Bức tượng rồng và hành trình “minh oan” cho Cụ Trạng

Bức tượng rồng và hành trình “minh oan” cho Cụ Trạng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
0
Về bức tượng rồng miệng cắn thân, chân xé mình tại đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh, nhiều người chỉ quan tâm đến giá trị nghệ thuật điêu khắc cũng như giá trị về lịch sử. Tuy nhiên, về pho tượng ấy là câu chuyện dài, cảm động về vị chủ tịch xã dám bỏ cả tiền túi ra nếu có thể minh oan được cho Cụ Trạng.

"Phải tìm bằng được công bằng cho Cụ Trạng"

Ông là Nguyễn Đình Nghệ (cựu chủ tịch UBND xã Đông Cứu, Gia Bình, Bắc Ninh). Ông Nghệ là một người dân thôn Bảo Tháp (hay còn gọi là thôn Gủ Tháp). Cũng như mọi người dân bao đời nay, khi lớn lên, ông Nghệ được nghe các cụ trong làng truyền miệng lại câu chuyện về vị trạng nguyên khai khoa triều Lý. Bên cạnh vụ án oan “hóa hổ giết vua”, thì những điều đọng lại trong nếp nghĩ của người dân nơi đây về thái sư Lê Văn Thịnh là một con người nhân hậu, văn võ song toàn. Họ tôn sùng và ưu ái gọi ông là: Cụ Trạng. Vì là nơi chôn nhau cắt rốn của Cụ Trạng nên dân làng đã lập đền thờ ở chính khu đất nhà Cụ trước đây.

Xã hội - Bức tượng rồng và hành trình “minh oan” cho Cụ Trạng

Cổng đền thái sư Lê Văn Thịnh

Những năm cuối của thập kỷ 80 ở thế kỷ trước, Đoàn chèo Tổng cục hậu cần quân đội có cho công diễn vở chèo Lý Nhân Tông kế nghiệp của tác giả Tào Mạt. Trong vở chèo, có đoạn Lê Văn Thịnh hóa hổ giết vua, lấy nguyên mẫu từ vụ án Hồ Dâm Đàm. Điều này trái với nếp nghĩ của người dân vùng Kinh Bắc, đặc biệt là người dân Đông Cứu. Bởi vì, trong lòng nhân dân, Lê Văn Thịnh đã không còn đội án oan từ khá lâu rồi. Chính vì không còn nghi ngờ về người con tài trí của quê hương nên ở làng đã có đền thờ ông, nhiều nơi ở trấn Kinh Bắc xưa đã suy tôn ông làm thành hoàng làng.

Ông Lê Viết Nga, giám đốc bảo tàng tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết: "Hiện nay ở Bảo tàng Bắc Ninh còn lưu giữ lại rất nhiều sắc phong cho thái sư Lê Văn Thịnh qua các triều đại vua. Sắc phong cổ xưa nhất còn lưu lại gần như nguyên vẹn cho thấy ngay từ triều Hậu Lê, thái sư Lê Văn Thịnh đã được minh oan rồi”. Ông Nga khẳng định: "Nếu như thái sư không được minh oan, không được sắc phong trở lại thì trong dân gian sẽ không bao giờ dám dựng Đền để thờ tự. Tuy nhiên, câu chuyện án oan của Lê Văn Thịnh còn mập mờ giữa hai bờ sáng tối kéo dài đến cả nghìn năm, bởi không phải ai cũng hiểu biết rõ về những sắc phong mà triều đình đã ban cho vị thái sư đầu triều Lý. Do vậy, vở chèo khi đó đã dấy lên một quyết tâm trong lòng vị chủ tịch xã Đông Cứu lúc bấy giờ: Phải tìm bằng được sự công bằng cho Cụ Trạng.

