Cuộc đời kỳ lạ của con gái Hoài Chân

Cuộc đời kỳ lạ của con gái Hoài Chân

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Có lẽ, hầu như người Việt Nam nào đã từng học hết phổ thông đều biết đến tên Hoài Chân, đồng tác giả với Hoài Thanh viết cuốn "Thi nhân Việt Nam".

Qua nhiều thông tin, tôi được biết nhà phê bình văn học Hoài Chân có một người con gái cũng là nhà thơ đang phải sống trong một trại tế bần tại Bắc Ninh... Bà tên là Nguyễn Phương Thúy, con gái thứ ba của nhà phê bình Hoài Chân.

Tìm bình yên qua mấy đận đò

Tôi tìm về Trung tâm dưỡng lão Phật Tích - Bắc Ninh để gặp bà, tại đây, bà chia sẻ: Từ khi đến với trung tâm này, bà thấy khá thanh thản và có thời gian bình lặng để an hưởng tuổi già. Mẹ bà là cụ Hồng Thị Bé vẫn còn nên thi thoảng gọi điện cho con gái để hỏi thăm. Tiếc rằng, cụ Bé đã gần 100 tuổi nên sức khỏe giảm sút, mắt lại không còn nhìn thấy gì nên không thể sang thăm con. Bà Thúy cũng ít có điều kiện để về thăm mẹ.

Bà Thúy vào Trung tâm này chưa lâu, tính đến đầu tháng 10/2010 thì được chừng 3 tháng. Lý do để bà chọn nơi này không phải vì không còn chỗ nương thân hay không có ai chăm sóc. Bà vẫn còn khá nhiều người họ hàng thân thích đang sinh sống tại Hà Nội.

Cháu ruột bà là lãnh đạo của một tập đoàn lớn sẵn sàng cung phụng bà đủ thứ nhưng bà không muốn làm phiền. Bà muốn bỏ lại đằng sau những lo toan và không còn muốn bon chen gì với đời nữa. Đến đây, bà sẽ có cơ hội để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho những sáng tác mới. Bà dự kiến sẽ viết hồi ký tại chính nơi này.

Bà tên đầy đủ là Nguyễn Phương Thúy con gái thứ ba của nhà phê bình văn học Hoài Chân cháu gọi Hoài Thanh bằng bác ruột (Hoài Thanh-Hoài Chân hai tác giả cuốn Thi nhân Việt Nam, và gọi bà Thúy Bắc (tác giả bài Sợi nhớ sợi thương) là cô ruột.

Chính bởi được sinh ra trong một gia đình nhiều trí thức lớn nên bà Thúy sớm được tiếp xúc sách vở và những kiến thức hiện đại. Bà được gia đình đưa vào học ở Nhạc viện Hà Nội và sau đó ở lại đây làm giáo viên giảng dạy bộ môn đàn dân tộc.

Ngoài việc đi dạy, Phương Thúy còn sáng tác. Bà được đánh giá là cây bút nữ nhiều triển vọng của phong trào sáng tác văn học những năm 60 của thế kỷ trước.

Rồi cô gái Phương Thúy cũng lên xe hoa với một vị giáo sư hàng đầu ngành vật lý nước nhà thời bấy giờ. Cuộc hôn nhân của họ được cho là một cuộc hôn nhân lý tưởng của một đôi trai tài, gái sắc. Thế nhưng, số phận thường đùa giỡn với những gì được người đời xem là hoàn hảo. Phương Thúy và vị giáo sư kia không thể cùng chung sống!

Và bà gặp Tuân Nguyễn (người đàn ông này tên thật là Nguyễn Tuân nhưng đổi bút danh thành Tuân Nguyễn cho không lầm lẫn với nhà văn Nguyễn Tuân)- một người đàn ông vừa thoát khỏi vòng lao lý sau một trục trặc vì chuyện thơ - văn.

