"Cứ cho đi, mình không mất gì đâu"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Gặp nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, anh không ngần ngại chia sẻ những bí quyết sống, bí quyết về nghề nghiệp để truyền lửa cho thế hệ trẻ với câu nói chân thật: "Cứ cho đi, mình không mất gì đâu".

Tôi biết Nguyễn Á qua sự nghiệp nhiếp ảnh đồ sộ của anh: Họ đã sống như thế, Tâm và Tài họ là ai? đã đưa tên tuổi Nguyễn Á trở thành một biểu tượng đặc biệt về lĩnh vực nhiếp ảnh.

Lạ & Cười - 'Cứ cho đi, mình không mất gì đâu'

Nhiếp ảnh gia hồn nhiên và sâu lắng

Nguyễn Á xuất thân trong một gia đình nghèo có đến 11 người con. Tuổi thơ của anh trôi đi theo những tháng ngày vất vả phụ giúp gia đình buôn bán. Những khi rảnh, anh đi giao báo cho các đại lý để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nguyễn Á cho biết, trong số 11 anh chị em chủ yếu làm giáo viên, kiến trúc sư, họa sĩ thì anh học kém hơn cả. Thế nên cả tuổi thanh niên anh cứ chạy theo sở thích thể thao, trở thành thủ môn bóng ném của quận Bình Thạnh và TP. HCM.

Trải qua những buồn vui, thăng trầm của môn thể thao bóng ném, anh nhận ra rằng, ở tuổi 27, anh không thể dừng chân ở sân bóng và đã bước vào con đường nhiếp ảnh. Từ lâu, nhiếp ảnh đối với anh đã là một đam mê. Anh muốn mình được ôm cái máy ảnh vào lòng, rong ruổi nay đây mai đó để bấm những khoảnh khắc kỳ diệu của cuộc sống. Những ngày đầu bén duyên với nhiếp ảnh, Nguyễn Á đã gặp không ít những khó khăn.

Đối với anh, tiền không phải là yếu tố quyết định cho những ý tưởng được cho là kinh điển nhưng không có tiền thì con người ta sẽ không thể thực hiện được một việc gì. Ngoài việc kiếm tiền từ chụp ảnh cưới hoặc các đơn đặt hàng studio khác, Nguyễn Á dành phần lớp thời gian để một mình rong ruổi từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu Tổ quốc để thực hiện cho bằng được những bộ ảnh mà anh đã ấp ủ và lên kế hoạch trước đó.

Anh đi cùng các bạn thanh niên tình nguyện đến những vùng xa xôi hẻo lánh của đất nước, những bản làng, thôn xóm còn hoang vu để cho ra đời những thước hình sống động, chân thực nhất về những chiến sĩ mặc áo xanh tình nguyện luôn sống hết mình vì những người nghèo vào những dịp hè về.

Tuổi trẻ của họ đã thổi vào trái tim Nguyễn Á sự thèm khát được cống hiến và trải nghiệm. Tuổi trẻ của họ còn cho Nguyễn Á thấy được đâu là trái tim của một con người, đâu là sự cho và nhận. Chính các bạn trẻ của thế hệ hôm nay đã tiếp thêm lửa cho anh thực hiện tiếp những bộ ảnh được cho là có hướng đi mới rất tích cực và đầy tính nhân văn của nền nhiếp ảnh Việt Nam sau này.

"Không ai giống Nguyễn Á và không ai có thể làm được những việc Nguyễn Á đã làm" đó là lời nhận xét của nhiều người từ doanh nhân, tri thức đến những học giả uyên thâm dành cho anh. Trong thời buổi kinh tế khi con người chạy đua với việc kiếm tiền bằng đủ mọi cách với những bon chen, tính toán để vươn lên thì rất hiếm người có thể bỏ qua những lợi ích cá nhân để chạy theo niềm đam mê tốn công, tốn của như Nguyễn Á. Sau thành công của triển lãm ảnh, theo chân thanh niên tình nguyện, Nguyễn Á tiếp tục hun đúc cho mình một dự định vừa táo bạo vừa giản dị, tưởng đơn giản nhưng khi thực hiện thì đầy gian khó.

Anh bỏ hết công việc của một nhiếp ảnh gia để mải miết tìm về nơi những người khuyết tật đang sống và làm việc. 95 câu chuyện được anh chọn lựa sẵn, anh lên phương án, đưa ra kế hoạch và ép mình phải thực hiện cho bằng được những đề án đó. Xuất phát từ TP. HCM, Nguyễn Á len lỏi qua khắp các vùng có nhân vật khuyết tật để chụp ảnh về họ.

