Bùi Xuân Phái từng đi chân đất vì sợ trễ hẹn

Bùi Xuân Phái từng đi chân đất vì sợ trễ hẹn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Nấu cơm quên cho nước, mải vẽ quên mất con... đã không ít lần họa sĩ Bùi Xuân Phái khiến người vợ hiền phải “quay như chong chóng”.

Căn nhà, gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái đang sinh sống nằm ở số 87, phố Thuốc Bắc, Hà Nội, là nơi khá nhộn nhịp, sầm uất với việc kinh doanh thuốc Bắc từ bao đời nay. Vợ họa sĩ Bùi Xuân Phái là bà Nguyễn Thị Sính, người Hà Nội gốc (nhà ở phố Đinh Tiên Hoàng), năm nay đã ở tuổi 75.

Lạ & Cười - Bùi Xuân Phái từng đi chân đất vì sợ trễ hẹn

Đi chân đất vì sợ trễ hẹn

Bà kể, hai ông bà gặp và quen biết nhau từ thuở nhỏ. Họ thường qua lại nhà nhau chơi vì bà có người anh rể cũng mang dòng họ Bùi. Đến khi tản cư vào Thanh Hóa, họ lại gặp nhau ở đây. Sau năm 1945, “An toàn khu” ở đất Thanh có rất nhiều cơ quan đầu não của Liên Khu IV đóng rải rác ở núi Nưa, Sim, cầu Thiều. Ngay gần cầu Thiều có một quán cà phê được rất nhiều anh em văn nghệ sĩ biết và lui tới. Đó là quán của gia đình bà Sính.

Bà còn nhớ, nhạc sĩ Phạm Duy hay ôm đàn và hát, còn mấy nhà thơ khác thì thường đem thơ của mình ra ngâm nga. Vậy mà chẳng ai lọt vào đôi mắt xanh của cô con gái ông chủ quán vì cô đã chấm anh chàng họa sĩ có cặp mắt nâu và chiếc mũi như Tây. Chàng hay đến đến quán ngồi trầm tư bên ly cà phê và điếu thuốc lá. Lúc đó, họa sĩ Bùi Xuân Phái đang vẽ minh họa cho mấy tờ báo “Cứu quốc”, “Vui sống”.

Bà Sính nhớ lại kỷ niệm về buổi hẹn hò đầu tiên: “Ông ấy đến đúng hẹn. Nhưng tôi rất ngạc nhiên vì ông lại đi chân đất. Chân ông trắng quá mà lại đi chân đất nên tôi thấy tội và thương làm sao. Tôi bèn hỏi: “Sao anh lại đi chân đất?”, ông ấy bối rối nói là để đâu mất, tìm mãi không thấy, sợ trễ giờ hẹn nên đành phải đi chân không cho kịp”.

Từ ngày lấy ông, ít người biết tên thật của bà là Nguyễn Thị Sính. Mọi người vẫn thường gọi bà là bà Phái. Trong ký ức của bà, ông Phái thật “đặc biệt”. Toàn bộ cuộc đời của ông bị cuốn vào đam mê nghệ thuật. Bà Phái là người ông vẽ nhiều nhất. Ông vẽ bà, từ khi còn là một thiếu nữ, đến khi sống với nhau, có đến 5 mặt con, trở thành một bà lão già nua, người vợ hiền vẫn luôn là nguồn cảm hứng vô tận đối với ông. Số chân dung ông vẽ bà còn nhiều hơn số ảnh bà chụp.

Lạ & Cười - Bùi Xuân Phái từng đi chân đất vì sợ trễ hẹn (Hình 2).

Bà Nguyễn thị Sính

Phía sau người chồng thành đạt

Bà cho biết, họa sĩ Bùi Xuân Phái rất yêu con nhưng không hay để ý nhiều đến chuyện lặt vặt trong nhà, nhất là chuyện tiền nong. Là một họa sĩ tự do nên thu nhập từ tranh minh họa và tranh vui cũng không đủ mua họa phẩm cho ông dùng chứ chưa nói đến chuyện lo cho cả gia đình.

Họa sĩ Bùi Thanh Phương (con trai thứ 3 họa sĩ Bùi Xuân Phái) bảo, anh cũng ngạc nhiên và khâm phục tính chịu đựng gian khổ của mẹ. Ngay cả ở thời buổi bây giờ, bất kỳ cặp vợ chồng nào mà sinh liền 5 đứa con, cũng sẽ lâm vào cảnh khốn cùng là cái chắc. Thế mà bà Phái cũng một tay cáng đáng, lo cho cả gia đình 6-7 miệng ăn.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái sống và sáng tác nghệ thuật được, chính là nhờ vào sự tần tảo của người vợ hiền. Lúc đó, bà Phái là y tá ở một bệnh viện. Hàng ngày, hết giờ làm việc ở cơ quan, bà giúp đỡ, tiêm cho người bệnh đến nhà nhờ vả. Nhờ cẩn thận, mát tay, nhẹ nhàng mà người ta tìm đến bà ngày càng nhiều. Mấy chục năm trời, cái khay tiêm ấy cũng góp phần giúp cho bà bớt gánh nặng “nuôi đủ 5 con với một chồng”. Có lẽ, cũng chính cái thời buổi khó khăn ngặt nghèo, bó buộc ấy đã mang vào trong những bức tranh phố cổ của Bùi Xuân Phái một nỗi buồn dai dẳng, tạo ra một “phố Phái”.

Mấy chục năm làm bạn, bà Sính chẳng dám nghĩ rồi có một ngày ông trở nên nổi tiếng. Với một người làm nghề y tá, bà cũng không hiểu nhiều lắm về những bức vẽ của ông. Với bà, tận tụy với chồng con là một bổn phận. Cứ lặng lẽ - bà thu xếp cuộc sống cho ông, từ ly cà phê sáng, đến chén rượu nhỏ, từng bữa cơm với những món mà ông thích ăn.

"Từ hồi lấy nhau, chưa bao giờ ông Phái biết thổi nồi cơm. Có lần đi sơ tán, tôi vo gạo sẵn, đánh dấu vào thành nồi và dặn: “Ông châm bếp dầu, đổ nước theo chừng này, chờ nước sôi, dùng đũa ghế lên. Lúc nào cạn nước, thì hãm lửa nhỏ lại”. Ông rất nhiệt tình làm theo tất cả, nhưng chỉ quên... cho nước vào. Nồi cơm thành gạo cháy, khét lẹt. Từ đó tôi cũng chẳng dám nhờ".

Lạc Thành