Chuyện về hậu duệ Chúa Trịnh

Chuyện về hậu duệ Chúa Trịnh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Từ một cậu bé mồ côi, Trịnh Đình Kính nỗ lực vươn lên thành một ông chủ có tiếng xứ Đông Dương. Có lẽ, cuộc đời của "ông hoàng" thủy tinh Đông Dương Trịnh Đình Kính như một câu chuyện huyền thoại về sự vươn lên của con cháu Chúa Trịnh giữa mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Ông Trịnh Đình Kính (1886 - 1978) là hậu duệ đời thứ 9 của Khang vương Trịnh Căn. Khang vương Trịnh Căn có quận chúa Ngọc Phách lấy Hoàng đế Lê Dụ Tông và sinh ra vua Tinh Khánh.

Sự kiện - Chuyện về hậu duệ Chúa Trịnh

Ông Trịnh Đình Kính và các con

Tuổi thơ cầu bất cầu bơ

Con ngõ nhỏ nằm giữa phố Hàng Bồ (Hà Nội) đông đúc, khi tôi hỏi nhà ông Trịnh Đình Tiến (con trai của "ông hoàng" thủy tinh Đông Dương - Trịnh Đình Kính) liền được một người phụ nữ đầu phố bảo: "Giờ này đến không gặp được Tiến “nhiếp ảnh” đâu". Dù đã được cảnh báo trước nhưng tôi vẫn mạo muội leo lên căn phòng trên tầng hai nằm sâu trong ngõ nhỏ. Lối vào chỉ rộng chưa đầy 1m, ít ai nghĩ rằng đây là nơi khởi nguồn cho câu chuyện huyền thoại về "ông hoàng" thủy tinh.

Trịnh Đình Kính sinh ra tại làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây (cũ). Người thân sinh ra ông cụ Trịnh Đình Thành - một nghĩa quân dũng cảm trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp. Khi quân Cần Vương thua trận ở Bãi Sậy, ông Trịnh Đình Thành đã ôm tráp quân cơ nhảy xuống sông Cái tự vẫn để giữ tiết trung quân và bảo vệ những bí mật không rơi vào tay giặc.

Giai đoạn vua Lê - Chúa Trịnh là một trong những giai đoạn để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử phong kiến của Việt Nam. Trải qua 12 đời chúa, hình thức Nhà nước với sự có mặt của vua -chúa tồn tại trong lịch sử dân tộc hơn 200 năm vào các thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Cho đến nay, nhận thức về các Chúa Trịnh - vị trí và vai trò lịch sử còn nhiều điểm vẫn chưa được rõ ràng, thậm chí còn sai lệch. Nhưng những gì dưới thời Lê - Trịnh làm được thì có công rất lớn của các vị chúa Trịnh. Thời này, kỷ cương, phép nước đã được giữ vững ổn định, là tiền đề để xã hội phong kiến Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển. Đặc biệt trong những năm này, nền độc lập dân tộc không những không bị ngoại bang xâm lược mà còn được bảo vệ an toàn. Phố Hiến - Kinh Kỳ trong thời kỳ lịch sử này được mở mang và phát triển sầm uất là biểu hiện của những chính sách tiến bộ về kinh tế của các Chúa Trịnh.

Cha mất, mẹ ông rời quê ra Hà Nội. Năm 10 tuổi, ông cùng em gái dắt nhau ra Hà Nội với mong muốn tìm được mẹ. Mẹ chưa tìm được, em gái ông bị mẹ mìn bắt và mang đi mất tích. Cuộc đời ông từ đây bước sang một trang khác. Cuộc đời của một đứa trẻ phải đi làm thuê khổ cực. Hằng ngày cậu bé Kính lên 10 phải gánh thuê than xỉ từ các lò nấu thủy tinh của người Tàu ở phố Hàng Bồ đến đổ ở hồ Sao Sa để kiếm miếng ăn. (Người Hà Nội gọi là hồ Sao Sa vì nghe nói ngày xưa có một mảnh thiên thạch rơi xuống tạo thành hồ. Hồ Sao Sa nằm trong khu vực phố Hàng Giày ngày nay).

Hàng ngày, cậu bé Kính bền bỉ làm công việc nặng nhọc ấy trong thầm lặng. Một trong những ông chủ người Hoa (tên thường gọi là ông thầy Quảng), người ở Phật Sơn, Trung Quốc, vốn là một kẻ giang hồ võ nghệ cao cường. Ông Quảng muốn chống Thanh phục Minh nên bị quân của triều đình Mãn Thanh truy tìm. Ông trốn sang Việt Nam và mang theo nghề làm thủy tinh và mở xưởng ở phố Hàng Bồ. Hàng ngày, chứng kiến cảnh cậu bé cần mẫn gánh xỉ, ông đã nhận thấy ý chí của cậu bé Kính và đem lòng yêu quý. Ông thầy Quảng đã nhận cậu bé Trịnh Đình Kính này vào làm tài chạp (người giúp việc). Sau này thấy được sự khéo léo, thông minh và trung thực của cậu bé, ông thầy người Hoa đã nhận ông Kính làm con nuôi và truyền nghề cho.

