Căn bệnh thầm kín ít biết của

Căn bệnh thầm kín ít biết của "thánh nhạc" Beethoven

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Được coi là hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn, Beethoven đã được thế giới công nhận là “thánh nhạc” khi tài năng của ông ảnh hưởng sâu sắc tới những nhà soạn nhạc, nhạc sỹ và khán giả về sau. Tuy nhiên, cuộc đời của nhà soạn nhạc lừng danh này lại không hề trải hoa hồng khi cả đời ông phải chống chọi với vô vàn căn bệnh và cuối đời chết trong sự cô quạnh.

Điếc vẫn là thiên tài

Ludwig van Beethoven chào đời ngày 16 tháng 12 năm 1770 tại thành phố Bonn trong miền Rhineland nước Đức. Cha của Beethoven, ông Johan và ông nội, đều là các ca sĩ cung đình. Mẹ của Beethoven, bà Maria, là con gái của một người đầu bếp cung đình. Đây là một gia đình thiếu hạnh phúc vì người cha thường hay say rượu, nổi điên và đánh đập các con khiến bà Maria vẫn phải che chở Beethoven tránh khỏi các cơn hành hạ của người cha nghiện ngập.

Ngay từ thuở thiếu thời, Beethoven đã tỏ ra có năng khiếu về âm nhạc và ông Johan đã quyết định bắt con học nhạc để sau này khai thác như thần đồng Wolfgang A. Mozart. Beethoven đã bị cha nhốt vào phòng trong nhiều giờ để học đàn vĩ cầm và đàn dương cầm. Năm lên 6 tuổi, Beethoven đã biểu diễn âm nhạc trước thính giả nhưng đã không tạo được tiếng vang nào. Mặc dù bị bạo hành bởi người cha, bị ép buộc phải học âm nhạc, Beethoven đã không thù ghét âm nhạc mà lại coi âm nhạc là một con đường giải thoát.

Trong khi danh vọng của Beethoven đang đi lên vào cuối thập niên 1790, nhạc sĩ này đã bị mất dần thính giác, một giác quan đối với ông là tối cần thiết và được coi là hoàn hảo nhất. Trước kia, Beethoven là một người tự hào, độc lập và hơi kỳ dị, thì nay bệnh lãng tai đã biến đổi ông thành người đa nghi, dễ nóng giận. Beethoven bị điếc hoàn toàn vào cuối cuộc đời nhưng ông vẫn sáng tác và đã coi nghệ thuật âm nhạc là một vinh quang cuối cùng để vượt qua cuộc sống.

Khi bị điếc hoàn toàn cả hai tai vào năm 1818, với lực tàn của một người cả đời phải chống trọi với bệnh tật, Beethoven thường hay đi lang thang ngoài phố, dáng điệu trông thảm thương. Nếu gặp người quen, nhạc sỹ này sẽ rút ra trong túi một cây viết chì, một cuốn sổ con rồi nói: "Muốn nói chuyện với tôi thì cứ viết lên mặt giấy này!". Những lúc như thế, không ai có thể đoán ra rằng, người đứng trước mặt mình là một nhà soạn nhạc thiên tài với một loạt những bản giao hưởng bất hủ và đi vào huyền thoại của nhân loại.

Vào tháng 3 năm 1827, khi đi nhờ trên một chiếc xe bò của người bạn trở về nhà, gặp lúc thời tiết giá rét, sức khỏe lúc này đã kiệt quệ, Beethoven đã run lên cầm cập vì giá lạnh, hơi thở cũng đã trở nên rất khó khăn. Ngay ở thời điểm đó, người nghệ sỹ với hàng chục căn bệnh đeo bám đã khạc ra từng đống máu, thấm ướt chiếc áo khoác ngoài của ông. Sau khi được đưa về nhà vài hôm, Beethoven đã trút hơi thở cuối cùng khi vừa bước sang tuổi 57.

Mắc bệnh giang mai bẩm sinh

Vào đầu tháng 12 năm 2005, sau nhiều năm nghiên cứu về nguyên nhân cái chết của nhà soạn nhạc thiên tài, phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne ở Chicago, Mỹ đã đưa ra bằng chứng là ngay từ thời thanh niên Beethoven đã bị nhiễm độc chì rất nặng. Công bố này dựa vào sự phân tích một mẫu xương sọ của Ludwig van Beethoven bằng X quang. Như vậy có thể nói ngay từ khi ông mới 20 tuổi Ludwig van Beethoven đã chịu đựng tác động rất nặng của tình trạng nhiễm độc chì.Tuy nhiên người ta vẫn chưa rõ liệu chứng điếc của Beethoven có phải do nhiễm độc chì hay không.

Không chỉ có những giả thuyết về căn bệnh mà Beethoven mắc phải trước khi chết như bệnh Crohn hay nhiễm độc chì, nhiều nhà khoa học trước đó đã tuyên bố gây sốc rằng, nhà soạn nhạc thiên tài này còn mắc bệnh giang mai bẩm sinh, lây truyền từ người mẹ của mình. Về người mẹ của nhà soạn nhạc, bà Maria Magdalena Keverich là con gái một người đầu bếp cung đình, từng làm tớ gái, sau lấy một người làm đầy tớ cũng ở trong cung. Tuy nhiên, sau đó cuộc hôn nhân này đổ vỡ và ít lâu sau người phụ nữ này lại trở thành vợ của ông Johann- bố của Beethoven. Ngay từ khi còn trẻ, bà Maria Magdalena Keverich đã bị bệnh giang mai từ người chồng cũ. Khi kết hôn với ông Johann, trong 6 người con với người đàn ông này thì ba người bị điếc, hai bị mù và một bị thiểu năng trí tuệ. Cuối cùng trong 6 anh chị em cùng gia đình chỉ có người con trai cả là Beethoven và hai người em trai kế tiếp là còn sống sót.

