Chuyện tình của Hồ Quý Ly với cô thôn nữ

Chuyện tình của Hồ Quý Ly với cô thôn nữ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:04
0
Triều Hồ tồn tại được 7 năm (1400 1407) với bao biến cố vã dẫn đến sụp đổ. Cha con Hồ Quý Ly và vợ ông bị nhà Minh bắt và đày sang Trung Quốc, từ đó những thông tin về họ Hồ được ít người biết và quan tâm đến.

Nhiều người nghĩ rằng con cháu dòng dõi Hồ Quý Ly ở nước ta không còn ai. Nhưng nay, những bất ngờ, bí ẩn về hậu duệ đời thứ 18 là Hồ Sỹ Phúc, 78 tuổi hiện đang sinh sống tại nhà 167, ngõ 2 đường Thanh Bình, Hà Đông (Hà Nội) được hé lộ phần nào.

Xã hội - Chuyện tình của Hồ Quý Ly với cô thôn nữ

Cụ Hồ Sỹ Phúc

Tiết lộ sự thật bất ngờ

Sinh năm 1934 tại thôn Mỹ Trí, xã Thăng Bình, huyện Nông Cống (Thanh Hóa), tuổi thơ của cậu bé Phúc cũng bình yên như bao đứa bạn cùng trang lứa. Lớn lên Phúc đến lớp, đến trường được học lấy cái chữ. Ông nội Phúc là Hồ Sỹ An vốn làm nghề dạy học, bố Phúc là ông Hồ Sỹ Thác sinh được 2 người con trai là Phúc và Hồ Sỹ Tuy. Sinh ra và lớn lên giữa lúc đất nước có chiến tranh, Phúc bỏ học giữa chừng tham gia vào quân ngũ chiến đấu bảo vệ đất nước. Hòa Bình lập lại, Hồ Sỹ Phúc tiếp tục học tập và cống hiến, phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Cuộc sống bình dị cứ thế lặng lẽ trôi, ông Phúc lấy vợ rồi sinh con đẻ cái.

Chúng tôi hỏi, thế ông có biết mình là con nhà dòng dõi quý tộc không?. Ông bảo ngay từ khi đầu còn để tóc ba chỏm có được nghe bố và ông nội nhắc đến nhưng từ đấy rồi không thấy ai nói gì nữa. Bởi theo ông Phúc thời bấy giờ một phần cũng là do hoàn cảnh xã hội loạn lạc, đất nước có chiến tranh. Phần nữa do tính đến đời của ông là đời thứ 18, như vậy cũng khá xa và khó để minh chứng cho mọi người tin được mình là hậu duệ của vua Hồ Quý Ly. Chính vì lẽ đó, qua thời gian việc tự nhận mình với mọi người là hậu duệ vua Hồ Quý Ly đã bị lãng quên.

Nhưng rồi sự việc bất ngờ xảy ra vào một ngày của năm 2000. Ông Phúc tâm sự: Năm 2000, gia đình và họ hàng quyết định và thống nhất với nhau là tu sửa, xây lại lăng mộ cho dòng họ và tổ tiên. Ông Phúc tâm sự: "Tôi thật sự vui trước thông tin ấy nhưng vì cuộc sống khó khăn nên suốt ngày đầu tắt mặt tối lo làm ăn, có nói ra cũng chẳng ai tin mình. Gần đây nhất có mấy nhóm người không biết thuộc cơ quan nào cũng đến nhà ông nhiều lần để tìm hiểu về thông tin này".

Hồ Quý Ly và chuyện tình với cô thôn nữ

Lần giở trong đống sách cũ và nhiều thứ giấy tờ đã ngả màu, có thứ qua thời gian mực đã phai nhạt dần nhưng ông Phúc gói gém cất cận thận trong chiếc hòm bằng sắt sáng bóng được khóa bằng hai cái ổ khóa, tôi buông câu hỏi nửa đùa nửa thật, tiền bạc hay vàng ròng mà bác cất kĩ thế?. Ông Phúc nhỏn nhoẻn cười rồi lôi trong bọc túi nilon ra một quyển sách có nội dung ghi chép về một phần cuộc đời và hành trình suy thịnh nói về dòng dõi Hồ Quý Ly.

Xã hội - Chuyện tình của Hồ Quý Ly với cô thôn nữ (Hình 2).

