Chuyện tình của thiếu nữ Mường qua câu hát cổ

Chuyện tình của thiếu nữ Mường qua câu hát cổ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Yêu câu hát dân tộc, bà cụ cất công đi sưu tầm và truyền lại cho các thế hệ con cháu trong làng.

"Đất thì xường, mường thì rang", người Mường bất kể ở Thanh Hóa hay Hòa Bình, không ai không biết đến lối hát xường đặc trưng. Bởi yêu câu hát của dân tộc mà cụ bà Trần Thị Xuyên ở Cẩm Long, Cẩm Thủy, Thanh Hóa đã cất công đi sưu tầm và truyền lại cho các thế hệ con cháu trong làng. Cho tới nay, bà cụ vẫn là một trong số những nghệ nhân cao tuổi và hiểu về lối hát này nhất.

Xã hội - Chuyện tình của thiếu nữ Mường qua câu hát cổ

Ảnh chỉ có giá trị minh họa

Không hát xường thì không có bạn

Chúng tôi tìm đến được nhà cụ Xuyên cũng đã quá trưa, nắng nóng phủ trên đầu. Mới qua một cơn mưa nên đường còn khá lầy lội, phải đi qua mấy con dốc mới hỏi thăm được đến nơi. Thấy có khách lạ, mấy em nhỏ đang chơi ở đó nhao nhao dẫn đường đến nhà bà giáo. Đón chúng tôi là một cụ bà đã ngoại thất thập, dáng người nhỏ bé và nụ cười đôn hậu. Cụ Xuyên ở cùng vợ chồng người con trai nhưng hiện các con đều đi làm xa nên chỉ có cụ ở nhà một mình. Cụ ông mất sớm nên tuổi già, cụ Xuyên chỉ có niềm vui được quây quần bên các cháu nhỏ và hằng ngày lên lớp truyền lại những điều còn tâm đắc và ghi nhớ trong đầu.

Cụ Xuyên kể lại cho chúng tôi nghe những câu chuyện về xứ Mường và nơi khởi đầu của những câu hát ông cha. Hát xường có từ khi nào chính cụ cũng không rõ, chỉ nhớ khi bắt đầu biết nói, biết hát thì khắp trong làng ngoài bản đâu đâu cũng đã vang tiếng hát xường. Đêm đêm bên những nóc nhà sàn, tiếng trai gái lại cất lên đượm tình đượm ý: "Đêm nay anh lắng em xường/Nghe chưa liền anh đường cố chấp/Em xường chưa liền khúc anh chớ có cười /Hát cho vui áng hát cho rạng đêm”.

Tiếng hát cứ lửng lơ từ làng này sang làng khác, từ mái nhà sàn này sang mái nhà sàn khác, từ đêm cho tới sáng. Giữa ánh đèn đuốc, trai gái có thể nhìn mặt chọn bạn để tìm hiểu lẫn nhau, nam ở gian ngoài, nữ ở buồng trong. Đến với mỗi áng xường (tương tự một canh hát - PV), ngoài trai gái đến tuổi tìm bạn còn có người già và trẻ nhỏ ngồi xung quanh thưởng thức và đánh giá độ tinh của mỗi tay xường. Bất kể là người trong làng hay bạn từ làng khác sang dự áng xường thì cả chủ lẫn khách đều phải lấy sự tôn trọng và thân tình làm đầu.

Trẻ con lớn lên chưa biết chữ đã được bập bẹ dạy cho những câu hát đầu tiên. Người Mường quan niệm không biết xường thì không phải con cháu mụ Dạ Dần (thần sáng tạo trong sử thi đẻ đất đẻ nước). Chuyện kể rằng khi mụ Dạ Dần gánh xường đi qua miền đất xứ Thanh, không ai biết mụ sẽ trao xường ở đâu và cho ai. Đến giữa đường thì đứt quai, một sọt rơi xuống mường Ai, còn đầu kia rơi xuống mường Ống, gánh xường còn rơi vãi khắp nơi, vì vậy người Mường là tộc người bỗng nhiên có cái lộc trời, vì là lộc nên phải giữ và truyền đời lại cho con cháu.

