Cỗ cưới nhà quê

Cỗ cưới nhà quê

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Không có một nhà hàng nào, không có những chiếc xe tải dịch vụ chở đầu bếp, bàn ghế, bồi bàn tới và “a lê hấp!” có ngay một cái đám tiệc sang trọng, đám cưới nhà quê là cả một tiến trình rón rén và lẳng lặng để đón chờ ngày vui của đôi trai gái trẻ sắp thành thân.

Từ trước ngày vu quy hai, ba ngày, những phụ nữ hàng xóm đã bắt đầu đổ sang nhà. Mỗi người mỗi việc, họ xắn tay áo lên và lao vào từng việc nhỏ, việc lớn trong căn bếp ngổn ngang. Như những con ong xây tổ, họ đang xếp từng viên gạch nhỏ cho ngày vui của con cháu mình được trọn vẹn. Mọi nguyên liệu nấu bếp đều được mua về, sơ chế rồi đem gửi tủ lạnh hết lượt các nhà, nhiều quá thì xếp cả vào thùng đá. Ở sân nhà trước, những người đàn ông bắt đầu gom bạt che, bàn, ghế, tủ... của gia đình đến và sắp thành một dãy bàn tiệc, không thua bất cứ một cái đám tiệc nào ở phố.

Từ ngày bắt đầu đó, những người phụ nữ như chẳng bao giờ biết ngủ. Họ gọt khoai, nhặt rau, làm thịt... từ tận 2, 3 giờ sáng và mãi đến tận 8 giờ sáng mới nghỉ ăn chút đồ lót dạ. Ngày vui đến, cô dâu ngẩn ngơ ra vào, ngẩn ngơ nhìn những mẹ, những bà, cô hay chị em cùng tuổi để mà biết rằng ngày vui của mình đã có tình yêu của họ đơm đầy vào từng món tiệc. Cô dâu ngồi trong buồng, hay quẩn quanh ra vào cố dọn dẹp phụ cha mẹ (mà lúc đó ai cũng gạt đi, bảo ưu tiên cho con gái nghỉ ngơi trước khi về nhà chồng). Những lời dạy dỗ của mấy người phụ nữ hàng xóm yêu quý từng chứng kiến cô lớn lên rồi sẽ trở thành kinh nghiệm làm vợ cho cô sau này. “Con không được cãi chồng, cãi là dại, phải biết mềm mỏng.”; “con phải lo bà má bên đó, bà ấy có mỗi đứa con trai!” – chừng ấy cái khôn ngoan của biết bao đời phụ nữ về nhà chồng được các bà dồn lại để dành tặng cô gái nhỏ ngay trong thời khắc bận bịu nhất của cỗ tiệc ngày cưới.

Xã hội - Cỗ cưới nhà quêẢnh minh họa

Các bà cũng ngồi xắt khoai tây thành miếng có khía, cũng tỉa quả ớt bự thành bông hoa, cũng cho mớ gỏi chua vào trong túi nylon nhìn thật vệ sinh sạch sẽ. Rồi tất cả các dĩa đồ ăn được lồng hết vào những khung giâýkiếng trong veo, sang trọng không kém gì nhà hàng. Để rồi kể từ phút cô dâu lạy chào nhà chồng, nhận cái gật đầu của cha mẹ để được theo tình duyên về với người đàn ông cô yêu, thì các món tiệc được những cậu trai trẻ liên tục bưng ra, đều đặn rải hết khắp bàn. Những chàng trai con cháu của các cô,dì, anh em họ của cô dâu cũng tụ về để làm bồi bàn cho ngày vui của cô. Mọi người như quen mặt, bữa tiệc be bé xinh xinh hóa thành ấm cúng vô kể vì chỉ một thoáng người ta nhận ra mình quen nhau hết cả.

Cỗ cưới ở quê như thế không phải nhà giàu. Nhưng món ăn gì cũng đủ, cũng lịch thiệp, gọn gàng như ai; chẳng thua kém cỗ nấu nhà hàng bưng tới tận cửa mà bây giờ người ta vẫn hay thuê.

Ở cái “hậu trường” bếp tiệc cưới ồn ào kia, còn có cả đám trẻ con chạy ra chạy vào bốc đồ ăn. Có cả cô dâu lúng túng mặc bộ áo dài mãi không vào được mấy chị chạy vào sửa soạn giúp. Có cả những lúc bọn trẻ chạy ù vào, kéo áo dài lấp lánh, hét lên “cô dâu đẹp quá tụi mày ơi!” – rồi ù té chạy ra vì sợ người lớn la.

Xã hội - Cỗ cưới nhà quê (Hình 2).

Ở cái cỗ cưới nhà quê ấy, thỉnh thoảng người ta sẽ bắt gặp ánh mắt giao nhau của người mẹ già với cô con gái nhỏ. Gia đình “quen hơi” với cái dáng đi về, bữa cơm ngọt thơm con gái nấu, giờ con mình sắp thành con của người ta. Ắt là cái cảm giác “biết đâu mà tìm” của phận dâu con ngày xưa cũng làm mẹ bỗng dâng lên niềm xót xa thầm kín nào đó với con gái mình. Nhưng ngày nay, đứa con gái ấy đi cưới người đàn ông mà cô đã chọn, lấy nhau vì tình, và theo chồng về tổ ấm riêng mà hai người đã cùng nhau vun đắp. Ấy vậy mà vẫn nước mắt, vẫn những cái ôm nồng nhiệt, vẫn cả lúc mẹ ôm chặt lấy cô bé mà khóc lóc không ngớt. Mấy bà phụ bếp thỉnh thoảng ồ lên cười, trêu bà mẹ: “Nó lấy chồng cách nhà có 12 cây số hà!” , “Hổng lẽ bà định giữ nó mãi luôn?”...

Đám cưới nhà quê, ngoài cái miếng ăn to tát mừng một người con gái đi về tổ ấm riêng, còn là một bữa tiệc tình thân, để phát tiết tất cả những biểu hiện tốt lành và quyến luyến của những con người vẫn đang sống hàng ngày rất gần bên nhau, trên một con đường làng thẳng tăm tắp và rất mực quê mùa...

Khải Đơn


Tag: Báo Soha