Bóc mẽ

Bóc mẽ "dị nhân" chữa bệnh bằng "nhất dương chỉ"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Đặc điểm của "thầy" Tư Phi là bệnh gì cũng chữa khỏi và chữa nhanh như gió. Chỉ trong vòng 46 giây và chỉ dùng độc ngón tay trỏ (gọi là "nhất dương chỉ") "điểm" vào bệnh nhân để chữa bệnh.

Khu vực ấp Trà Ót (xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) từ một nơi vắng vẻ, đìu hiu trở nên sôi động, bát nháo. Bỗng nhiên không hiểu vì sao, người dân khắp nơi kéo tới không ngớt để chữa bệnh. Bởi vì, tại khu vực này, "từ trên trời rơi xuống" nổi lên một "danh y" có tài điều trị bách bệnh. Ông được người địa phương gọi là "thầy Tư".

Xã hội - Bóc mẽ 'dị nhân' chữa bệnh bằng 'nhất dương chỉ'

Người đàn ông này đã từng bị lập biên bản rất nhiều lần

Đoạn trường bái "thần y"

Sự đồn thổi về "danh y" Tư Phi bệnh gì chữa cũng khỏi khiến ông này trở nên nổi tiếng như một "thầy lang huyền thoại". Người ta đồn tai nhau, tài chẩn đoán bệnh của Tư Phi cực kỳ nhanh, chỉ trong vòng 46 giây và chỉ bằng một ngón tay trỏ… chỉ vào cổ tay của bệnh nhân lập tức bệnh gì cũng "lòi" ra.

Để mục sở thị "tài năng" của "thần y", người viết và một đồng nghiệp nữ quyết tâm thâm nhập vào nơi chữa bệnh của ông. Cô đồng nghiệp giả vờ là "em gái" tôi và vào vai một bệnh nhân đau bụng, nhức đầu kinh niên. Sau hàng giờ hỏi thăm, chúng tôi mới tới được ấp Trà ót, nơi "thầy Tư" chữa bệnh "cứu nhân độ thế". Từ địa phận ấp Trà Ót hỏi thăm nhà "thần y" không khó. Bởi lẽ, dân trong vùng hầu như đều biết đến Tư Phi. Trong đó, những nhân vật hiểu "thầy" nhất có lẽ là giới xe ôm và "cò" chữa bệnh.

Trên một đoạn đường ngắn khoảng hơn 100m dẫn tới nhà "thầy Tư", chúng tôi thấy mọc lên san sát những hàng quán, nhà trọ phục vụ người bệnh. Được biết, nơi đây mỗi ngày có hàng trăm người và kéo về để chữa bệnh. Nếu bệnh nhân và người nhà ở xa thì phải thuê nhà trọ, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ để chờ đợi. Vì lượng khách rất đông nên họ phải đăng ký theo thứ tự rồi chờ "thầy Tư" khám, chữa bệnh.

Theo quan sát của PV, chỉ trong một khu vực nhỏ, có đến 50 ngôi nhà dùng làm hàng quán, nhà trọ. Tuy nhiên, tất cả đều lụp xụp, lộn xộn, bát nháo… rất mất vệ sinh. Thấy tình hình "căng" quá nên tôi hỏi thăm một chị chủ quán, người mập mạp đẫy đà.

Rất nhanh, người đàn bà này hỏi: Hai em thuê nhà trọ nghỉ điâ. Thời gian này bệnh nhân đông lắm nên đành phải đợi và lấy thẻ khám bệnh theo thứ tự. Hai người ở đây cứ yên tâm ngủ nghỉ, ăn uống. Rồi chiều chị đăng ký khám bệnh với "thầy Tư" cho".

Không còn cách nào khác để tiếp cận với "thầy Tư", chúng tôi đành chọn phương án này. Được biết, do quá nhiều người nên bà chủ phải xếp các "thượng đế" ở ghép. Nếu thuê chiếu nằm dưới đất thì phải trả 10.000 đồng/đêm còn thuê giường thì 30.000đồng/đêm. Tôi thuê một chiếc chiếu và thuê cho cô "em gái" một chiếc giường tre chỉ đủ một người nằm. Cô "em gái" tính nhẩm, nếu căn cứ vào giá thuê chiếu và giường, cộng với tiền ăn uống một đêm ngày cả trăm nghìn đồng.

Hôm sau, khi chúng tôi bước vào, nhà của thầy Tư Phi chật cứng bệnh nhân ngồi chờ. Có người bệnh nặng ngồi chờ không nổi phải nằm lăn ra đất. Tôi dìu cô "em gái" vào chữa bệnh. Nhưng phải nói, cô bạn đồng nghiệp của tôi nhập vai rất đạt. Nhìn mặt cô, ai cũng tưởng bệnh nhân sắp lìa cõi đời.

Xã hội - Bóc mẽ 'dị nhân' chữa bệnh bằng 'nhất dương chỉ' (Hình 2).

