Chợ trầu cau duy nhất sót lại giữa Sài thành

Chợ trầu cau duy nhất sót lại giữa Sài thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Khi mới thành lập, chợ chỉ có vài gánh trầu cau nhỏ buôn bán trên vỉa hè rồi dần phát triển. Thời cực thịnh lên tới hàng trăm gánh của tiểu thương tứ xứ đổ về, nguồn nguyên liệu được lấy từ xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn).

Chợ Lê Quang Sung là chợ trầu cau truyền thống duy nhất còn tồn tại ở Sài thành hiện nay. Không ai biết chính xác khu chợ này hình thành từ khi nào, nhưng theo các cụ lớn tuổi, chợ đã tồn tại cả trăm năm nay. Chợ nằm trên đường Lê Quang Sung (thuộc quận 6, TP.HCM), đoạn cắt từ đường Chu Văn An đến đường Nguyễn Hữu Thuận, đối diện bến xe Chợ Lớn.

Khi mới thành lập, chợ chỉ có vài gánh trầu cau nhỏ buôn bán trên vỉa hè rồi dần phát triển. Thời cực thịnh lên tới hàng trăm gánh của tiểu thương tứ xứ đổ về, nguồn nguyên liệu được lấy từ xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn).

Thời đó, Bà Điểm là vùng đất nổi tiếng với 18 thôn vườn trầu, là nơi cung cấp trầu cau chủ yếu cho các chợ trên địa bàn thành phố và thậm chí cả miền Đông Nam bộ. Trầu Bà Điểm nổi tiếng với hương vị cay, thơm đặc biệt, không đâu sánh bằng.

Xã hội - Chợ trầu cau duy nhất sót lại giữa Sài thành

Những năm đất nước còn chiến tranh cho đến khoảng những năm 1990 là thời kỳ chợ trầu cau buôn bán nhộn nhịp nhất. Người bán ngồi nối lưng nhau, hàng bày chật ních cả chợ, có khi còn bày tràn lan xuống đường. Chợ bắt đầu họp từ 3h sáng và kéo dài cho gần hết ngày. Trầu cau được nhập về chợ bằng xe tải nhỏ hoặc thồ bằng xe máy từ Bà Điểm, rồi từ đó hàng chia theo các ngả tỏa ra khắp thành phố.

Chủ hàng là những cô, những chị gái duyên dáng, thướt tha trong chiếc áo bà ba mộc mạc, tôn thêm nét duyên của người phụ nữ, cũng như nét duyên của trầu cau. Phần lớn họ là những người con của Bà Điểm. Ngày xưa, nhờ nghề buôn bán trầu cau, nhiều người giàu lên nhanh chóng.

Theo năm tháng, chợ trầu cau ngày càng thu nhỏ, làm ăn thua lỗ, bởi nhu cầu của người tiêu dùng giảm sút. Hiện tại, nhìn đoạn đường nổi tiếng một thời chỉ dài chưa tới 100m của chợ trầu cau khi xưa, chúng tôi không khỏi thấy chạnh lòng. Không còn cảnh buôn bán tấp nập, nhộn nhịp của hàng trăm gánh trầu cau, thay vào đó chỉ còn lác đác khoảng 10 gánh rời rạc, đìu hiu.

Nền kinh tế khó khăn đã khiến nghề trồng trầu cau không thể làm giàu, nhiều chủ vườn trầu đã phá bỏ hết trầu cau, thay vào đó là những tòa nhà cao vút, những khu nhà trọ cho thuê. Cũng chính vì thế, nguồn hàng Bà Điểm cạn kiệt, không đủ chu cấp cho các chợ. Các chủ hàng lại phải cực khổ trăm bề, tìm kiếm nguồn hàng mới xa hơn, chi phí cao hơn, từ các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Thanh Hóa chở vào và từ miền Tây như Bến Tre, Cần Thơ chở lên.

Hiện tại, chợ bán hai loại cau, giống tròn gọi là cau sung; giống dài, có đầu nhọn gọi là cau vú bò. Trầu xanh cuống dài (còn gọi là trầu lương) thường bán nhanh hơn các loại khác. Thường một buồng cau sẽ đi theo với nửa ký trầu (khoảng 120 lá), tức là trung bình một quả cau đi với hai lá trầu. Ngày thường, chợ khá trầm lắng, chỉ đến mùa cưới mới thấy không khí sôi động và nhộn nhịp. Khi ấy, người bán như có chút an ủi, ánh mắt lại rực rỡ những niềm vui, niềm hạnh phúc, kỷ niệm hoàng kim một thời như sống lại.

Những chủ hàng gắn bó với chợ trầu cau ngày nay vẫn là những cô, những chị ngày xưa nhưng tiếc rằng, bây giờ họ là những cụ già "thất thập cổ lai hy". Họ cố gắng bám trụ với nghề không phải vì đồng lời mà có lẽ vì tình yêu đối với quả cau, miếng trầu ngày cũ. Khách mua trầu cau để ăn phần lớn là các cụ già mang trong mình nỗi nhớ nhung, hoài cảm về cố hương. Những người quê miền Bắc, miền Trung thích buồng cau to, đủ 105 trái với hàm ý "Trăm năm hạnh phúc". Ngược lại, đối với người miền Nam lại ưa buồng cau nhỏ khoảng 60 trái với hàm ý chữ "Thọ", sống lâu.

Chợ trầu cau tồn tại giữa lòng Sài Gòn như một nét văn hóa, một nét duyên của trời đất đang làm đẹp cho đời. Ngày nay, nghề bán trầu cau đang dần tàn lụi, người bán trầu cau không thể đảm bảo được cuộc sống của mình. Có lẽ biết như vậy nên mấy anh quản lí thị trường mới làm ngơ để cho những bà, những cụ lưng còng, tóc bạc ngồi bán trên vỉa hè.

Nhiều người nhận định, khi thế hệ cuối cùng những con người "thất thập cổ lai hy" này mất đi, chợ trầu cau duy nhất đang tồn tại như "ngọn đèn dầu cạn trước gió" cũng đến hồi đứt mối duyên trần. Nghĩ mà buồn biết bao!.

Trung Nguyên