Cuộc chiến đẫm máu mẹ chồng nàng dâu đất Việt

Cuộc chiến đẫm máu mẹ chồng nàng dâu đất Việt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Lược sử về những cuộc chiến đẫm máu của mẹ chồng nàng dâu trong chốn hậu cung triều đại phong kiến Việt Nam.

Vì quá ghét con dâu, Đàm Thái hậu chỉ mặt Trần Thị Dung mắng là bè đảng với quân phản trắc; ép vua Lý Huệ Tông đuổi bà đi, thậm chí còn sai người bảo bà phải tự sát.

Sự kiện - Cuộc chiến đẫm máu mẹ chồng nàng dâu đất Việt

Trần Thị Dung vốn có tên là Trần Thị Ngừ; là con gái của Trần Lý, em gái kế của Trần Thừa và Trần Tự Khánh, tức là cô ruột của vua Trần Thái Tông. Cuộc đời của bà luôn gắn chặt với giai đoạn cuối của vương triều Lý và thời kỳ đầu của nhà Trần. Từ việc lấy Hoàng tử Sảm để dọn đường đưa họ Trần vào triều đình nhà Lý, cho đến khi bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa và lấy Trần Thủ Độ, bà đã trải qua biết bao thăng trầm, vinh có, nhục có, vui cũng có và buồn cũng có...

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, năm 1209, triều đình xảy ra binh biến, Hoàng tử Sảm (tức vua Lý Huệ Tông) chạy đến thôn Lữ Gia - Hải Ấp. Trên đường chạy, Hoàng tử được ông chủ thuyền cá Trần Lý đón về nhà mình ở làng Tức Mạc (Nam Định) che chở. Tại đây, Hoàng tử nghe tiếng con gái ông Trần Lý có nhan sắc, bèn cậy ông Tô Trung Tự - cậu ruột Trần Thị Dung làm mối, để cưới bà làm vợ. Thế nhưng, triều đình nhà Lý lúc ấy không đồng ý.

Tháng 10 năm Trị Bình Long Ứng thứ sáu, Vua Lý Cao Tông băng hà. Hoàng tử Sảm lên ngôi, bấy giờ mới 16 tuổi. Nhà vua sai quan quân đi đón Trần Thị Dung về triều. Tuy nhiên, Thái hậu Đàm Thị lại muốn tìm trong hàng tôn thất cho vua trẻ một người vợ xứng đáng.

Biết ý định của mẹ, vua Lý Huệ Tông luôn tìm cớ thoái thác. Rồi do quá nhớ mong, nhà vua gạt hết mọi khuyên can của mẹ, đem thuyền rồng đi đón Trần Thị Dung nhưng Trần Tự Khánh (anh trai bà) không đồng ý. Sau đó, đầu năm 1211, Lý Huệ Tông lại sai người đi đón Trần Thị Dung. Lần này, Trần Tự Khánh chấp nhận để bà về triều. Và cũng từ đó, hậu cung bắt đầu nóng hầm hập vì chuyện mẹ chồng, nàng dâu. Đàm Thái hậu tỏ rõ thái độ ghét bỏ và tìm mọi cách xỉ vả Trần Thị Dung.

Theo sử sách, khi nhập cung, Trần Thị Dung được lệnh phải lập tức vào chầu Thái hậu. Bà sụp lạy và nói: "Thần thiếp là Trần Thị, xin kính chúc Thái hậu muôn tuổi". Đàm Thái hậu khoát tay cho các thị nữ lui ra hết. Khi chỉ còn lại hai người, bầu không khí trở nên nặng trĩu, Thái hậu không nói gì, chăm chú nhìn Trần Thị Dung và thầm nghĩ "vẻ đẹp của cô gái này thật nguy hiểm và thấy càng ghét người con gái đang quỳ trước mặt mình". Lát sau, Đàm Thái hậu lạnh lùng hạ lệnh: "Ngươi phải biết phép tắc trong cung, phải tuân thủ. Quan thái giám sẽ chỉ bảo cho ngươi. Nhà vua còn trẻ, mới lên ngôi, việc triều chính còn rất bận rộn. Ngươi không được để nhà vua bận lòng về mình; các việc nội thị trong cung, ta đều để mắt tới. Nhất cử nhất động của nhà ngươi đều phải trình lên ta rõ. Thôi, cho lui!".

Trần Thị Dung đi rồi, Thái hậu lo lắng không yên, gọi thái giám vào bảo: "Cần thêm một số mỹ nhân nữ tiến cung, càng nhanh càng tốt, người thấy rồi đấy!".

Sách Danh Tướng Việt Nam viết: Từ ngày vào cung, cuộc đời của bà Trần Thị Dung trải qua không ít phen ba chìm bảy nổi… Ban đầu, bà được nhà vua phong làm Nguyên phi, bậc cao nhất trong hàng thứ hai của vợ vua, đứng sau Hoàng hậu. Vì có chút nghi ngờ đối với Trần Tự Khánh, người anh trưởng của bà Trần Thị Dung, vua Lý Huệ Tông đã giáng bà xuống hàng Ngự nữ, bậc thấp nhất trong hàng các thứ bậc của vợ vua.

Nghe tin đó, Đàm Thái hậu vẫn chưa hả dạ, còn cho gọi Trần Thị Dung vào cung mắng nhiếc: "Nhà ngươi là con yêu nữ, từ khi ngươi bước chân về triều, đã gây nên bao nỗi long đong. Ta tưởng ngươi được Thiên tử vời đến, gia tộc ngươi được hưởng ơn nước, thì phải trung thành với triều đình chứ". Tiếp đến, Thái hậu hạ lệnh: "Thị nữ đâu, đem nó nhốt vào buồng cấm cho ta".

Khi thấy Trần Thị Dung đau đớn, mệt mỏi, lại luôn bị Thái hậu dày vò, vua Lý Huệ Tông cảm thấy xót xa. Nhà vua vẫn rất yêu bà, nên bất chấp mọi thị phi, vào mùa xuân năm 1216, vua lại sắc phong cho bà làm Thuận Trinh phu nhân. Đến cuối năm, bà được phong làm Hoàng hậu.

Mặc dù được vua tin yêu nhưng bà vẫn không thoát được sự giám sát gay gắt của Thái hậu Đàm Thị. Thái hậu giận lắm, thường chỉ mặt bà mắng là đồ phản trắc, làm tay trong, là bè đảng của giặc. Thái hậu nằng nặc đòi Vua Huệ Tông đuổi bà đi. Ép không được, Thái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn uống của Thị Dung. Vua Lý Huệ Tông biết vậy, thương vợ nhưng cũng không dám ra mặt bênh vực mà chỉ tìm cách âm thầm ngăn chặn. Mỗi bữa ăn, Vua lại cho gọi Thị Dung ăn cùng, chia đôi suất của mình và không lúc nào để bà ăn một mình.

Thế nhưng, Đàm Thái hậu vẫn nung nấu ý định giết Trần Thị Dung hoàng hậu đến cùng. Một lần, Thái hậu sai người đem chén thuốc độc bắt bà phải uống. Vua biết chuyện, đích thân đến ngăn lại, rồi cùng bà đang đêm lẻn trốn đi, nương nhờ vào thế lực của Trần Tự Khánh. Từ đó, cuộc sống của bà hoàng Trần Thị Dung mới tạm thời yên ổn.

Theo Đất Việt