Còn đó những nỗi đau khi “bão AIDS” về làng

Còn đó những nỗi đau khi “bão AIDS” về làng

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:58
0
Chúng tôi đến Tiên Lương (xã miền núi thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đúng lúc trong xã có đám ma, một đám ma đặc biệt của một người mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, đám ma của anh Nguyễn Văn Lượng.

Anh Lượng là một trong những người cuối cùng của nhóm trai làng Tiên Lương ngày nào đi làm ăn xa ở các tỉnh thành: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng và mang về căn bệnh thế kỷ.

“Bão AIDS” về làng

Đến thăm anh Thắng, một trong những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối ở khu 3, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, chúng tôi không khỏi xót xa khi phải chứng kiến sự thoi thóp, tiều tụy của anh trong những ngày cuối của cuộc đời mình. Khắp người anh đã bị lở loét, phù nề, bốc mùi khó chịu.

Xã hội - Còn đó những nỗi đau khi “bão AIDS” về làng

Các tình nguyện viên giúp đỡ các em nhỏ nhiễm HIV hòa nhập

Những người dân trong khu cho biết: Cách đây hơn 10 năm, anh Thắng – chàng thanh niên cao to vạm vỡ nhất làng - là một trong những người tích cực đi làm ăn xa (anh làm công nhân cho một số mỏ than ở Quảng Ninh – PV). Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn xa nhà, anh đã bị nhiễm HIV do dùng chung bơm kim tiêm từ những người công nhân cùng làm trong mỏ.

Hiện tại, anh chỉ có thể lê lết sống những ngày tháng cuối cùng. Nằm bẹp trên manh chiếu rách, anh Thắng thều thào nói: “Vợ tôi cũng đã chết vì HIV, giờ tôi mà chết, ba đứa con sẽ mất cả cha lẫn mẹ, không biết chúng sẽ sống ra sao đây?”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, hầu hết đàn ông và các thanh niên trai tráng trong xã Tiên Lương đồng loạt rủ nhau đi làm ăn xa ở các tỉnh với mong muốn có thêm thu nhập, giúp đỡ gia đình giảm bớt những khó khăn về kinh tế. Họ đã khát khao “đổi đời”, mong thoát khỏi cảnh bần hàn lam lũ (có thời cả xã có đến 600-700 người đi làm ăn xa- PV). Cùng với sự thay đổi về môi trường sống, công việc là những cám dỗ chết người từ các tệ nạn xã hội mà những ai nào kém bản lĩnh đều dính phải. Những nông dân đi làm xa này không thể ngờ, chính cuộc mưu sinh của họ đã kéo theo nạn HIV/AIDS về làng, lây bệnh sang vợ và con cái, cùng bao nỗi đớn đau, bất hạnh cho gia đình, người thân.

Bắt đầu từ cái chết của anh Trần Ngọc Sơn (vào tháng 10 năm 2000), tiếp sau đó là hàng loạt các “án tử hình” từ HIV/AIDS diễn ra tại Tiên Lương đã gióng lên hồi chuông báo động về căn bệnh nguy hiểm này. Sơn chết khi vừa mới cưới vợ chưa đầy năm và đứa con trong bụng Nguyễn Thị Thành (vợ Sơn) mới được 6 tháng. Cả Thành và đứa bé tội nghiệp đều bị lây nhiễm bệnh từ chồng (bé ra đời tháng 1/2001 và chết năm 2004).

Trước thực tế đau lòng này, chính quyền xã Tiên Lương đã phối hợp với Trung Tâm y tế dự phòng huyện tổ chức vận động, tuyên truyền cho các gia đình có người thân đi làm ăn xa chủ động đến các cơ sở y tế khám và xét nghiệm máu. Sau đợt tuyên truyền đó, kết quả cho thấy, cả xã đã phát hiện trên 30 người nhiễm HIV.

Chia sẻ với chúng tôi, bác sỹ Nguyễn Văn Thái, bệnh viện 09 (bệnh viện chuyên khám, chữa trị cho những người nhiễm HIV/AIDS – PV), cho biết: Thực tế số người nhiễm HIV ở xã có thể còn cao hơn rất nhiều so với kết quả thu được. Nhiều người còn mặc cảm, còn sợ kỳ thị của cộng đồng, cùng với những ám ảnh về cái chết của những người đi trước, nên chưa mạnh dạn đến xét nghiệm tại các cơ sở ý tế.

Hiện, Tiên Lương có 10 khu dân cư sinh sống, khu 3 là khu có số người nhiễm HIV cao nhất xã, với 11 người, trong đó có gia đình có từ 2 đến 3 người nhiễm bệnh. Đặc biệt gia đình ông Sâm bà Điềm thì có đến 9 người là con trai, gái, dâu, rể, cháu nội, ngoại mang trong mình dòng máu HIV/AIDS (đã chết 5 người - PV).

