'Vua đồng hồ Việt' sở hữu 7 bằng quốc tế

'Vua đồng hồ Việt' sở hữu 7 bằng quốc tế

Chủ nhật, 03/02/2013 | 07:58
0
Khi nhắc đến ông, người ta dùng nhiều cái tên khác nhau để tỏ lòng khâm phục như: Phù thủy thời gian, cây đại thụ của làng đồng hồ, ông Vua đồng hồ... Ông chính là nghệ nhân Đào Văn Dư, thợ sửa đồng hồ tài hoa nổi tiếng bậc nhất đất Hà thành, người đã có thâm niên hơn 50 năm gắn bó với nghề truyền thống của gia đình.

Chiến sĩ chưa từng mặc áo lính

Sự ồn ào, náo nhiệt của con phố nhà binh (nay là phố Lý Nam Đế) dường như bị lắng lại, khi người ta bước chân vào cửa hàng sửa chữa đồng hồ của ông thợ cả Đào Văn Dư. Hình ảnh khách hàng thường thấy khi đến đây là một ông thợ già luôn mải mê cặm cụi sửa từng chiếc đồng hồ để kịp giao lại đúng hẹn cho khách hàng. Nhìn người thợ đã gần thất thập này say mê làm việc, người ta dễ cảm nhận côngviệc này đã gắn với ông như một cái nghiệp không thể bỏ.

Có thể nói, hành trình đến với thế giới đồng hồ của ông Dư là cả một câu chuyện dài chưa có hồi kết. Kế nghiệp nghề tổ của ông cha, ông là đời thứ 3 của gia đình theo nghiệp sửa đồng hồ. Chập chững bước vào nghề từ năm 14 tuổi và cho đến những năm 60, 70 của thế kỷ trước, ông đã được biết đến là thợ sửa đồng hồ có tiếng của miền Bắc. Hơn 50 năm gắn bó với nghề truyền thống của gia đình, nhưng niềm đam mê dành cho đồng hồ của người thợ ấy không giảm mà ngược lại, ngày càng được nhân lên theo năm tháng. Đối với ông Dư, đồng hồ không chỉ đơn giản là thứ ghi lại thời gian sinh học hàng ngày mà chính là nơi lưu giữ những kỉ niệm của thời quá khứ và hiện tại.

Xã hội - 'Vua đồng hồ Việt' sở hữu 7 bằng quốc tế

Người ta vẫn gọi ông Dư là “phù thuỷ” thời gian

Trong cuộc đời của mình, đã từng được đi tu nghiệp ở nước ngoài, từng sửa chữa đồng hồ cho nhiều vị lãnh đạo Nhà nước, có nhiều bằng khen của các tổ chức uy tín, rồi được phong là cây đại thụ trong làng đồng hồ nhưng có lẽ chừng ấy vẫn chưa thể kể hết những gì mà ông Dư có được. Bởi vì điều khiến ông tự hào nhất trong sự nghiệp của mình là được lựa chọn tham gia chế tạo đồng hồ hẹn giờ gắn vào bom, mìn giúp bộ đội đặc công đánh Mỹ. Theo dòng cảm xúc, ông kể lại: "Tôi nhớ rất rõ vào năm 1967, cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành tại miền Nam Việt Nam đang tiến vào giai đoạn ác liệt. Các đơn vị lính đặc công của ta liên tiếp nhận được nhiệm vụ tiến sâu vào các khu căn cứ quân sự của địch, cài mìn hẹn giờ nhằm phá hủy cơ quan chỉ huy của chúng. Tuy nhiên, một yêu cầu khó khăn đặt ra là làm thế nào để bộ đội rút lui an toàn, tránh tổn thất về mặt quân số trước khi bom phát nổ. Đó là một bài toán khó không dễ dàng tìm được câu trả lời. Một ngày, anh Đào Văn Diện, cán bộ Bộ quốc phòng đến tìm tôi, ngỏ ý muốn đặt hàng một loại đồng hồ hẹn giờ cài vào bom, mìn. Anh bảo tôi phải tuyệt đối giữ bí mật kế hoạch, nếu lộ ra sẽ không lường trước được hậu quả”.

