Bộ GD&ĐT biên soạn SGK: Lo “phá sản” việc thực hiện nhiều bộ sách

Hoàng Thị Bích
Thứ 5, 26/10/2023 | 18:17
0
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng vẫn cần có một bộ SGK nhưng thời điểm thích hợp là khi chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ về các điều kiện hạ tầng.

Xoay quanh vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có nên biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa (SGK), bên hành lang Quốc hội chiều 26/10, Người Đưa Tin (NĐT) đã lắng nghe ý kiến phân tích từ ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đoàn Hải Dương.

Không phải thời điểm cần có thêm bộ SGK của Bộ

NĐT: Thưa đại biểu, mới đây, Đoàn Giám sát của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến yêu cầu làm một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn, bà nhìn nhận thế nào về nội dung này?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi tham gia Quốc hội từ khóa XIV, việc ban hành Nghị quyết 51 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2018, tôi cũng là một trong những thành viên bấm nút thông qua.

Trả lời cho câu hỏi vì sao có nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có một bộ SGK?

Trong Nghị quyết 51 của Quốc hội cũng nêu rất rõ việc thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK, đây là thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Chúng ta có một chương trình nhiều bộ SGK trong đó có một bộ SGK do Bộ GD&ĐT biên soạn và phát hành. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện Bộ GD&ĐT báo cáo Quốc hội những khó khăn, vướng mắc và xin điều chỉnh nội dung của Nghị quyết.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thứ nhất, ở thời điểm đó đã có những bộ SGK được Bộ thẩm định và đã xuất bản đủ điều kiện để dạy cho học sinh (nghĩa là có hơn một bộ SGK lúc bấy giờ).

Thứ hai, do triển khai hơi chậm cho nên Bộ Giáo dục và Đào tạo bị động trong vấn đề mời các tác giả viết sách và chủ biên sách giáo khoa. Bởi, lúc bấy giờ các tác giả viết sách và chủ biên sách giáo khoa đã và đang tham gia với các tổ chức cá nhân khác để biên soạn các bộ SGK khác nhau. Cho nên, dẫn tới tình trạng nguồn nhân lực thiếu, nếu như vẫn tiếp tục yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK ngay trong thời điểm đó thì vô cùng khó cho Bộ.

Hơn nữa, đấy là thời điểm chúng ta bắt tay vào thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho nên còn nhiều nhiệm vụ khác nhau mà Bộ phải triển khai.

Giáo dục - Bộ GD&ĐT biên soạn SGK: Lo “phá sản” việc thực hiện nhiều bộ sách

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga trao đổi với Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội chiều 26/10 (Ảnh: Hoàng Bích).

Năm 2023, có cuộc giám sát của UBTVQH chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông". Trong kết luận nêu rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực hiện được nội dung biên soạn SGK và yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này.

Sau kết luận này có nhiều ý kiến được đặt ra xung quanh việc là “Bộ GD&ĐT có nên ban hành bộ sách này hay không?”

Thứ nhất, Chính phủ và Bộ GD&ĐT vẫn đề nghị không ban hành với lý do hiện nay chúng ta đã có nhiều Bộ SGK, đủ tiêu chuẩn, điều kiện để giảng dạy cho học sinh, đủ cho các trường lựa chọn nên Bộ không cần thiết phải biên soạn một bộ sách.

Thứ hai, nếu Bộ biên soạn một bộ sách thì rất dễ rơi vào độc quyền. Bởi, cơ sở giáo dục, các nhà trường được quyền chọn sách không tránh khỏi tình trạng giáo viên để an toàn họ sẽ chọn ngay bộ sách của Bộ.

Vì công việc chọn SGK không đơn giản, mất thời gian, vất vả, có bao nhiêu bộ SGK giáo viên bắt buộc phải đọc hết, sau đó so sánh đối chiếu với nhau để tìm ra một bộ SGK ưu việt nhất, phù hợp nhất với đối tượng học sinh của mình.

Vậy, nếu có một bộ sách của Bộ thì không tránh khỏi việc sẽ nhất loạt chọn sách của Bộ để đỡ phải đọc nhiều. Theo niềm tin của người trong ngành thì sách của Bộ biên soạn chắc chắn tốt rồi, trong quy định cũng không quy định các trường không được dạy các bộ SGK giống nhau. Vậy thì sẽ không tránh khỏi độc quyền.