Hoàng đế Hồ Quý Ly (Ảnh minh họa)

Trong sử sách dân gian có tương truyền rằng, quân Minh sau khi đánh chiếm và dành chiến thắng nhà Hồ thì bắt đầu truy quét và bắt toàn bộ con cháu của Hồ Quý Ly. Cũng từ đó không một ai biết rõ về tung tích những ai mất, ai còn may mắn thoát khỏi cuộc truy lùng ráo riết ấy. Trong khoảng thời gian Hồ Quý Ly lên làm vua nắm quyền thì có rất nhiều thê, thiếp. Ngoài những người vợ sống cùng ông trong hậu cung, một số người còn lại ở các địa phương khác. Một trong những người vợ của Hồ Quý Ly vẫn được người đời đến nay truyền tụng nhau đó là bà Nguyễn Thị Dầm. Tương truyền ngày ấy Hồ Quý Ly chọn nơi thao lược binh mã quần hùng, quân lính tập trận ngay tại thôn ô Cách, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm (thuộc tỉnh Hà Nam lúc bấy giờ). Thanh niên trai tráng ngày đêm luyện võ, con gái đi chợ bán hàng.

Tình cờ, một hôm người thiếu nữ xinh đẹp là Nguyễn Thị Dầm đi cắt cỏ ven sông Đáy và cất cao tiếng hát: "Tay cầm bán nguyệt đưa ngang / Em là phận gái sửa sang cõi bờ / Nửa vành trăng sáng đơn sơ / Trăm ngàn ngọn cỏ ngẩn ngơ quy hàng". Không ngờ tiếng hát trong trẻo, thánh thót như chim hót của người con gái ấy cất lên đúng lúc Hồ Quý Ly đang ngự thuyền trên dòng sông này nghe được. Hồ Quý Ly liền ghé thuyền vào bờ và cho quân lính đón cô về làm vợ, sau đó sinh được hai người con gái. Bà Dầm được phong 2 sắc phong là Bảo Long Thánh Mẫu và Hoàng hậu đệ tam trinh tiết.

Con cháu Hồ Quý Ly sống sót?

Nói như vậy để minh chứng cho một giả thuyết rằng: Sau đợt truy lùng của giặc Minh thì con cháu của Hồ Quý Ly còn sống sót?. Hay có thể khi bị bắt sang Trung Quốc, một thời gian sau đó con nhà dõng dõi Hồ Quý Ly trốn được về nước ta sinh sống và định cư rồi sinh ra nhiều thế hệ con cháu?. Điều đấy cũng có thể lí giải cho minh chứng rằng ông Hồ Sỹ Phúc hậu duệ đời thứ 18 của Hồ Quý Ly là sự thật?. Theo lời chỉ dẫn của ông Hồ Sỹ Phúc, chúng tôi tìm đến địa chỉ nay là khu Đồng Ao thuộc xã Thanh Thủy (Thanh Liêm, Hà Nam), nơi hiện nay còn có tượng và đền thờ của bà Nguyễn Thị Dầm.

Ngôi đền đã ngã màu rêu phong cũ kĩ nằm nơi cuối làng. Bức tượng bà Dầm vẫn còn nguyên vẹn, hai bên đền có đôi câu đối bằng chữ hán. Nơi đây còn ghi rõ vào ngày 19/11 hằng năm là ngày giỗ chính thức của bà Nguyễn Thị Dầm. Cũng theo ông Phúc, sau khi biết được thông tin mình là dòng dõi đời thứ 18 của của Hồ Quý Ly nên hằng năm cứ vào ngày giỗ ông lại đến nơi đền thờ bà Dầm để thắp hương. Năm nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng Hồ Sỹ Phúc vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Sáu người con của ông nay đã có việc làm ổn định, lập gia đình và sống hạnh phúc bên bố mẹ.

Việc ông Hồ Sỹ Phúc có chính xác là hậu duệ của Hồ Quý Ly hay không cho đến nay chưa có những bằng chứng cụ thể để xác nhận. Tuy nhiên, với suy nghĩ về xuất thân của mình, gia đình và họ hàng của ông Hồ Sỹ Phúc luôn sống sao cho xứng đáng với tổ tiên và không quên sưu tầm các tư liệu về dòng họ Hồ nổi tiếng trong lịch sử.

Hà Long


Tag: dòng dõi