Nhiệm vụ của ông là điều chỉnh và hẹn giờ những chiếc đồng hồ đa phần mang nhãn hiệu Piljot sản xuất để gắn vào kíp nổ của những quả mìn. Rất tinh thông đồng hồ các loại nhưng đây là nhiệm vụ không hề đơn giản, bởi ông không thể làm sai dù chỉ một ly. Sau một thời gian kiên trì mày mò, ông đã chế tạo thành công đồng hồ hẹn giờ giúp bộ đội đặc công đánh Mỹ. Chỉ trong 3 năm từ 1967 đến 1970, tự tay ông đã chế tạo hơn 100 chiếc đồng hồ hẹn giờ, chiếc nào chiếc ấy không sai đến một giây. Khi nhân dân miền Nam đồng loạt nổi dậy trong dịp Tết Mậu thân 1968, những chiếc đồng hồ hẹn giờ do ông Dư chế tạo đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung của cả chiến dịch. Khi đó, các cơ sở quân sự, kinh tế của Mỹ - Ngụy  như sân bay Biên Hoà, Đà Nẵng, kho xăng Liên Chiểu, Nhà Bè đều hàng loạt bị bốc cháy. Những chiến hạm hiện đại hàng vạn tấn của địch cũng dễ dàng bị quân ta đánh chìm ở Cửa Việt, sông Lòng Tàu. Với những đóng góp của mình, ông đã nhận được nhiều lời biểu dương khen ngợi của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và hân hạnh được trao tặng tấm huy hiệu Chiến sĩ Mậu Thân 1968 dù chưa từng trải qua quân ngũ hay đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn.

"Phù thuỷ" lưu giữ nhịp thời gian đất Hà thành

Nhớ lại thời gian trước đó vào năm 1960, khi Nhà nước thành lập liên doanh đồng hồ đầu tiên, ông Dư là người thợ trẻ nhất trong nhà máy lúc bấy giờ. Mới 24 tuổi đời, ông đã trở thành Trưởng phòng kỹ thuật ở bậc thợ 5/7. Năm 29 tuổi, ông đã là giáo viên dạy sửa chữa đồng hồ cho hàng trăm học viên đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đồng thời kiêm nhiệm thêm việc sát hạch tay nghề và quản lý hệ thống thợ sửa đồng hồ tại trường kỹ thuật điện tử 55 Hàng Bông, Hà Nội. Những học trò của ông đều học được ở thầy lòng yêu nghề và sự tận tâm với công việc. Tay nghề của ông ngày càng được nâng cao hơn, khi ông được mời sang Thụy Sĩ tu nghiệp hai lần và được tiếp cận với những hãng đồng hồ danh tiếng của thế giới. Người ta biết đến ông là thợ sửa đồng hồ tài hoa bậc nhất đất Hà thành nhưng ít ai biết rằng, ông chính là người đầu tiên được giao nhiệm vụ lắp ráp chiếc đồng công cộng trên nóc nhà Bưu điện thành phố Hà Nội.

Thời đó, đồng hồ là một vật rất giá trị vì vừa hiếm vừa quí nên rất ít nhà có được. Nhiều người phải dựa vào đồng hồ công cộng để xác định thời gian cho các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Trong khi đó, nhiều chiếc đồng hồ lại thường xảy ra tình trạng ngừng chạy hoặc chạy sai thời gian khiến nhiều người bị trễ giờ. Nguyên nhân là do khi đó hệ thống đồng hồ công cộng của Hà Nội sử dụng chung đường dây với hệ thống điện thoại. Khi có điện thoại nào mất liên lạc, những nhân viên Bưu điện Hà Nội sẽ lần theo đường dây để nối lại nhưng họ lại thường nhầm với dây dùng cho đồng hồ chạy nên khiến cho đồng hồ ngừng chạy. Hệ thống đồng hồ công cộng ở Hà Nội khi đó được điều hành bởi một phòng đồng hồ trung tâm nằm ở Bờ Hồ. Chiếc đồng hồ chủ gắn trên nóc Bưu điện Hà Nội có nhiệm vụ quan trọng là điều chỉnh giờ giấc cho toàn bộ hệ thống gồm hơn chục chiếc trong thành phố. Đồng hồ chủ này vốn do Trung Quốc lắp đặt từ trước những năm giải phóng miền Nam, trải qua sự biến thiên của thời gian nên đã bắt đầu xảy ra hỏng hóc.