Bình thường một người đi tù về đã khó hòa nhập cộng đồng thì ngày ấy, việc một người đi tù mà liên quan đến chữ nghĩa càng khó được chấp nhận hơn. Thế nhưng, người đàn bà ấy lại chấp nhận tất cả. Khi đến với Tuân Nguyễn, bà sẵn sàng bỏ lại sau lưng cuộc sống sung túc và mọi điều tiếng để đi theo tiếng gọi của tình yêu.

Vợ chồng nhà phê bình Hoài Chân

Với bà Thúy, thời gian bên Tuân Nguyễn là thời gian mà bà hạnh phúc nhất cuộc đời. Thế nhưng, cuộc sống của hai người cùng làm thơ, đọc sách bấy giờ quá khó khăn. Để đủ mưu sinh, bà phải bán hàng sách, báo để kiếm thêm. Cũng có thời gian, hai ông bà còn phải đi làm công nhân vệ sinh để phụ kế sinh nhai.

Ông Tuân Nguyễn làm thơ và làm nghề dịch sách kiếm sống. Ông vốn là bạn thân của nhà văn Phùng Quán nên mối thâm giao giữa vợ chồng Phương Thúy - Tuân Nguyễn và gia đình Phùng Quán khá bền chặt.

Tuân Nguyễn đột ngột ra đi trong một tai nạn giao thông. Bà gần như điên loạn khi chồng mất và phải mất rất nhiều năm sau mới lấy lại được cân bằng!

Sáng tác “Người con gái sông La” qua một bức ảnh

Ítt ai biết, tác giả bài hát "Người con gái sông La" của nhạc sỹ Doãn Nho lại chính do cô con gái này của Hoài Chân sáng tác. Bài thơ ban đầu có tựa đề "Cô gái sông La" sau được nhạc sỹ Doãn Nho phổ nhạc và đổi tên.

Bà tâm sự, khi sáng tác bài thơ ấy, bà cũng chưa biết sông La thế nào vì chưa từng một lần được đặt chân vào Hà Tĩnh. Bài thơ được ra đời chỉ vì một lần bà tình cờ đọc báo viết về cô gái thanh niên xung phong La Thị Tám ngày đêm đứng chỉ đường cho xe qua không ngại bom đạn. Khi ấy bà đang là giáo viên của Nhạc viện Hà Nội.

Bức ảnh của cô gái La Thị Tám trong bài viết ấy có đôi mắt hồn hậu và trong sáng. Nhìn vào đôi mắt ấy cùng với sự cảm kích trước hành động của cô gái thanh niên xung phong kia, sau một đêm thức trắng, Phương Thúy đã chắt từng giọt tâm hồn để tạo nên những vần thơ đầy sôi sục và lắng đọng trong bài "Cô gái sông La".

Sau khi sáng tác bài thơ ấy, Phương Thúy cũng không có dịp về sông La. Đến hơn 30 năm sau, bà mới có cơ hội đến thăm ngã ba Đồng Lộc, thăm sông La. Nhắc đến chuyến đi này, bà cứ suýt xoa nhắc đi nhắc lại là người Hà Tĩnh chân thật và hồn hậu đúng như những gì bà cảm nhận được từ đôi mắt cô gái La Thị Tám.

Bà trở lại với chuyện sống trong trại dưỡng lão Phật Tích. Bên cạnh bà còn có bà Ca, bà Tùng, ông Mẹo. Cùng là những người già được đưa về trại an dưỡng. Rồi bà nhắc đi nhắc lại ở trung tâm bà được anh Thăng, anh Dương, cô Dung, cô Đào thường xuyên chăm sóc.

Ở đây, bà còn được tiếp xúc với nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Hàng ngày, bà vẫn thường hướng dẫn các em cách viết nhật ký. Theo bà, đó chính là một cách rèn giũa tâm hồn cho các em và giúp các em trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Bà nói với tôi, đó đều sẽ là những nhân vật trong hồi ký của bà.

Ngân Giang