Cảnh sát ra tay trấn áp “quái xế” tuổi teen

Cảnh sát ra tay trấn áp “quái xế” tuổi teen

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Công an TP.Hà Nội đã huy động hàng loạt cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông tập trung xử lý vi phạm giao thông của học sinh, sinh viên và các đối tượng thanh thiếu niên ngổ ngáo “nhờn luật”.

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67, CA TP.Hà Nội), bắt đầu từ 13/8, lực lượng CSGT ra quân tổng kiểm tra, xử lý tất cả các vi phạm, trong đó chú trọng vào số học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường.

Đây được coi là “quả đấm thép” giáng vào một bộ phận giới trẻ đang xem thường các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Theo ghi nhận của PV báo Người đưa tin, trong hai ngày đầu ra quân, các đội CSGT đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm, không ít trong số này tỏ ý chống đối khi bất ngờ bị “tóm”.

Xã hội - Cảnh sát ra tay trấn áp “quái xế” tuổi teen

Nhiều thanh niên vi phạm bị CSGT "tóm" liền gọi điện cầu cứu người thân

Cứ vi phạm là gọi điện “cầu cứu”

Lúc 9 giờ sáng 14/8, PV Người đưa tin có mặt tại nút giao thông Láng - Nguyễn Chí Thanh - Trúc Khê (Đống Đa, Hà Nội) để cùng ra quân với các chiến sĩ Đội CSGT số 3. Lúc này, đường đông như mắc cửi, không ít “tổ lái” liều lĩnh “phi” cả lên vỉa hè để mong vượt lên trước. Không hiếm học sinh mặc áo trắng in rõ phù hiệu của một trường THPT, đầu không đội mũ bảo hiểm, “hiên ngang” lướt trên đường. Một số “cậu ấm”, “cô chiêu” lạng lách điệu nghệ giữa dòng người đông đến nghẹt thở, nấp sau những chiếc ô tô để “qua mặt” lực lượng CSGT.

Theo ghi nhận của PV, chỉ ít phút sau khi triển khai đội hình, các chiến sĩ đã phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe SH không đội mũ bảo hiểm. Thấy bóng dáng chiến sĩ cảnh sát ra hiệu dừng xe, đối tượng này ngay lập tức quay đầu tháo chạy vào một con ngõ nhỏ cạnh Ban Cơ yếu Chính phủ. Xét thấy hành vi này có thể gây nguy hiểm cho người dân đang tham gia giao thông, nhanh như cắt, hai chiến sĩ cắm chốt tại khu vực lao đến sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, khống chế đối tượng. Ngay lập tức, xe vi phạm được đưa về chốt để xử lý.

Liền sau đó, theo ghi nhận của PV, hàng chục phương tiện khác với phần lớn người điều khiển là thanh niên được đưa về chốt xử lý với các lỗi vi phạm phổ biến như không đội mũ bảo hiểm, đi xe không biển kiểm soát, lạng lách, đánh võng... Cũng qua quan sát thấy, phần đông người vi phạm đều nhận lỗi, nhanh chóng ký vào biên bản. Trao đổi với Người đưa tin, Trung úy Phùng Ngọc Hiệp, phụ trách tổ thực hiện kế hoạch xử lý học sinh vi phạm của Đội CSGT số 3 cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Phòng CSGT, mỗi đội CSGT trực thuộc thành lập ít nhất một tổ công tác mạnh với thành phần là các đoàn viên thanh niên được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hiện đại tham gia tuần tra kiểm soát giữ gìn TTATGT trên địa bàn thành phố. Trong ngày đầu ra quân, Đội CSGT số 3 đã huy động 12 chiến sĩ tập trung xử lý các đối tượng thanh thiếu niên bặm trợn, đầu trọc, xăm trổ, lạng lách, đánh võng... “Các chiến sĩ trong đội cũng được tập huấn rất kỹ, hạn chế những đối tượng chống đối. Chúng tôi hoạt động trên tinh thần đảm bảo những yếu tố để xử lý nghiêm, bất ngờ và hiệu quả. Trong buổi sáng 14/8, Đội đã xử lý hơn 50 đối tượng vi phạm giao thông”, Trung úy Hiệp nói.

Cũng theo các chiến sỹ CSGT đội 7, phần đông những người vi phạm giao thông đều gọi điện “cầu cứu” người thân. Có người gọi điện cho người nhà xong rồi đưa máy để CSGT “ép” nói chuyện. “Tuy nhiên, chúng tôi kiên quyết xử lý theo đúng thẩm quyền, đảm bảo không để “lọt lưới” đối tượng vi phạm”, Trung úy Hiệp chia sẻ.

Trung tá Đinh Thanh Thảo, đội trưởng Đội Khám nghiệm, tuyên truyền xử lý vi phạm (Phòng CSGT, CA TP Hà Nội) cho biết, giữa tháng 8 và đầu tháng 9 là khoảng thời gian nhập học của học sinh, sinh viên. Cùng với việc gia tăng về mật độ tham gia giao thông là những nguy cơ xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông. Việc huy động các đoàn viên CSGT của đơn vị tham gia tăng cường xử lý vi phạm sẽ góp phần phòng ngừa tai nạn giao thông.