Ông Dư là người đầu tiên được cấp trên yêu cầu tham gia lắp đặt và kiểm tra kỹ thuật của chiếc đồng hồ ở Bưu điện Hà Nội đồng thời phụ trách vấn đề kỹ thuật của hệ thống đồng hồ công cộng. Những chiếc đồng hồ này được đặt tại chợ Hàng Da, chợ Mơ, bách hoá tổng hợp, chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên, Ngã tư sở. Tiêu biểu như chiếc đồng hồ đặt trên cổng chợ Hàng Da khi đó có bốn mặt quay về bốn hướng thường xuyên xảy ra tình trạng mỗi mặt đồng hồ lại chạy một giờ khác nhau. Để khắc phục, ông Dư cùng những đồng nghiệp của mình hàng ngày phải túc trực thường xuyên ở những cột đồng hồ để điều chỉnh ngay khi thấy các mặt không khớp nhau. Cùng với sự phát triển của thủ đô Hà Nội, những chiếc đồng hồ công cộng đã được dỡ bỏ nhưng riêng chiếc đồng hồ lớn ở Bưu điện Bờ Hồ vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Ngày đêm đếm nhịp thời gian cho người Hà Nội, chiếc đồng hồ trên nóc bưu điện thành phố vừa trở thành một biểu tượng lịch sử vừa thể hiện công lao của người thợ lặng lẽ lưu giữ nhịp thời gian đất Hà thành.

Thợ sửa đồng hồ sở hữu 7 bằng diplome danh giá của Thụy Sĩ

Ông Dư đã từng 2 lần tu nghiệp trung tâm đồng hồ quốc tế WOSTEF (năm 1980 và 1991) và là người Việt Nam duy nhất cũng như số hiếm ở Đông Nam Á sở hữu 7 bằng diplome của các hãng đồng hồ danh tiếng của Thuỵ Sỹ như: Rado, Omega đến Longines... Trong tay có được những tấm bằng diplome, những chứng chỉ (certificate) công nhận tài năng của các hãng đồng hồ lớn có lịch sử hàng trăm năm, đủ để làm giấy thông hành cho một chỗ làm ưu đãi tại Thụy Sĩ với lương lên đến 8.000 USD mỗi tháng, nhưng người thợ cả ấy vẫn quyết tâm khăn gói trở về quê hương để gắn bó tại mảnh đất mình sinh ra.    

Thanh Loan - Bảo Hằng

“Phố thời gian” ở Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
Đến nơi đây người xem như lạc vào thế giới cổ xưa, cái gì cũng cũ cũ, mờ mờ, ảo ảo.

Có một “phố đồ cổ” vẫn thách thức với thời gian

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Hình thành từ những năm sau giải phóng, Phố đồ cổ trên đường Lê Công Kiều (quận 1, TP.HCM) vốn dĩ là một chợ trời buôn bán từ các vật dụng linh tinh đến các mặt hàng đắt giá. Theo thời gian và quy luật đào thải, chợ trời dần tiêu biến, chỉ còn lại con đường đồ cổ Lê Công Kiều được bạn bè quốc tế yêu thích luôn tìm đến đây để khám phá...

Ký ức đẹp của người "sửa thời gian" đất Hà thành

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Nghệ nhân Đào Văn Dư sống trong một căn gác nhỏ tại phố Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) với la liệt những chiếc đồng hồ các loại bị hỏng. Nhờ nghề "sửa thời gian" mà ông được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm, được sửa đồng hồ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kính cổ mạ vàng - thú chơi "nhuốm màu thời gian"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Sưu tầm kính cổ mạ vàng thú chơi "nhuốm màu thời gian" đang được những tay chơi Hà thành, Sài thành rất chuộng. Họ sẵn sàng chi cả nghìn đô để sắm cho mình những chiếc kính cổ theo ý muốn.