Cơn

Cơn "nghiện" đồ công nghệ của giới trẻ

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:01
0
Luôn rình đón sự ra mắt của những món đồ công nghệ mới, thất vọng “khủng khiếp” khi không đủ tiền mua một món hàng… đó là một vài biểu hiện dễ nhận thấy của những tín đồ công nghệ.

Hết tiền cũng nhất định phải mua

Mỗi khi một món đồ công nghệ cao chuẩn bị ra mắt, những bạn trẻ đam mê công nghệ hầu hết đều không thể kiểm soát ham muốn của bản thân khi ngày ngày lên hết các trang mạng để update thông tin, khám phá tính năng, giá tiền… Và đương nhiên, ai trong số đó cũng khao khát sở hữu món đồ cho riêng mình.

Bản thân là một người yêu thích công nghệ, Hải Lộc (sinh viên năm cuối, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Mình đam mê nhiều mặt hàng, xu hướng chung là các thiết bị thông minh, có khả năng hỗ trợ cho công việc và cuộc sống: iPhone, laptop. Sở thích này xuất hiện khi mình bắt đầu học lập trình và cảm nhận được sức mạnh của công nghệ. Thực chất thì công nghệ được sản sinh ra để phục vụ cuộc sống con người, đam mê công nghệ cao cũng chỉ là đam mê việc biến cuộc sống của mình thêm tiện dụng và hiệu quả hơn. Sự ra đời của các món đồ công nghệ cao còn khiến mình cảm thấy lạc quan hơn vào cuộc sống, đôi khi mơ mộng thêm về rất nhiều ứng dụng mới như: dùng iPhone điều khiển các thiết bị trong nhà; quản lý công việc cá nhân”.

Tuy nhiên, không phải tín đồ nào cũng nhận biết rõ ràng lợi – hại của việc đam mê công nghệ. Rất nhiều bạn trẻ đam mê đến độ cuồng nhiệt. Họ bỏ ra nhiều tiền bạc, công sức, thậm chí là nhịn ăn, nhịn mặc chỉ để gom góp đủ tiền mua một món hàng mới.

Công nghệ - Cơn 'nghiện' đồ công nghệ của giới trẻNhiều bạn trẻ không thể kiểm soát bản thân với những món đồ công nghệ

Thái Hòa (25 tuổi, Cổ Nhuế, Hà Nội) - một tín đồ điện thoại di động đau khổ: “Bất kỳ một máy điện thoại di động nào mới ra mình cũng muốn sờ thử, cầm thử, cảm giác nó trong túi như thế nào. Mình đã nhiều lần tự cai nghiện bằng cách đưa hết tiền cho bạn gái giữ hộ, gửi ngân hàng sạch sành sanh nhưng hình ảnh những chiếc điện thoại mới luôn hiện ra trước mặt mình. Không kiềm chế nổi, mình lại xách tiền chạy ra shop mua cho bằng được. Thà nghèo còn đỡ khổ hơn là tự dằn vặt bản thân”.

Để có tiền sở hữu những em “dế” đời mới nhất, Hòa không dám ăn ngon, mặc đẹp, thậm chí chấp nhận ăn mì tôm cả tháng chỉ để mua một chiếc điện thoại rồi chỉ sau 1- 2 tuần là thấy chán và lại bán đi. Mỗi lần như thế là lỗ vài triệu đồng.

Ranh giới đam mê và mù quáng

Cùng rơi vào hoàn cảnh khó khăn ấy là trường hợp của Minh Thái (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội): “Mình là dân công nghệ gốc nên hễ nhìn thấy “em” laptop nào mới ra cũng thấy thích. Có bao nhiều tiền cũng cắm vào đó hết. Từ lúc dùng laptop đến giờ mình đã đổi qua rất nhiều chiếc. Hiện giờ đang hài lòng với Macbook nhưng không biết sẽ được bao lâu vì mỗi lần có em nào khác sắp ra là mình lại không thể kiềm chế nổi cảm xúc. Cái ham muốn ấy nó khó tả lắm”.

Là con gái nhưng Mai Ly (21 tuổi, Kim Mã, Hà Nội) cũng là một tín đồ điện thoại chính hiệu. Sở thích của Ly là sưu tập những “em” Iphone mới nhất. Vì gia đình có điều kiện nên với Ly, sở hữu một chiếc iPhone từ khi mới “xuất xưởng” chính là hành động rõ ràng nhất thể hiện độ chịu chơi của mình. Ly nói: “Trước khi có hàng bán ở thị trường thì suốt khoảng thời gian trước đó mình đã phải cặm cụi tìm hiểu hết các thông tin liên quan, xem bao giờ ra mắt, có tính năng gì mới hơn hay không. Là con gái, thích chụp ảnh “tự sướng” nên mình quan tâm nhiều nhất tới chức năng chụp ảnh. Nhiều khi chức năng của máy mới không cải thiện so với máy cũ bao nhiêu song update xu hướng mới cũng là cách để nhiều người phải “nể” mình. Như đợt mua iPhone 4, mình mua từ đợt đầu nên tốn 20 triệu, về sau giá giảm hơn song cũng chẳng có gì phải tiếc vì mình đã là một trong số ít người sở hữu nó đầu tiên”.

Mặc dù bản thân không chạy theo đồ công nghệ mới một cách mù quáng, chỉ thực sự quan tâm khi món đồ đó có những cải tiến vượt bậc về tính năng song Lộc vẫn phải thú nhận bản thân thường xuyên bị rơi vào tình trạng muốn mua một cái gì đó mà không đủ tiền. Nhiều khi vì thích dựa vào đồ công nghệ nên giải quyết vấn đề rất cứng nhắc: thay vì ghi chép ra sổ, thì nhất định phải ghi vào laptop, đến khi cần nhưng laptop hết pin thì rất phiền toái... Riêng với Hòa, không chỉ gặp rắc rối về tiền bạc, Hòa còn thường xuyên cãi nhau với bạn gái chỉ vì lý do yêu điện thoại hơn cả người yêu.

Có thể thấy, việc yêu thích công nghệ không có gì là xấu, nó giúp mỗi người tiếp cận với cuộc sống văn minh và có những cách thức ngày càng tốt hơn để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ vội vàng chạy theo sản phẩm công nghệ một cách mù quáng, theo thị hiếu mà không thực sự tận dụng được hết những công dụng của sản phẩm đó nên vô tình trở thành những “con nghiện”. Bản năng con người luôn muốn tìm và khám phá đều mới lạ, quan trong nhất là việc các bạn biết cân nhắc lợi - hại để đam mê theo cách sáng suốt nhất.

Theo Vietnamnet