Buồn vui nghề “chạy đua cùng... thần chết”

Buồn vui nghề “chạy đua cùng... thần chết”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
"Chẳng có nghề nào cực và "áp lực" như cái nghề lái xe cấp cứu chú ạ. Người ta gọi là nghề "chạy đua cùng thần chết" vừa vì lý do phải chạy nhanh để cứu mạng người bệnh, cũng đồng nghĩa với việc có thể gặp tai nạn giao thông trên đường".

Bác Lê Thành, tài xế xe cứu thương thuộc bệnh viện Gia Định (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) bắt đầu chuyện nghề của mình.

Méo mặt thời kẹt xe

Bác Thành kể, "Tài xế xe nào cũng có áp lực nhất định, nhưng với tài xế lái xe cứu thương, áp lực bị nhân lên nhiều lần do luôn phải chạy xe trong trạng thái hết sức cấp bách". Dù chỉ là tài xế, nhưng khi đã cầm vô lăng của xe cấp cứu đồng nghĩa với việc là thành viên trong ê-kíp cứu người, mang trên vai trọng trách lớn.

Theo quy trình, sau khi nghe điện thoại có bệnh nhân cần cấp cứu là 1 phút sau đó phải lập tức nắm vô lăng phóng xe đi. "Lên xe là phải bỏ qua hết tất cả những suy nghĩ, căng hết cỡ các dây thần kinh chỉ hướng đến một mục đích duy nhất là đến địa điểm bệnh nhân đang ở càng sớm càng tốt. Nhưng đâu phải lúc nào cũng có thể đi nhanh vì vướng vào nhiều yếu tố như kẹt xe, lô cốt.

Trong khi đó bệnh nhân lại hấp hối chờ mình đến. Để có thể vừa chạy xe an toàn, không gây tai nạn, vừa có thể tiếp cận bệnh nhân trong thời gian nhanh nhất là điều không dễ, đó chính là áp lực lớn nhất của cái nghề lái loại xe đầy rủi ro và nguy hiểm này vì hai điều này khó lòng đi song song với nhau được", bác Thành thừa nhận.

Nghề lái xe cứu thương là nghề gặp rất nhiều áp lực và căng thẳng

Chính vì thế mà mỗi khi nắm vô lăng, bác Thành phải vận dụng tối đa sự tập trung, tỉnh táo để có thể xử lý tất cả những tình huống xấu xảy ra như kẹt xe, lô cốt, những tình huống người đi đường cố tình chen lấn làn đường dành cho xe ưu tiên hoặc những cú rẽ ngang đầy bất ngờ của những người không có ý thức chấp hành luật an toàn giao thông. Chuyện đối mặt với những cú nhồi ga, lạng lách, thắng gấp, thắng lết bánh hoặc dùng hết sức bình sinh để bẻ vô lăng tránh tai nạn là chuyện thường ngày của những tài xế xe cấp cứu.

Chửi bới chực chờ

Vừa hoàn thành chuyến đi suôn sẻ, đưa một bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, anh Vệ, tài xế xe cấp cứu của Bệnh viện Trưng Vương (Q.10) vừa kiểm tra lại hệ thống phanh, lau chùi kỹ càng các bộ phận của xe vừa tranh thủ lót dạ. Anh kể chuyến đi cấp cứu vừa rồi, tuy an toàn, suôn sẻ nhưng vẫn bị người nhà của bệnh nhân chửi om sòm.

"Nghe riết rồi quen, ngày nào chở bệnh nhân cấp cứu tụi tui cũng bị mắng chửi chỉ vì kẹt xe. Mình đâu có muốn đi chậm, thấy bệnh nhân hấp hối là xót lòng lắm, chỉ muốn lao xe thật nhanh chứ sợ bệnh nhân có mệnh hệ gì trên xe, thế nhưng đâu phải muốn là được. Kẹt xe, nhiều người đi đường không cho qua, thế là bị thúc giục, nhiếc móc "đi gì mà như rùa, đi thế thì người ta chết làm sao", "nó (bệnh nhân - PV) mà xảy ra chuyện gì nguy hiểm thì liệu hồn ông (tài xế xe cấp cứu - PV) đấy".

Câu chuyện của anh Vệ không là ngoại lệ khi tất cả những tài xế lái xe cấp cứu được trò chuyện, mỗi người đều có trong tâm trí những kỷ niệm khó quên xoay quanh chuyện bị người nhà bệnh nhân hằn học, đổ mọi bực tức, lo lắng. Cầm lái xe cấp cứu của Bệnh viện Thống Nhất (Q.Tân Bình) gần 3 năm, thực hiện hàng trăm chuyến đi cấp cứu giành lại sự sống cho bệnh nhân cũng là chừng đó thời gian và bấy nhiêu lần tài xế Trường phải hứng chịu những lời nói khó nghe của người nhà bệnh nhân.

Thậm chí một lần chạy xe cấp cứu trong trời mưa, nhà của bệnh nhân cách bệnh viện gần 20 cây số, thuộc khu vực chợ cá Chánh Hưng (phường 4, phường 5, Quận 8) nên đường đã hẹp lại trơn trượt, có nhiều vũng nước, ổ gà nên đi lại khó khăn. Cố gắng len lỏi từng dòng người rồi cẩn thận vượt qua những đoạn đường khó đi, 35 phút sau xe cấp cứu đáp trước nhà.

