"Chủ nhân" ngôi mộ cổ trên núi Đại Huệ là ai?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Về giả thuyết ngôi mộ đá cổ là nơi yên nghỉ của hoàng đế Cảnh Thịnh, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, giả thuyết này không phải không có cơ sở.

Khi PGS.TS sử học Nguyễn Quang Hồng đưa ra giả thuyết trên, cũng không ít ý kiến trái chiều. Người ta cho rằng, hành động cho bề tôi thế mạng, sau đó vua vẫn yên vị sống đến cuối đời trên dãy núi là điều khó có thể chấp nhận, nếu không nói là quá hèn nhát, hổ thẹn với vua cha.

Xã hội - 'Chủ nhân' ngôi mộ cổ trên núi Đại Huệ là ai?

Sư thầy Thích Minh Định bên giếng tiên

Bởi lẽ, như sử sách giai đoạn triều Nguyễn có ghi: "Vài tháng sau, Gia Long (Nguyễn Ánh) về Phú Xuân, sửa lễ cáo miếu dâng tù, đem Nguyễn Quang Toản (Cảnh Thịnh) ra dùng cực hình giết chết, rồi bố cáo cho khắp cả nước đều biết. Quang Toản cùng những người con khác của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đều bị Gia Long sai dùng cực hình 5 voi xé xác.

Còn Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc cũng bị trả thù rất dã man. Liệu vua Cảnh Thịnh có cam tâm đứng nhìn anh em, họ hàng tan tác trước những trò trả thù tàn ác do chính bàn tay Nguyễn ánh gây ra mà vẫn yên vị trên núi? Một vua cha là đấng anh hùng, lại sinh ra một người con là tiểu nhân, hèn nhát?

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Quang Hồng thì trong nghiên cứu sử không thể "tình cảm hóa" trong cách suy luận được. Hơn nữa quan điểm lịch sử là mọi thứ đều có thể xảy ra, chứ không thể đứng ở góc độ người cha để suy ra con.

Ông dẫn chứng, thực tiễn lịch sử từng có chuyện Kỷ Tín đời Hán giả hoàng đế cứu Hán Cao Tổ, Lê Lai giả vua cứu Lê Lợi. Qua cơn nguy kịch, các vị vua, chúa đều quay lại phục quốc, đền đáp công trạng. Và trong thời khắc nguy khốn như vua Cảnh Thịnh trước sự truy đuổi rất gắt của quân Nguyễn Ánh, thì việc thế vua cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Và nếu đúng như thế thì chỉ tiếc một điều là do thời thế xoay chuyển khôn lường mà vua Cảnh Thịnh đành bất lực ngậm ngùi nhìn sự nghiệp dang dở mà thôi.

Cho đến nay, những nhà nghiên cứu lịch sử địa phương cũng như ngoại tỉnh cũng đang có ý kiến khác nhau. Trao đổi vấn đề với chúng tôi, nhà nghiên cứu Trần Minh Siêu (TP.Vinh) cũng đưa ra nhận định rằng, khả năng vua Cảnh Thịnh lên núi Đại Huệ đi tu, nuôi hi vọng xoay chuyển thế cuộc là rất cao.

Tuy nhiên, về vấn đề này thì nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân (Huế) thì lại cho rằng: Chính sử triều Nguyễn đã ghi rõ ràng ngày tháng vua Cảnh Thịnh bị bắt; số anh em, con cháu thân tộc của vua Quang Trung bị hành hình, tất cả rất rõ ràng, nên không thể có chuyện người bị hành hình là Vua giả được. Tuy nhiên, như những nhà sử học phân tích thì, dù là chính sử, nhưng có lúc sử phục vụ chính trị. Huống hồ giai đoạn này lại nằm trong tay một vị chúa (Nguyễn Ánh), vừa giành lại vị thế sau bao năm nhục nhã phiêu dạt, đang điên khùng tìm cách trả thù. Vì thế việc ghi chép sử cũng khó có thể tránh khỏi sự méo mó.

Cho đến nay, rất nhiều nhà sử học quan tâm, đưa ra những quan điểm khác nhau về cái chết và phần mộ vua Cảnh Thịnh. Tất cả cũng chỉ dừng lại ở sự lồng ghép và suy luận từ các sự kiện lịch sử để đưa ra nhận định mà thôi. Để làm sáng tỏ câu hỏi của lịch sử và thuận theo nguyện vọng của dư luận, tại sao các ban ngành chức năng không tiến hành một cuộc hội thảo, kêu gọi sự tham gia các nhà khảo cổ học đầu ngành. Thiết nghĩ các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học nên sớm vào cuộc để tìm "chìa khóa" hóa giải những câu hỏi của lịch sử đã tồn tại bấy lâu.

Hải Đăng