Cay đắng những cạm bẫy của nghề tiếp thị

Cay đắng những cạm bẫy của nghề tiếp thị

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
0
Cầm tờ báo có đăng mẩu quảng cáo Tuyển dụng nhân viên tiếp thị làm việc ngoài giờ, thu nhập cao, nhiều cơ hội thăng tiến..., Thu mạnh dạn bước vào văn phòng nhà phân phối độc quyền cho một hãng thuốc lá tại Hà Nội.

Sau khi phải trả lời những câu hỏi như: Có xe máy không? Có bạn trai chưa? Từng làm tiếp thị cho hãng nào?... Thu được nhận vào làm thử việc một tuần không lương.

Nỗi buồn nhập môn

Đúng hẹn, 19h tối, tôi theo Thu cùng tới nhà phân phối độc quyền cho một hãng thuốc lá tại Hà Nội mà cô được nhận vào thử việc. Người quản lý bộ phận marketing nhìn tôi chằm chằm rồi hỏi Thu: "Bồ hả?", Thu lắc đầu: "Ngày đầu đi làm đêm nên nhờ anh trai hộ tống". "Vậy thì được, chứ bồ bịch vào rồi nó ghen thì khổ lắm, chỉ có nước nghỉ cho sớm" - Anh ta cảnh báo.

Sau đó anh ta truyền đạt cho Thu các bước cơ bản phải thuộc nằm lòng đối với một nhân viên tiếp thị cùng những thông tin về sản phẩm như: Xuất xứ, lịch sử hình thành, tính năng, giá cả "Em nhớ nhé, dù có buồn bực gì thì khi bước vào quán của người ta cũng phải tươi cười, gây thiện cảm rồi mới chào mời đấy" - Anh chàng dặn đi dặn lại sau khi giao cho Thu ký nhận hai cây thuốc lá, một số hàng khuyến mãi và chiếc áo thun có logo thương hiệu của hãng để mặc vào người.

Lính mới, Thu được ưu ái dành cho nhiệm vụ "đánh các quán cà phê trong nội thành Hà Nội, thay vì phải đến các quầy bar và vũ trường như các đồng nghiệp thâm niên. Sau khi chạy xe một vòng thám sát, Thu bảo tôi dừng lại trước một quán cà phê nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh rồi rụt rè xách cây thuốc lá bước vào.

Vừa nhoẻn miệng cười gây thiện cảm" như lời người quản lý căn dặn, chưa kịp nói lời mời Thu đã bị "thượng đế lắc đầu từ chối, kèm theo những lời chọc ghẹo "có bán em thì bọn anh mua chứ thuốc thì...". Thu vẫn cười duyên dáng, nói lời "cám ơn" rồi quay sang bàn khác, tiếp tục nhiệm vụ.

Cứ vậy, Thu lần lượt đi hết bàn này đến bàn khác mời chào, thỉnh thoảng cô dừng lại ở một góc vắng nghỉ chân và lấy khăn thấm mồ hôi. Trên đường chở Thu sang một quán cà phê nhạc sống ở ngã tư Vọng, tôi hỏi: "Vừa rồi bán được mấy bao?", Thu buồn bã: "Chỉ tiêu giao tối nay 10 bao, hết gần nửa thời gian rồi mà mới bán được 1 bao thôi".

Thu cho biết, hè năm ngoái, cô và hai người bạn là sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế công nghiệp làm tiếp thị cho một hãng bia, so ra còn cực nhọc hơn tiếp thị thuốc lá nhiều. 4h chiều mỗi ngày, theo sự phân công của tổ trưởng, các cô ăn vội cơm nguội ở phòng trọ rồi đến quán phục vụ khách nhậu.

Công việc ban đầu nghe qua miêu tả thì cũng đơn giản: Mời khách dùng bia của hãng, rót bia, châm thêm đá nếu có yêu cầu nhưng khi chính thức làm mới thấy không đơn giản chút nào, thậm chí còn phức tạp nữa là khác. Không chịu được mùi bia, nhưng khi khách mời Thu vẫn phải lịch sự cầm ly uống, mỗi bàn một chút mà có đêm về đến nhà cũng "tưng tưng" cái đầu.

Những cái khó và dễ của nghề

Trần Hiếu Tâm - Phụ trách đội quân tiếp thị nước giải khát gần 20 người - bảo "chỉ làm nghề tiếp thị mới hiểu được người tiếp thị".

Tâm cho biết, trước kia chưa làm tiếp thị, anh cũng không thiện cảm gì với những người làm nghề tiếp thị. Đôi khi đang giờ nghỉ trưa bỗng chuông cổng kêu kính koong liên hồi, tưởng khách tới nhà chơi, hóa ra là cô nhân viên tiếp thị dầu gội đầu.

Tâm kể, anh làm tiếp thị cho hãng nước giải khát này đã được 6 năm, bắt đầu bằng việc đơn giản là đến từng cửa hàng tạp hóa giới thiệu sản phẩm mới. Những ngày đầu vào nghề anh liên tục bị các cửa hàng từ chối, may mắn lắm cũng chỉ được đồng ý cho ký gửi hàng với điều kiện một tuần sau quay trở lại, bán được thì mới trả tiền.

Sau những "thất bại thảm hại", Tâm chuyển phương pháp tiếp cận, thay vì vào cửa hàng là mời chào ngay thì anh săn tay áo phụ giúp bán hàng để gây thiện cảm trước. Vậy mà có cửa hàng vẫn không hài lòng, thậm chí còn đóng cửa không tiếp nên có lần anh đã liều đút tay vào cho bị kẹp để làm quen, để được đồng ý lấy hàng ủng hộ".

Theo Tâm, cái khó nhất của nghề tiếp thị là khâu tiếp cận đối tượng, thuyết phục thế nào để họ quan tâm đến sản phẩm là đã thành công. Mua hay không còn phụ thuộc yếu tố thời gian, nhu cầu, giá cả. Tùy theo từng mặt hàng, thu nhập của nhân viên tiếp thị thường lên xuống theo doanh số bán ra, ngoài lương cơ bản nếu vượt định mức sẽ được thưởng.

Mặc dù được nhà sản xuất và người tiêu dùng đánh giá cao, là kênh nối kết không thể thiếu trong thời buổi cơ chế thị trường, nhưng phần lớn nhân viên tiếp thị không được hưởng các phúc lợi xã hội như bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội. Thông thường, người trả lương cho nhân viên tiếp thị là nhà sản xuất, nhưng người trực tiếp sử dụng đội ngũ này lại là nhà phân phối. Khi nhà sản xuất đã khẳng định được thương hiệu hàng hóa, nhà phân phối đã có thị trường ổn định, lúc đó nhân viên tiếp thị bị ra rìa.

Chính vì thế mà những nhân viên tiếp thị có năng lực, trình độ và kinh nghiệm thường lo trước "hậu sự" bằng cách sẵn sàng nhảy sang hãng nào trả lương cao và thù lao xứng đáng. Không ít nhân viên tiếp thị giỏi, có sẵn mối quan hệ trong tay, làm cho hãng nào là hãng đó nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường.

Không ít nhân viên tiếp thị khéo, có ngoại hình và ăn nói dễ thương, đi đến quán nhậu nào là kéo theo khách đến quán đó nhậu. Tất nhiên, người không trụ được hoặc mới vào nghề tiếp thị được vài hôm đã "chạy mất dép" vẫn chiếm số đông, bởi không chỉ cơ cực mà còn bị "sập bẫy" trên những nẻo đường tiếp thị nếu thiếu "bảo trọng" bản thân...

Thuận Thành