Có lẽ, ông Quảng và bất cứ ai khi đó biết cậu bé Kính hay từng nhìn thấy thằng bé lụi cụi gánh từng gánh xỉ đổ ra hồ Sao Sa cũng không tưởng tượng, ông lại trở thành "ông hoàng" thủy tinh Đông Dương. Những sản phẩm thủy tinh của ông không những có mặt ở Việt Nam, Đông Đương mà còn sang tận thị trường của các nước thuộc địa Pháp.

Nắm bắt cơ may

Ông Trịnh Đình Tiến cho biết: "Học nghề thủy tinh có ba bước: tài chạp (giúp việc), học xí (học thổi thủy tinh) và thợ. Rồi từ thợ có thể làm thành cai, thành ông chủ. Từ năm 10 tuổi đến năm 28 tuổi, cha tôi từ làm tài chạp rồi làm thợ cho lò thủy tinh của người Hoa. Hồi đó ở phố Hàng Bồ có các lò thủy tinh như Vinh Dụ, Vinh Hòa, tất cả những lò thủy tinh ở Hà Nội và một vài nơi khác ở Việt Nam đều của người Hoa. "Sản phẩm thủy tinh lúc đó theo cha tôi kể, kiểu dáng, chủng loại khá nghèo nàn, chỉ là bóng đèn thuốc phiện, bóng đèn hai dây, chai lọ đựng kẹo và thông phong" - ông Tiến kể lại. Thông phong là bóng đèn dùng cho đèn hoa kỳ đốt bằng dầu hỏa.

Sự kiện - Chuyện về hậu duệ Chúa Trịnh (Hình 2).

"Ông hoàng" thủy tinh Đông Dương Trịnh Đình Kính

Trong 18 năm làm thợ thuê cho các ông chủ người Hoa, chàng thanh niên Trịnh Đình Kính mang trong lòng một khát vọng có một xưởng sản xuất thủy tinh của người Việt. Ông Trịnh Đình Tiến chia sẻ: "Khi chúng tôi lớn, cha có kể lạ, ngày đó, nấu được thủy tinh có màu xanh là một bí quyết riêng của người Hoa. Người Hoa chỉ truyền lại những bí quyết đó cho đứa con mà họ tin yêu nhất. Vì với người Hoa, họ chỉ dạy thiên hạ cách ăn chứ họ không dạy cách làm. Nhưng năm 28 tuổi, cha tôi đã nắm trong tay tất cả những ngón nghề làm thủy tinh thời đó như đắp lò nấu thủy tinh, làm khuôn hàng, kỹ thuật thổi thủy tinh và bí quyết pha màu".

Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, khát vọng của chàng thanh niên Trịnh Đình Kính đã trở thành sự thật. Ông trở thành ông chủ của một xưởng sản xuất thủy tinh. Trước đó vì vốn chưa nhiều, ông Trịnh Đình Kính đã phải hùn chung vốn với ông Trưởng Hoàn mở xưởng ở số 65 Hàng Bồ và lấy tên xưởng là Thanh Đức. Ông Trưởng Hoàn vốn là cai thầu nổi tiếng giàu có ở Hà Nội. Cả dãy phố Nguyễn Công Trứ là bất động sản của ông Hoàn. Ông Hoàn có bảy vợ, bởi thế chuyện vợ nọ con kia gây cho ông cai thầu này nhiều chuyện đau đầu. Cuối cùng ông không thể mở chung xưởng thủy tinh với ông Trịnh Đình Kính nữa.

Xưởng thủy tinh của ông Trịnh Đình Kính hồi đầu cũng chỉ sản xuất những mặt hàng quen thuộc như thông phong, hay lọ đựng bánh kẹo. Vì hồi đó, những người giàu có ở Việt Nam và những người Pháp ở Đông Dương không thèm ngó ngàng gì tới sản phẩm thủy tinh của ông Kính hay những ông chủ người Hoa khác ở Hà Nội. Họ chỉ quen dùng đồ thủy tinh của Pháp. Nhưng khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra thì con đường chuyên chở sản phẩm thủy tinh từ Pháp sang Đông Dương bị cắt đứt. Chính lúc này, xưởng thủy tinh của ông Trịnh Đình Kính đã vươn lên. Và lần đầu tiên sản phẩm của người Việt đã bước vào, chiếm vị trí trang trọng trong nhà Gô -đa ở Hà Nội. Nhà Gô -đa lúc đó được coi là siêu thị đầu tiên ở Việt Nam do người Pháp quản lý.

Đỗ Thơm

(Còn nữa)