Cô bé chân trần múa ballet dưới bóng đèn đường

Cô bé chân trần múa ballet dưới bóng đèn đường

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
Dưới ánh đèn cao áp màu vàng, trên một khu đất trống có dải nilon, một cô bé dáng người thon nhỏ, mái tóc dài cột cao đang miệt mài tập múa ballet, đứng cách đó không xa là bố mẹ cô bé, họ đang nhìn con gái với tất cả niềm tự hào lẫn xót xa phận nghèo…

Cô bé đó là Yao Qifeng, vì hoàn cảnh gia đình, Qifeng không thể đến trường học múa, căn nhà vẻn vẹn 20 mét vuông chật hẹp ấy cũng không có đủ chỗ cho Qifeng học múa, và cô bé đã chọn sân khấu là đèn đường và người qua đường là khán giả…

Cô bé Yao Qifeng

Từ những lần tò mò lén nhìn qua cửa sổ lớp học múa…

Ngày nào cũng vậy, mỗi khi màn đêm buông xuống, cô bé Yao Qifeng, 10 tuổi, lại luyện tập múa ballet dưới ánh đèn cao áp ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nhìn từng động tác uyển chuyển, nhịp nhàng, chiếc cổ thẳng và mái tóc búi cao của cô bé khiến không ít người nghĩ rằng, Qifeng là diễn viên múa ballet chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản qua trường lớp.

Tuy nhiên, hoàn cảnh nhà cô bé Qifeng rất khó khăn, bố mẹ đều làm nông nghiệp và không có đủ tiền để cho con theo học cái môn nghệ thuật mà đối với điều kiện kinh tế như gia đình Qifeng thì không bao giờ dám nghĩ đến. Nhưng với niềm đam mê ballet, cô bé Qifeng vẫn quyết tâm học múa, cô bé tự rèn luyện múa ballet ở nhà.

Yao Qifeng đam mê múa ballet cách đây ba năm, khi đó cô bé bắt đầu học lớp 1. Đó là trong một lần được bố đưa đến nhà họ hàng chơi, tình cờ đi qua một lớp dạy múa ballet, không nén nổi sự tò mò, Qifeng bảo bố cho cô được xem các bạn múa qua cửa sổ lớp học.

Ngay từ lần ấy, cô bé Qifeng nói với bố là các bạn múa thật đẹp và cô bé cũng muốn được như các bạn. Rồi kể từ ngày ấy, cứ mỗi khi tan trường, cô bé lại chạy đến chỗ có lớp dạy múa ballet để lén nhìn các bạn múa qua cửa sổ. Từ tò mò đến thích thú, Qifeng không biết ballet đã ngấm vào mình từ lúc nào. Có những hôm vì mải xem quá, Yao quên cả giờ về nhà khiến bố mẹ cô phải đi tìm.

Tuy vô cùng yêu thích ballet nhưng Yao Qifeng luôn giữ kín niềm đam mê ấy trong lòng, cô bé không bao giờ dám xin bố mẹ cho đi học bởi học phí cho khóa học này khá đắt. Cô bé tâm sự:

“Cháu thấy ghen tị khi nhìn thấy các bạn múa, mặc váy và học những kỹ thuật từ các giáo viên chuyên nghiệp. Cháu nghĩ nếu cháu được học, cháu có thể làm được như các bạn, thậm chí còn hơn các bạn”.

“cháu chưa bao giờ nói với bố mẹ là cháu muốn học múa ballet, vì như các cô chú biết đấy, học phí một khóa học rất đắt, những hớn 400 nhân dân tệ, số tiền này quá lớn so với thu nhập của gia đình cháu.”

Mặc dù Qifeng không nói, nhưng bố cô bé, ông Yao Yongzhong, 55 tuổi, biết con mình đam mê múa ballet đến mức nào. Ông tỏ ra xúc động khi chứng kiến những động tác di chuyển nhịp nhàng của con gái. Người cha này chia sẻ:

“Con bé càng đam mê ballet, tôi càng cảm thấy xấu hổ”. Các thành viên gia đình ông Yao sống chen chúc trong căn nhà chật hẹp 20 mét vuông với khoản thu nhập ít ỏi, chỉ khoảng 151 USD một tháng. Với số tiền ấy, chỉ đủ tằn tiện chi tiêu sinh hoạt trong nhà. Chi phí học múa ballet cho con gái Yao Qifeng là cả một vấn đề vô cùng khó khăn. Mặc dù gia đình nghèo, nhưng ông Yao vẫn không từ bỏ mong muốn giúp con gái theo đuổi ước mơ của mình.

