Chòng chành phận đàn bà thả đời trên sóng

Chòng chành phận đàn bà thả đời trên sóng

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Nhiều năm qua, cùng với sự phát triển du lịch, Vịnh Hạ Long (TP Hạ Long Quảng Ninh) xuất hiện nghề bán hàng rong trên biển. Những người đàn bà đủ mọi lứa tuổi chênh vênh trên những chiếc thuyền nan, vượt qua sóng gió để kiếm kế mưu sinh.

Mưu sinh trong bão

Chúng tôi về Hạ Long đúng vào những ngày trời mưa gió, ảnh hưởng của cơn bão số 6. Những cơn gió biển thổi vào đất liền khiến cho cái khí lạnh cuối thu như càng buốt giá hơn. Lúc chúng tôi đến, hơn trăm du khách đang đợi trước cảng tàu Bãi Cháy, mỏi mắt ngóng những con tàu du lịch đang tiến sát vào bờ. Nhiều du khách bất lực, tiếc nuối vì mấy ngày qua biển động, ban quản lí Vịnh không cho tàu bè ra biển.

Trên bờ, những lái tàu đang như ngồi trên đống lửa đi xin "lệnh", giấy phép được đưa du khách ra thăm Vịnh. Thời điểm này, Hạ Long đang vào cuộc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Nhìn xa xa qua đám mưa mù mịt, Hạ Long vẫn đẹp vẫn hoang sơ với những núi đá vôi chập trùng như kéo dài đến tận cuối chân trời.

Xã hội - Chòng chành phận đàn bà thả đời trên sóng
Những chiếc thuyền nan mưu sinh trên biển.

Phải đợi hơn 3 giờ đồng hồ, trời ngớt mưa, Ban quản lí Cảng Bãi Cháy mới cấp phép cho 1 tuyến duy nhất (tuyến thăm Vịnh 4 giờ đồng hồ), tuyến này chỉ được chạy ở một số điểm du lịch gần bờ. Hàng trăm du khách chen lấn mua vé, hơn chục chiếc tàu du lịch đang neo đậu cách bờ khoảng gần 1km mở hết tốc lực, chạy vào trong bờ đón khách. Để đỡ mất thời gian, chúng tôi liên hệ với một "cò" nữ để mua vé và bắt đầu lên thuyền đi khám phá Hạ Long.

Lúc này, biển Hạ Long như nổi gió to hơn, chiếc tàu chở chúng tôi lớn như vậy cũng thi thoảng phải lắc mình theo chiều gió. Nhưng mặc thời tiết xấu, mặc sóng to gió lớn, hàng chục chiếc thuyền nan chuyên bán hàng rong vẫn vô tư thả mình trên sóng. Sóng to, những mái chèo vùng vẫy loạn xạ nhưng con thuyền vẫn bất lực đứng yên, không di chuyển được. Nhìn hình ảnh nguy hiểm trên, tưởng như những chiếc thuyền nan này có thể bị sóng nuốt bất cứ lúc nào.

Chiếc thuyền nhỏ bé, cũ kỹ chính là "cần câu cơm" của những người phụ nữ sinh sống gần Vịnh. Từ tờ mờ sáng, những người phụ nữ này đã chuẩn bị đồ nghề để cho một chuyến hành trình ra biển. Trên thuyền, chỉ có những mặt hàng đơn giản như hoa quả, bánh kẹo, một số đặc sản như mực khô, cá biển và một vài chai nước...

Được biết, những chiếc thuyền này thường lượn lờ ở những điểm du lịch nổi tiếng như hang Sửng Sốt, động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ... vì nơi đây tập trung nhiều khách du lịch. Đến xẩm tôi, hết khách du lịch, các tàu đã về gần bờ trú ngụ thì họ mới bắt đầu chèo thuyền vào bờ. Ban đêm, những ngọn đèn leo lắt từ những con thuyền nan bé nhỏ này dập dềnh trên biển như những con đom đóm. Và số phận của những chủ nhân của nó cũng bấp bênh, phiêu bạt trên sóng nước, không biết ngày mai sẽ ra sao.

Ăn cơm “thuyền bà góa”

Tầm giữa trưa, chiếc tàu du lịch đưa chúng tôi đến một dãy núi đá và cập bến. Một nữ hướng dẫn viên du lịch trên tàu bảo: "Đây là động Thiên Cung, một trong những động đẹp nhất của Vịnh. Các anh chị có 1 tiếng để thưởng thức, sau đó quay lại thuyền để đi thăm các điểm khác".

Do trên Vịnh không có quán cơm, phở nên chúng tôi đành tìm một quán hàng rong để lót dạ bằng bánh mì. Đi đến một chiếc thuyền đang neo đậu dưới cầu, một phụ nữ nhanh nhảu mời chào: "Ăn uống, mua quà lưu niệm các em ơi. Xuống đây chị bán rẻ cho". Sau một vài câu chuyện xã giao, chị chủ thuyền này cho biết chị tên Trịnh Thị Hoàn, 42 tuổi, quê Cầm Giàng (Hải Dương).

