"Cơ quan chức năng nên thẳng thắn vì lợi ích người dân"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Thị trường Việt Nam đã nhiều lần nóng lên khi các nguồn thực phẩm từ nước ngoài liên tục bị người tiêu dùng phát giác không đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Bài toán ATVSTP ngày càng khó có được một lời giải đáp thỏa đáng khi các cơ quan hữu quan vẫn không ngừng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế).

Chỉ người dân chịu thiệt

Thưa ông, thời gian qua, thị trường Việt Nam liên tiếp phải hứng chịu những đòn thực phẩm bẩn từ nước ngoài đẩy vào. Điều đó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tâm lý người tiêu dùng. Là người đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực ATVSTP, ông đánh giá như thế nào về thực trạng đó?

Khi còn công tác tại Cục ATVSTP tôi luôn trăn trở đến điều này. Bây giờ về hưu rồi, tôi lại càng quan tâm đến vấn đề đó hơn. Bởi lúc này, tôi đã trở thành một người tiêu dùng thực thụ. Tôi hiểu người tiêu dùng có tâm lý như thế nào và mong muốn những gì. Quả thật, nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng lọt qua rất nhiều khâu kiểm tra, quản lý để nổi trôi trên thị trường và đi vào dạ dày của người dân như thời gian qua là hết sức đáng lo ngại.

Vấn đề này, báo chí cũng đã đề cập khá nhiều nhưng hình như sự cố gắng của các lực lượng chức năng vẫn chỉ là bề nổi, là lý thuyết nên không cải thiện được tình hình. Đặc biệt là mới đây, thông tin gà thải loại làm thức ăn cho chó của Hàn Quốc được nhập vào các siêu thị ở TP.HCM làm người dân vô cùng bức xúc.

Tôi là người có kinh nghiệm chuyên môn, tôi có thể tránh những nguồn thực phẩm như thế và báo cho người thân, những người xung quanh không sử dụng. Nhưng người dân thì làm sao họ phân biệt được và cuối cùng, họ là người chịu thiệt thòi nhất.

Ông quan niệm như thế nào về hàng loại thải của nước ngoài vào Việt Nam khi mà những nguồn thực phẩm này vẫn được rất nhiều người tiêu dùng chú ý đến?

Như trên tôi đã nói, người dân không có chuyên môn nên họ mua hàng theo cảm tính. Thấy rẻ, có thương hiệu hàng ngoại nhập nên họ mua là bình thường. Từ lâu, trong tâm lý tiêu dùng người Việt đã sẵn sính đồ ngoại, nhất là hàng trong siêu thị thì họ lại càng có được một cái cớ để tin các sản phẩm trong đó là "xịn". Tuy nhiên vấn đề ở đây, tôi cho rằng không phải là loại thải hay không loại thải mà quan trọng là hàng có đảm bảo được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?

Về bản chất, hàng từ nhiều nước có nền văn minh là rất tốt, kể cả với họ là bình thường nhưng khi nhập khẩu sang ta vẫn có thể dùng tốt. Do đó, kể cả là hàng thải loại của họ có khi vẫn rất thịnh hành ở Việt Nam nếu như còn hạn sử dụng và đảm bảo ATVSTP, chúng ta không nên có cái nhìn đánh đồng đối với hàng thải loại của nước ngoài mà phải phân biệt rõ về mặt chất lượng. Không phải cái gì thải loại cũng là không có giá trị hoàn toàn.

Xã hội - 'Cơ quan chức năng nên thẳng thắn vì lợi ích người dân'

Ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế).

Không nên đùn đẩy né tránh trách nhiệm

Khi đặt ra vấn đề truy ra nguồn gốc của sai phạm để tìm cách giải quyết cho thấu đáo, các cơ quan chức năng hiện nay thường có thái độ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Việc này trước hết, người dân phải chịu thiệt thòi vì họ là người tiêu dùng trực tiếp. Ông có quan điểm như thế nào?

Luật ATVSTP có hiệu lực là điều tôi đã từng băn khoăn lo ngại và không phải là không có căn cứ. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết thuộc về Cục ATVSTP, Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp. Nếu như trước đây cứ giao Bộ Y tế toàn quyền quyết định thì trách nhiệm rất dễ xác định và người phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi để xảy ra tình trạng này là quá rõ ràng.

Giao quyền quản lý cho nhiều bộ ngành như hiện nay, có nhiều lợi thế vì chia nhỏ sự quản lý như vậy sẽ chi tiết hơn. Nhưng chính đó cũng là mặt trái của vấn đề khi nó sẽ nảy sinh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan hữu quan. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

Tôi nghĩ rằng, cơ quan chức năng nên có cái nhìn thẳng thắn và mỗi bộ nên có tinh thần cầu thị vì lợi ích chung của người tiêu dùng.

Nhiếu ý kiến từ các bộ ngành mà ông nói trên cho rằng phải ngăn chặn từ khi nhập khẩu, tức là Cục Hải quan phải chịu trách nhiệm trước đã khi để lọt hàng rởm qua cửa khẩu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tôi cho rằng ý kiến đó thể hiện sự vô trách nhiệm của cơ quan hữu quan. Không đảm bảo chất lượng thì không nên cho nhập. Còn nếu không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm thì mình phải loại thải là đương nhiên. Hải quan chỉ là cơ quan đánh thuế, việc kiểm tra chất lượng không phải là chức năng nhiệm vụ của họ mà cần có cơ quan có chuyên môn kiểm định chất lượng. Cơ quan chuyên môn thì cứ theo luật mà truy trách nhiệm, không có gì phải bàn cãi nhiều. Lỗi ở đây là về mặt ATVSTP, cơ quan y tế phải chịu trách nhiệm chính. Cục ATVSTP phải đưa ra tiêu chuẩn, kiểm tra thật kỹ để đảm bảo đời sống sạch cho người dân.

Xin cảm ơn ông!

Việt Nam sẽ trở thành "bãi rác" của thế giới

Ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế) thẳng thắn cho biết, hiện nay nhiều ý kiến dư luận cho rằng, Việt Nam sẽ trở thành "bãi rác" của thế giới cũng là điều có cơ sở. "Tôi nghĩ rằng, chúng ta trở thành "bãi rác" vì trình độ mình kém. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh vẫn là khâu kiểm tra chất lượng ATVSTP của nước ta. Nếu làm tốt khâu này thì nhiều "bãi rác" của châu Âu, châu Mỹ sẽ là sản phẩm tốt của mình thì cũng chẳng có gì đáng phải lo ngại.

Hà Khê - Dương Thu (Thực hiện)