Chuyện về người nhạc công số 1 của Tiểu đoàn 307

Chuyện về người nhạc công số 1 của Tiểu đoàn 307

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Sau mỗi trận đánh, những anh lính "áo bà ba nâu" lại được thiết đãi bằng một bữa tiệc đàn ghi ta kết hợp nhạc tiền chiến hùng hồn giữa cánh rừng U Minh thâm sơn cùng cốc.

Một thời, những tay văn nghệ của Tiểu đoàn 307 gắn với bài hát cùng tên đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh về tinh thần dùng tiếng hát át bom. Người nhạc công ghi ta của tiểu đoàn anh hùng ấy nay đã ở tuổi "bát niên", nhưng âm hưởng của những ngày miền Nam sục sôi kháng chiến, dư âm của những thăng hoa về nghệ thuật của người lính năm xưa dường như chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí ông.

Xã hội - Chuyện về người nhạc công số 1 của Tiểu đoàn 307

Tiếng hát của ông Mai Sơn vẫn khỏe khoắn, sâu lắng chất chứa cả một tình yêu với âm nhạc.

Tiếng hát giữa rừng U Minh

Trong lúc đang hàn huyên với một nhân vật trong bài viết, tôi tình cờ "chộp" được bức ảnh một cựu chiến binh tóc trắng oai phong đang ôm cây đàn ghi ta trước hàng trăm bạn hữu. Sự tình cờ đã thôi thúc tôi đi tìm ông Mai Sơn - nhạc công của Tiểu toàn 307 anh hùng. Hôm ấy, có lẽ tôi là người may mắn và hạnh phúc nhất khi được nghe lại những giai từ hoang sơ, thuần khiết của một chất giọng đặc sệt Nam Bộ do chính người trong cuộc thể hiện.

Dù chiến tranh đã lùi xa, dù thời gian có làm hao mòn đi tuổi trẻ và sức khỏe nhưng giọng ca năm nào vẫn hào sảng, mạnh mẽ phá vỡ những ồn ào, náo nhiệt ngay giữa lòng Thành phố đô hội. Tôi như được sống lại những năm tháng lửa đạn khốc liệt nhất của miền Nam anh hùng chiến đấu chống ngoại xâm. Tôi cũng như thấy từng đoàn quân rầm rầm ra trận có khát vọng hòa bình, tình yêu đất nước và con người. Tiếng hát của một người lính văn nghệ vẫn vẹn nguyên như thuở nào.

Mai Sơn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất ở đội văn nghệ của Tiểu đoàn 307. Ông nổi tiếng ở giọng hát truyền lửa và đệm đàn ghi ta. Xuất thân trong một gia đình viên chức nghèo ở Sài Gòn, thuở thiếu thời, Mai Sơn thường theo các anh chị trong phong trào học sinh sinh viên xuống đường biểu tình. Các bậc đàn anh thường không cho Sơn theo nhưng cậu ta cứ lén tham gia và cũng chịu những hơi cay, dùi cui của bọn đàn áp. Tận mắt chứng kiến cái chết của anh Trần Văn ơn, Mai Sơn dần hiểu rằng: Đó là những mất mát, hy sinh của những người yêu nước, đó là sự đấu tranh để bảo vệ dân tộc.

Sơn có người anh đã thoát ly đi cách mạng. Một hôm, anh trai nhờ người đưa tới cho Sơn một bức thư trong đó nhắn gửi với đứa em trai nên giác ngộ Cách mạng. Chỉ có đi làm cách mạng mới giải phóng được gông cùm, áp bức. Sơn đắn đo suy nghĩ, bởi Sơn đang có mối tình với một cô gái con nhà tư sản giàu có. Ngặt nỗi, gia đình cô gái không đồng ý tác hợp mối lương duyên này nên Sơn càng đau khổ. ở lại thì suốt ngày phải đối mặt với kẻ thù hành xác nhân dân, đối diện với tình yêu không môn đăng hộ đối.

Là con trai, lòng tự trọng càng cao, Sơn quyết tâm từ bỏ đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Ông viết một lá thư gửi lại cho người yêu, không ngờ, đọc xong thư, cô gái đã chạy tới tìm Sơn và tỏ ý muốn đi cùng. Không chần chừ, Sơn đưa người yêu rời Sài Gòn về vùng căn cứ cách mạng lúc này đang đóng ở Cần Thơ. Về tới chiến khu, Sơn và người yêu được tổ chức phân công mỗi người một nhiệm vụ. Cô Hồng (người yêu Sơn) làm phụ tá quân y còn Sơn biên chế trong Tiểu đoàn 307.

Trong những cánh rừng U Minh, giọng ca của đội văn nghệ tiểu đoàn luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bộ đội. Trước mỗi trận đánh, đội văn nghệ lại lên đường, hòa nhập vào từng đơn vị đóng quân rải rác ở chiến khu hát ca oai hùng phục vụ đồng đội. Mai Sơn là tay ghi ta và cũng là giọng hát chính của đội. Trên sân khấu, giọng hát trời phú của Sơn bay bổng, réo rắt dội vào lòng chiến sĩ cái thần của ý chí và quyết tâm đánh giặc. Sơn còn tự biên tự diễn nhiều kịch bản hài tạo nên một không khí vui nhộn trong đơn vị.

