“Cơn lốc” tận thu gỗ Pơ mu

“Cơn lốc” tận thu gỗ Pơ mu

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:00
0
Chưa bao giờ khái niệm đi "mót" gỗ Pơ mu lại chứa đầy hứa hẹn trên mảnh đất mờ sương Mù Căng Chải (Yên Bái) như bây giờ. Những gốc gỗ Pơ Mu bị chặt phá từ nhiều năm trước bỗng chốc trở thành mục tiêu săn tìm ráo riết của người dân bản địa.

Đi “mót” nhưng cần bao nhiêu cũng có!

Khái niệm sinh tồn của người dân trên đỉnh núi mờ sương Mù Căng Chải từng được nhắc nhiều với danh thắng ruộng bậc thang được xếp hạng di tích quốc gia, nay đã có một cuộc chuyển giao mạnh mẽ. Nhất là khi cây gỗ Pơ mu - một loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao bị khai thác từ nhiều năm trước đây được các thương lái chạy lên tìm mua với mức giá ngất ngưởng.

Pơ mu cạn kiệt, thay vì chuyện cưa trộm gỗ đi bán, giờ đây, người dân địa phương chỉ còn biết vác rìu đi tìm những gốc Pơ mu sót lại, tận thu đến những nhánh rễ cuối cùng chôn sâu trong lòng đất.

Gỗ Pơ mu có nhiều hơn nếu khách có nhu cầu đặt.

Thậm chí, những cây Pơ mu nhỏ, có bề dầy khoảng 20 - 30 cm cũng chịu chung số phận, khi chẳng may lọt vào tầm mắt của những kẻ kiếm tìm. Chưa thấy ai cấm, bởi chính quyền địa phương không coi họ là những kẻ phá rừng, đơn thuần chỉ là chuyện người dân đi mót... gỗ quý.

Cuộc hành trình hơn 300 cây số, nín thở trên cung đường đặc trưng "cua tay áo" và những đám bùn do sạt đất, cuối cùng cánh phóng viên chúng tôi cũng đặt chân lên Mù Căng Chải. Tuy nhiên, để vào đến cái "rốn" của cuộc săn lùng gỗ Pơ mu phải còn hơn 30 km đường núi ngoằn ngoèo hiểm trở. Sau 1 giờ thăm dò, chúng tôi quyết định chọn Nậm Khắt - xã nằm trong vùng đệm của Khu bảo tồn Mù Căng Chải, thẳng tiến.

Gã xe ôm có tên Thờ A Chư, người dân tộc Mông chính hiệu, nói tiếng Kinh lau láu: "Nậm Khắc và Chế Tạo là 2 xã vùng đệm Khu bảo tồn Mù Căng Chải. Người dân ở đây ngoài việc trồng lúa, hái thảo quả trên rừng thì còn một công việc quan trọng hơn là sáng dậy, vác rìu đi tìm Pơ mu, tối mịt về, được khúc nào hay khúc đó, hôm sau đem bán cho đầu nậu". Chư không rõ trào lưu đi mót gỗ Pơ mu được bắt nguồn từ bao giờ, nhưng gã cũng đang định bỏ nghề xe ôm đi mót Pơ mu để kiếm tiền nhanh hơn.

Nghe chúng tôi nói đang có ý định thu mua một khối lượng lớn gỗ Pơ mu mang về xuôi, Thờ A Chư vỗ tay đánh đét vào bình xăng con Win "tầu" đang oằn mình cõng 2 đứa trên đoạn đường dốc đầy đá, reo lên: "Trong bản Trống Tông có đầy, nhà nào chẳng có hàng đống dự trữ".

Nói là làm, Chư rồ ga lao về hướng đã định, gã liến thoắng: Đây là nhà ông trưởng bản, nhưng nay đã nghỉ, nhà này đang chất hàng đống Pơ mu cần bán. Ngoài ra, xung quanh khu vực đó, nhà nào chẳng chứa gỗ. "Nếu gom cũng đến mấy con tải to 4 bánh chứ đừng đùa", Chư trề môi khoe.

Nhà ông cựu trưởng bản nằm cuối bản heo hút, các gian nhà cách nhau một quả đồi. Theo cách nói của Chư thì, "tuy đứng nhà này có thể nhìn thấy nhà kia, nhưng khi nghe thấy tiếng lợn bị chọc tiết của nhà kia, sang đến nơi thì mâm cỗ đã được bầy biện hoàn chỉnh".

Vì thế, Chư đòi 300 trăm nghìn đồng cho hành trình đi và về, nếu không thì gã về luôn, không lấy một đồng vì nhà đang bận gặt lúa. Dĩ nhiên, tôi không dám chối nếu không muốn phải tự đi bộ về.

“Bị bắt tự chịu, đây chỉ biết bán”

Nhiều khối gỗ Pơ mu đang nằm nhà dân chờ đầu nậu đi gom.

Nằm đơn độc cạnh con đường độc đạo đi sâu vào vùng lõi của Khu bảo tồn Mù Căng Chải, tiếp chúng tôi, Giàng A Của - con trai của ông nguyên trưởng bản Trống Tông vừa nói vừa chỉ tay ra đống gỗ ngoài sân: "Tất cả là Pơ mu, từ khổ tấm to có chiều rộng 40-50cm, dài 1-2m đến những cây cột dài 5-6m rộng chừng 20cm đều có hết. Nếu thấy chưa đủ, đặt trước, sau quay lại sẽ gom đủ. Nhưng nếu bị kiểm lâm bắt tự chịu. Đây chỉ biết bán".