Để giúp con gái thỏa mãn niềm đam mê, ông Yao đã đi mượn đầu đĩa DVD từ một người bạn và mua đĩa dạy múa từ quán hàng rong cho con. Với ông Yao, ti vi sẽ là người hướng dẫn tuyệt vời cho cô bé. Ông Yao vẫn nhớ cái giây phút mà ông gọi con gái lại và đặt lên tay con chiếc đĩa dạy múa và bảo rằng chiếc đĩa này sẽ giúp con học hỏi được nhiều điều. Ông vẫn nhớ mãi nụ cười rạng rỡ trên môi con gái khi cô bé nhìn thấy một giáo viên dạy ballet với những động tác khéo léo, hướng dẫn tỉ mỉ trên ti vi.

Và kể từ đó, ông Yao luôn cận kề bên con để động viên, không thể cho con đến học ở trường lớp chuyên nghiệp, nhưng ông Yao có thể mua cho con những đĩa học múa với chất lượng hình ảnh tốt nhất. Còn đối với cô bé Qifeng, được sự động viên của bố và sẵn niềm đam mê học múa, cô bé đã tiến bộ nhanh chóng. Qifeng luôn cố gắng hoàn thành việc học văn hóa trên lớp, vẫn giành thời gian giúp đỡ bố mẹ những việc vặt trong nhà, và luôn chăm chỉ học múa.

Yao Qifeng tự học múa qua sách vở

Đến để chân trần luyện múa ballet dưới bóng đèn đường

Khi thấy con gái đã học được những động tác múa ballet cơ bản, một năm sau, ông Yao quyết tâm đưa con tới trung tâm nghệ thuật ở Thành Đô để được rèn luyện bài bản hơn. Để có thể đưa con tới trung tâm nghệ thuật, ông Yao đã phải rất tiết kiệm và phải vay mượn thêm của họ hàng, bạn bè.

Lần đầu tiên bước chân vào trung tâm, cô bé Qifeng không khỏi bỡ ngỡ: “Khi ấy cháu thấy ngượng ngùng lắm khi lần đầu tiên đến một lớp học đẹp như thế, rộng như thế, mọi thứ đều sáng bóng, có rất nhiều đèn thắp sáng, ở đó còn có rất nhiều người. Nhưng mọi cảm giác ngượng ngùng đều qua nhanh khi cháu bắt đầu múa, đó cũng là lúc cháu quên không còn để ý gì đến mọi thứ xung quanh nữa”.

Để đáp lại lòng mong mỏi của gia đình và bằng tài năng của mình, chỉ trong một thời gian ngắn, cô bé Qifeng đã nhận được chứng chỉ ballet trình độ cao cho trẻ em, điều mà những người bình thường phải mất ít nhất 3 năm mới đạt được.

Khi nhận được chứng chỉ rồi, Qifeng phải tiếp tục học một khóa nâng cao nữa, nhưng cô bé lại quyết định học ở nhà theo băng đĩa vì học phí quá đắt. Cô nói với cha mẹ mình rằng, cô có thể tự học được mà không còn đến trường luyện tập nữa. Cha mẹ Qifeng biết rõ rằng rõ ràng là con gái đang lo lắng về các khoản phí phải chi trả, và bản thân họ cũng nhận thấy với hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện tại, mọi cố gắng cho con gái hoàn thành một khóa học ở trung tâm nghệ thuật đã là hết sức rồi.

Và thế là, một lần nữa, ông Yao lại cùng con đêm đêm luyện múa dưới ánh đèn cao áp trên đường. “Sân khấu là đèn đường và người qua đường là khán giả, hy vọng con bé sẽ thích”, ông Yao nói.

