Bóc mẽ công dụng của “thuốc tiên” chữa bách bệnh

Bóc mẽ công dụng của “thuốc tiên” chữa bách bệnh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
"Lục vụ thần tiên" được quảng cáo là bài thuốc có 6 vị "thuốc tiên" với khả năng chữa trị được những loại bệnh nguy hiểm như liệt nửa người, méo mồm, chấn thương, đau răng, loét miệng…Tuy nhiên, công dụng thực tế của loại thuốc này lại khác xa so với những gì đã quảng cáo.

Công dụng... ngoài mong muốn?

Nội dung quảng cáo của bài thuốc "Lục vụ thần tiên" cho thấy, đây là bài thuốc chữa được rất nhiều nhóm bệnh như: Đau ê ẩm, mệt mỏi, đau lưng, đau xương, viêm đa khớp cấp mãn tính, đau 320 cơ, 360 khớp, đau đầu, cổ, vai, gối, lưng, thoái hóa, gai đôi, vôi hóa, gù, tọa... (sử dụng Lục vụ thần tiên sẽ cho kết quả đều, nhẹ sau vài giờ hoặc vài ngày uống thuốc. Hết thuốc mà vẫn đau là chưa hết gốc bệnh, cần uống một vài bữa nữa mới khỏi. Nếu không muốn bệnh quay lại thì hàng tháng, hàng năm nên nhắc lại vài lần sẽ khỏi.

Tiếp đến điều trị các bệnh nguy hiểm như đau thần kinh tọa, liệt nửa người, méo mồm, chấn thương; Đau răng, loét lợi, loét miệng, hôi miệng, chảy máu, chảy mủ chân răng, lung lay nhẹ; Viêm mũi hang, xoang A, ù tai, mủ tai, ho hen, cảm cúm; Rối loạn kinh nguyệt, chậm đẻ, đái buốt, đái đục, viêm tuyến tiền liệt. Đặc biệt, các bệnh ngoài da càng thần hiệu hơn khi bớt ngứa nhanh, nấm tóc, nấm móng, song hóa, chàm hóa, viêm da thần kinh, ngứa toàn thân, dị ứng, tổ đỉa, lang ben, bạch biến, vẩy nến, sẹo lồi, dị ứng, Lyput - Guote...

Xã hội - Bóc mẽ công dụng của “thuốc tiên” chữa bách bệnh

"Phòng khám" tại cơ sở xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. (Ảnh chụp lại từ clip)

Ngoài ra, “Lục vụ thần tiên” còn điều trị cho một số loại bệnh khác như sỏi thận, sỏi mật, gầy còm, kém ăn, mồ hôi trộm, huyết áp hạ, zona, bệnh mắt, các bệnh nhiễm trùng cấp và mãn tính, viêm đại tràng cấp và mãn tính... Bài thuốc này đã được tín nhiệm nhiều nơi trong và ngoài nước, chữa được rất nhiều bệnh mà bệnh nhân đã chữa nhiều năm, nhiều nơi chưa khỏi. Đặc biệt công dụng của thuốc được nhấn mạnh khi chữa một bệnh có thể khỏi nhiều bệnh.

Để chứng minh hiệu quả, nội dung quảng cáo còn khẳng định bài thuốc đã được theo dõi trên 42.740 lượt bệnh nhân, tuyệt đối an toàn trong 20 năm vì có kết hợp đông - tây y, cộng với kinh nghiệm gia truyền, cấp Filatop nên hiệu quả và rẻ nhất so với các thuốc đông - tây y hiện có trên thị trường (!?). Đồng thời nhấn mạnh, không chỉ có các bệnh nhân trong cả nước sử dụng mà nhiều bệnh nhân ở Anh, Mỹ, Canada, Hồng Kông vẫn gửi tiền về lấy thuốc.

Đề cập tới chất lượng thuốc, anh Trần Tuấn Thành (trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho biết, do bị viêm xoang mãn tính, chữa nhiều nơi không khỏi và do tâm lý có bệnh vái tứ phương nên khi được người quen giới thiệu anh Thành đã tìm tới cơ sở khám chữa bệnh của bà Kiệm (BS Yên) tại huyện Thanh Trì để khám. Sau khi khám, được bác sĩ ở đây đưa cho 4 túi thuốc (bên trong có 6 gói thuốc nhỏ với đầy đủ màu sắc, xanh, trắng, đỏ..., tiền khám và tiền thuốc mất hơn 400.000 đồng) bảo mang về uống theo tờ giấy hướng dẫn. Tuy nhiên mới uống được 2 ngày anh Thành cảm thấy người mệt mỏi, luôn trong trạng thái lơ mơ, cả ngày buồn ngủ nên anh Thành không dám uống theo chỉ dẫn nữa.

"Nếu tiếp tục uống sẽ chẳng biết có gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe của mình không vì tìm mãi trong gói thuốc không thấy có chỉ dẫn hay chú thích nào đề cập tác dụng phụ sau khi uống ra sao nên tôi phải tạm dừng uống thuốc ngay. Đúng là tiền mất lại còn mua thêm sự lo lắng vào người!" - anh Thành bức xúc.

Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Thanh Huyền (trú tại Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cho biết thêm: "Qua tìm hiểu một số thông tin có nói về hiệu quả của bài thuốc Lục vụ thần tiên và được trực tiếp người quen giới thiệu đến lấy thuốc tại cơ sở khám ở huyện Thanh Trì, tôi đã cất công tìm đến tận nơi với mong muốn mua thuốc về uống để điều trị dứt điểm căn bệnh đau đầu của mình. Tuy nhiên, sau khi uống được 3 ngày, cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, người nôn nao. Thậm chí mí mắt lúc nào cũng muốn sụp xuống, đầu thường xuyên có cảm giác đau buốt. Lo lắng, tôi đã tới bệnh viện Bắc Ninh thăm khám, kể rõ tình trạng dùng thuốc của mình và được các bác sĩ ở đây yêu cầu phải dừng ngay loại thuốc đó vì nếu tiếp tục uống sẽ có thể gây nguy hại tới tính mạng".

