Chuyện về nhà văn được công nhận kỷ lục Việt Nam

Chuyện về nhà văn được công nhận kỷ lục Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Không chỉ là người sáng lập website lucbat.com, nhà văn Đặng Vương Hưng còn là người khởi xướng, vận động để thơ lục bát sẽ trở thành Quốc thi và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Bên cạnh những tác phẩm văn chương, nhà văn Đặng Vương Hưng còn được đông đảo mọi người biết đến với vai trò là tác giả ý tưởng và tổ chức nhiều công trình sưu tầm và giới thiệu tác phẩm độc đáo. Những tác phẩm tự truyện về những nhân vật có số phận éo le, có hoàn cảnh khó khăn nhưng có nghị lực phi thường, vươn lên trong cuộc sống đã làm xúc động hàng triệu trái tim độc giả, bởi chúng chất chứa những giá trị nhân văn vượt ra khỏi những cuốn sách bình thường.

Xã hội - Chuyện về nhà văn được công nhận kỷ lục Việt Nam

Nhà văn Đặng Vương Hưng (bên phải) cùng bạn hữu

Chạm đúng nhu cầu xã hội

Cuối tháng 5 vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác nhận kỷ lục gia: "Nhà văn Đặng Vương Hưng - Nhà văn Việt Nam đầu tiên tổ chức Cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”. Tuy vậy, khởi nguồn từ công trình này là câu chuyện rất dài bắt đầu từ năm 2004.

Anh nhớ lại ngày đó, sắp tới kỷ niệm 30 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, trong lòng anh tự thấy thôi thúc cần phải làm một điều gì đó có ý nghĩa. Hàng ngày, anh luôn băn khoăn suy nghĩ, trăn trở. Cho đến một ngày đẹp trời, ý tưởng hay đã ra đời. Anh phát động Cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam. Anh cho đăng lời hướng dẫn những nội dung tư liệu cần sưu tầm trên nhiều tờ báo lớn để cung cấp địa chỉ tiếp nhận và kịp thời hồi âm.

Mặc dù ban đầu, cuộc vận động chỉ mang tính tự phát của một cá nhân riêng lẻ, nhưng dường như nó đã chạm đúng đến một nhu cầu có sẵn trong đời sống xã hội nên đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng rộng rãi. Vậy là Tủ sách Mãi mãi tuổi 20 ra đời. Trong đó, nhà văn Đặng Vương Hưng đã sưu tầm, biên soạn và viết lời giới thiệu cho hơn 20 cuốn sách. Đặc biệt, 2 tác phẩm Mãi mãi tuổi 20 và Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã trở thành một hiện tượng gây tiếng vang lớn. Nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã khởi nguồn cho phong trào rầm rộ mang tên Tiếp lửa truyền thống mãi mãi tuổi 20 của giới đoàn viên, thanh niên trong cả nước.

Tủ sách chuyện đời tôi

Sau sự thành công của tủ sách Mãi mãi tuổi hai mươi, Đặng Vương Hưng lại miệt mài bắt tay vào xây dựng tủ sách mới Chuyện đời tôi. Cuối năm 2007, hàng loạt tác phẩm thuộc tủ sách này đã ra đời. Nét riêng đặc biệt của tủ sách Chuyện đời tôi là nhiều nhân vật trong các sách cũng đồng thời chính là tác giả. Bởi hầu hết các tác phẩm đều được thực hiện theo cách thức nhà văn cho mượn bút, hoặc nhà văn đánh thức tiềm năng viết của chính người tự truyện. Nhà văn Đăng Vương Hưng nhớ lại thời gian đầu anh đã phải vất vả tìm đến họ để vận động, thuyết phục họ chia sẻ tâm sự về cuộc đời mình. Hầu hết, họ là các cựu chiến binh, cựu cán bộ kháng chiến, nhà giáo. Đặc biệt, còn có các bạn trẻ hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe, khuyết tật, nhưng có nghị lực phi thường, vươn lên trong cuộc sống.

Cuối năm 2008, nhà văn Đặng Vương Hưng là người sáng lập website lucbat.com. Anh cũng là người khởi xướng và đang vận động để thơ lục bát trở thành Quốc thi và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhà văn chia sẻ: Thơ lục bát là một thể thơ truyền thống thuần Việt nhất, là biểu tượng của hồn quê Việt Nam, được nhiều người xem như hồn vía của dân tộc. Chỉ đơn giản, bình dị với hình thức truyền khẩu và thuộc lòng, thơ lục bát đã góp phần chuyển tải và lưu giữ một kho tàng tri thức khổng lồ của tổ tiên ông bà từ ngàn đời truyền lại cho con cháu. Hơn 3 năm qua, website lucbat.com đã không chỉ thành công trong việc quy tụ được hàng vạn tác giả sáng tác lục bát mà còn thành công trong việc tổ chức nhiều sự kiện văn hóa mang tầm cỡ quốc gia như cuộc thi sáng tác thơ lục bát Ngàn năm hồn Việt, Lễ hội Lục Bát vào ngày 6/8 âm lịch hàng năm.

Được biết, nhà văn Đặng Vương Hưng hiện đang phụ trách Ban biên tập sách văn học và Ban viên tập website của Nhà xuất bản CAND - Bộ Công an. Anh đã xuất bản hơn 10 tác phẩm với các thể loại đa dạng, phong phú gồm cả truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ ca: Đêm ma trơi, Dâng hiến, Lửa thức, Gửi người trong mơ. Ngoài ra, do có nhiều năm phục vụ trong lực lượng vũ trang, anh còn sưu tầm, biên soạn và giới thiệu hơn 30 cuốn nhật ký, hồi ký, tự truyện của các nhân vật đã từng đi qua những cuộc chiến tranh của đất nước.

Cảm động từ một tấm lòng

Trong các số phận vươn lên như vậy, người mà nhà văn Đặng Vương Hưng ấn tượng và yêu thương hơn cả là em Nguyễn Hồng Công (sinh năm 1978). Em là bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, con một liệt sĩ. Anh biết Công từ hơn 10 năm trước. Anh đã cố gắng vận động và mời Công tham gia tủ sách Chuyện đời tôi, trong khi em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện viết văn và chưa hề biết đến vi tính. Nhưng sau một thời gian chật vật, Công đã có hai cuốn tự truyện Khát vọng sống để yêu, Ở trọ trần gian. Em sống lạc quan, yêu đời và được mọi người quý mến tới mức sau khi qua đời năm 2009, bạn bè đã tự đóng góp vận động xuất bản tiếp cho em cuốn sách Nụ cười ở lại.

Xuân Tiến