Ông Nghệ ra Hà Nội, tìm gặp tác giả Tào Mạt để hỏi về căn nguyên tại sao lại cho diễn lại cái án oan mà không hề có sự lý giải trong lịch sử như thế? ông đã nhận được câu trả lời của tác giả rằng: "Bản thân vở chèo đó là một sản phẩm nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật thì không tránh khỏi những chi tiết hư cấu lưu truyền". Câu trả lời đó đã khiến ông Nghệ trăn trở rất nhiều. Phải làm sao để từ bây giờ sẽ không còn hư cấu như thế nữa. Chỉ bằng cách là cần một công bố rõ ràng từ những cơ quan có thẩm quyền về một lịch sử có sự nghiên cứu và thẩm định rõ ràng.

Ông trở về quê hương cùng Đảng ủy, UBND xã Đông Cứu bắt tay vào việc "làm lịch sử" cho Cụ Trạng. Đấy sẽ là một lịch sử chuẩn xác nhất, không mang tính dị bản lưu truyền trong dân gian nữa. Lịch sử ấy sẽ được soi chiếu vào những bút tích trong sử sách và sẽ được thẩm định rõ ràng để danh tiếng Cụ Trạng không bao giờ bị nghi ngờ nữa, cho dù chỉ là sự hư cấu như tác giả vở chèo đã nói. Ông chia sẻ: "Mình là người bình thường, bị oan một chút đã thấy ấm ức tủi thân, huống hồ Cụ Trạng học rộng tài cao lại đeo cái án oan dài nhất trong lịch sử vào người, không khỏi ngậm ngùi nơi chín suối".

Cùng thời điểm đó, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Bắc (cũ) có chương trình dò tìm những di tích lịch sử trong địa bàn tỉnh. Ông Lê Viết Nga, lúc đó làm trưởng phòng trưng bày Bảo tàng Hà Bắc được cử đi thực tế trực tiếp tại những địa bàn cơ sở. Khi đến Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, ông cho rằng: “thái sư Lê Văn Thịnh là người tài giỏi trong lịch sử, Đền thờ ông rất xứng đáng được vinh danh”. Bởi vậy, ông đã gặp trực tiếp lãnh đạo huyện Gia Bình lúc đó. Vị lãnh đạo huyện đã cương quyết không ký vào hồ sơ ở phần công nhận của chính quyền địa phương. Bởi cái nhìn cực đoan, phiến diện cho rằng: “Lê Văn Thịnh mang tội giết vua, đã được diễn thành chèo khắp cả nước thì đền thờ ông không thể được xét duyệt là di tích lịch sử được”.

Khi nhận thấy không thể hợp tác với lãnh đạo huyện, ông Nga cùng đoàn khảo sát đã về làm việc trực tiếp với lãnh đạo xã Đông Cứu, nơi có Đền thờ Thái sư. Được nhân dân trong thôn, xã ủng hộ nhiệt tình, lại gặp một vị chủ tịch xã rất có tâm và đang hăng hái trong việc muốn tìm lại tiếng thơm cho Cụ Trạng sau vở chèo vô tình kia, ông Nga đã xin ý kiến ban lãnh đạo xúc tiến tổ chức một cuộc hội thảo tìm hiểu về lịch sử để minh oan cho thái sư Lê Văn Thịnh.

Trời không phụ người có tâm

Ông Nga còn nhớ mãi và kể lại: “Vị chủ tịch xã hồi đó rất nhiệt tình và có cái tâm đi tìm lại chuẩn mực của lịch sử quê hương. Nếu không có vị chủ tịch xã ấy thì chúng tôi cũng khó lòng làm việc. Khi nghe chúng tôi nói sẽ gặp khó khăn về kinh phí nếu không được sự đồng ý của lãnh đạo huyện, ông chủ tịch xã rất hăng hái: Sẵn sàng bỏ tiền túi của mình ra nếu có thể minh oan và lấy lại danh dự cho Cụ Trạng, chấm dứt hẳn những hiểu lầm không đáng có về một tài năng trong lịch sử nước nhà”.

Xã hội - Bức tượng rồng và hành trình “minh oan” cho Cụ Trạng (Hình 2).