Không chỉ hai trường hợp trên, ngay bản thân PV Nguoiduatin.vn khi đến thăm khám cũng được người khám ở cơ sở này bấm huyệt, ghi tên bán thuốc. Trong gói thuốc chỉ có tờ quảng cáo về công dụng của bài thuốc, địa chỉ cơ sở và một góc ghi ngày uống 2 lần (sáng và tối sau khi ăn uống 10 viên đỏ, 10 viên đen, 2 viên nâu, 2 viên trắng to, 1 viên trắng bé, 1 viên vàng với dòng chú thích chỉ kiêng rượu, bia và nếu thấy đỡ thì uống ngày 3 lần). Rõ ràng chỉ dẫn này rất mập mờ vì người bệnh không hiểu liều uống đó dùng cho cả ngày hay chỉ cho một lần uống.

Uống thuốc không rõ nguồn gốc, mất mạng như chơi!

Trao đổi với PV Nguoiduatin.vn, ông Vũ Văn Hoàng, giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông khẳng định: "ở túi thuốc (túi thuốc do PV cung cấp) này theo quy chế của Bộ Y tế quy định là không đúng tiêu chuẩn quy định. Bởi thuốc được dùng tại các cơ sở y tế, bệnh viện lại khác (có thể mua túi to rồi chia lẻ để sử dụng điều trị trực tiếp cho bệnh nhân và được giám sát của bệnh viện, của bác sĩ có chuyên môn) còn thuốc bán, cho bệnh nhân mang về sử dụng điều trị bắt buộc phải có nhãn mác rõ ràng. Riêng về công dụng của loại thuốc này thì không thể nói được vì không rõ ràng".

Ông Hoàng cũng cho biết thêm: Theo cảm nhận trong túi thuốc có 6 loại thuốc khác nhau, được gói thành những gói nhỏ, có thể thấy có 3 loại thuốc y học cổ truyền (2 loại dạng viên hoàn cứng và 1 loại là viên nén).

Đề cập tới việc có thể sử dụng cùng một lúc thuốc đông - tây y kết hợp, ông Hoàng cho biết: "Hiện tại có thể sử dụng kết hợp cả thuốc đông - tây y vì theo quy định của Bộ Y tế là được phối kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại nhưng phải đảm bảo đúng quy chế về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Ở bệnh viện, cụ thể là các cơ sở khám chữa bệnh, kể cả tư nhân và nhà nước, thì được sử dụng song song nhưng phải có sự kiểm duyệt chặt chẽ theo đúng quy định của ngành y tế. Còn ở đây, nếu các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn khi kiểm tra sẽ thấy sai về mặt quy chế. Riêng đối với công dụng có thật như quảng cáo hay không thì không thể biết được vì không biết nó là cái gì. Đặc biệt theo như quảng cáo cho thấy bài thuốc chữa được rất nhiều nhóm bệnh khác nhau. Nếu mà để một túi thuốc điều trị được nhiều loại bệnh trong đời tôi chưa từng gặp bao giờ. Chỉ cần một dòng theo quảng cáo đã khó rồi chứ chưa nói tới các dòng tên bệnh khác".

Cũng theo ông Hoàng, một bài thuốc có công dụng thật sự cần phải có số lượng, thành phần thuốc cụ thể. Hay công thức bài thuốc bao gồm những vị thuốc gì, số lượng là bao nhiêu. Rồi đến chỉ định điều trị và chống chỉ định ra sao, tiếp đến là cách dùng, liều dùng, ngày sản xuất, hạn sử dụng... Trong trường hợp này không biết thời hạn sử dụng đến bao giờ, nếu sau 5 năm người bệnh vẫn sử dụng sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng bởi theo quy định thời hạn sử dụng của thuốc y học cổ truyền thông thường là 3 năm còn thuốc tây y là 5 năm.

Ngoài ra, theo quy định của Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân trước đây, bây giờ là Luật Khám chữa bệnh có các quy định các phòng khám phải niêm yết giá khám, giá thuốc, giá các danh mục khám cụ thể, kể cả các phòng khám tư nhân hay của nhà nước, đằng này khám chữa bệnh có thu tiền mà không treo biển hiệu, mức giá cụ thể mà họ muốn thu thế nào thì thu là sai quy định và vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật.

Ông Hoàng cũng khuyến cáo, người bệnh khi sử dụng thuốc gì cần phải tìm hiểu và biết rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần, liều lượng cụ thể. Thuốc phải có đầy đủ quy định về quy chế nhãn mác theo quy định của Bộ Y tế, bởi ngay thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày còn có quy định về nhãn mác, giới hạn sử dụng, ngày sản xuất hẳn hoi. Đằng này lại là thuốc chữa bệnh, nó gây ảnh hưởng, có tác dụng phụ trực tiếp đến con người do đó sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt là thuốc y học cổ truyền, nếu dùng không đúng cách sẽ có tác dụng không mong muốn vì có rất nhiều trường hợp bị ảnh hưởng tới tính mạng vì y học cổ truyền có nhiều thuốc độc, nếu dùng sai không chỉ gây phản ứng phụ không mong muốn mà còn có thể đe dọa đến tính mạng người sử dụng.

Hoàng Văn

(Còn nữa)