Chàng trai cụt hai tay làm giàu từ nét vẽ

Chàng trai cụt hai tay làm giàu từ nét vẽ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Vượt lên nỗi đau tật nguyền, Khanh Rông người dân tộc Khmer, ở ấp Trương Hiền, Thạnh Trị, Sóc Trăng đã trở thành thầy giáo, họa sĩ tiếng tăm trong vùng.

Vượt lên nỗi đau

Khanh Rông tô khuôn đổ lam bằng Thạnh cao.Năm 12 tuổi, cậu bé Khanh Rông theo cha mẹ rời Biên Hòa (Đồng Nai) về miền quê nghèo thuần nông Trương Hiền (xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) sinh sống.

Trong một lần tắm sông với tụi bạn chung xóm, cả nhóm tình cờ phát hiện vật tròn tròn nỗi lềnh bềnh trên mặt nước như quả cam nên tinh nghịch. Vật ấy bất ngờ phát nổ. Lúc tỉnh lại trên giường bệnh, Rông vô cùng tuyệt vọng khi biết mình chỉ còn một mắt, 2 bàn tay bị bác sĩ cưa gần đến cùi chỏ…

“Mơ ước được cắp sách đến trường để sau này trở thành họa sĩ của tôi gần như đi vào ngõ cụt. Nhưng được gia đình động viên, tôi bình tâm, dần dà vượt qua mặc cảm tàn tật, xin tiền mua tập, viết về tập tành cầm bút, tập viết".

Sau hơn 3 tháng cặm cụi, những nét chữ đầu tiên đã nên hình, thẳng hàng, thẳng lối, Rông được cha mẹ đưa vào lớp 1. Khi tận mắt chứng kiến Rông viết thử, cô chủ nhiệm như muốn “té ngửa” bởi những nét chữ tròn trịa, rành rọt được viết từ cậu bé không có bàn tay.

“Viết chữ thạo, tôi bắt đầu học vẽ tranh. Tôi thích ngắm vườn hoa, cây trái, đồng ruộng, làng quê, thầy cô, trường lớp… Ngắm nghía, yêu thích cái gì, tôi lấy bút chì màu tô tô, vẽ vẽ… lại thứ ấy”- Rông kể!

Xã hội - Chàng trai cụt hai tay làm giàu từ nét vẽ
Ngoài tài vẽ tranh, Rông còn được bạn bè, thầy cô cảm phục về thành tích học tập. Trong suốt 3 cấp học, Rông đều là học sinh khá, giỏi của trường, của lớp.

Rông đã thi đậu vào ngành Họa của Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang cũ (nay là Sóc Trăng) với thành tích thủ khoa, được hưởng học bổng toàn phần trong 3 năm học. Nào ngờ nhà trường không cho Rông theo học với lí do… tàn tật.

Không nản lòng, anh xin đi học lớp sơ cấp hội Họa 3 tháng rồi tiếp tục học lên trung cấp với kết quả thủ khoa ngành.

"Ra trường, tôi được thầy hiệu trưởng ở quê thương tình nhận vào giảng dạy môn Mỹ thuật ở Trường Trung học cơ sở Thạnh Trị (xã Thạnh Trị) cho đến nay.
Vừa rồi, tôi lấy được bằng Cao đẳng hội họa do Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng cấp”, Rông nhớ lại quãng thời gian khó khăn.

Để duy trì sự học trong tình cảnh khó khăn, người cụt tay như Khanh Rông phải kiên trì tập chạy xe đạp. Những ngày đầu tập xe, hai cánh tay cụt vừa phải bám chặt vào ghi đông để giữ thăng bằng, vừa phải sẵn sàng trong tư thế… phanh gấp.

Khó là vậy nhưng Rông vẫn kiên trì, bất kể ngày mưa, tháng nắng, ngày ngày thầy giáo Rông vẫn kiên trì, bền bỉ đạp xe hơn 40km từ Thạnh Trị lên thị xã Sóc Trăng (nay là TP. Sóc Trăng) để học rồi sau này trở thành thầy giáo, họa sĩ.

Như trong cổ tích

49 tuổi đời với trên 22 năm giảng dạy, mong mỏi lớn nhất của Khanh Rông là truyền đạt hết cảm xúc nghệ thuật cho các em học sinh như muốn truyền lửa ước mơ, hoài bão một thời của chính bản thân anh.

Nhờ sự tâm huyết ấy mà nhiều học trò của anh đạt giải cấp huyện, tỉnh, nhiều em còn đến nhà nhờ anh luyện các môn năng khiếu để thi vào Trường Văn hóa nghệ thuật trong và ngoài tỉnh.

Lần giở lại mớ tranh sơn dầu cũ kỹ được lau chùi cẩn thận cất trong phòng ngủ, Khanh Rông khoe có một số bức từng dự triển lãm và đoạt giải lớn. Trong mớ tranh hỗn độn ấy, tôi phát hiện có một điểm chung lột tả cảnh sắc bình dị, đời thường của làng quê với những gam màu sáng.

Như bức “Vươn lên”, “Ấm tình thầy trò”, “Người Khmer vui hội Óc-om-bóc”… Dù không nói ra nhưng tôi biết, phần đời của anh được gởi gắm qua tranh.

Cảnh sắc làng quê tươi sáng, những người lành lặn tham gia vui hội ghe go…có lẽ cũng chính là những khát khao, mong mỏi từ trong sâu thẳm của con người tật nguyền, luôn cảm nhận cuộc sống hiền hòa, tươi đẹp như Khanh Rông.

Thầy Khanh Rông là một trong số những công dân tiêu biểu của xã này, không chỉ về mặt chấp hành tốt pháp luật, sống hòa đồng, tận tình giúp đỡ mọi người, chăm chỉ làm ăn phấn đấu thoát nghèo mà còn bởi ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống...

Xã mừng khi có một công dân như vậy - Ông Nguyễn Quốc Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Trị, nhận xét.

Sông Đầm