Anh Trường cùng y tá vội vàng chạy đến nơi bệnh nhân để chuyển lên xe thì bị bố của bệnh nhân chửi inh ỏi: "Làm ăn lề mề như rùa bò vậy. Lỡ con tôi chết thì ai chịu trách nhiệm? Không phải là con của mấy người nên mấy người đâu có xót đúng không?". "Lúc đó mình chỉ biết xin lỗi người ta dù đó chẳng phải là lỗi của mình gây ra". Có cả những câu chuyện tài xế bị mắng và chửi rủa chỉ vì...lô cốt. "Đi gì mà ngu thế không biết, đường không có lô cốt không đi, lựa toàn đường lô cốt mà đi", bác Thành nhớ lại câu chuyện bản thân mình từng gặp.

Bị mắng chửi thậm tệ còn đỡ. Có nhiều trường hợp tài xế xe cấp cứu bị đánh đuổi mà nguyên nhân cũng chỉ vì kẹt xe và ùn tắc giao thông. Anh Th. , thuộc đội lái xe cấp cứu Bệnh viện Z. (Q.Gò Vấp) không bao giờ quên kỷ niệm buồn nhất trong đời lái xe cấp cứu của mình.

Khi vừa đến nhà bệnh nhân, người anh như lặng đi khi bệnh nhân đã trút hơi thở cuối cùng, người nhà khóc thê lương. Họ cho rằng chính sự chậm trễ của xe cấp cứu là nguyên nhân dẫn đến cái chết và rượt đuổi anh cùng 2 nữ y tá đi cùng.

Mọi người trong đoàn phải bỏ lại cả xe, chạy thục mạng để cầu cứu người dân ở khu vực. "Đó là sự cố đáng tiếc và là điều chẳng ai mong cả. Bản thân tôi không trách gì người ta mà còn rất buồn vì gia đình họ xảy ra mất mát quá lớn. Nhưng buồn hơn ở thực tế là vấn nạn kẹt xe, nhất là giờ cao điểm đã gây ảnh hưởng và cản trở rất lớn tới việc di chuyển bệnh nhân đi cấp cứu, đe dọa trực tiếp tính mạng người bệnh", anh Th. tâm sự.

Không chỉ bị mắng bởi người nhà bệnh nhân mà nhiều tài xế còn bị chửi bởi những người đi đường. Có lần vì lưu lượng xe cộ trên đường đông đúc trong khi bệnh nhân đang hấp hối, tài xế Việt (Bệnh viện Gia Định) sử dụng còi hụ ưu tiên để xin đường. Ngay lập tức bị người đi đường mắng "Mầy điếc à, bấm kêu inh ỏi hoài thế hả?".

Ám ảnh "điện thoại ma"

Tắc đường, kẹt xe khiến các tài xế rất vất vả

Bác Thành cho biết, người trong nghề ghét nhất những cuộc "điện thoại ma" quấy phá 115. Bác nói: "Hễ có điện thoại là lên xe phóng đi, bất kể thời điểm nào, dù là mưa to gió lớn, dù là nửa đêm gà gáy. Thế mà nhiều lần uất không chịu nỗi vì bị kẻ xấu đùa cợt".

Bác Thành kể, có lần nửa đêm đang ở bệnh viện, tranh thủ ngủ lại ngay ca-bin của xe cấp cứu thì nghe có người gọi đến yêu cầu xe cấp cứu đến gấp tại một địa chỉ đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp).

Ngay tức khắc bật dậy cùng ê-kip lên đường, thế nhưng "khi xe tìm đến được địa chỉ họ gọi thì đó lại là một ngân hàng đã đóng cửa im ỉm. Hỏi bảo vệ thì mới hay chẳng có trường hợp cần cấp cứu nào. Vẫn chưa chắc chắn, gọi về bệnh viên lục lại số điện thoại ban nãy gọi đến. Gọi thì nghe không liên lạc được mới biết bị lừa. Cả ê-kip đành thất thiểu ra về".

Anh Việt cũng nhớ lại lần vào giờ trưa, khi "nghe lệnh" có ca cấp cứu. Anh nhanh chóng cho xe lên đường. Đến nơi, đó là một quán cơm ở đường Lâm Văn Bền (Q.7). Chủ quán vừa vung dao vừa mắng xối xả: "Điên à? Giờ người ta làm ăn mà lũ cấp cứu tụi bây đến đây làm gì, định phá rối không cho người ta làm ăn à?". "Những lần như vậy buồn lắm vì nhiều người lại đi đùa cợt với nghề cứu người của chúng tôi", anh Việt nói.

Bác Thành thì nói thêm: "Từng khắc thời gian rất quý giá đối với sự sống còn của người bệnh, nên mong sao đừng có những trường hợp phá điện thoại, lừa chúng tôi như vậy. Vì lỡ đâu khi chúng tôi đi tìm những địa chỉ ma, những trường hợp không có thật như vậy lại có những trường hợp bệnh nhân cần cấp cứu thật sự thì sao".

Nhiều tài xế xe cấp cứu khác thì kể, có những lần phải lao xe nhanh đi trong đêm tối, cố gắng nhích từng tí trong những đoạn đường kẹt xe, sử dụng cả còi hụ ưu tiên mặc cho người đi đường mắng nhiếc vì nhận được những hung tin như người nhà "bị đột quỵ", "bị lên tăng xông đang hấp hối", "bị tai biến mạch máu não"... Thế nhưng đến nơi thì "dở khóc dở cười" khi "bệnh nhân"chỉ bị cảm cúm, đau đầu, sổ mủi, nhưng vì quá lo lắng nên người nhà hối thúc xe cấp cứu bằng cách "tưởng tượng" bệnh nặng.

Bảo Thanh