Có những nhân vật, nhà ở một vùng biệt lập với thế giới bên ngoài, anh cũng lặn lội tìm đến. Những bức hình anh cho ra đời là sự chân thật, sống động về đời thường của những người kém may mắn trong cuộc sống. Nguyễn Á không ngại lăn xả bởi chính điều đó đã tôi luyện cho anh ý chí và tinh thần, cho anh biết thế nào là tình người của một bộ phận ở tận cùng xã hội. Anh đến bãi rác ở Trà Vinh để chụp ảnh người đàn ông cụt hai tay sống bằng nghề lượm rác. Anh lăn xả, tận tâm với từng bức ảnh của mình và cùng họ trải nghiệm cuộc sống trong bãi rác nồng nặc mùi hôi thối.

Nhân vật để lại ấn tượng nhất đối với Nguyễn Á là đóa hướng dương Lê Thanh Thúy. Trong suốt thời gian Thúy bị bệnh ung thư xương giai đoạn cuối, Nguyễn Á đã có mặt. Ngoài chụp ảnh, anh còn sứ mệnh chia sẻ với Thúy những câu chuyện mong cô quên đi sự đau đớn đang từng giờ hành hạ. "Mỗi lần đến thăm Thúy, tôi thường mua hai loại hoa, một là hướng dương và một là hoa hồng trắng. Mọi người cứ quen gọi Thúy là đóa hương dương nhưng ít ai biết rằng, Thúy còn một sở thích nữa là loài hoa hồng trắng", Nguyễn Á chia sẻ.

Lạ & Cười - 'Cứ cho đi, mình không mất gì đâu' (Hình 2).

Những bức ảnh trong tác phẩm "Họ đã sống như thế"

Làm việc bằng trái tim

Đó là câu trả lời khi tôi hỏi anh bằng cách nào mà anh lại làm được những việc khác người ấy. Đúng vậy, Nguyễn Á có trái tim yêu thương và thấu hiểu được nỗi niềm của những con người bần cùng ấy.

"Không hiểu được suy nghĩ, cuộc sống của họ thì đừng bao giờ mong họ trải lòng với mình. Tôi sống bằng tất cả trái tim mà mình đang có, phải mở lòng mình ra thì người ta sẽ mở lòng với mình. Bạn hãy cứ cho đi và chờ đợi để nhận lại. Tôi bỏ tiền túi để làm việc, hoàn toàn độc lập và tự nguyện bởi tôi không thích gò bó, ép buộc, nguyên tắc với bất cứ ai. Tôi cảm thấy vui và ý nghĩa thì làm thôi", Nguyễn Á bộc bạch.

Nghe tin hay xem trên báo thấy thông tin những nhân vật của mình có buổi nói chuyện, làm liveshow hay nhận giải thưởng gì đó là lập tức anh lên đường. Anh dám bỏ thời gian và tiền bạc cho một chuyến đi chỉ để gặp và chụp được những tấm hình quan trọng về nhân vật đó vì anh quan niệm khi cơ hội đến thì không nên bỏ qua. Bù lại, anh nhận được những gì, chắc chắn không phải là tiền bạc hay một món quà có giá trị nào đó.

Cái Nguyễn Á nhận được là lòng tin, niềm vui của những người được anh chụp; là những bức ảnh đang còn gấp gáp hơi thở của cuộc sống cùng những trăn trở, lo toan của họ. Anh đưa họ từ những phận người bần hàn, lẻ loi, cô độc không ai biết đến ra thế giới bên ngoài. Nhiều những nhân vật trong bộ ảnh "Họ đã sống như tế" của anh tìm cho mình một cuộc đời mới, một niềm vui mới từ sự chia sẻ của cả cộng đồng. Nhân vật nhặt rác ở Trà Vinh khấp khởi gọi điện cho anh thông báo, gia đình ông đã có nhà ở rồi, có việc làm sạch sẽ không phải bới rác nữa.

Kể đến đây, Nguyễn Á cười rạng rỡ: "Cái tôi nhận được là thế đó, hạnh phúc lắm, có tiền cũng không mua được những điều này đâu”. Thế mới nói, tiền đối với Nguyễn Á luôn đứng ở vị trí cuối cùng sau rất nhiều thứ như: Sự liều lĩnh, ý tưởng, quyết tâm, nghề và phải biết yêu cuộc sống.

Lạ & Cười - 'Cứ cho đi, mình không mất gì đâu' (Hình 3).

Phút thư giãn của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á

Cuộc triển lãm ảnh "Họ đã sống như thế" đã thu hút đông đảo mọi người tham gia. Sức sống của những số phận bị khiếm khuyết đã vượt lên trên tất cả, có khi người bình thường không thể làm nổi. Cung bậc cảm xúc là khác nhau nhưng chung quy lại người xem cảm động đến rơi nước mắt trước sự sống diệu kỳ với 95 câu chuyện của hơn 100 người khuyết tật trong bộ ảnh.

Hoa Nguyên