Giàng A Của cho biết thêm, để gom được số lượng gỗ Pơ mu này, cả nhà phải cất công đi tìm từ hơn 1 năm trước. Chỉ có những cây cột loại nhỏ được chặt nguyên cây, còn những tấm khổ lớn là từ những gốc Pơ mu đã bị chặt còn sót lại. Giá được chào bán theo 2 dạng, mua cân thì 2.000 đồng/kg, hoặc 10.000 cho một cm gỗ. "Tuy nhiên mức giá này sẽ có sự dao động tùy thuộc vào khối lượng mua, nếu thấy cần có thể đưa cưa máy lên cho gia đình săn Pơ mu theo ý muốn", Của khẳng định.

Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, hiện tại, trên khoảnh sân nhà Của cũng phải có chừng vài khối gỗ Pơ mu, tất cả đã được cắt tấm vuông vức. Có tấm đã xỉn ố vì thời tiết do để bên ngoài, nhưng cũng có tấm còn vàng mịn, đậm mùi đặc trưng của loại gỗ quý. Ngoài ra, còn nhiều khúc gốc Pơ mu đặt trong góc nhà được Của bật mí, đang dồn để bán cho các thương lái thu mua về làm chiếu hạt gỗ hoặc thảm hạt.

Không những thế, trên chặng đường từ bản Trống Tông ra đến quốc lộ 32, qua quan sát của PV, hầu hết nhà dân nào cũng chứa gỗ Pơ mu, nhiều nhà còn chất hàng đống cao, nhìn qua cũng có thể nhận biết gỗ mới được tập kết về đây. Dừng xe, hỏi một chủ nhân có đống gỗ rất to trên đường đang vận chuyển vào sân, thông qua phiên dịch Chu, được biết, toàn bộ số gỗ chừng 5 khối này vừa được gom về từ sâu bên trong rừng. Có tấm còn được khai thác tận vùng rừng Sơn La, Lào Cai...

Thế nhưng, trái với thực tế PV ghi nhận được, theo báo cáo mới nhất của Hạt kiểm lân Mù Căng Chải, trong 6 tháng đầu năm 2011, chỉ có 4 vụ khai thác gỗ và lâm sản (hầu hết là cất giấu lâm sản trái phép) với số lâm sản bị tịch thu chỉ có hơn 2m3?

Mót gỗ hay phá rừng?

Theo một nguồn tin riêng của Người đưa tin , sau cơn lốc gỗ Pơ mu gây náo loạn một vùng, mới đây, UBND huyện Mù Căng Chải đã kiểm tra, giám sát, tiến hành tháo dỡ toàn bộ máy móc của 6 xưởng sản xuất gỗ Pơ mu ở Nậm Có và Nậm Khắt, lập biên bản chờ xử lý theo quy định của pháp luật 33.000 kg gỗ Pơ mu không rõ nguồn gốc.

Người dân vận chuyển gỗ "mót" cho các đầu nậu.

Tuy nhiên, biện pháp mạnh của UBND huyện vẫn không làm chùn chân cả người mua lẫn kẻ đi tìm gỗ quý. Thay vì tiến hành công khai, mọi giao dịch mua bán Pơ mu được lui về một cách kín đáo.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Dương, cán bộ chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Căng Chải cho biết: Tình trạng người dân vào rừng tìm gỗ Pơ mu là chuyện bình thường ở đây. Vấn đề là Pơ mu chỉ còn trong rừng ở khu vực vùng lõi, còn vùng đệm bên ngoài thì chỉ là những gốc Pơ mu còn sót lại do chặt phá từ trước.

Người dân chặt về cũng nhằm phục vụ đời sống của mình mà thôi. Thế nhưng, chính ông Dương cũng phải thốt lên, gỗ Pơ mu cũng đem lại một khoản thu khá cho người dân địa phương, vì thế nếu không quản lý chặt sẽ có những người vào sâu bên trong vùng lõi chặt phá Pơ mu, gây tổn thất cho Khu bảo tồn Mù Căng Chải.

Ông Hứa Duy Thắng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Mù Căng Chải cũng thừa nhận: "Chuyện người dân địa phương nhất là 2 xã Nậm Khắt và Chế Tạo vào rừng khai thác Pơ mu là có thật. Nhưng cũng chỉ là đi mót Pơ mu về phục vụ việc dựng nhà hoặc làm quan tài cho người chết. Hoàn toàn không có việc khai thác tràn lan tàn phá Khu bảo tồn Mù Căng Chải"???

Với ông Thắng, điều này chưa thực sự lo ngại bằng việc sẽ có 2 nhà máy thủy điện trong tương lai được dựng lên ở xã Chế Tạo. "Nếu có nhà máy thủy điện sẽ có đường giao thông quy mô, lúc đó gỗ quý trong Khu bảo tồn Mù Căng Chải chạy ra bên ngoài là điều khó tránh khỏi", ông Thắng nhấn mạnh.

Trần Quyết

Tag: pơ mu