Xã hội - Còn đó những nỗi đau khi “bão AIDS” về làng (Hình 2).

Bác sỹ Thái - bệnh viện 09 Hà Nội đang tư vấn cho bệnh nhân Nguyễn Thị Tình

Hầu hết những thanh niên rước bệnh về làng đều đã lần lượt ra đi, để lại nỗi đau quặn lòng cho những người vợ thôn quê hiền lành chất phác và những đứa trẻ hồn nhiên, xinh xắn, đang ngày ngày vật lộn mưu sinh cùng án tử của căn bệnh thế kỷ đang treo lơ lửng trên đầu.

Cần lắm những tấm lòng

Trước nỗi đau về HIV/AIDS ở Tiên Lương, chính quyền xã và các tổ chức xã hội đã vào cuộc, nhằm giúp đỡ, sẻ chia mong vơi bớt nỗi đau của người dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Công – nguyên chủ tịch UBND xã Tiên Lương cho biết: Những năm gần đây, UBND xã đã phối hợp với trung tâm y tế dự phòng huyện, cử cán bộ đến từng hộ gia đình có người mắc bệnh HIV để tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí, hướng dẫn cách điều trị, phòng chống lây bệnh… tích cực tuyên truyền khắp các khu dân cư, vận động bà con làm tốt công tác động viên, chia sẻ với những trường hợp không may bị mắc bệnh trong cộng đồng, làng xóm, làm vơi bớt đi mặc cảm của người bệnh, đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ họ làm ăn, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng Cohed (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) cũng thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người bệnh bằng những việc làm thiết thực như: Hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế cho những gia đình có người nhiễm HIV, hỗ trợ tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ khẩu phần ăn cho trẻ suy dinh dưỡng…

Đặc biệt, trong năm 2007, nhờ sự giúp đỡ của Cohed, CLB “Hoa Sim Tím” dành cho người nhiễm HIV ở Tiên Lương được thành lập. CLB có 28 thành viên do chị Nguyễn Thị Thành ở xã Tiên Lương làm chủ nhiệm. Căn nhà nhỏ của Nguyễn Thị Thành trở thành nơi hàng tháng các thành viên trong CLB tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền, vận động phòng chống HIV/AIDS cũng như hỗ trợ, giúp đỡ nhau về kinh tế trong những lúc khó khăn.

Xã hội - Còn đó những nỗi đau khi “bão AIDS” về làng (Hình 3).

Những người phụ nữ nơi đây vẫn ngày ngày lầm lũi chống chọi với bệnh tật

Tham gia CLB, nhiều bệnh nhân nhiễm HIV đã tự tin, lạc quan trở lại, vượt qua khó khăn để hòa nhập với cộng đồng… Tuy nhiên đời sống của những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ ở Tiên Lương vẫn vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Do hầu hết số người mắc bệnh ở Tiên Lương là phụ nữ và trẻ em và hiện tại vẫn đang sống và sinh hoạt cùng cộng đồng nên còn gặp không ít trở ngại trong việc hòa nhập cũng như tuyên truyền, điều trị bệnh. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thành tâm sự: Từ đầu năm 2011, dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng Cohed ở Tiên Lương đã kết thúc. Các bệnh nhân HIV/AIDS và những đứa trẻ bị mất cha mẹ do AIDS ở đây lại tiếp tục đối mặt với bao khó khăn, vất vả trong việc mưu sinh và vươn lên chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Một hai người đàn ông còn sống thì sức khỏe đã không còn để có thể làm việc, những người phụ nữ cố gắng lắm cũng chỉ loanh quanh với đồng ruộng hay vào rừng kiếm củi bán lấy tiền mua thuốc chữa bệnh, các em nhỏ thì không thể tự nuôi sống bản thân.

Các thành viên trong CLB Hoa Sim Tím rất mong nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền, từ các tổ chức xã hội giúp đỡ xây dựng một trung tâm dành riêng cho những người có HIV ở Tiên Lương. Để các bệnh nhân có HIV về sống tập trung, tránh nguy cơ lây nhiễm sang cộng đồng và thuận tiện hơn trong việc cấp phát thuốc và điều trị, đồng thời tạo điều kiện cho những người bệnh gần gũi và giúp đỡ, chăm sóc lẫn nhau, nhất là đối với những trường hợp bệnh quá nặng, không có gia đình người thân, không thể tự chăm sóc cho mình.

Kỳ 2: Những số phận ngặt nghèo

Mọi giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân xin gửi về: Nguyễn Thị Thành, chủ nhiệm CLB Hoa Sim Tím, xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

Hải Trần- Linh Ngọc


Tag: AIDS HIV