Biển trong tâm thức người Việt

Biển trong tâm thức người Việt

Chủ nhật, 10/02/2013 | 08:00
0
Một bạn nhà thơ người Mỹ khi sang Việt Nam đã nói với tôi: “Các bạn đang sở hữu một món quà tuyệt vời, nhiều bãi biển tuyệt đẹp. Vịnh Hạ Long độc đáo, kỳ thú mà không phải đất nước nào trên thế giới này có được”.

Tôi không thể lý giải hết cho người bạn Mỹ sự kỳ diệu của biển và tình yêu biển đắm say của những người dân Việt. Chỉ vắn tắt rằng, từ bao đời nay, biển đã trở thành một nửa trong máu thịt và tâm hồn người Việt Nam.

Từ thưở ấu thơ, tôi đã được cha mình dạy rằng, chúng ta là “Con Rồng, cháu Tiên”. Truyền thuyết này bắt đầu từ Lạc Long Quân và Âu Cơ - hai vị thần sinh ra dân tộc Việt có với nhau 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi và 50 người theo cha xuống biển.

Lạc Long Quân, vị thủy tổ đầu tiên của người Việt thuộc loài Rồng. Cuộc hôn nhân Lạc Long Quân - Âu Cơ, với sự gắn kết sống chết cùng sông nước của loài Rồng như một tiên báo về định mệnh của dân tộc Việt. Và cũng từ đây, tâm thức biển được hình thành ngay từ thuở ấu thơ của con người - từ thời Đức tổ Lạc Long Quân - Âu Cơ. Mối nhân duyên kỳ vĩ này là sự hình thành nên nước Việt.

Lạ & Cười - Biển trong tâm thức người Việt

Không phải ngẫu nhiên, từ buổi sơ khai của dân tộc Việt, trên các trống đồng Văn Lang –Âu Lạc cách đây hơn 2.000 năm đã được tìm thấy, phần lớn đều khắc hình thuyền buồm lướt sóng. Những cỗ quan tài của người cổ xưa là hình ảnh con thuyền được đóng từ những cây gỗ lớn… Ở đất nước chúng ta, trên dọc bờ biển dài hơn 3.000 km đầy bí ẩn và kỳ thú này, không ở đâu không có những ngôi đền thờ thần biển, thờ cá Voi của ngư dân chài lưới…

Tổ tiên người Việt từng có tục xăm mình ngay từ thời cổ đại kéo dài cho tận thời Trần. Người Việt cổ xăm trên thân thể mình hình thù thuồng luồng, ba ba, rồng rắn… nhằm mục đích khi sống cùng sông nước sẽ tránh được mối đe dọa hiểm nguy của các loài thủy tặc. Tất cả những điều đó không là gì khác chính là tinh thần của tâm thức biển. Và vì thế, biển là một giá trị thiêng liêng, tồn tại vĩnh cửu trong tâm hồn và thể xác của mỗi người dân nước Việt.

Lịch sử nước Việt hàng ngàn năm qua là lịch sử của những khúc ca bi tráng và trữ tình về thân phận con người. Ý chí và sức sống mãnh liệt của người Việt được cất lên từ những tiếng hát trong thẳm sâu của trạng thái tâm thức bi tráng và trữ tình đó. Mảnh đất hình chữ S đầy phong ba và bão tố này đã bị những người láng giềng hùng mạnh phương Bắc đến đô hộ gần 1.000 năm, và liên tiếp các cuộc xâm lăng nhằm thôn tính, khuất phục đến từ bên cạnh và cả ở những quốc gia bên kia bán cầu. Nhưng họ đã gặp phải sự nổi dậy, chống trả quyết liệt. Cho đến nay,  nước Việt đã trải qua bao thăng trầm, có nụ cười và đẫm nước mắt đau thương, nhưng Tổ quốc vẫn  vẹn nguyên…

Và bởi vì, sau mất mát đau thương to lớn, sau những cuộc chiến tranh tàn khốc, tội ác và hận thù, người dân Việt luôn khao khát vươn tới cuộc sống thanh bình, vươn tới vẻ đẹp, tình yêu, lòng bao dung. Thành ngữ “Lấp biển vá trời” hay “Rẽ nước biển Đông để tìm sinh lộ” là những tuyên ngôn vang lên ý chí và sức mạnh từ thuở xa xưa, khi tổ tiên ta còn trong thời hồng hoang dựng nước.