Thứ ba, khi các cơ sở giáo dục đều chọn sách của Bộ thì sẽ dẫn đến “phá sản” việc chúng ta thực hiện nhiều bộ SGK, lại quay về một bộ SGK. Vậy, các tổ chức, cá nhân đã đầu tư để biên soạn SGK thì họ sống như thế nào?

Thêm nữa, một vấn đề đặt ra chính sách xã hội hóa SGK, chương trình giáo dục phổ thông một chương trình nhiều bộ SGK thì thực hiện ra sao?

NĐT: Thưa bà, cũng có ý kiến cho rằng là có lãng phí hay không khi chúng ta đã có rất nhiều SGK để lựa chọn, bây giờ lại lấy ngân sách Nhà nước để biên soạn thêm một bộ sách?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Có cần thêm bộ SGK nữa hay không? quan điểm của tôi là vẫn cần. Vì trong Nghị quyết, chủ trương thực hiện một chương trình nhiều Bộ SGK chúng ta không nói 5,6,7 hay 10 bộ.

Sách giáo khoa dù sao cũng là một mặt hàng, cho dù nó là một mặt hàng đặc biệt đi chăng nữa. Vậy, khi càng có nhiều nhà cung cấp, càng có nhiều mặt hàng thì càng có nhiều sự chọn lựa phong phú khác nhau.

Cũng như người đi mua hàng, khi không có sự chọn lựa nào thì bắt buộc phải mua một mặt hàng duy nhất được cung cấp. Nhưng, khi có nhiều sự lựa chọn thì quyền chọn lựa sẽ tốt hơn. Tạo ra thế cạnh tranh giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn sách, điều này học sinh, giáo viên, phụ huynh là người được hưởng lợi.

Sách giáo khoa chúng ta không chốt bao nhiêu bộ là đủ, nhiều cũng được không sao cả nhưng bắt buộc các tổ chức cá nhân phải có sự cạnh tranh với nhau.

Giáo dục - Bộ GD&ĐT biên soạn SGK: Lo “phá sản” việc thực hiện nhiều bộ sách (Hình 2).

Tạo ra thế cạnh tranh giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn sách.

NĐT: Ngoài câu chuyện lo ngại về lãng phí, nhiều ý kiến cũng lo ngại về tình trạng độc quyền nếu Bộ đứng ra biên soạn sách?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Ở thời điểm này, nếu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ SGK thì chắc chắn rơi vào độc quyền, chắc chắn lại quay trở lại một bộ SGK.

Theo đánh giá của cá nhân tôi qua quá trình đi đánh giá, giám sát cũng như tìm hiểu, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay với SGK, với chọn lựa SGK và thực hiện Chương trình giáo dục mới là nhận thức của xã hội nói chung về việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tôi thấy, có một phần lớn người dân chưa hiểu được là: Tại sao phải có nhiều bộ SGK? Và người dân chưa hiểu được sự ưu việt khi một chương trình có nhiều bộ SGK.

Chúng ta xây dựng một chuẩn chương trình cần đạt được cho học sinh. Ví dụ, chuẩn chương trình yêu cầu học sinh học hết lớp 1 phải đọc thông viết thạo đối với bộ môn Tiếng Việt, hay ví dụ với môn Toán là cộng, trừ, nhân, chia trong phạm vi 10.

Với SGK, giáo viên có quyền lựa chọn bất cứ bộ sách nào để dạy cho học sinh. Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, việc dạy bộ SGK nào không quan trọng mà quan trọng là hết lớp 1 học sinh được “nghiệm thu” để xác định các em có đọc thông viết thạo, có làm phép tính thành thạo được trong phạm vi 10 theo đúng chuẩn chương trình hay không?.

Khi học sinh đạt được đúng chuẩn chương trình này, SGK không quan trọng nữa mà quan trọng là học sinh đạt được chuẩn kỹ năng. Đây là điều ưu việt.

Đội ngũ giáo viên phải thực sự bản lĩnh, có năng lực

NĐT: Như bà phân tích, rõ ràng chúng ta xây dựng một chuẩn chương trình cần đạt được cho học sinh, nhưng hiện nay theo bà chúng ta còn thiếu điều gì?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải thực sự bản lĩnh và có năng lực. Bởi thay vì được cung cấp sẵn một bộ SGK để dạy thì giáo viên phải tự chịu trách nhiệm để tìm hiểu và lựa chọn SGK phù hợp để dạy cho học sinh.

