm ấy, hình ảnh ấy là cảm xúc mãnh liệt vô ngần để bác cho ra đời ca khúc Mẹ yêu con: "Mẹ thương con có hay chăng. Thương từ khi thai nghén trong lòng. Mấy nắng sớm chiều mưa ròng. Chín tháng so chín năm gian khó tính khôn cùng À ru hời ơ hời ru..."

Khi nào các cháu có con, các cháu sẽ hiểu hết tại sao bác lại viết: ‘Miệng con chúm chím xinh xinh. Như đài hoa đang hé trên cành. Khát nắng sớm và sương lành...”. Nhạc sĩ ngân nga hát lại cho chúng tôi nghe ca khúc mà đứa nào cũng nằm lòng từ thuở bé hay được mẹ hát ru những trưa hè. Nhân vật chính của bài hát hiện đang ở TP Hồ Chí Minh, vẫn thường tới lui thăm bố cùng chàng rể chịu thương chịu khó không ngại đường xa chở vợ về mỗi khi rảnh rỗi.

Hàn huyên hồi lâu, thấy ông thấm mệt, tôi giục nhạc sĩ đi nằm nghỉ. Trước khi về, nhạc sĩ nắm tay chúng tôi bảo, rảnh thì đến chơi với bác nhé.

Thiên Ca

* Bài đăng trên ấn phẩm phụ báo ĐSPL