Chưa hết “sạn” đã tăng giá, du khách sẽ

Chưa hết “sạn” đã tăng giá, du khách sẽ "quay lưng" với Hạ Long?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Cách đây một năm, khi vịnh Hạ Long vừa được vinh danh là kỳ quan thiên nhiên thế giới, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ngay lập tức tăng phí tham quan để chứng tỏ "tầm cỡ", rồi đến lượt khoác "đồng phục" trắng cho tàu trên vịnh... khiến dư luận "dậy sóng". Về vấn đề này, PV báo Người dưa tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia du lịch TS Trần Nhạn.

Nên để doanh nghiệp tự quyết

Từ quý 4/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ chính thức tăng gần 100% giá tàu đưa khách tham quan và lưu trú qua đêm trên vịnh Hạ Long. Quyết định này đang khiến nhiều doanh nghiệp du lịch đau đầu. Quan điểm của ông như thế nào về quyết định này?

Theo tôi, cần phải soi chiếu quy định trên với Luật Doanh nghiệp để nhìn nhận vấn đề. Chuyện tăng giá dịch vụ vận chuyển tham quan, lưu trú thuộc trách nhiệm của những hãng tàu hay đơn vị lữ hành. Dưới góc độ chính quyền quản lý, tỉnh Quảng Ninh chỉ có quyền đưa ra khung giá theo quy định của Nhà nước chứ không thể định giá cụ thể, "ép" các doanh nghiệp phải làm theo. Đương nhiên, trường hợp doanh nghiệp tự ý tăng giá hoặc đưa ra mức giá quá cao thì chính quyền địa phương có quyền can thiệp, xử lý trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên.

Xã hội - Chưa hết “sạn” đã tăng giá, du khách sẽ 'quay lưng' với Hạ Long?

Tăng giá dịch vụ, vịnh Hạ Long sẽ "mất điểm".

Quyết định tăng giá dịch vụ của UBND tỉnh Quảng Ninh như để khẳng định giá trị của kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Nghĩa là, khu du lịch tầm cao thì giá cũng phải chót vót. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?

Tăng giá nếu hợp lý và cần thiết thì sẽ chẳng có bất cứ ý kiến phàn nàn nào. Việc tăng giá dịch vụ phải căn cứ vào tình hình thực tế, theo quy luật của kinh tế thị trường. Hơn nữa, nó cần thay đổi dựa trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp trực tiếp chứ cơ quan quản lý Nhà nước không thể tự đặt ra. Vịnh Hạ Long dù là kỳ quan thiên nhiên của thế giới thì cũng chỉ là một điểm tham quan. Theo tôi, để biến vịnh Hạ Long thành một sản phẩm du lịch lại là chuyện hoàn toàn khác, cần cả một chiến lược dài hạn. Chúng ta không đứng ra bảo vệ riêng doanh nghiệp nào nhưng điều quan trọng là làm thế nào hướng đến sự phát triển chung.

Cách đây 1 năm, khi vịnh Hạ Long vừa được vinh danh kỳ quan thiên nhiên thế giới, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đột ngột tăng phí tham quan. Giờ lại "đẩy" giá vận chuyển khách tham quan và lưu trú qua đêm trên vịnh lên gấp đôi.... Đây là điều bất hợp lý. Trước khi ban hành chính sách khiến giá dịch vụ tăng thêm, mỗi địa phương cần tính toán sao cho hài hòa với lợi ích quốc gia vì còn rất nhiều thành phần kinh tế - xã hội hưởng lợi từ du lịch. Hoặc tăng nguồn thu cho ngân sách bằng đa dạng hóa dịch vụ, chứ không nhất thiết cứ phải tăng thuế - giá...

Tăng giá đồng nghĩa với "giảm điểm"

Một số doanh nghiệp lo ngại, việc tăng giá dịch vụ liên tiếp có thể khiến khách du lịch "quay lưng" với vịnh Hạ Long. Ông đánh giá như thế nào về sự lo lắng trên?

Trong khi du lịch đang sụt giảm vì kinh tế khủng hoảng, các nước trong khu vực đang phải hạ giá để thu hút khách quốc tế thì Quảng Ninh đã làm điều ngược lại. Theo tôi, việc tăng giá thời điểm này khiến vịnh Hạ Long có thể sẽ "mất điểm". Việc áp dụng mức giá mới sẽ khiến khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, chuyển hướng sang các nước khác ở Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan hoặc lựa chọn những nơi khác Việt Nam mà cũng có du lịch biển. Việc tăng giá vận chuyển khách tham quan và lưu trú qua đêm vào thời điểm này có thể sẽ dẫn tới chuyện lượng khách đến Hạ Long giảm, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải, lữ hành.

Ông nhìn nhận thế nào khi một số chuyên gia cho rằng, tư duy làm du lịch của chúng ta còn rất nhiều hạn chế?

Hơn 30 năm giảng dạy về du lịch, cũng từng ấy năm gắn bó với ngành "công nghiệp không khói", tôi vẫn thấy rất nhiều sự bất cập từ việc quản lý ngành này. Ở một nước, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng ở Việt Nam chưa làm được điều đó. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam còn rất nhiều "sạn" mà ai cũng có thể nhìn ra. Tiềm năng du lịch to lớn nhưng khai thác bừa bãi, tài nguyên phong phú nhưng sản phẩm đơn điệu. Ai cũng biết điều này nhưng hàng chục năm nay chúng ta gần như chưa làm được gì nhiều. Chúng ta vẫn chưa tìm ra cách làm hiệu quả để vượt qua điều đó.

Trước đó không lâu, UBND tỉnh Quảng Ninh từng đưa ra những quy định hết sức phi lý như bắt buộc tàu du lịch trên vịnh phải đồng loạt sơn trắng bên ngoài vỏ. Đội tàu du lịch màu nâu, trắng, đen, vàng đầy màu sắc trên mặt biển xanh bị thay thế bằng toàn một màu trắng nhạt nhòa. Dù rất nhiều chủ tàu phản đối quyết liệt song vẫn phải miễn cưỡng thực thi. Thử hỏi, ngành du lịch vẫn còn những tư duy kiểu "gọt chân cho vừa giày" như thế thì du lịch có thể phát triển được không?

Vậy, đánh giá khách quan của ông về chất lượng du lịch tại vịnh Hạ Long thế nào?

Du lịch vịnh Hạ Long vẫn còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Tình trạng ăn xin, "chặt chém", chèo kéo khách vẫn chưa được dẹp bỏ hoàn toàn. Các vấn đề liên quan đến an toàn du lịch như khu vực neo đậu, phân luồng giao thông đường thủy, lực lượng cứu hộ, áo phao an toàn... vẫn chưa được đầu tư, nâng cấp đúng mức. Theo tôi, vấn đề của vịnh Hạ Long là phải đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ để xứng đáng với danh hiệu được trao tặng, sau đó mới đến giai đoạn tăng giá dịch vụ tương xứng với chất lượng.

Anh Văn - Quốc Triều