Đã thành thông lệ, cứ mỗi buổi tối vui vầy bên con cháu, cụ Xuyên lại cất lên những câu hát xường. Cụ kể: "Ngày còn nhỏ, mỗi khi làng có lễ hội, các anh chị tập trung lại để chuẩn bị cho ngày diễn, tôi thường quanh quẩn bên các đội văn nghệ để học và tìm hiểu các điệu hát xường. Có hôm mải xem, quên cả giờ về ăn cơm."

Chính cụ Xuyên cũng không ngờ được câu hát xường cổ cũng là điểm bắt đầu cho mối lương duyên của cuộc đời mình. Mối tình của cô sơn nữ với chàng trai núi rừng cũng nhẹ nhàng như đất và nước suối trong khe: "Ước chi ta đi củi chung một vác /Đi nác chung một giếng/Náu nương chung một bóng râm /Trời mưa lâm thâm đội chung nón kín Em về chốn xa đất xa mường /Anh gửi em nón trắng đi đàng /Gửi em trầu nang ăn sá/ Muốn cho tiện nẻo đi về /Anh sang làm rể em về làm dâu". Suốt bao nhiêu năm, cả trong khói lửa đạn bom chiến tranh, có những thời điểm vô cùng khó khăn và đối diện cả sự chia cắt, câu hát lại trở thành nhịp cầu vững chãi cho tình nghĩa vợ chồng của hai ông bà.

Nhìn lên bức ảnh thờ của cụ ông, cụ Xuyên rơm rớm nước mắt kể: "Ông nhà tôi hay nói ông yêu bà vì bà hát xường hay quá khiến lòng ông mê muội không thể dứt ra được". Từ ngày cụ ông mất đi, chỉ còn mình bà cụ lủi thủi, câu hát trở thành niềm thương nỗi nhớ.

Hát xường phải tò mò, tinh ý. Ngày xưa, con trai, con gái lớn lên cùng công việc đồng áng, nương rẫy... Con trai phải lo học thổi sáo, đàn môi, con gái lo thêu dệt. Nhưng dù là trai hay gái thì người con của dân tộc Mường đều học điệu hát xường. Không hát xường được thì không dám đi chơi xa và cũng không có bạn bè.

Khác dân tộc Thái, dân tộc H'mông có tục bắt vợ, hay tục ngủ thăm của một số dân tộc phía Bắc thì tục tìm bạn đời của người Mường trước đây lại mang một màu sắc khác. Mỗi tối, thanh niên trong bản rủ nhau tập trung tại một gia đình hay một địa điểm nào đó, ngồi song song với nhau và hát đối. Hát xường phải luôn được sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh, tình cảm của người hát. Nhiều khi hát đối đến tận khuya mà không dứt ra được. Những lúc đó càng hát càng say, quên hết cả thời gian, tâm hồn bay cùng lời ca, tiếng hát. Trong hát đối của các đôi nam nữ, tùy thuộc vào tài năng của chàng trai, cô gái mà lời hát là những câu hỏi ý tứ sẽ thể hiện được thái độ vui vẻ, giận hờn, trách móc hay nũng nịu, đằm thắm. Chính vì vậy, các chàng trai thường trổ hết tài năng của mình khi học hát xường.

Xã hội - Chuyện tình của thiếu nữ Mường qua câu hát cổ (Hình 2).

Cụ bà Trần Thị Xuyên - người có công lưu giữ câu hát xường của người Mường ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa

Đau đáu việc gìn giữ câu hát cổ

Năm 15 tuổi, cô thiếu nữ tên Xuyên được bầu làm tiểu đội thiếu niên, tham gia các chương trình văn nghệ và nhiều lần dành được giải nhất cuộc thi hát hay hát giỏi do xã, huyện tổ chức. Khi làm bí thư đoàn xã, bà thường theo các anh chị trong bản tham gia sản xuất tiếp tế lương thực, nuôi giấu cán bộ Cách mạng. Sau đó, cụ được cử vào Nam học lớp ngắn hạn làm nữ cứu thương để chuẩn bị phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Trong những ngày khói lửa chiến tranh, câu hát xường đã trở thành niềm động viên tinh thần đối với những con người xa quê. Vượt qua bom đạn chiến tranh, những người lính, người thanh niên xung phong vẫn vững vàng niềm tin về ngày mai chiến thắng. Đối diện với cái chết, tiếng hát của họ vẫn cất cao giữa những trận địa lẩn khuất trong rừng. Tiếng xường cất lên để nhận mặt người quen, cùng làng, cùng bản, để gửi trao ân tình thủy chung.

Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, bà Xuyên trở về phục vụ quê hương và làm nhiều vị trí: Phó đội công an xã, phó chủ tịch Hội Phụ nữ, đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiều khóa liên tục. Khi nhà nước có chính sách cải cách ruộng đất, việc tham gia các hoạt động phong trào văn nghệ ít đi nhưng những câu hát xường của cụ thì không bao giờ dừng lại.

Cụ Xuyên chia sẻ: "Khi còn làm đội trưởng đội sản xuất của tổ giải phóng, tôi thường phát động phong trào thi đua. Trong thời gian ấy, câu hát xường dường như là niềm cổ động tinh thần để anh em quên đi cái mệt nhọc nơi đồng áng. Nhiều lần đến giờ về mà họ vẫn say sưa vừa làm vừa hát".

Trong những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cụ không chỉ cổ động phong trào tăng gia sản xuất mà còn làm cho phong trào văn nghệ thôn xã phát triển rộng hơn. Huy chương vì sự nghiệp giải phóng do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ trao tặng như một sự ghi nhận những đóng góp của cụ đối với sự nghiệp chung.

Hiện nay, điệu hát xường đã dần bị mai một. Người ta không còn thấy những buổi tối thanh niên trong bản hát múa bên bếp lửa hồng, không còn những mối tình được bắc cầu tự điệu hát. Người Mường trẻ ngày nay ít hào hứng với điệu hát xường.

Bởi lo âu cho những điệu hát cổ mà trong những buổi văn nghệ của làng xã, bao giờ cụ Xuyên cũng hát xường nhằm khơi dậy nhận thức mới của lớp trẻ về nét đẹp truyền thống trong văn hóa tinh thần của dân tộc. Cụ luôn thôi thúc con cháu tìm hiểu để học hát xường cổ, thậm chí đến các gia đình vận động để họ hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn vốn quý dân tộc mình mà cho con cháu theo học. Bắt đầu từ những đứa cháu ruột rồi họ hàng, làng xóm, lớp học của cụ ngày càng đông hơn. Nét mặt rạng rỡ, cụ Xuyên nói: "Tôi rất mừng vì điệu hát xường đang dần được sống lại. Nhìn những đứa trẻ Mường háo hức nghe tôi hát, cảm thấy như sống lại niềm đam mê thời trẻ con của chúng tôi, nhưng như thế thôi thì vẫn chưa đủ và khi lũ trẻ lớn lên, tiếp xúc với văn hóa mới không biết những câu hát xường có còn đọng lại chút nào trong tâm trí chúng…".

Cứ chiều đến, trong căn nhà nhỏ của cụ lại vang lên tiếng trẻ con ngồi tập hát. Cụ Xuyên vừa làm người giữ trẻ vừa làm cô giáo. Thấy cụ có cái tâm lớn, phụ huynh các em nhỏ đều rất lấy làm cảm kích, học phí cũng chẳng có gì, chỉ là sự thân tình làng xóm tắt lửa tối đèn có nhau. Bản thân các con cụ Xuyên cũng mừng khi ở tuổi về già mẹ mình còn có niềm vui và động lực lớn trong cuộc sống như vậy. Bà giáo già và học trò thì bé, cái nghĩa và tình, sự đầm ấm bắt nguồn từ một tình yêu chung cái xường của dân tộc làm gốc đã gợi lên niềm tin trong mỗi chúng tôi về sự tồn tại vững bền của câu hát.

Đỗ Huệ