Ông Yao còn cho biết, con gái ông chưa bao giờ đòi ông phải mua cho váy múa, ngay cả đôi giày múa mà Qifeng đang đi cũng là giày của một người bạn cùng lớp bỏ đi mà cô bé vô tình có được, nhưng con gái ông coi đó như là báu vật và gìn giữ rất cẩn thận, và chỉ đi nó vào những dịp biểu diễn đặc biệt còn trong những buổi tập luyện ở nhà, họa hoằn lắm cô bé mới đi giày. “Sẽ chẳng có chuyện gì ngay cả khi con đi chân đất để múa, miễn sao con có thể múa là hạnh phúc lắm rồi bố ạ”, ông Yao nói rằng con gái đã từng nói với ông như vậy.

Yao Qifeng học múa dưới ánh đèn đường

Thương con, lo lắng chân con bị thương, ông Yao đã mang về nhà một tấm nilon rồi đêm nào cũng thế, hai bố con lại dắt nhau ra một khu đất trống, trải tấm nilon xuống để Qifeng học múa.

Khu đất trống này do chính mẹ Qifeng phát hiện ra, ông Yao cho biết “đó là một khu nhà hoang bỏ đi”, thế nhưng đối với cô bé thì đó là “một phòng khiêu vũ thật đẹp” vì có bàn tay của cha và mẹ sửa sang. Đó là một căn nhà đã mất mái, không có cửa, gọi là nhà nhưng thực chất không có tường bao quanh, chỉ còn 4 cái cột trụ, ban đầu đất cát và gạch ngói bừa bộn nhưng cha mẹ Qifeng đã quét dọn sạch sẽ, và chính cha Qifeng là người đã nhặt những tấm áp phích quảng cáo bỏ đi ở bên ngoài một cửa hàng để quây thành tường bao cho “phòng khiêu vũ” của con gái, và thế là nó trở thành một lớp học thật đặc biệt của Qifeng.

“Cô bé có tài, cô bé lại say mê bộ môn này và múa bằng tất cả trái tim mình, cô bé làm tốt hơn tất cả những học sinh ở đây”, Wang Qian, hiệu trưởng trường học mà Qifeng đang theo học cho biết, “chúng tôi có thể thấy rằng cô bé thực sự hứng khởi khi có cơ hội học hỏi”.

Câu chuyện cảm động về nghị lực và niềm đam mê học múa của cô bé Yao Qifeng gần đây đã xuất hiện trên nhiều tờ báo và các trang web ở Trung Quốc, làm rung động hàng triệu trái tim người đọc khi biết đến hoàn cảnh của cô bé. Có nhiều tổ chức, cá nhân đã có ý giúp đỡ cô bé để Qifeng có thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ của mình.

Thật may mắn, Qifeng đã có thể quay trở lại lớp học múa ballet chuyên nghiệp nhờ vào sự giúp đỡ của một tổ chức từ thiện có tên Soong Ching Ling. “Chúng tôi muốn Qifeng phát triển tài năng của mình sau khi đọc được câu chuyện về em”, Tu Huajun, đại diện của tổ chức từ thiện này cho biết, “sẽ thật là đáng tiếc nếu cô bé từ bỏ giấc mơ của mình hay làm thui chột tài năng, vì vậy chúng tôi đã quyết định tài trợ cho khóa học đào tạo của Qifeng số tiền 5.000 nhân dân tệ mỗi năm”.

Cô bé thật thông minh và rất nghiêm khắc với bản thân, cô bé dành hầu hết thời gian cho việc học tập chứ không ham chơi như những bạn cùng lứa. Cô bé lớn trước tuổi”, ông Hou Mingyu, một người hàng xóm của gia đình Qifeng cho biết. Không chỉ có ballet, Yao Qifeng còn quan tâm đến các môn học khác như hội họa, âm nhạc và thư pháp… “Cô bé chưa bao giờ thất bài và có đủ quyết tâm mạnh mẽ để làm tốt những gì mình đang theo đuổi, Qifeng là một cô gái hoạt bát”, hiệu trưởng Wang cho biết.

Bản thân Yao Qifeng đã quyết định đến học tại Học viện Nghệ thuật Bắc Kinh vào năm nay, nơi mà cô bé được miễn học phí. “Tôi muốn học tất cả các vũ điệu, và trở thành một vũ công tuyệt vời như Yang Liping hay Hou Honglan”, Qifeng nói thật tự tin và không chớp mắt.

Hà Hoa

Tag: tóc dài