Cách đây gần 2.000 năm, nữ tướng Triệu Thị Trinh, người con gái đất Cửu Chân, từng khát khao mơ ước chinh phục biển cả tai ương bằng những lời thơ dũng mãnh, đã khắc sâu trong ý thức của nhân dân: “Tôi muốn cưỡi gió mạnh/ Đạp bằng sóng dữ/ Chém cá kình ở biển Đông”. Năm 1075 - 1077, danh tướng Lý Thường Kiệt, khi mang quân chống lại quân Tống xâm lược, đã cho người đọc vang bài thơ Sông núi nước Nam: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Đó là một bản tuyên ngôn vĩ đại về chủ quyền đầu tiên của dân tộc, cũng là ý thức hệ của mọi người dân trong quá trình xây dựng một quốc gia độc lập và chiến thắng oanh liệt kẻ thù ngoại xâm.

Có lẽ cũng vì thế mà thiên nhiên, biển cả từ lâu trở thành một phần máu thịt trong thể xác và tâm hồn của nhân dân. Trong tâm thức của mọi người, biển mặc nhiên tồn tại. Vì lẽ đó, biển luôn ám ảnh và có mặt ở mọi nơi trong cuộc sống của con người. Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Nguyên - Mông, những vần thơ quả quyết, hào khí vang lên dũng mãnh của Trần Quang Khải (1241- 1294) từ bến sông Nhị Hà: “Bến Chương Dương cướp giáo/Cửa Hàm Tử bắt Hồ/ Thái bình càng củng cố/ Muôn thuở nước non nhà”. Đó là tuyên ngôn của một ý thức sống, là sức mạnh của lòng quả cảm, yêu nước trước nạn xâm lăng, đồng thời là tuyên ngôn cho một khát vọng và niềm tin không gì lay chuyển về một sự bền vững hòa bình muôn thuở.

Nhưng với dân tộc ta, tinh thần biển không chỉ vang lên trong các cuộc chiến tranh chống xâm lăng, mà sau chiến tranh, cho dù phải trải qua xiết bao biến động, những đe dọa khốc liệt của dòng đời, thậm chí ngay cả tai họa đến từ cái chết, ông cha ta không ngừng thấu thị một tâm thế an nhiên tự tại trước biển trời sông nước. “Trước sân nhà trai, tiếng chim khuya khắc khoải kêu dưới bóng trăng/ Sông biển trước chùa, chính là hình ảnh chân thực về người” (Đoàn Văn Khâm, 1173- 1210). “Vạn dặm sông xanh, trời vạn dặm/ Từng miền dâu ruối, khói quanh miền/ Ông chài ngon giấc không ai gọi/ Tỉnh dậy sau mưa, tuyết ngậm thuyền“ (Dương Không Lộ, 1016-1094 ). Trần Nhân Tông (1258 - 1308), vị vua anh minh hai lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, là một bậc trí giả, vị Phật hoàng, người đã sáng lập Thiền phái Trúc lâm Yên Tử. Ông có một tâm hồn lớn, sâu thẳm và tuyệt đẹp, một trái tim nhân ái bao dung của biển cả, một tình thương xuyên thấu vũ trụ, đủ để ôm chứa biển trời sông nước: “Khách đến chơi không hỏi việc đời/Cùng đứng tựa lan can ngắm biển khơi mờ mịt ở chân trời”…

Đưa ra một vài ví dụ trên để chúng ta cùng chia sẻ: tinh thần của biển đến từ mọi giác quan và cảm xúc của nhân dân. Biển với người Việt vừa mang nỗi niềm trắc ẩn vừa là niềm vui thanh khiết, nhưng cứng cỏi, giàu thi hứng, ý vị sâu sa...

Tất cả những thiên tài nước Việt đều mang chứa trong tâm hồn nguồn thi hứng lớn lao từ biển. Với Đức Thánh Trần, biển là trang ấp, là sân nhà, là nơi vùi thây quân xâm lược. Với Nguyễn Trãi, là khát vọng sống: “Bốn phương biển cả thanh bình”, là bao dung, nhân nghĩa và tha thứ. Ở Nguyễn Du, biển là “Tâm”, là nỗi niềm thăng trầm trắc ẩn, là cõi bể dâu muôn nỗi của kiếp người.

