“Chiều” hay “chỉnh?”

“Chiều” hay “chỉnh?”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Bà Ngô Phương Lan cục trưởng Cục điện ảnh, giám đốc LHP quốc tế Hà Nội lần thứ hai cho rằng: "Nếu khán giả chỉ biết suốt ngày xem những phim thương mại, phim bom tấn, phim truyền hình nhiều tập thì là một điều rất không nên".

Với việc mời gọi tham gia của hàng loạt bộ phim đỉnh cao của thế giới từng gây chú ý tại các LHP và giải thưởng danh giá năm qua chứ không phải là những phim bom tấn hay những bữa tiệc thịnh soạn về âm thanh, hình ảnh theo kiểu Hollywood như khán giả Việt vẫn quen thưởng thức ở rạp chiếu lâu nay, giám đốc LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 2 không ngần ngại bày tỏ mục đích muốn thông qua LHP để "chỉnh" lại thị hiếu của khán giả cũng như xu hướng của giới làm nghề, nhất là sau những cuộc ra rạp của hàng loạt phim “thảm họa” thời gian gần đây.

Bà Lan chia sẻ: "Gần đây, một số phim ra rạp của các hãng tư nhân đã bị báo chí kêu ca rất nhiều. Nào thì phim siêu “nhảm”, phim hài “thảm họa”. Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Nếu cứ để xu hướng làm phim này tiếp tục phát triển tràn lan thì ngay cả thị hiếu, cách xem phim của khán giả trẻ, đặc biệt là việc đeo đuổi mục đích sáng tạo của các nhà làm phim dần dần sẽ quay theo hướng rất không đáng khuyến khích".

Tuy bày tỏ mục đích muốn điều chỉnh lại thị hiếu xem phim của khán giả như vậy bằng những bộ phim của dòng phim nghệ thuật đạt tới độ đỉnh của đỉnh cao trên thế giới nhưng từ phía Việt Nam, ngoài một số bộ phim nghệ thuật có chất lượng và từng giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước của những tác giả thuộc dòng phim nghệ thuật như Đặng Nhật Minh, Bùi Thạc Chuyên, Nhuệ Giang, Phan Đăng Di thì LHP lần này lại giới thiệu đến công chúng không ít những bộ phim vốn được xếp vào dòng phim thương mại.

Đặc biệt, hai bộ phim đại diện cho Việt Nam tranh giải lần này là "Đam mê" của đạo diễn Phi Tiến Sơn và "Thiên mệnh anh hùng" của Victor Vũ và bộ phim chiếu khai mạc "Cát nóng" của Lê Hoàng thì các tác giả của chúng vốn đều được xem là những đạo diễn của dòng phim thị trường.

Sự kiện - “Chiều” hay “chỉnh?”

Đạo diễn Nguyễn Vĩnh Sơn bày tỏ nỗi buồn riêng về thị hiếu khán giả trong thời gian qua

Giải thích về việc chọn "Cát nóng" của Lê Hoàng để chiếu khai mạc LHP quốc tế Hà Nội lần này, bà Ngô Phương Lan đưa ra một lí do rất đáng chạnh lòng khi ngay cả với chính ban tổ chức LHP cũng phải chiều theo thị hiếu khán giả: "Đây sẽ là một bộ phim mà chắc chắn khán giả sẽ rất hào hứng xem. Biết là phim thị trường nhưng để tránh tình trạng khán giả bỏ về ngay trong đêm chiếu phim khai mạc như đã từng xảy ra ở một số LHP tổ chức ở nước ta, ban tổ chức cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" tuy biết sẽ phải nhận không ít những lời than phiền từ báo chí và những nhà làm phim, những khán giả có tâm mong muốn về một dòng phim có chất lượng nghệ thuật thực sự".

Là một người đã gắn bó với nền điện ảnh Việt hàng chục năm, hơn ai hết, bà Lan hiểu được những vấn đề cốt lõi, những ưu và nhược và hạn chế mà điện ảnh nước nhà đang mắc phải. Trong hoàn cảnh của điện ảnh Việt hiện tại mỗi năm chỉ sản xuất chừng hơn chục phim lại phải chạy theo thị hiếu khán giả thì mới bán được vé, không phải phim nào cũng được Nhà nước bao cấp từ đầu đến cuối, tuy các đạo diễn cũng muốn làm những phim tử tế nhưng lực bất tòng tâm. Phải có tiền để tiếp tục đầu tư quay vòng cho những bộ phim kế tiếp khiến họ phải nhắm mắt làm theo cái thích và muốn của công chúng.

Tuy nhiên, về lâu dài, để nền điện ảnh Việt có thể sánh vai với những nền điện ảnh trong khu vực và trên thế giới, chắc chắn chúng ta không thể tiếp tục thỏa hiệp, không thể tiếp tục theo cách làm đó.

Đạo diễn nổi tiếng người Đức Jan Schuette (Chủ tịch BGK LHP quốc tế Hà Nội) đã phát biểu trong đêm khai mạc LHP quốc tế Hà Nội: "Đúng là điện ảnh là một ngành kinh doanh, nhưng điều lớn lao hơn cả đó là điện ảnh là một môn nghệ thuật. Tôi nghĩ rằng đối với một nền điện ảnh, khi làm ra một bộ phim thì phải làm sao để bộ phim đó chạm được vào ruột gan, trái tim và trí óc của chúng ta".

Hón Th