Con đường sa ngã của

Con đường sa ngã của "Nữ hoàng âm nhạc" Serbia

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Bên cạnh nghề chính là một ca sĩ chuyên nghiệp, Ceca còn được biết đến với vai trò của một diễn viên, một nhà hoạt động chính trị, một nhà hoạt động từ thiện tích cực. Đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, Ceca khiến dư luận xôn xao khi bỗng chốc cô thành tội phạm.

Từ một ca sĩ nổi tiếng

Svetlana Raznatovic 38 tuổi, nghệ danh Ceca, là một ca sĩ nổi tiếng ở các nước cộng hòa Liên bang Nam Tư cũ. Cô được biết đến với cái tên mà người hâm mộ đặt cho là Nữ hoàng âm nhạc hay Madonna của bán đảo Balkan. Năm 1987, khi mới 14 tuổi Svetlana đã bắt đầu sự nghiệp cầm ca. Những buổi trình diễn của Ceca thường quy tụ hàng trăm nghìn khán giả, khiến cô trở thành một trong những thần tượng ca nhạc của cả vùng Đông Nam châu Âu.

Svetlana Raznatovic

Được biết đến nhiều hơn với nghệ danh Svetlana Raznatovic, Ceca nổi tiếng với thể loại pop dân gian. Thành công đã đưa tên tuổi cô trở thành một trong những nghệ sĩ được trả giá cao nhất trong ngành công nghiệp Serbian. Ceca bắt đầu sự nghiệp như một ca sĩ hát nhạc dân ca nhưng phong cách âm nhạc của cô mau chóng tahy đổi sang thể loại pha trộn dân gian -pop-dance hiện đại mang nét cá tính của phía Nam châu âu, Latin và phương Đông.

Thực hiện concert đầu tiên từ năm 1993, chưa khi nào những buổi biểu diễn của Ceca lại vắng những fan hâm mộ ít nhất có sự tham gia của 9.000 người và nhiều lên đến con số khổng lồ 80.000 người. Sự nghiệp của cô có khoảng 15 album đã phát hành.

Năm 1995, cô kết hôn với Zeljko Raznatovic, biệt danh là Arkan - kẻ cầm đầu lực lượng bán vũ trang Con hổ vằn. Đám cưới của đôi uyên ương này được truyền trực tiếp trên tivi, từ đó mở đường cho Svetlana thâm nhập vào lĩnh vực truyền hình và giải trí chuyên nghiệp với nghệ danh "Ceca".

Những buổi trình diễn của Ceca thường quy tụ hàng trăm nghìn khán giả, khiến cô trở thành một trong những thần tượng ca nhạc của cả vùng đông nam châu Âu. Sau khi Arkan bị ám sát chết vào đầu năm 2000, Ceca thừa hưởng đội bóng hạng nhất FK Obilic ở thủ đô Belgrade do viên tư lệnh Biệt đội Hổ vằn đứng tên sở hữu.

Trong vai trò là người thừa kế chính thức, ca sĩ này đã tham gia vào những phi vụ mua bán cầu thủ giữa các đội bóng nhà nghề. Cụ thể là trong giai đoạn từ tháng 8/2000 đến 5/2003, Ceca đã trực tiếp chuyển nhượng 10 cầu thủ đẳng cấp quốc tế và tự tiện bỏ túi khoản tiền "dôi dư" là 4 triệu DM và 3,5 triệu USD (tương đương 4,5 triệu euro theo thời giá hiện nay). Sự việc vỡ lở, khi cảnh sát khám xét nhà "thần tượng âm nhạc" ở trung tâm Belgrade vào giữa năm 2003, phát hiện ra những tài liệu khuất tất liên quan đến việc mua bán cầu thủ chuyên nghiệp.

Do Arkan từng duy trì mối quan hệ khăng khít với thế giới ngầm tội phạm có tổ chức, nên giới hữu trách ngờ rằng ngôi nhà của y là hang ổ của băng đảng đã ám sát vị Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Serbia Zoran Djindjic, tháng 3/2003. Chính tên Milorad Lukovic, một trong những kẻ thân cận với vợ chồng Ceca đã bị kết án 40 năm tù vì tội ám hại Z.Djindjic. Hệ quả là với 12 khẩu súng lục tang chứng, Ceca đã phạm vào tội tàng trữ vũ khí trái phép và phải nằm ấp trọn 4 tháng ròng.