Tinh thần của biển ở mỗi người dân Việt cả trong quá khứ và hiện tại, là những tiếng hát của tự do và nhân bản. Nó được nuôi dưỡng từ một tình yêu biển trong sáng, chân thực và một cách nhìn thấu suốt, đa dạng trong mọi chiều kích của đời sống nội tâm phong phú kỳ diệu của con người. Trần Thánh Tông (1240- 1290), vị Hoàng đế vĩ đại, có khả năng kết hợp tài tình giữa tinh thần tự hào dân tộc chiến thắng Nguyên - Mông với tình yêu cuộc sống yên vui thanh bình, và phong độ ung dung phóng khoáng, tự tin: “Sáng chơi trên ngọn núi có đám mây nổi/ Tối về ngủ ở eo biển trăng sáng/Bỗng nhiên được hứng thú hay/Muôn hình tượng nảy sinh ra đầu ngọn bút”.

Vậy là đã đối lập với cuộc chiến tranh xâm lược của quân Nguyên - Mông trước đó. Không phải chỉ là hòa bình mà là an nhiên tự tại, là thơ ca và tình yêu cuộc sống. Một ngọn núi, một đám mây, một eo biển rực rỡ ánh trăng… và muôn màu sắc, hình tượng đẹp đẽ, hứng thú tràn về… Tất cả là thiện tính, là vẻ đẹp và là đối trọng với chiến tranh, với tội ác.

Với tinh thần như vậy về biển, đương nhiên không thể loại bỏ được chiến tranh, loại bỏ được độc tài, môi trường, xung đột văn hóa, bệnh tật và đói nghèo…, nhưng đó là dấu ấn khắc sâu vào đá, là sự thức tỉnh văn hóa, là ánh sáng chống lại bóng tối.

Tất cả những điều nói trên, không có gì khác hơn là khẳng định những giá trị về biển, là khát vọng mà người dân Việt ngàn đời luôn tự do cất lên tiếng hát thuần khiết, ôm chứa biển cả thân yêu của quê hương.

Thế kỷ 21 được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Sự gắn bó của con người với biển ngày càng vô cùng quan thiết. Nhưng biển đang bị đe dọa, đang đứng trước nhiều nguy cơ và hiểm họa bởi lòng tham và những dã tâm xâm chiếm của nhiều thế lực cực đoan.

Người Việt vốn yêu tự do và hòa bình, nhưng giờ đây đang hàng ngày phải đối mặt với những nguy cơ làm tha hóa biển của các thế lực nhiều toan tính.

Hơn lúc nào hết, chúng ta, với khả năng thiên bẩm của tình yêu Tổ quốc, của tình yêu biển, bằng cảm quan của thứ ánh sáng minh triết và tuệ giác, thứ ánh sáng sinh ra từ tinh thần biển, có khả năng chế ngự bóng tối, chế ngự những mưu toan làm vẩn đục tinh thần của biển.

Phải chăng đó chính là lối thoát cho tinh thần mới của biển, của không gian giao tiếp hôm nay.

Theo Đầu tư

Bình minh trên bãi biển đẹp nhất hành tinh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
Một buổi sáng như các buổi sáng thường ngày, thả bộ thư giãn trên bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng, một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, du khách sẽ khám phá ra nhiều điều giản dị mà thú vị.

Những bãi biển mê hồn người đến

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
Đến biển không chỉ được tận hưởng làn nước mát lạnh cùng hít thở bầu không khí trong lành mà còn được thưởng thức những đặc sản biển ngon, hấp dẫn. Dưới đây là những bãi biển mà bạn không nên bỏ qua mùa hè năm này. Biển vẫn là lựa chọn ưa thích của nhiều cá nhân và gia đình mỗi dịp mùa hè đến.

Ngắm những vịnh biển đẹp nhất thế giới

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
Hút hồn khách du lịch ngay từ cái nhìn đầu tiên, vẻ đẹp thiên nhiên của những vịnh biển này luôn là điểm đến tuyệt vời nhất thu hút du khách khắp nơi trên thế giới.

Hoang sơ biển Vinh Hiền

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
Đến với biển Vinh Hiền là đến với những bãi biển rất hoang sơ, đến với làng chài cùng những người ngư dân rất hiền lành tốt bụng và hiếu khách.