Các nhạc sĩ bức xúc khi phải “vạch áo”

Các nhạc sĩ bức xúc khi phải “vạch áo”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
"Việc 8 nhạc sĩ tên tuổi gửi đơn phản đối những đề cử giải thưởng nhà nước năm 2010 một lần nữa làm dấy lên những bàn cãi về tổ chức âm nhạc lớn nhất Việt Nam Hội Nhạc sĩ. Không ít khán giả đang cho rằng Hội Nhạc sĩ đang "vạch áo cho người xem lưng""

Sau sự kiện nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch hội nhạc sĩ Việt Nam bị tố "vừa đá bóng vừa thổi còi" (khi vừa tham gia dự thi vừa làm giám khảo một cuộc thi sáng tác ở Tuyên Quang) thì mới đây Hội nhạc sĩ Việt Nam lại tiếp tục gặp tai tiếng khi 8 vị nhạc sĩ gồm Đoàn Bổng, Đinh Quang Hợp, Ngọc Khuê, Thế Song, Lê Việt Hòa (miền Bắc), Văn Thành Nho, Trương Tuyết Mai, Phan Long, Triều Dâng (miền Nam) đều cho rằng việc bình chọn Giải thưởng Nhà nước năm nay có nhiều khuất tất, thiếu minh bạch.

Hội Nhạc sĩ trải qua nhiều cuộc họp vẫn chưa có câu trả lời cho những nghi vấn

“Vạch áo” cho người xem lưng?

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước 2010 được bắt đầu vào những tháng cuối năm. Có 68 nhạc sĩ được thông báo làm hồ sơ để xét đề cử giải thưởng. Đầu tháng 1/2011, những người trượt đề cử nhận được một thông báo với nội dung: Không đủ 3/4 số phiếu bầu của hội đồng cơ sở - tức hội đồng xét duyệt đề cử của Hội Nhạc sĩ. Sau khi tìm hiểu danh sách 28 người được đề cử, 8 nhạc sĩ (có tên ở trên) đã lên tiếng phản đối và cùng nhau kí tên vào một lá đơn kiến nghị gửi lên Hội.

Sau đó, vì không nhận được hồi âm, họ tiếp tục gửi đơn tới các cơ quan, ban ngành của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Vấn đề đáng nói, các nhạc sĩ này đều là những người có tên tuổi, với nhiều ca khúc được công chúng yêu mến như Dòng sông quê anh, dòng sông quê em (Đoàn Bổng), Huế tình yêu của tôi (Trương Tuyết Mai), Đất nước lời ru, Chuyệ̣n tình trên sông Vàm Cỏ (Văn Thành Nho), Từ Razolip đến Pắc Bó, Cánh chim tuổi thơ, Chợ tình Sa Pa (Phan Long), Gửi sông La, Gởi em chiếc nón bài thơ (Lê Việt Hòa),...

Một nhạc sĩ trẻ (xin được giấu tên) bình luận: "Việc 8 nhạc sĩ tên tuổi gửi đơn phản đối những đề cử giải thưởng nhà nước năm 2010 một lần nữa làm dấy lên những bàn cãi về tổ chức âm nhạc lớn nhất Việt Nam - Hội Nhạc sĩ. Không ít khán giả đang cho rằng Hội Nhạc sĩ đang "vạch áo cho người xem lưng". Và việc "những cây đa, cây đề" của nền âm nhạc Việt Nam lại vướng vào một câu chuyện cãi cọ, nhiều lời sẽ gây nên sự phản cảm, làm giảm uy tín, niềm tin đối với giới trẻ".

Nhiều nhạc sĩ có tên tuổi khi được hỏi đều tỏ ra ngao ngán về sự việc này. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: "Thực ra những lùm xùm như thế này không phải là không có trong những mùa giải trước. Nghệ sĩ thường có cái tôi quá lớn. Văn mình, vợ người mà. Tuy nhiên, hội đồng xét duyệt cũng có cơ sở riêng của họ. Năm nay những bàn cãi càng trở nên nặng nề, căng thẳng, ồn ào hơn. Lí do thứ nhất là do những mâu thuẫn trong nội bộ, thứ hai là quy chế chấm giải hiện nay quá hình thức, cứng nhắc".

Trao đổi với PV, nhạc sĩ Tôn Thất Lập cho biết, ông không quan tâm và hào hứng với giải thưởng năm nay. Cũng theo tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng về tình yêu (Oẳn tù tì, Giai điệu mùa xuân), giải thưởng năm nay sẽ mất đi ý nghĩa và giá trị bởi những tai tiếng này.

Theo NSND Quang Thọ: "Nói những nhạc sĩ viết đơn kiện tụng, phản đối ấy là vạch áo cho người xem lưng hay bôi nhọ danh dự của Hội, của giải thưởng thì cũng chưa hẳn. Không đến mức độ đó. Tuy nhiên theo tôi, đừng nên đánh giá về mình trước thiên hạ. Hãy để điều đó cho người khác. Như thế sẽ khách quan và hợp lí hơn. Đừng nên so sánh mình với ai đó và đưa ra chuyện hơn, thua. Giải nào cũng có tiêu chí riêng của nó. Mình giỏi không có nghĩa là sẽ thắng".