Như vậy, đòi hỏi giáo viên phải am hiểu về đối tượng học sinh của mình, bởi không phải học sinh nào cũng giống học sinh nào.

Lợi ích với học sinh là các em không bị phụ thuộc vào SGK. Từ đó, triệt tiêu được dạy vẹt và học vẹt. Tiếp đó là xây dựng được một thế hệ công dân mới không suy nghĩ theo lối mòn, không hành động dập khuôn, các em sẽ trưởng thành và sống đầy bản lĩnh, biết đưa ra ý kiến, chính kiến, linh hoạt trong mọi vấn đề của cuộc sống.

Đây là ý nghĩa và mục đích của Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng rất tiếc đến thời điểm này, chưa nhiều người thấm thía được tính ưu việt của chương trình mới.

Vì chưa thấm được tính ưu việt, cộng với việc chúng ta chuẩn bị chưa kỹ về mặt cơ sở hạ tầng giáo dục nên chương trình giáo dục chưa phát huy được.

Giáo dục - Bộ GD&ĐT biên soạn SGK: Lo “phá sản” việc thực hiện nhiều bộ sách (Hình 3).

Đội ngũ giáo viên phải thực sự bản lĩnh và có năng lực (Ảnh: Hữu Thắng).

NĐT: Những cái khó nữa trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay, theo bà đó là gì?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Cơ sở hạ tầng đầu tiên chính là giáo viên. Chúng ta đang sử dụng một đội ngũ giáo viên đang giảng dạy mấy chục năm chương trình cũ để chuyển sang chương trình mới. Chỉ đơn giản là đưa cho họ SGK mới và vài ngày tập huấn thì toàn bộ tư duy của giáo viên chưa chuyển kịp giữa thực hiện chương trình cũ sang chương trình năm 2018.

Tư duy này rất quan trọng, nếu không bắt kịp, giáo viên sẽ cảm thấy khó khăn, phức tạp, rắc rối và vất vả… Trong quá trình chọn SGK, giáo viên cũng sẽ cảm thấy vô cùng áp lực.

Thậm chí, chúng ta chưa đào tạo được đội ngũ giáo viên dạy những môn học mới. Ví dụ như dạy liên môn ở cấp THCS, vẫn sử dụng giáo viên đào tạo đơn môn để dạy liên môn.

Bên cạnh đó, quá trình tuyên truyền, truyền thông mục đích của việc đổi mới SGK cũng chưa được thực hiện trọn vẹn. Chính vì thế, đã gây nên rất nhiều dư luận và áp lực cho ngành giáo dục.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Không cần thiết có thêm một bộ sách

Cùng trao đổi về vấn đề này bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thừa Thiên  - Huế) cho rằng, việc Bộ GD&ĐT biên soạn mới một bộ SGK như dự kiến bây giờ sẽ tốn kém kinh phí, thời gian, đầu tư chất xám.

“Theo tôi, không cần thiết phải có thêm một bộ sách nữa mà phải dựa trên những bộ sách đang hiện hành, có nhiều bộ sách để ta lựa chọn những nội dung phù hợp nhất cho từng môn học, bậc học, lớp học”, đại biểu Sửu nêu ý kiến.

ĐBQH Hoàng Văn Cường: “Hết sức cân nhắc” việc Bộ GD&ĐT biên soạn SGK

Thứ 4, 25/10/2023 | 15:13
Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường khi cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo lại xây dựng lên một bộ sách thì người ta sẽ ngầm hiểu rằng bộ sách đấy được chỉ định.

Trả lại quyền quyết định chọn sách giáo khoa cho giáo viên

Thứ 4, 25/10/2023 | 06:56
Để việc lựa chọn SGK được hiệu quả cũng đòi hỏi đội ngũ giáo viên có chuyên môn, trình độ để đưa ra những đánh giá phù hợp.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy: Cẩn trọng khi thay đổi chính sách giữa chừng

Thứ 3, 24/10/2023 | 16:48
Nếu có một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT biên soạn, nguy cơ quay về thời kỳ độc quyền, mất cạnh tranh công bằng sẽ rất dễ xảy ra.
Cùng tác giả

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét 39 nội dung

Thứ 4, 15/05/2024 | 16:31
Dự kiến Kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 và bế mạc vào chiều ngày 27/6. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội với 2 đợt.