Chị Hoàn kể đã gắn bó với cái nghề sông nước Hạ Long hơn 4 năm nay. Một mình vật lộn trên biển với chiếc thuyền nan để mưu sinh qua ngày và nuôi đứa con đang học cao đẳng trên Hà Nội. Chị bảo, mùa thu và mùa đông, gió lạnh, ít khách, có khi cả ngày cũng chẳng bán được thứ gì. Tuy nhiên, nếu không ra khơi thì cũng chẳng biết làm gì qua ngày nên chèo thuyền ra động bán được thứ gì hay thứ đó.

Do đúng vào thời điểm mưa bão nên chị Hoàn mới có thời gian để nói chuyện với chúng tôi, chứ những ngày hè đông khách, chèo thuyền "bở hơi tai" để bán hàng. Có lẽ, tiếp xúc với nhiều khách du lịch, cũng phần nào tạo cho người đàn bà này sự dạn dĩ, tự tin.

Chị kể về hoàn cảnh của mình. "8 năm trước, chồng tôi đi làm công nhân tại một nhà máy nhựa trên Hà Nội. Anh bất ngờ ra đi sau một vụ tai nạn xe máy. Lúc ấy, con gái tôi mới được 11 tuổi. Cảnh mẹ chồng nàng dâu thì chú biết rồi đấy, phức tạp lắm. Nhà thì nghèo, suốt ngày mẹ chồng cạnh khóe, cám cảnh, tôi ôm con ra đây nương nhờ người bà con ở gần cầu Bãi Cháy. Mới đầu đến Vịnh, tôi chỉ đi ve chai kiếm sống qua ngày. Sau này, thấy nhiều người mua thuyền ra biển bán hàng rong, tôi cũng đi vay tiền để mua thuyền. Ngày đông khách cũng kiếm được 300 - 500 nghìn đồng, còn ngày bình thường chỉ vài chục, có khi không đồng nào. Cứ cuối tháng, tôi lại phải gửi tiền lên cho cô con gái ăn học" - Chị Hoàn kể.

Xã hội - Chòng chành phận đàn bà thả đời trên sóng (Hình 2).
Chị Trịnh Thị Liên đang bán hàng cho khách.

Chỉ sang chiếc thuyền nan cách chỗ neo đậu của chị gần 30 mét chị bảo: "Thật trùng hợp, chúng tôi từ tứ xứ thập phương đến đây nhưng nhiều người cũng chung cảnh ngộ, người thì chồng mất, người bỏ chồng, kẻ chồng bỏ... Con bé bên kia nhà chồng đối xử tệ bạc quá nên đành bỏ ra đây buôn bán. Nó còn trẻ lắm, chưa đến 25 tuổi. Nó làm rồi gửi tiền về nuôi bố mẹ đẻ. Nhiều lái tàu quen thân, biết chuyện gọi đùa thuyền của chúng tôi là "thuyền bà góa".

Theo lời giới thiệu của chị Hoàn, chúng tôi sang một thuyền nan cũ kỹ khác của một người phụ nữ tên Liên đang chăm chú gọt những túi xoài, cóc dầm. Nói chuyện với chúng tôi, bác Liên cho biết: "Về kỹ năng bán hàng rong trên biển, tôi thuộc dạng "lão làng" ở Vịnh này. Ngày trước còn khỏe, chèo khắp các danh thắng trên Vịnh để tiếp thị. Bây giờ già rồi, chèo từ đất liền ra đến đây là đủ mệt. Cứ ngồi một chỗ bán, đến cuối chiều lại chèo thuyền về. Lời lãi chẳng được bao nhiêu nhưng không làm nghề này cũng chẳng biết làm gì". Được biết, những người làm nghề bán hàng rong trên biển ai cũng bập bẹ được một vài ngoại ngữ như Trung Quốc, tiếng Anh, Pháp...

Chúng tôi thắc mắc, thuyền thì nhỏ, đi trên biển gặp bão thì xử lí như thế nào, bà Liên bảo: "Nhiều khi có bão nhưng gió nhỏ, chúng tôi vẫn hò hét nhau ra khơi bán hàng. Nếu trời mưa to quá, không vào cảng được thì chúng tôi buộc chặt thuyền rồi dựng bạt ngủ trên đó. Còn trong trường hợp đó giữa đường, gió to không chèo được thì xin vào làng chài ngủ nhờ, đợi hết bão thì về. Tuy nhiên, chèo thuyền đã thành thói quen, từ đây vào bờ, chúng tôi chèo dễ ợt".

Nhìn người đàn bà khuôn mặt hốc hác, đã quá cái tuổi lục tuần này ít ai ngờ được, bà đã có 3 cậu con trai đến tuổi trưởng thành làm ăn khá phát đạt. Chỉ vì những cậu con trai "hiếu thảo" tị nhau trách nhiệm nuôi mẹ nên bà tự ái bỏ ra Vịnh bán hàng. Đáng lẽ ra, ở cái tuổi này, bà được nghỉ ngơi, tận hưởng tuổi già nhưng năm tháng qua bà phải vật lộn mưu sinh cùng những con sóng biển.

Đang nghe bà Liên trải lòng thì nữ hướng dẫn viên từ phía xa gọi chúng tôi phải lên tàu để đến điểm du lịch khác. Tôi cầm gói xoài dầm trên tay và đưa trả tờ 10 nghìn đồng. Chiếc tàu du lịch của chúng tôi nổ máy, chầm chậm đi xa. Những người phụ nữ vẫn ngồi trên chiếc thuyền nan dập dìu theo từng con sóng biển, xa dần...

Văn Chương