Con đường xưa nhất Sài Gòn

Con đường xưa nhất Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Đây là con đường mang tên nhà khoa học Louis Pasteur.

TP. HCM có 2 con đường mang tên Pasteur. Đường Pasteur thứ nhất nằm trên địa bàn các phường Nguyễn Thái Bình, Bến Thành của Quận 1, và các phường 6, 8 của Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Đường có chiều dài tổng cộng khoảng 1,89 km, bắt đầu từ ngã ba giao với đường Chương Dương và kết thúc tại ngã ba giao với đường Trần Quốc Toản. Đường chỉ cho phép xe lưu thông một chiều.

Xã hội - Con đường xưa nhất Sài Gòn

Con đường cổ nhất Sài thành ngày xưa

Đây là con đường xưa nhất Sài Gòn. Năm 1865, dưới thời Pháp thuộc, phía bến Chương Dương còn là một con rạch. Hai bên rạch có hai con đường đều mang con số 24. Sau đó, một con đường được đặt tên là Olivier, và con đường kia là Pellerin. Khi con kênh bị vùi lấp, tên đường Olivier cũng mất theo. Ngày 22/03/1955, chính quyền thành phố Sài Gòn đổi tên là đường Pasteur. Ngày 14/08/1975, đường đổi tên thành đường Nguyễn Thị Minh Khai. Nhưng đến ngày 2/09/1991, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đổi tên là Pasteur như ngày xưa.

Đường Pasteur thứ hai nằm tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức. Bắt đầu từ ngã tư giao với đường Thống Nhất và Đặng Văn Bi, kết thúc tại ngã ba giao với đường Song Hành Xa lộ Hà Nội. Theo một số tài liệu, Louis Pasteur (1822 -1895), nhà khoa học nổi tiếng người Pháp, là người đi tiên phong trong lĩnh vực vi sinh vật học.

Là một học sinh đầy tài năng, Louis Pasteur muốn vào học trường Sư phạm Paris (école normale supérieure). Để thực hiện mong muốn này, vào năm 1838 ông chuyển đến Paris. Tuy nhiên vì thất vọng với cuộc sống mới ở đây, ông bỏ luôn ý định vào học trường Sư phạm và rời Paris để đến học tại Trường Trung học Hoàng gia tại Besanon, năm 1840. Đến năm 1842, ông thi lấy bằng Tú tài Văn chương và Tú tài Toán. Với những kết quả học tập đáng kích lệ này, một lần nữa Louis Pasteur lại chuyển đến Paris và cuối cùng vào năm 1843 ông được xếp hạng tư trong kỳ thi vào trường Sư phạm Paris và được nhận vào học ở ngôi trường danh tiếng này. Tại đây Louis Pasteur theo học hóa học và vật lý và cả tinh thể học.

Pasteur được tôn vinh là "cha đẻ của ngành vi sinh vật học". Ông chưa bao giờ chính thức học y khoa nhưng vẫn được coi là một thầy thuốc vĩ đại và là ân nhân của nhân loại. Với các nghiên cứu về thế giới vi sinh, quá trình lên men trong bia và rượu vang, nghiên cứu về bệnh ở nhộng tằm, về bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, về phương thuốc điều trị và phòng bệnh dại. Chính vì những đóng góp to lớn của ông với nhân loại mà cuối cùng TP.HCM vẫn quyết định giữ tên đường Pasteur sau khi đã một lần đổi tên lại.

Trong những bức ảnh về Sài Gòn xưa, đường Pasteur hiện ra như một dải lụa êm đềm, với hai hàng cây xanh non, vắt ngang qua quận 1 và quận 3. Ngày nay, đường Pasteur đã thay đổi nhiều. Hàng cây xanh ngày nào đã cao hơn và cũng cổ thụ hơn xưa với những gốc cây một vòng tay ôm không hết. Bề mặt đường được thiết kế ngoài phần vỉa hè còn có một rãnh nhỏ tiếp giáp với hàng cây, dành cho người đi bộ. San sát bên đường là những cơ quan, công ty, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, shop thời trang v.v… Và đương nhiên, lượng xe cộ lưu thông trên đường cũng nhộn nhịp hơn xưa rất nhiều.

Nếu chạy xe suốt con đường Pasteur, lâu lâu lại thấy những người bán hàng rong ngồi bên vỉa hè trên đường. Trong đó, được biết đến nhiều nhất là dãy quán ốc bình dân nhộn nhịp khách mỗi khi chiều về trên đoạn Pasteur rất ngắn từ đầu cắt Nguyễn Thị Minh Khai đến đầu cắt Nguyễn Đình Chiểu. Cô bán quán hiền lành và mến khách. Ở đó có những vị khách quen thuộc với cô dễ chừng đến cả chục năm. Vào những chiều Sài Gòn không mưa, những vị khách lại ra đấy ghé vào một quán quen, tìm một chỗ ngồi quen, kêu một chai bia, vài món ốc đồng quê dân dã, vừa nhâm nhi, vừa ngắm người qua lại. Lâu lâu, những bà, những cô bán hàng rong đi qua mời chào, giọng miền Trung đặc sệt. Mua thêm một vài chiếc bánh tráng, để nghe hương vị xứ Quảng giòn tan trong miệng.

Những con đường, đâu phải chỉ để đi lại mà nó có những nét đặc trưng riêng. Và với con đường Pasteur này, khi ta ngồi lại vào một buổi chiều, có thể là để gặp một người quen không biết tên, có thể là để tìm lại hương vị quen thuộc của đồng quê. Hoặc có thể chỉ như một kẻ rảnh rỗi, ngồi bên lề đường mà ngắm dòng người đang ngược xuôi quanh mình vội vã, để suy ngẫm rằng biết bao thứ đã đổi thay trên con đường xưa nhất Sài Gòn này.

Hương Lam