Nhiều kết quả tích cực về chuyển đổi số trong truyền thông pháp luật

Thứ 4, 15/05/2024 | 16:09
Sáng kiến nâng cao cơ hội được tiếp cận hoạt động truyền thông pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động phi chính thức ở 5 xã thuộc Nghệ An.

Ứng dụng CNTT trong tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý là xu thế tất yếu

Thứ 4, 15/05/2024 | 16:07
Sau 12 tháng triển khai thí điểm, sáng kiến đã xây dựng được mạng lưới truyền thông pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý trên nền tảng kỹ thuật số.

Cử tri lo lắng về giá vàng liên tục biến động và tăng cao

Thứ 4, 15/05/2024 | 11:10
Ban Dân nguyện kiến nghị UBTVQH đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, có giải pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường vàng.

Bộ Y tế vào cuộc vụ hàng trăm người nghi ngộ độc thực phẩm ở Vĩnh Phúc

Thứ 4, 15/05/2024 | 08:51
Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương điều trị cho bệnh nhân và tổ chức điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam.
Cùng chuyên mục

Huyện nghèo xây trường học tiền tỷ rồi bỏ hoang vì không có học sinh

Thứ 4, 15/05/2024 | 17:59
Việc một số điểm trường có vốn đầu tư hàng tỷ đồng, xây dựng xong rồi bỏ hoang hoặc chậm đưa vào sử dụng đã gây lãng phí ngân sách Nhà nước, khiến dư luận bức xúc.

Nhà khoa học là trụ cột xây dựng đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo

Thứ 4, 15/05/2024 | 17:06
Đại học Quốc gia Hà Nội chú trọng ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình, đề tài KH&CN trọng điểm quốc gia trong thời gian tới.

Cần "năng động" trong hoạt động đào tạo đội ngũ nhà giáo

Thứ 4, 15/05/2024 | 17:05
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh Đại học Sư phạm Hà Nội cần điều chỉnh góc nhìn, nhận diện vị trí, vai trò, qua đó xác định sứ mệnh, trách nhiệm với ngành.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có tân Hiệu trưởng

Thứ 4, 15/05/2024 | 14:18
Bộ GD&ĐT kỳ vọng nhà trường sẽ đóng góp tích cực và thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Bình Thuận chi hơn 215 tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho học sinh

Thứ 4, 15/05/2024 | 13:54
Việc hỗ trợ học phí cho học sinh năm học 2023 - 2024, giải quyết nguyện vọng chính đáng cho phụ huynh học sinh các hộ gia đình khó khăn.
     
Nổi bật trong ngày

Bản tin 14/5: Gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm

Thứ 3, 14/05/2024 | 06:00
Gần 2.000 trẻ dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước mỗi năm; Xe đầu kéo bốc cháy sau va chạm liên hoàn, nhiều người bị thương...

Bình Thuận chi hơn 215 tỷ đồng để hỗ trợ học phí cho học sinh

Thứ 4, 15/05/2024 | 13:54
Việc hỗ trợ học phí cho học sinh năm học 2023 - 2024, giải quyết nguyện vọng chính đáng cho phụ huynh học sinh các hộ gia đình khó khăn.

Dự báo thời tiết ngày 14/5/2024: Miền Bắc có nơi trở mưa to

Thứ 3, 14/05/2024 | 05:00
Tin tức dự báo thời tiết mới nhất trong hôm nay (14/5). Cập nhật tin tức dự báo thời tiết nhanh và chính xác nhất trên Người Đưa Tin.

Giữa tháng 5, miền Bắc lại sắp đón không khí lạnh yếu

Thứ 3, 14/05/2024 | 21:02
Dự báo do tác động của một đợt không khí lạnh yếu tăng cường, miền Bắc sắp chuyển trạng thái mưa dông, có nơi mưa rất to.

Cần "năng động" trong hoạt động đào tạo đội ngũ nhà giáo

Thứ 4, 15/05/2024 | 17:05
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh Đại học Sư phạm Hà Nội cần điều chỉnh góc nhìn, nhận diện vị trí, vai trò, qua đó xác định sứ mệnh, trách nhiệm với ngành.