"Ca sĩ có thể hát nhép nhưng diễn viên không thể "diễn nhép""

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Nhìn hình ảnh vua hài Mr Bean tại lễ khai mạc Thế Vận Hội năm 2012, Tấn Beo mong hài kịch ở Việt Nam sẽ có mặt tại nhiều chương trình "cao cấp" hơn.

Thoạt đầu, chỉ nghe đến tên Tấn Beo, nhiều người sẽ nghĩ đó là một người gai góc, dữ dằn, bất cần đời, một gã chẳng biết yêu thương là gì. Nhưng thật ra Tấn Beo là một người hiền lành hơn rất nhiều so với cái tên của anh. Anh cho biết: "Sở dĩ có tên này là do ngày còn nhỏ anh rất khó nuôi, lại nhẹ ký nên ba mẹ đặt tên là Beo để mong con lớn lên sẽ mạnh mẽ như thú, ít bệnh tật. Không ngờ cái tên này đã gắn với tôi đến ngày nay". Và bây giờ, có thể nói đó là một thương hiệu. Nếu bạn đi đâu đó quanh TP. HCM, tình cờ bắt gặp chiếc xe "màu da beo ngầu ngầu" thì hãy tin rằng, Tấn Beo đang ở rất gần đó.

Sự kiện - 'Ca sĩ có thể hát nhép nhưng diễn viên không thể 'diễn nhép''

Nghệ sỹ hài Tấn Beo

Lên sân khấu từ khi biết bò

Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, có bố là nghệ sĩ Tấn Tài, người được mệnh danh là ông hoàng đĩa nhạc, mẹ cũng là cô đào cải lương nổi tiếng. Vì thế, ngay từ nhỏ, chất nghệ sĩ đã ngấm vào máu của Tấn Beo. Nghệ sĩ Tấn Beo không ngần ngại khi khẳng định: "Mình là người nghệ sĩ lên sân khấu từ khi mới biết bò. Lúc đó, đoàn cải lương của ba má đi suốt nên phải dẫn Tấn Beo theo. Nhiều ba mẹ còn "ẵm" Tấn Beo lên sân khấu trong một số vở kịch cần tiếng khóc của trẻ thơ".

Khi được 11 tuổi, ba mẹ bắt đầu dạy Tấn Beo hát cải lương và diễn tuồng cổ. Nhưng Tấn Beo sớm bộc lộ thiên hướng hài kịch trong những đoạn tuồng có yếu tố châm biếm. Trước đó, vì ba mẹ đều là những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng nên nhiều người vẫn nghĩ khả năng Tấn Beo sẽ đến với cải lương khi trưởng thành.

Trải nghiệm trên sân khấu hơn 10 năm ròng, năm 1990, Tấn Beo chính thức chọn hài kịch làm bộ môn nghệ thuật chính. Ban đầu, con đường nghệ thuật của Tấn Beo cũng gặp khá nhiều trắc trở. Anh đến với nghệ thuật bằng những vai phụ, đi theo đoàn cải lương để đóng thế, và làm những việc lặt vặt mà anh gọi đó là "việc nhà" ở hậu trường sân khấu. Nhưng tình yêu nghề đã giúp anh tiếp tục theo đuổi nghệ thuật và bén duyên với hài kịch như một định mệnh. Sau nhiều năm tham gia vào các nhóm hài như: Mỹ Chi, Kim Ngọc…,cái tên Tấn Beo đã đi vào lòng khán giả với rất nhiều vai diễn ấn tượng trong các vở như: Tình Lương Sơn Bá, Rồng Vàng, Mơ làm ca sĩ, Năm Nổ về làng…

Tấn Beo cho biết: "Chất hài trong mỗi con người đều là tự bộc phát, sinh ra đã có rồi. Nhưng những trải nghiệm của cuộc đời nuôi tâm hồn hài của họ lớn dần để bộc phát khi có thể, và tôi cũng vậy...". Người đã khám phá ra tài năng, đồng thời cũng là người thầy mà anh kính trọng nhất chính là nghệ sĩ Thanh Việt, người được mệnh danh là Vua hài Việt Nam lúc bấy giờ. "Sư phụ tôi đến cuối đời cũng không nhận mình là người thầy đã tận tình chỉ bảo tôi. Ông từng nói với tôi rằng với nghệ thuật hài kịch, không ai là thầy của ai được, chỉ có nghề dạy nghề và tự thân sáng tạo ra thôi", Tấn Beo chia sẻ. Ngày nay, cũng giống như vua hài Thanh Việt, mỗi lần Tấn Beo ra sân khấu, tuy chưa nói câu nào nhưng khán giả đã bật cười nghiêng ngả. Âu cũng là một cái duyên của người nghệ sĩ mà cả cuộc đời cống hiến nghệ thuật chỉ để "mua vui thiên hạ".