Cho đến nhà giam

Song song với thời điểm "Nữ hoàng âm nhạc" đi tù, giới tư pháp Serbia đã mở cuộc điều tra phạm vi rộng khắp các nước Pháp, Hy Lạp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Bỉ, Italia, Latvia và Thụy Sĩ về các vụ chuyển nhượng cầu thủ. Và mất 8 năm sau, tháng 3-2011 nhà chức trách mới hoàn thành bản cáo trạng. Nhà chức trách đã đưa ra các bằng chứng về các địa điểm, số liệu liên quan đến việc mua bán bất hợp pháp cầu thủ và các ngân hàng mà cô ca sĩ Ceca mở tài khoản bí mật.

Theo đó cô ca sĩ này còn bị buộc tội bán 15 cầu thủ của đội FK Obilic cho các câu lạc bộ quốc tế. Ceca đã từ chối cáo buộc liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp. Cô cho rằng những loại vũ khí mà cảnh sát tìm được là của chồng cô. Cô vô can trong sự việc này.

Sau sự kiện "Nữ hoàng âm nhạc" đi tù, giới tư pháp Serbia đã xúc tiến mở cuộc điều tra về các vụ chuyển nhượng cầu thủ. "Do phạm vi điều tra quá rộng bao trùm một loạt quốc gia như Pháp, Hy Lạp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Bỉ, Italia, Latvia và Thụy Sĩ nên phải mất đến 8 năm trời mới hoàn tất được các bằng chứng cấu thành cáo trạng - ông Tomo Zoric, phát ngôn viên của Viện Công tố Belgrade cho biết - Đó là các địa danh liên quan đến việc mua bán cầu thủ, cũng như là nơi bị cáo mở tài khoản bí mật".

Ngay sau khi hình ảnh nghi can chính xuất hiện tại chốn công đường được giới truyền thông loan tin, tức thì nổi lên các luồng dư luận đòi tha bổng và ân xá cho "thần tượng âm nhạc" Ceca, khiến bà Bộ trưởng Tư pháp Snezana Malovic phải đích thân xuất hiện trên Đài Truyền hình Quốc gia Serbia. "Tôi muốn nhân sự kiện này tái khẳng định một điều rằng không ai có thể được luật pháp nương tay, cho dù đó là một trong những biểu tượng của công chúng - Bộ trưởng S.Malovic quả quyết - Chỉ có như vậy chúng ta mới hy vọng giành chiến thắng trong cuộc chiến chống tội phạm và bài trừ nạn tham nhũng, hai vấn đề nổi cộm đang làm xói mòn lòng tin của mọi người".

Từ nữ hoàng âm nhạc trở thành tội phạm

Ngày 10/5/2011, Tòa án Thủ đô Belgrade tống đạt cáo trạng và mở phiên tòa xử về tội lạm dụng trách nhiệm hòng hưởng lợi trong việc chuyển nhượng cầu thủ bóng đá. Nếu bị kết tội, ca sĩ Ceca có thể phải chịu mức án tối đa là 15 năm tù giam. Tuy nhiên, dưới áp lực từ phía dư luận, nhà chức trách Serbia buộc phải áp dụng một điều khoản mới cho Ceca.

Cuối cùng nhằm tránh cảnh phải lâm vào vòng lao lý thêm lần nữa, Svetlana-Ceca đã thỏa thuận trong khuôn khổ ngoài chốn pháp đình rằng sẽ chấp thuận hình thức "thụ án tại gia" mới được áp dụng ở Serbia, cũng như chịu nộp 1,5 triệu euro tiền phạt. Suốt 12 tháng kế tiếp Svetlana Raznatovic sẽ đeo một chiếc vòng điện tử trên tay, giúp nhà chức trách kiểm soát được sự hiện diện của đương sự trong phạm vi quy định.

Huy Hùng