Choáng vì khoản lỗ nghìn tỷ của các đại gia

Choáng vì khoản lỗ nghìn tỷ của các đại gia

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Những con số lỗ lớn tính từ đầu năm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khiến chúng ta không khỏi giật mình.

Theo dự thảo báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Tập oàn Điện lực lỗ gần 8.000 tỷ đồng; con số này của TCty Xăng dầu là 1.500 tỷ, hơn 600 tỷ đồng đối với Tổng công ty Hàng hải…

Điều trớ trêu là trong khi sản lượng qua cảng của Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) tăng trên 16% trong 6 tháng đầu năm, nhưng lỗ lại nằm ở chính các doanh nghiệp trong khối này. Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Việt cho biết, gần như khoản lỗ phát sinh trong năm nay đến từ hai đơn vị liên doanh với nước ngoài, thuộc khối cảng biển.

Nhiều tập đoàn làm ăn thua lỗ lớn

Hai công ty liên doanh với nước ngoài của Vinalines với Đan Mạch và Singapore đều lỗ lớn. Riêng liên doanh với Singapore giá trị đầu tư 270 triệu USD nhưng 6 tháng đầu năm đã thua lỗ đến 700 tỷ đồng, dẫn đến Vinalines phải chia sẻ 300 tỷ đồng; công ty liên doanh với Đan Mạch thua lỗ gần 200 tỷ đồng, phải chia sẻ 51% là mất 95 tỷ.

“Riêng hai công ty cảng biển này thua lỗ gần 500 tỷ đồng”, ông Việt nói.

Nguyên nhân dẫn tới lỗ của hai doanh nghiệp trên, ông Việt cho rằng do cơ chế quy định giá bốc xếp container tại khu vực sông Thị Vải - Cái Mép “chưa được ổn định”. Ông kiến nghị cần xây dựng cước bốc xếp container tại lên gấp đôi so với hiện nay.

Hay như trường hợp của Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex), lỗ cũng được đổ tại… cơ chế giá. “Nói Petrolimex lỗ cũng được, lãi cũng được”, chủ tịch Hội đồng Quản trị Petrolimex Bùi Ngọc Bảo nói.

Theo ông, riêng phần kinh doanh xăng dầu vẫn phải theo chỉ đạo của Nhà nước nên phần lỗ phát sinh sẽ do Nhà nước có cơ chế cấp bù. Nhưng khi doanh nghiệp chưa được bù thì trong hạch toán vẫn phải phản ánh lỗ.

“Những khoản lỗ do làm mục đích chính trị, không điều chỉnh giá thì nhà nước đã có văn bản sẽ xử lý vào cuối kỳ quyết toán. Vì vậy, thực chất khoản lỗ có phát sinh thế nào thì cuối kỳ quyết toán nó sẽ bằng không”, ông Bảo cho hay.

Hiện tại, do kinh doanh đa ngành nên Petrolimex có điều kiện tạm bù tất cả lợi nhuận ở các lĩnh vực kinh doanh khác, khoảng 700-800 tỷ đồng, mới giữ được con số lỗ như công bố. “Thực chất lỗ kinh doanh xăng dầu còn cao hơn nữa”, ông nói.

Cũng là “nạn nhân” của cơ chế giá, ông Dương Khánh Toàn - người sắp giữ cương vị chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sông Đà - cho hay, do giá điện của các nhà máy cấp điện cho Tập đoàn Điện lực (EVN) đã ký hợp đồng cách đây 5-7 năm không điều chỉnh, trong khi chi phí đầu vào tăng cao nên đang lỗ.

“Giá điện thế này thì còn tiếp tục lỗ. Mà còn bao cấp điện thì tiếp tục không có điện mà dùng”, ông Toàn nêu quan điểm.

Chia sẻ góc nhìn này, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) Phùng Đình Thực cho biết thêm, hiện tập đoàn này có 5 nhà máy nhiệt điện than, rất nhiều nhà đầu tư muốn hợp tác nhưng khi hỏi giá điện thế nào để tính kinh tế, cuối cùng đều đã “đi ra”.

“Cho nên, với giá điện ấy người ta không đầu tư và không đầu tư thì không có nhà máy. Trong khi mình đương nhiên phải có lộ trình, nhưng giá điện càng theo giá thị trường nhanh thì càng nhanh càng tốt”, ông Thực đề xuất.

P.V