Ông Nguyễn Đình Nghệ

Ông Nga kể: Lần đầu tiên bước tới Đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh, bản thân ông cảm thấy xót xa trước khu Đền thờ một vị quan Trạng đầu triều nhà Lý bởi vẻ hoang sơ và tiêu điều. Nhưng để được Nhà nước cho kinh phí tu sửa thì phải được xếp hạng di tích trước đã. Mà muốn được công nhận thì phải làm rõ được án oan của Cụ Trạng và sửa sang lại đường đi lối lại vào Đền để thuận tiện cho việc khảo sát và tu sửa di tích về sau.

Vậy là, bên cạnh việc tổ chức hội thảo khoa học, ông Nga đề nghị ủy ban xã huy động người dân địa phương làm lại lối đi lên Đền. Trong khi chờ mua đá từ nơi khác về, người dân cũng tiết kiệm kinh phí cho xã bằng việc tận dụng những viên đá to đẹp ở xung quanh khu Đền. Trong một lần các cụ tìm đá xây Đền đã phát hiện ra bức tượng rồng có hình thù rất kỳ lạ. Bức tượng to, nặng, không liền khúc nguyên vẹn nằm ngay bên tay phải lối lên Đền. Các cụ đã hô hào người dân và phải huy động đến khoảng ba mươi thanh niên trai tráng trong thôn với dây chão, kèo cột mới có thể đưa được bức tượng lên khỏi mặt đất. Đó chính là bức tượng rồng miệng cắn thân, chân xé mình mang những nét điêu khắc độc đáo và gắn với nỗi hàm oan kéo dài cả nghìn năm của vị thái sư đầu triều Lý.

Năm 1993, với sự cố gắng của rất nhiều người, nhiều cơ quan đoàn thể, trong đó cơ bản là UBND xã Đông Cứu và Sở Văn hóa thông tin Hà Bắc cũ, một cuộc hội thảo với sự góp mặt của nhiều nhà sử học, nhà điêu khắc và các học giả nổi tiếng đã diễn ra. Hội thảo đã thành công tốt đẹp ở hai vấn đề cơ bản: Thứ nhất, hội thảo đã đánh giá đúng công lao của thái sư Lê Văn Thịnh với triều đình nhà Lý, với đất nước. Thứ hai, hội thảo đã khuyến nghị và được Bộ Văn hóa- Thông tin chấp thuận: Không cho diễn lại vở chèo Lý Nhân Tông kế nghiệp nữa, nếu có diễn thì phải cải biên.

Nỗi oan... hóa tượng

Xã hội - Bức tượng rồng và hành trình “minh oan” cho Cụ Trạng (Hình 3).

Tượng rồng cắn thân

Bức tượng đó bây giờ đặt ở bên trái sân, hướng đi vào đền thờ thái sư Lê Văn Thịnh. Bức tượng có hai tai nhưng chỉ một bên tai có lỗ (tai trái) còn một bên tai bị bịt chặt. Thần thái của tượng rồng không nằm trong cảm quan uy nghiêm, thư thái của người xưa mà ngược lại. Đó là những nét dữ dằn trên khuôn mặt và tư thế rất dị: Miệng cắn thân, chân xé mình. Hình tượng đó gợi nhiều liên tưởng: Một là, tượng rồng có thể là hiện thân của vua Lý Nhân Tông đang dày vò trong suy nghĩ dằn vặt mình bởi chính mình đã không thấu đạt mọi việc, nghe chuyện thị phi từ một phía mà để lại oan ức cho một con người. Hai là, coi tượng rồng như hiện thân của thái sư Lê Văn Thịnh, vì quá uất ức, quá oan uổng mà miệng không nói nên lời, hình hài cũng vì phẫn nộ, suy nghĩ nhiều mà không còn là chính mình được nữa (chân xé mình, tai hỏng). Tuy nhiên dù có liên tưởng theo cách nào thì cũng nói lên được nỗi oan của vị thái sư tài giỏi: Ông không hóa hổ giết vua.

Dương Thu