Sự kiện - 'Ca sĩ có thể hát nhép nhưng diễn viên không thể 'diễn nhép'' (Hình 2).

Tấn Beo và nghệ sỹ Hồng Nga

Viết kịch bản hay dù chỉ học văn "tàm tạm"

Tấn Beo được nhiều người biết đến như một nghệ sĩ hài. Tuy nhiên, ít người biết được anh viết kịch bản hài cũng khá mát tay. Anh là người "ôm đồm", vừa viết kịch bản tiểu phẩm hài, vừa làm đạo diễn rồi kiêm luôn diễn viên. Nhiều tác phẩm anh viết đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả như Vì sao lên chùa, mơ làm ca sĩ…Và sắp tới, "Bắt ma" hứa hẹn sẽ làm cho khán giả run sợ, kèm theo những tiếng cười sảng khoái.

Những đứa con tinh thần của Tấn Beo ra đời trong những lần ngẫu ngứng, cho nên số lượng không nhiều. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm đều có cá tính riêng, được tác giả đón nhận nồng nhiết. Khán giả nhớ Tấn Beo nhiều nhất qua tiểu phẩm "Vì sao lên chùa?" được chiếu trong Gala cười năm 2003. Cái giọng "nhừa nhựa", vừa lém lỉnh vừa hồn nhiên của anh để lại cho khán giả rất nhiều ấn tượng. Có lẽ vì thế, nhân vật anh chàng bán nhang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Phải nói rằng, để được công chúng biết mặt như bây giờ là cả một hành trình đầy gian nan vất vả, vật lộn với nghềã mà anh bảo mình đã liều "xé hàng rào mà đi".

Tiểu phẩm Vì sao lên chùa phản ánh những bức xúc nơi cửa Phật nhưng "nếu làm không khéo sẽ gây ra ác cảm cho người xem". Nhưng Tấn Beo đã khéo léo chuyển tải được thông điệp: "Con người, sống ở trên đời là phải ngay thẳng và thật thà". Vì thế, sau những tiếng cười của khán giả, tiểu phẩm còn có một ý nghĩa giáo dục sâu sắc - sống thì phải có đạo đức.

Với Tấn Beo, hai từ "đạo đức" là bí quyết để người nghệ sĩ sống và làm nghệ thuật. "Người nghệ sĩ chân chính phải có đạo đức, biết trách nhiệm của mình với khán giả là gì. Đó là chuyện phải cho ra đời một tác phẩm có chất lượng, để người xem thấy được đằng sau nụ cười là những suy nghĩ, chứ không phải cười rồi lại quên. Một trong những đóng góp quan trọng để khán giả cười và nhớ là ở kịch bản", Tấn Beo cho biết thêm.

Lại nói về chuyện nghệ sĩ Tấn Beo viết kịch bản, không nhận mình là người giỏi văn, anh cho biết, ngày xưa điểm văn của mình chỉ ở mức "tàm tạm". Sau đó anh cười hề hề: "Để có sự trôi chảy trong văn phong như ngày nay đều nhờ những năm tháng bươn trải làm nghề. Chính sự rèn luyện đã giúp tôi ngày càng vững vàng hơn trong nhiều vai trò khác nhau của nghệ thuật".

Ngoài diễn hài kịch, tuồng cải lương, Tấn Beo còn chuyển sang làm điện ảnh với vai trò là diễn viên. Anh từng tham gia diễn xuất trong các phim: Đàn ông có bầu, Mùi ngò gai, Võ lâm truyền kỳ… Bộ phim gần đây nhất mà anh tham gia là phim "Nàng men chàng bóng". Với lịch diễn gần như dày đặc, ngày thì đi đóng phim, tối lại tham gia diễn ở các sân khấu, thỉnh thoảng tham gia hợp tác sản xuất vài bộ phim trong vai trò là Giám đốc sản xuất, nhưng Tấn Beo vẫn không khi nào vơi đi chất hài hước, lạc quan.