Tông xe vào CSGT để thoát thân

Chiều cùng ngày, trao đổi với Người đưa tin, thượng úy Tạ Ngọc Khánh, bí thư chi đoàn Đội CSGT số 7, phụ trách tổ công tác hoạt động trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Sáng 14/8, tổ đã huy động 11 chiến sĩ cắm chốt tại địa điểm trước trụ sở Đội CSGT số 7 và gần Học viện Y học cổ truyền để ra quân. Đội đã xử lý 52 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó có 10 trường hợp giữ xe, 15 trường hợp là học sinh sinh viên. 80% số trường hợp vi phạm do không đội mũ bảo hiểm”.

Cũng theo thượng úy Khánh, do đường đông, lượng người và phương tiện tham gia giao thông dày đặc nên gây không ít khó khăn cho các chiến sĩ CSGT. “Nhiều đối tượng khi bị ra hiệu dừng xe kiểm tra đã lập tức quay đầu, chạy ngược chiều vun vút giữa đám đông, thậm chí lao thẳng vào CSGT hòng thoát thân. Một số đối tượng cộm cán khi bị xử lý đã không hợp tác, văng tục, lăng mạ CSGT hoặc gọi điện “cầu cứu” người thân. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên quyết xử lý. Bên cạnh những biện pháp cứng rắn, các chiến sĩ cũng phải linh hoạt, mềm mỏng, tránh gây tai nạn cho những người đi đường”, Thượng úy Khánh nói thêm.

Khá bất ngờ với đội ngũ CSGT được dàn trận tinh nhuệ và cơ động, bác Nguyễn Văn Long (KĐT Văn Quán, Hà Đông) chia sẻ: “Trước đó, dù đã có nhiều biện pháp nhưng tình trạng học sinh đầu trần, kẹp ba lướt xe máy vù vù tới trường vẫn diễn ra trên khắp các cung đường, con phố... Không chỉ là quy định của pháp luật mà các trường học đều cấm học sinh đi xe máy đến trường. Lệnh cấm là vậy nhưng học sinh vẫn phớt lờ, cố tình vi vu trên đường, bất chấp người tham gia giao thông. Tôi từng chứng kiến, không ít cháu trẻ măng, kẹp ba, bốn, đầu không mũ bảo hiểm lạng lách đánh võng mà không bị lực lượng chức năng “hỏi thăm”. Hy vọng đợt ra quân này sẽ là “quả đấm thép” trấn áp, đưa tình hình giao thông vào nền nếp.

Theo lời của trung tá Đinh Thanh Thảo, những năm trước đơn vị đã phối hợp với Sở GD&ĐT, các trường THPT tổ chức tuyên truyền, ghi hình xử phạt “nguội” học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, có tác dụng răn đe, giáo dục nhưng trên thực tế, số học sinh, sinh viên vi phạm vẫn còn khá nhiều. Trong thời điểm này, bên cạnh những biện pháp mang tính giáo dục, Phòng CSGT sẽ xử lý nghiêm khắc để tạo sự răn đe đối với người vi phạm. Những trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm đều được thông báo lỗi về nhà trường, gia đình và phải có xác nhận của những nơi này mới được giải quyết. Riêng các điểm nhận trông giữ xe cho học sinh, sinh viên vi phạm, Phòng CSGT cũng sẽ phối hợp với công an các phường sở tại, thanh tra giao thông... kiểm tra, lập biên bản xử lý, nếu có dấu hiệu sai phạm.

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, trưởng Phòng CSGT (Công an TP.Hà Nội) nhận định, tình hình an toàn giao thông từ nay đến cuối năm còn nhiều phức tạp bởi, theo chu kỳ mọi năm, việc học sinh, sinh viên quay vào năm học mới, tình hình giao thông trên các tuyến đường sẽ đông trở lại, nhất là khu vực có trường học. Để đảm bảo an toàn giao thông trong những tháng cuối năm 2012, lực lượng CSGT đang xây dựng các phương án, xử lý theo từng chuyên đề nhằm vào nhiều đối tượng tham gia giao thông như: Xử lý học sinh đi xe máy đến trường; Xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, đi vào đường cấm, đường ngược chiều; Kiểm tra xe khách đáp ứng đủ điều kiện an toàn mới được xuất bến và truy tố các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trước pháp luật.

Theo trung úy Phùng Ngọc Hiệp, khoảng hơn 70% số thanh thiếu niên vi phạm giao thông bị xử lý trong buổi sáng 14/8 gọi điện “cầu cứu” người thân. Nhiều thanh thiếu niên khi bị dừng xe đã mạnh mồm quát nạt các chiến sĩ CSGT, thay vì xuất trình giấy tờ lại bốc máy gọi điện để mong được “giải cứu”. Không ít “cậu ấm” đầu xanh đầu đỏ tuyên bố có người nhà làm công an, “sếp nọ sếp kia”, thậm chí làm ở Văn phòng Quốc hội để “dọa nạt”.

Anh Đức - Cao Tuân