Mục sở thị "thuốc tiên" của "thầy Tư

Cách khám bệnh "độc nhất vô nhị"

Trước mặt chúng tôi, "thầy Tư" là một người đàn ông trung niên, có dáng của một thầy giáo làng. Mặt mũi ông cũng không đến nỗi tệ, ngón tay đeo một chiếc nhẫn vàng tây, mặt đá cẩm thạch màu xanh to kềnh kệch. Vừa thấy chúng tôi, Tư Phi sẵng giọng: "Cô này bệnh ở lại khám, còn mày đi ra". Tôi giải thích rằng em gái bị bệnh nặng, phải có người dìu mới được. "Thầy tư" trợn mắt chửi: "Bệnh thập tử nhất sinh gặp tao là… trốn luôn. Khỏi cần mày dìu, đỡ chi cho cực"

Nghe thầy tỏ ra hung dữ, "cô em" thều thào năn nỉ "thầy" cho tôi ở lại để phòng có chuyện bất trắc thì giúp đỡ. Cuồi cùng thì "thầy" cũng chấp nhận, nhưng thái độ không vui. Nhìn "em gái" tôi bằng con mắt không mấy thiện cảm "thầy" hỏi: " Đau gì?". Mặc dù mặt tái xanh vì sợ hãi, "em gái" tôi cũng trả lời rành mạch là bị bệnh nhức đầu, đau bụng mấy năm nay rồi. Gia đình đưa đến nhiều bác sĩ nhưng không ai tìm ra bệnh.

Nghe đến đây, "thầy Tư" cười khoái trá bảo: "Đ.M. Mấy cha bác sĩ đó biết khỉ khô gì. Gặp tao là may phước cho cô lắm. Tao chỉ cần khám 46 giây là biết nguyên nhân. Ung thư tao còn chữa được, sá gì cái chứng đau bụng nhức đầu của đàn bà, con gái. Chắc chưa có chồng đúng không. Gặp tao, mai mốt hết bệnh tha hồ lấy chồng".

Chúng tôi đang "choáng" vì cách ăn nói "chợ búa" của "thầy" thì Tư Phi bắt "cô em" tôi đưa tay ra. Lúc này, "thầy" chỉ ngón trỏ vào cổ tay nghe vẻ rất bí hiểm. Chỉ sau 46 giây, Tư Phi phán "em gái" tôi bị gan. Giai đoạn tiền ung thư gan nên chuyển biến rất phức tạp. Nếu không gặp "thầy" thì chỉ tháng sau, hoặc chậm lắm là hai tháng nữa trời cũng phải chịu thua (!?). Nói rồi "thầy" đưa cho em gái tôi một đống thuốc. Thấy loại thuốc lại, tôi hỏi dò xem có đắng không. Lập tức thầy xửng cồ lên bảo: "Thuốc gì mà không đắng, ngọt chỉ có… đường phèn. Nhưng tao bảo đảm uống thuốc của tao, cô em mày sẽ mau hết bệnh rồi… ghiền luôn".

Sau khi thoát khỏi nhà thầy, chúng tôi lôi ra kiểm tra thì thấy thuốc của Tư Phi đưa cho "em gái" tôi bốc mùi hôi rất khó chịu. Chúng toàn là vỏ, rễ cây, có loại là lá khô thái nhỏ… đủ thứ linh tinh. Tất nhiên "cô em" tôi ngửi mùi thuốc đã phát khiếp, nôn ọe. Đáng ngạc nhiên hơn, hình như bệnh nhân nào "thầy Tư" cũng… cắt cho một loại thuốc. Thừa lúc lộn xộn tôi lẻn vào nơi bào chế thuốc của "thầy", chứng kiến một hình ảnh kinh hoàng. Thuốc khô, thuốc tươi, rễ, vỏ, lá…lỉnh kỉnh, chồng chất lên nhau, trên kệ, dưới đất… vô cùng mất vệ sinh.

Chỉ một buổi tiếp cận, khám bệnh tại nhà "thầy Tư", chúng tôi có thể khẳng định cách chữa bệnh bằng "nhất dương chỉ" của ông chỉ là trò lừa bịp. Thậm chí đây là hành động coi thường sinh mạng bệnh nhân. Các "đồng nghiệp" của ông là "cò mồi" và giới "xe ôm". Tình trạng hỗn loạn, bát nháo, không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…mà còn có thể lây lan dịch bệnh.

“Thần y” chưa một ngày học tên thuốc

Để tìm hiểu về "thầy Tư", chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Thông Hòa. Trao đổi với PV, ông Đông cho biết, Tư Phi hoàn toàn không phải là thầy lang. Bởi vì ông ta chưa một ngày học tên thuốc, vị thuốc chứ đừng nói thăm khám, chữa bệnh. Tư Phi tên thật là Đỗ Tấn Du, người ấp Trà Ót. Trình độ văn hóa mới học hết lớp Hai. Hồi trước, người đàn ông này làm nghề mổ heo, có giai đoạn chuyển nghề sang bán tạp hóa. Rồi không hiểu sao lại trở thành "thầy" chữa đủ thứ bệnh từ lúc nào.

Võ Thu Sơn