Chuyên gia: Làm thế nào để được điểm cao môn Sử?

Chuyên gia: Làm thế nào để được điểm cao môn Sử?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:03
0
Cuối tuần này, kỳ thi tuyển ĐH đợt II sẽ thi các môn khối B, C và năng khiếu. Để chia sẻ cùng các sĩ tử, Nguoiduatin.vn đã có buổi trao đổi với thầy Tưởng Phi Ngọ giảng viên môn Lịch sử Đại học Sư phạm TPHCM về kinh nghiệm làm bài môn học này.

Trao đổi với Nguoiduatin.vn, thầy Ngọ nhấn mạnh những phương pháp để ghi nhớ khi học và những lưu ý khi làm bài môn Lịch sử. Theo thầy Ngọ, để nhớ sự kiện và mốc thời gian xảy ra sự kiện đó, nên lập bảng niên biểu ngắn gọn bao gồm một cột là mốc thời gian, một cột là tên sự kiện. Cách làm này có tác dụng nhớ lâu và chính xác hơn cách học thuộc thông thường.

Thí sinh làm bài thi (Ảnh: Phan Chính)

Thí sinh nên giành 10 phút đọc đề thi, cầm đề thi nên đọc từ đầu đến cuối, sau đó mới làm bài, đọc kỹ từ đầu đến cuối xem câu nào chắc chắn thì làm trước, quá trình làm bài phải đi theo trật tự từ đầu đến cuối.

Với một chiến dịch, cuộc khởi nghĩa nào các em nên học theo tiến trình chung. Mỗi bài học đọc kỹ một lần rồi làm. Ví dụ: chiến tranh cục bộ sẽ bao gồm các nhánh chính là định nghĩa, âm mưu của địch, kế hoạch của ta, diễn biến, kết quả, ý nghĩa. Sau đó từ mỗi nhánh lại làm các tia nhỏ hơn. Việc học sơ đồ tia hiệu quả cao hơn rất nhiều so với việc học cả trang sách dài ngoằng. Và một điều nữa là học bằng cách nhìn vào chính chữ mình viết bao giờ cũng dễ nhớ hơn là nhìn vào chữ in.

Học Lịch sử bằng cách so sánh các sự kiện với nhau cũng là cách để nhanh nhớ, nhớ lâu. Ví dụ khi học về giai đoạn lịch sử từ 1961- 1975, nên so sánh ba chiến lược chiến tranh theo tiến trình học tập chung trên.

Khi học Lịch sử, không phải ai cũng có khả năng nhớ chi tiết các ngày tháng, con số. Do đó các em nên tập cho mình cách “nhớ tương đối”. Tức là, trong sự kiện không nhất thiết phải nhớ ngày mà chỉ cần nhớ tháng, năm hoặc là vào nhớ năm và khoảng thời gian trong năm xảy ra sự kiện đó. Ví dụ cuối năm 1925, Thu- Đông năm 1947. Tuy nhiên những sự kiện lớn, quan trọng của tiến trình lịch sử thì bắt buộc phải nhớ như các mốc thời gian mùng 2 tháng 9 năm 1945 hoặc 30 tháng 4 năm 1975,…

Khi làm bài thi các thí sinh nên sử dụng giấy nháp, cân đối thời gian làm bài hợp lý, viết bài theo công thức. Đồng thời phải biết cách vận dụng kiến thức tổng hợp. Biết phân bố thời gian khi làm bài thi cũng là một bí quyết để có thể đạt điểm cao, nên làm các câu dễ trước, câu khó sau. Điều này sẽ giúp cho thí sinh tránh được những căng thẳng không đáng có trong quá trình làm bài thi.

Về đề thi, cần lưu ý: Những người ra đề thường theo nguyên tắc chung của Bộ GD&ĐT là nội dung đề phải nằm trong chương trình THPT. Trong đó, thông thường chương trình lớp 12 chiếm 80 - 90% trong đề thi. Nhưng với lịch sử không nên học tủ vì câu hỏi thường hay lô -gíc với nhau.

Kiến thức lịch sử có hai bộ phân: Hiện thực lịch sử và nhận thức lịch sử. Thí sinh thường hay nhớ nhầm, nhớ không đủ sự kiện, nhầm sự kiện này với sự kiện khác, không phân biệt được kiến thức cơ bản.

Đối với lịch sử thế giới thường ra đề trong phạm vi từ năm 1945 trở lại đây. Các thí sinh cũng nên chú ý tới lịch sử thế giới vì đây là phần câu hỏi dễ “ăn” điểm nhất vì không phải phân tích nhiều. Đặc biệt, học sinh nên chú ý học sách giáo khoa lịch sử xuất bản năm 1991.

Các câu hỏi trong đề thi thường hỏi vào thẳng vấn đề nên các em cũng đừng trả lời lan man mà hãy đi thẳng vào câu hỏi. Mỗi đề thì thường có một câu hỏi khó là câu bổ dọc (không theo trình tự trong sách mà bản thân thí sinh phải tự tư duy để tổng hợp lại). Hãy bình tĩnh và đọc thật kỹ câu hỏi ghi chi tiết các sự kiện em cho là cần thiết ra nháp để tránh thiếu khi làm bài, sau đó tìm các câu nối, câu lý giải hợp lý để liên kết các sự kiện lại với nhau là được. Đừng quên phải có câu tổng kết khẳng định lại câu trả lời của mình.

Cách viết một bài thi là phải có mở bài, thân bài và kết bài cho mỗi câu. Song ở phần thân bài, khi trình bày các ý phải rõ ràng và mạch lạc. Tốt nhất, nên xuống dòng khi hết mỗi ý. Bài thi trình bày sáng sủa cũng đã chiếm được nhiều cảm tình của các giáo viên chấm thi rồi.

Trong các bài làm, nếu như chỉ đơn thuần lại tái hiện các mốc thời gian và các sự kiện xảy ra thì bài làm đó sẽ không được đánh giá cao. Để có bài làm tốt, chất lượng, các em cần có những nhận định, so sánh và đánh giá, nếu như bản thân các em cảm thấy việc đánh giá, so sánh này khó hoặc là chưa tự tin thì có thể tham khảo các thầy cô khi dạy trên lớp và khi ôn tập.

Hoàng Nguyên