Khi niềm tin bị đánh mất

Đó là lời khẳng định của NSND Trung Kiên. Ông nói: "Tôi muốn đặt câu hỏi rằng Hội Nhạc sĩ đang đại diện cho ai khi giới trẻ không còn niềm tin, giới già thì xa cách nhau? Người ta đã nói đùa rằng thử cho Hội Nhạc sĩ tạm giải thể một vài năm xem phong trào âm nhạc có sa sút gì không, để chứng tỏ Hội Nhạc sĩ không có tác dụng gì. Bản thân tôi cho rằng vấn đề không phải lỗi tại ai mà cơ chế hoạt động như vậy chỉ tốn tiền của Nhà nước mà không hiệu quả".

Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật sẽ được xét 5 năm/lần. Giải thưởng Nhà nước được xét 2 năm/lần. Và cả hai đều được công bố vào dịp Quốc khánh 2/9

Bày tỏ về những lùm xùm của Hội Nhạc sĩ, tác giả Khúc hát sông quê cho biết: "Người đứng đầu nên tránh sự cơ hội và lòng tham. Hội Nhạc sĩ cũng vậy thôi, lãnh đạo những tài năng vừa dễ vừa khó. Nếu anh không hơn tầm họ thì cũng chả sao, ngay cả khi anh hơn tầm họ, anh vẫn phải kính trọng họ, phải tránh đi danh lợi riêng mà chú trọng vào danh lợi của hội viên, của Hội mình cho thấu tình đạt lý thì sẽ được yêu mến, quý trọng. Nếu thiếu công bằng thì sẽ dễ mất đoàn kết, mất uy tín. Mà đã mất đoàn kết, mất uy tín thì hiệu quả hoạt động của Hội sẽ kém. Để xảy ra những chuyện như vừa rồi, và chắc gì đã hết, tôi nghĩ lãnh đạo Hội Nhạc sĩ nên xem lại mình một cách nghiêm túc, thật nghiêm túc. Cái gì sai thì phải sửa ngay, phải xin lỗi hội viên và công chúng, và phải hành động vì Hội, vì hội viên chứ đấy không phải là nơi dọn ra để mà ăn chơi, chia chác. Phải trân trọng tài năng và sự cống hiến cho dân, cho nước. Có thế, Hội mới tạo được uy tín".

Nguyễn Trọng Tạo là nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng gần đây nhất, trong cuộc bình chọn 20 bài hát hay nhất về nông thôn, nông nghiệp và nông dân 65 năm qua. ông là nhạc sĩ có 2 bài được tuyển chọn cùng với Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Phó Đức Phương... ông cũng được hội viên Hội Nhạc sĩ đề cử giải thưởng nhà nước trong 68 nhạc sĩ. Nhưng ông nói, ông biết trước là Hội đồng của Hội sẽ gạt ông ra ngoài. Vì thế, trong việc này ông không muốn nói về mình.

Trả lời phỏng vấn, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ: "Việc các nhạc sĩ kiến nghị, phản đối Hội Nhạc sĩ trước các giải thưởng được gọi là cao quý đó, theo tôi là bình thường, là quyền của họ khi họ thấy sự bất công bằng đã xảy ra khi bình xét và bầu bán.

Đọc tên những nhạc sĩ này, tôi thấy họ đều là những người nổi tiếng (bằng âm nhạc) và họ đã có cả một sự nghiệp âm nhạc đóng góp cho dân, cho nước. Họ đều là những người được đào tạo về âm nhạc, và đều hoạt động trong lĩnh vực này.

Từ lâu tôi đã nghe tên tuổi và tác phẩm của Đinh Quang Hợp (Tiếng hát sông Lam), Lê Việt Hòa (Gửi sông La, Gửi em chiếc nón bài thơ), Đoàn Bổng (Dòng sông quê anh, dòng sông quê em), Phan Long (Từ Razolip đến Pắc Bó)... Những tên tuổi ấy chẳng thua kém gì những người được Hội đồng bầu chọn, thậm chí còn nổi tiếng hơn nhiều. Vậy thì họ bức xúc là phải. Và công chúng âm nhạc cũng bức xúc khi họ đem so sánh những người trúng và trượt với nhau".

Vấn đề công chúng là rất quan trọng. Vì trong quy chế trao giải phải nhắm vào những tác giả có những tác phẩm được truyền bá sâu rộng trong nhân dân, nghĩa là phải có tác phẩm mà nhân dân yêu mến và gìn giữ. Nói thế thì sẽ thiệt thòi cho các nhạc sĩ viết khí nhạc (nhạc không lời), vì ở Việt Nam ta, số người nghe khí nhạc còn thấp. Nhưng thực tế thì các nhạc sĩ viết giao hưởng được biết đến không nhiều, và cũng không nhiều tác phẩm xuất sắc, thậm chí còn bị phát hiện là ăn cắp của nước ngoài . Vì vậy nền âm nhạc Việt Nam chủ yếu vẫn là ca khúc.

Phải thấy được thực tế đó, thì mới có cái nhìn soi chiếu chuẩn xác và công bằng hơn, không vì ưu tiên cho khí nhạc mà trao giải cho những người mà không mấy ai biết đến tác phẩm của họ. Việc các nhạc sĩ phản ứng và kiến nghị Hội Nhạc sĩ làm lại việc bình xét, theo tôi, là họ đã nhìn vào thực chất vấn đề chứ không phải là đố kị hay ghen tị. Đó là việc làm sòng phẳng".

Với sự phản đối của chính những người trong cuộc, cái nhìn hoài nghi của không ít công chúng và một số nhạc sĩ về một giải thưởng vốn được xem là danh giá nhất từ trước đến nay xem ra vẫn chưa có hồi kết.

Đào Bích