Tuy nhiên, nghi án Beethoven chết do bệnh giang mai sau đó đã được giải oan khi nhiều nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu hộp sọ của nhà soạn nhạc này. “Beethoven đã không chết bởi bệnh giang mai, căn bệnh này thời đó thường được chữa trị bằng thủy ngân. "Chúng tôi không tìm thấy thủy ngân trong thi thể của Beethoven, như vậy Beethoven không phải bị chết vì căn bệnh trác táng này"- một nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu cho biết.

Đào hoa lỡ dở

Nếu đánh giá dáng vẻ bề ngoài thì thực chất Beethoven là một chàng trai xấu xí, mặt rỗ, tai điếc, áo quần luôn xộc xệch, giống như người mới từ hoang đảo trở về. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người đàn ông này lại thiếu phụ nữ vây quanh. Vì mến mộ tài năng của nhà soạn nhạc, nếu điểm qua những bóng hồng đã đi qua cuộc đời Beethoven thì con số thực cũng không thể dưới.. một tá. Tuy nhiên, dường như cuộc đời luôn thích trêu ngươi và đùa giỡn với Beethoven khi tất cả những người phụ nữ ông từng yêu sau đó đều bỏ ông để đi... lấy chồng.

Mối tình đầu tiên của Beethoven là cô học trò nhỏ Lorsi. Nhưng sau đó, Lorsi đã kết hôn với một người bạn của Beethoven. Tiếp đến, thời gian ở Vienna, Beethoven đã yêu hai người phụ nữ có tên là B.Christina và M. Malatana. Sau đó, Beethoven lại yêu nữ bá tước trẻ Hungari tên là Peti, nhưng lần lượt cả 3 người phụ nữ này đều “theo chồng bỏ cuộc chơi”.

Sau khi nữ bá tước Peti đi lấy chồng, áy náy vì bỏ rơi người tình, người đàn bà này đã mang em gái mới 16 tuổi của mình giới thiệu cho tình cũ. Say đắm trước vẻ đẹp mơn mởn sức sống của một thiếu nữ đang thì xuân sắc, Beethoven sau đó cũng nhanh chóng quên đi Peti để đắm chìm trong vòng tay rực lửa của cô gái 16 tuổi. Tuy nhiên, hạnh phúc không tày gang tấc khi không lâu sau đó, cô này cũng bỏ Beethoven để lấy một bá tước đẹp trai.

Tưởng chừng như những cuộc tình thất bại trước đó đã làm cho người nghệ sỹ vốn đa sầu đa cảm như Beethoven sợ tình yêu. Tuy nhiên, mối tình được coi là đẹp nhất nhưng cũng để lại nỗi đau khôn xiết nhất cho người nghệ sỹ kém may mắn này mới chính thức đến khi Beethoven ngoài 40 tuổi. Vào mùa xuân năm 1809, Beethoven đem lòng yêu cô học trò xinh đẹp là nàng Theresa de Brunowick mới 18 tuổi, con gái điền chủ Malfati người Hungary. Nhờ sự khuyến khích của nàng, Beethoven sáng tác Bản giao hưởng số 6 có tên “Đồng quê” vì ông đã lầm tưởng sự tận tụy và lòng kính mến của cô gái đó với nghệ thuật là tình yêu. Tuy nhiên, sau một năm yêu trong thầm lặng, khi Beethoven đủ dũng cảm để ngỏ lời cầu hôn với Theresa thì người con gái này đã dứt khoát từ chối. Sau này, người nhạc sỹ mới biết rằng, Theresa đã bị cha mẹ ép gả cho một vị bá tước giàu có từ trước đó.

Mặc dù là một nhà soạn nhạc thiên tài và nổi tiếng, tuy nhiên, cuộc đời của Beethoven lại sống trong sự cô quạnh và chết cũng không có người thân bên cạnh. Đã có lúc, khi trải qua một vài cuộc tình thất bại, người nghệ sỹ này cũng đã đau xót mà thốt lên rằng: “Đáng thương thay cho Beethoven, thế giới này không có hạnh phúc dành cho ngươi, ngươi chỉ có thể cảm thấy yên ổn và hạnh phúc trong tâm tưởng mà thôi".

Vào tháng 3 năm 1827, khi đi nhờ trên một chiếc xe bò của người bạn trở về nhà, gặp lúc thời tiết giá rét, sức khỏe lúc này đã kiệt quệ, Beethoven đã run lên cầm cập vì giá lạnh, hơi thở cũng đã trở nên rất khó khăn. Ngay ở thời điểm đó, người nghệ sỹ với hàng chục căn bệnh đeo bám đã khạc ra từng đống máu, thấm ướt chiếc áo khoác ngoài của ông. Sau khi được đưa về nhà vài hôm, Beethoven đã trút hơi thở cuối cùng khi vừa bước sang tuổi 57.

Hải Hiền (Theo Ifeng)