Ông tự hào khoe: "Tôi có cách biểu diễn không giống với bất cứ một ca sĩ, diễn viên nào. Tôi là người lính văn nghệ nên cái tố chất cũng rất "lính". Mỗi khi hát, không chỉ hát để thưởng thức mà còn phải truyền cái hồn khí chiến đấu trong mỗi ca từ". Từ khi bài hát Tiểu đoàn 307 ra đời, Mai Sơn chiếm một vị trí trọng yếu trong dàn nhạc. Ông bảo, cái tố chất văn nghệ sĩ mình có từ bẩm sinh nên dù đi đâu, kể cả cầm súng cũng có thể hát. Thật ra, trong tâm hồn mỗi người lính đều rất lãng mạn, phong trần. Vì chiến tranh mà họ phải ôm súng đánh giặc chứ thực ra họ đều là những tâm hồn rất nghệ sĩ.

Sau cuộc chiến, đa phần những người lính trong đội văn nghệ của tiểu đoàn không còn. Duy nhất còn lại người nhạc công ghi ta Mai Sơn may mắn là giờ vẫn được ôm đàn đi hát. Dù tuổi cao, sức khỏe yếu đi nhiều nhưng hễ có dịp về nguồn thăm lại chiến trường xưa, gặp lại những đồng đội cũ của mình, ông không bao giờ vắng mặt. Chiếc đàn ghi ta cũ kỹ, phủ đầy lớp bụi thời gian, nhưng ông vẫn trân trọng cất giữ. Ông bảo, đó là kỷ vật mà ngày xưa đồng bào tặng nên ông quý hơn bất cứ vật dụng nào.

Chuyện tình ngang trái

Trong vùng căn cứ Cách mạng, tuy mỗi người một nhiệm vụ nhưng khi có thời gian rảnh, Mai Sơn lại tìm đến thăm người yêu. Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, tình yêu của họ ngày một nhân lên. Kết quả của mối tình đẹp ấy là một mầm sống đang dần hoài thai. Những ngày đầu ấp tay kề chẳng là bao, vì hoàn cảnh của cuộc chiến, họ phải xa nhau.

Hiệp định Giơnevơ, Mai Sơn tập kết ra Bắc. Ở lại thì không được mà đưa người yêu đi cũng không xong, Sơn buồn bã, đau đớn tột cùng. Giọt máu của mối tình thời chiến mãi mãi là nỗi thương lòng khiến ông day dứt suốt cuộc đời. Để giữ tròn trách nhiệm, trước ngày tập kết, ông nhắn cho gia đình mình ở Sài Gòn xuống Cần Thơ đưa cô Hồng quay trở về.

Xã hội - Chuyện về người nhạc công số 1 của Tiểu đoàn 307 (Hình 2).

Bia lưu niệm nơi xuất quân của Tiểu đoàn 307 tại xã Đại Điên, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Trong đêm chia tay, những giọt nước mắt không ngừng rơi của trai 18 gái 17, lứa tuổi đẹp nhất đời người. Trong cánh rừng U Minh bạt ngàn, tiếng côn trùng da diết kêu gào càng xé nát con tim ông. Con rạch mùa này không có nước, chiếc xuồng chở mối tình đầu mang theo đứa con chưa chào đời nặng nề rời bến. Mỗi cái chống xuồng là một nhát dao đâm tứa máu vào tim. Xuồng xa dần, chỉ còn một đốm nhỏ bé mù mờ phía chân mây, Sơn hiểu, tất cả đã vĩnh viễn rời khỏi tầm tay của mình.

Còn một mình, Sơn ngoảnh lại phía sau cánh rừng, không một bóng người, không một cánh chim trời. Sơn quỵ xuống khóc thành tiếng. Tập kết ra Bắc, Sơn không nguôi nhớ người thương. Một ngày buồn ở xứ kinh kỳ, Sơn nhận được tin cô Hồng đã lấy chồng. Sơn mừng cho hạnh phúc của người yêu nhưng buồn thì nhân lên gấp bội. Ông vùi đầu vào công việc, rồi hát hò, đàn ca cho khuây khỏa nỗi đau.

Năm 1962, Sơn kết duyên với một người con gái là Việt kiều yêu nước. Họ có với nhau 5 người con. Năm 1972, Sơn quay trở lại chiến trường B vào Trung ương cục miền Nam tiếp tục chiến đấu. Cũng trong năm này, ông nhận được tin cô Hồng qua đời. Sau 21 năm trời từ lần chia tay ở bến đò ngang, hình ảnh cuối cùng là con xuồng vượt cạn ra đi trong một sáng đầy sương.

Ông đi tìm đứa con trai của mối tình đầu. Cha con gặp nhau trong nước mắt vui mừng, tủi hận. Ông trời không ngược đãi với người nhạc công tài ba ấy. Sau này các con của ông đều thương yêu, đối xử tốt với nhau. Người con đầu nay đã gần 60 tuổi vẫn thường lui tới, thăm nom cha.

Hoa Nguyên