Cần bảo vệ 82 bia tiến sỹ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Cần bảo vệ 82 bia tiến sỹ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn MiếuQuốc Tử Giám Hà Nội đã nghiên cứu, tổ chức trao đổi với các nhà khoa học, những nhà quản lý văn hóa để đề ra các giải pháp để bảo vệ 82 tấm bia tiến sĩ.

Ông Đặng Kim Ngọc, giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: Bia tiến sĩ và đầu rùa là những di vật có giá trị, di sản văn hóa của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Đó cũng là biểu tượng của sự thành đạt và trí tuệ của người Việt. Vì vậy giữ gìn và bảo vệ là hết sức cần thiết. Đây không chỉ là nhiệm vụ của những người quản lý khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người, trong đó có khách tham quan.

Những tấm bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội là độc đáo và duy nhất. Nếu chẳng may một hoặc một số bia bị hư hỏng, hoặc mất, nhân loại sẽ mất đi một di sản tư liệu quý, hiếm, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, khó có thể khôi phục được.

Sự kiện - Cần bảo vệ 82 bia tiến sỹ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Từ sáng sớm, hàng trăm lượt người đã xếp hàng mua vé vào cổng Văn Miếu để cầu may.

Chính vì thế, tháng 3/2010, tại Ma-cao (Trung Quốc), Ủy ban UNESCO đã công nhận 82 tấm bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội là “Di sản tư liệu thế giới” trong danh mục “Ký ức thế giới”. Đây là vinh dự rất lớn cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Qua đó càng khẳng định giá trị di sản của chúng ta với di sản chung của nhân loại.

Chính vì sự tôn vinh và khẳng định như vậy, nhiệm vụ của những người làm công tác trực tiếp bảo vệ, giữ gìn di sản ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám càng nặng nề hơn. Trước đây, ta cũng đã có những giải pháp bảo vệ những tấm bia tiến sĩ này. Tuy nhiên, xu thế học sinh, sinh viên chiêm ngưỡng, nghiên cứu và có những hành vi như xoa đầu rùa, sờ bia với tâm lý cầu may ngày càng nhiều.

Được biết, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội đã nghiên cứu, tổ chức trao đổi với các nhà khoa học, những nhà quản lý văn hóa để đề ra các giải pháp để bảo vệ 82 tấm bia tiến sĩ. Cho đến vừa rồi, dự kiến hai giải pháp đã được hình thành. Hai giải pháp này đã được báo cáo với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội để xin hướng lựa chọn.

Giải pháp thứ nhất, ở một số nơi trên thế giới, người ta bảo vệ di sản bằng vách kính quây xung quanh, ngăn khách tham quan và di sản, hạn chế gần như tuyệt đối sự tiếp xúc. Giải pháp thứ hai là xây dựng một hệ thống lan can bằng gỗ với những hình chạm trổ con tiện theo đúng không gian kiến trúc mà hiện nay Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang có. Hệ thống lan can cao khoảng 1m, bao xung quanh khu vực nhà bia.Đây là giải pháp được các nhà khoa học, quản lý văn hóa ủng hộ.

Ngoài ra, việc ngăn chặn hành động sờ đầu rùa, xoa mặt bia còn cần những giải pháp khác như: Tăng cường lực lượng bảo vệ, tuyên truyền nâng cao ý thức của khách tham quan để họ nhận thức một cách đầy đủ hơn về việc bảo vệ di sản.

“Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cho người dân rất cần nhưng tôi thấy hiệu quả chưa bao giờ cao. Người ta có thể nghe đấy nhưng chấp hành hay không là chuyện khác. Nếu như ý thức đó gần chạm ngưỡng các nước ở xung quanh ta thì việc bảo vệ một di sản như thế này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Ngọc nói.

Trao đổi với PV Người đưa tin, GS.Ngô Đức Thịnh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng Việt Nam chia sẻ: “Việc sỹ sĩ tử đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám sờ đầu rùa lấy may trong các kỳ thi là một nét văn hóa tín ngưỡng. Đây là quan niệm, phong tục văn hóa đã có từ rất lâu đời, ảnh hưởng từ văn hóa phương Đông. Trong khi đó, rùa là con vật trong “tứ quý” thể hiện sự trường tồn, còn bia tiến sỹ thể hiện sự đỗ đạt. Thế nên các bạn sĩ tử đều muốn được sờ vào lấy may, tuy nhiên cũng có không ít hành động phản cảm khiến cho người ta nhìn vào thấy mất đi vẻ tôn nghiêm, trang trọng. Thiết nghĩ, Ban quản lý Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần tăng cường quản lý, phối hợp với các cơ quan chức năng để giữ lại nét đẹp văn hóa tâm linh ấy”.

Cao Tuân