Các doanh nghiệp vận tải luôn ở thế bị động

Các doanh nghiệp vận tải luôn ở thế bị động

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Theo phân trần của doanh nghiệp vận tải, ngành này dễ dàng có những phản ứng tức thời khi giá xăng dầu thay đổi. Không nằm ngoài dự đoán, sau khi giá xăng dầu tăng thêm 650 đồng/lít, các doanh nghiệp vận tải đã phát đi thông điệp đòi tăng giá.

Ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định, giá cước taxi sẽ tăng lên khoảng 1.000 đồng/km. Những đơn vị nào chưa điều chỉnh giá cước từ tháng 8 sẽ buộc phải có đề xuất tăng trong vài ngày tới. Vận tải hành khách đường dài cũng dự báo mức tăng khoảng 10%, do giá cước vận tải hành khách chưa điều chỉnh lần nào kể từ đầu năm đến nay trong khi giá xăng dầu tăng tới 20%.

Xã hội - Các doanh nghiệp vận tải luôn ở thế bị động

Nhiều doanh nghiệp vận tải đau đầu vì giá xăng.

Tuy nhiên, không ít lãnh đạo doanh nghiệp taxi đã bày tỏ khó khăn do việc điều chỉnh giá cước taxi sau những lần xăng tăng giá. Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Đoàn Việt Hà, giám đốc Hãng taxi Trung Việt cho biết, mỗi lần tăng giá phải có đơn gửi các ngành giao thông, tài chính, thuế và chờ đợi bảy ngày (theo quy định sau 1 tuần các cơ quan này không có ý kiến thì coi như chấp nhận phương án tăng giá của các doanh nghiệp). Mỗi lần tăng giá cước taxi phải kiểm định đồng hồ tính cước, thuê thợ kỹ thuật để lắp đặt lại đồng hồ, thay đổi bảng giá dán trên xe. Chi phí dán mỗi bảng giá cước mới mất 10.000 đồng, mỗi lần thay đổi dán 3-4 cái mỗi xe nên tốn khá nhiều chi phí.

Cùng chung lo lắng, ông Nguyễn Đỗ Phương, mỗi lần điều chỉnh giá cước, công ty phải lập trình lại giá cước mới, kiểm định kẹp chì đồng hồ cước theo giá mới, cắt dán decal niêm yết giá cước mới... Chi phí mỗi lần như vậy tốn khoảng 3 tỉ đồng cho 12.000 xe trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Văn Thanh, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam bày tỏ sự lo lắng khi ngành vận tải trong nước liên tục phải chịu sức ép từ các đợt điều chỉnh giá xăng dầu. Theo ông Thanh, xăng tăng giá liên tục trong chu kỳ ngắn (gần đây là khoảng 10 ngày) đã khiến các ngành vận tải nói chung và các doanh nghiệp taxi nói riêng gặp khó khăn. "Trong các cuộc hội thảo về điều hành giá xăng dầu, chúng tôi đã không ít lần đề xuất các doanh nghiệp xăng dầu và các nhà quản lý phải tìm cách giữ bình ổn giá trong một thời gian nhất định. Nếu họ không kìm được trong nửa năm thì ít cũng phải vài ba tháng để các đơn vị vận tải có thời gian xoay xở”.

Ông Thanh phân tích, các doanh nghiệp vận tải luôn ở trong thế bị động, không thể tự chủ động tình hình kinh doanh của mình. Đây cũng là lỗ hổng khiến các mặt hàng khác lợi dụng té nước theo mưa, hùa theo cơn lốc tăng giá. Một loạt những dịch vụ liên quan đến xăng dầu, hàng hóa từ lớn đến nhỏ cũng đua nhau đẩy giá đi lên. Nhà nước đang lúng túng trong điều hành giá xăng dầu cũng như giá cả hàng hóa khác. Những hoạt động đó chắc chắn sẽ đem lại hiệu ứng không tốt cho xã hội.

Hạnh Văn