Sự kiện - 'Ca sĩ có thể hát nhép nhưng diễn viên không thể 'diễn nhép'' (Hình 3).

Nghệ sỹ hài Tấn Beo

Mong hài kịch được coi trọng hơn

Theo Tấn Beo cái duyên đối với người nghệ sĩ hài là một thứ vô giá, chỉ cần thái quá một chút là phản tác dụng và làm người nghệ sĩ trở nên thật lố bịch. Vì thế, diễn hài phải dùng tài năng thật sự của mình thì mới làm được. Nghệ sĩ Tấn Beo tâm sự: "Ca nhạc thì còn hát nhép được chứ diễn hài sao diễn nhép được cơ chứ? Cái tài năng của nghệ sĩ hài là ở chỗ đó, mọi thứ đều được phơi bày, khó có gì có thể giấu được trên sân khấu". Với giá trị thật của hài kịch, anh không giấu đi ước mơ "Một ngày nào đó, hài kịch có một chỗ đứng vững chắc hơn, người nghệ sĩ hài cũng được trân trọng hơn". Chỗ đứng mà nghệ sĩ Tấn Beo mơ ước chính là được trình diễn hài trong những dịp quan trọng của đất nước, chẳng hạn như festival, hoặc các cuộc hội nghị lớn… có tầm quy mô tổ chức ở cấp nhà nước.

Nhìn ra thế giới, anh không khỏi thèm thuồng trước một kỳ Thế Vận Hội năm 2012, nơi mà Luân Đôn nóng lên bởi hình ảnh của "ông vua hài" Mr Bean trong chương trình khai mạc. Hình ảnh đó đã đem lại hứng khởi cho rất nhiều người, và trong số đó có anh, một nghệ sĩ luôn mơ ước hài kịch sẽ có một chỗ đứng tốt hơn nữa trong nền nghệ thuật của nước nhà. Tấn Beo luôn trăn trở: "Có ai mà không cần đến nụ cười không? Vô lý, không có ai có thể sống mà thiếu nụ cười cả, mà hài kịch là nơi mang đến cho mọi người nụ cười, bất kể đó là ngày nắng hay ngày mưa".

Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Tấn Beo đã nếm trải không ít thăng trầm của cuộc sống. Anh kể cho chúng tôi nghe về những ngày sống trong gian khó mà không khỏi ngậm ngùi. Anh từng là một nghệ sĩ ăn cơm độn bo bo, khoai lang, ăn "cơm đũa hai đầu". Tấn Beo tâm sự: "Anh em nghệ sĩ thời đó đói lắm, nhưng tại sao họ vẫn bám trụ được với nghề. Thậm chí, họ còn đi sâu vào trong rừng chỉ để diễn một tiểu phẩm hài với thời lượng 15 phút cho khán giả xem mà chỉ đổi lấy mấy bẹ măng rừng. Chẳng có gì lý giải được ngoài tình yêu lớn và một lòng tâm huyết nghề cả. Nói thực chất, nếu bây giờ cuộc sống có khó khăn cỡ nào đi nữa thì những người nghệ sĩ như tôi cũng chấp nhận được. Vì đời tôi là cuộc đời sương gió, là bão tố triền miên, là sắt đã qua tôi rèn".

Chính vì hiểu những khó khăn của giới nghệ sĩ nên anh lại ao ước có thêm nhiều cơ hội để hài kịch phát triển, giúp anh chị em diễn viên có môi trường để phát huy tài năng của mình hơn. Đó là một "môi trường cấp cao" mà nghệ sĩ Tấn Beo luôn tha thiết: "Tôi hi vọng hài kịch sẽ được diễn thường xuyên phục vụ các vị nguyên thủ quốc gia".

Khiến sân khấu sôi động dù chỉ một động tác nhỏ

Nghệ sĩ ưu tú Trần Ngọc Giàu từng nhận xét: "Tấn Beo là một diễn viên biết cách chắt chiu tiếng cười có ý nghĩa, đem lại cho sân khấu kịch những mảng miếng mang giá trị giáo dục sâu sắc. Tấn Beo không dừng lại ở việc ăn sẵn cái duyên hài đã có mà biết khai thác để tạo nét riêng. Bằng chứng là các vai diễn của Tấn Beo luôn làm sân khấu sôi động lên, dẫu đó chỉ là một đoạn lắng đọng và một động tác nhỏ".

Đăng Văn - Nguyễn Phô