Cậu ấm cô chiêu làm nông dân tập sự

Cậu ấm cô chiêu làm nông dân tập sự

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
“Nhờ trực tiếp tham gia trồng cây con mới thấy hết được sự vất vả của người nông dân”.

Nông dân đường nhựa hào hứng nhập cuộc

Tìm kiếm một không gian vui chơi và sinh hoạt cho trẻ nhỏ luôn là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Việc tổ chức cho con hóa thân thành nông dân được nhiều phụ huynh lựa chọn với mục đích giúp các con mở mang tầm nhìn.

Hiện nay tại các khu vực ngoại thành Hà Nội như Đông Anh, Gia Lâm… liên tục mọc lên các trang trại vừa kinh doanh vừa kết hợp khai thác du lịch. Với đặc điểm địa lý chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội từ 7km - 20 km thuận lợi cho việc tổ chức những buổi dã ngoại.

Phóng viên được dịp theo chân nhóm học sinh lớp 4A trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đến với Tam Giang Thạch Thảo Viên nằm bên bờ sông Đuống vào một ngày đầu tháng 7. Khác với không gian ồn ào của thành thị, nơi đây như một không gian quê yên tĩnh. Theo lịch trình sau khi tập kết chụp ảnh kỷ niệm, các bé sẽ được các bác nông dân đang làm việc tại trang trại giới thiệu về hoa, dây leo, quá trình phát triển nhân giống và cả sự tích của nó.

Xã hội - Cậu ấm cô chiêu làm nông dân tập sự

Một buổi dã ngoại của học sinh

Đặc biệt bữa trưa ở đây được chế biến từ chính các loại rau và thực phẩm sạch mà các bé vừa học hỏi và trực tiếp thu hoạch được. Bé Quý Anh (7 tuổi) hồ hởi khoe: “Trưa nay con ăn cơm với rau mồng tơi và rau đay. Rau này con tận tay hái ở bờ rào ngoài vườn nên ăn thấy ngon hơn mẹ mua ngoài chợ”.

Nhân dịp nghỉ hè, gia đình chị Thu Uyên (Đống Đa - Hà Nội) thưởng cho hai cậu con trai kỳ nghỉ hè tại trang Ba Vì. Nhìn thấy chiếc xe công nông dùng để chở khách đi thăm quan trang trại nổ máy khởi động, khói phụt mù mịt trên đầu máy, bé Hải Anh hét toáng lên: “Con quái vật đang thở phì phò mẹ ơi” còn bé Nam Anh (3 tuổi) thì không khỏi khoái chí vừa chỉ vừa bi bô: “khói! Khói”.

Có lẽ cuốn hút nhất đối với các em nhỏ là việc được tham gia vào các khâu sản xuất, gieo trồng các sản phẩm nông nghiệp. Bé Thu Anh (lớp 5A trường tiểu học Việt úc) hào hứng kể: “Chúng con được chia thành từng nhóm nhỏ và được các bác nông dân hướng dẫn cách gieo hạt, trồng cây. Các bạn trai có nhiệm vụ đi xách nước về tưới. Nhờ trực tiếp tham gia trồng cây con mới thấy hết được sự vất vả của người nông dân. Con sẽ mang về tặng ông bà nội và bố mẹ 3 chậu cây con tự trồng”.

Phương pháp giúp con cai game online

Theo Chị Nguyễn Thúy - Bạch Mai Hà Nội, "Những chuyến đi như thế này rất thiết thực giúp các con có những trải nghiệm thú vị về cuộc sống xung quanh". Đặc biệt có những phụ huynh không giấu niềm vui bởi từ ngày cho con tiếp xúc với hoạt động ngoại khóa cậu quý tử vốn là tín đồ của game online đã chính thức nói lời đoạn tuyệt với thế giới ảo. Cậu ấm nhà chị Thu Trang (Kim Mã) còn khẳng định: "Em thích cấy lúa hơn cả chơi điện tử. Mặc dù thành quả gieo trồng vẫn chưa thẳng hàng thẳng lối, nhưng khi nhìn lại, em vẫn thấy tự hào”.

Các giáo viên nhà trường cũng đánh giá cao hình thức hoạt động ngoại khóa. Cô giáo Trần Mai Phương giáo viên chủ nhiệm lớp 4C, Trường tiểu học Việt úc cho biết: "Tuổi các em còn nhỏ nên nhiều khi không cảm nhận hết được những giá trị văn hóa khi đi thăm quan đền chùa, bảo tàng. Trong khi cho các bé đi du học kiểu này giúp các em cảm thấy gần gũi với công việc của người nông dân và hiểu hơn về môn sinh học".

Anh Nguyễn Quốc Hùng, ông chủ của khu du lịch sinh thái Tam giang thạch thảo viên (Gia Lâm) cho biết: Với mức chi phí khá mềm, khoảng từ 150.000 đồng - 180.000 đồng nhưng kiến thức thực tế các bé tiếp thu được lại khá tốt. Tuy nhiên, hạn chế là cơ sở vật chất tại các trang trại còn chưa đầy đủ, trò chơi lồng ghép còn khá sơ sài, đơn giản cần được đầu tư hơn.

Tuệ Linh