Cuộc đời như trong phim của võ sư Lâm Hữu Hội

Cuộc đời như trong phim của võ sư Lâm Hữu Hội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Học võ, hành tẩu giang hồ, bảo kê các sòng bạc rồi mở lò võ, đào tạo nhiều tay võ sĩ danh tiếng chính là cuộc đời của võ sư Lâm Hữu Hội.

Chúng tôi tìm đến lò võ Long Hổ Hội trên đường Nguyễn Văn Công (phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM) để tìm hiểu về phái võ nổi danh Sài Gòn này. Đến nơi, một tấm bảng cũ kỹ ghi "lò vò Long Hổ Hội" đã sờn màu vẫn còn dựng lên trước cổng. Nhìn vào bên trong, chúng tôi thấy chỉ có một ngôi nhà cấp bốn. Ngạc nhiên vì lò võ quá đơn sơ, chúng tôi hỏi một số người dân sinh sống gần đó. Tất cả mọi người đều gật đầu đó chính là nhà tổ sư khét tiếng Lâm Hữu Hội.

Sự kiện - Cuộc đời như trong phim của võ sư Lâm Hữu Hội

Lễ khai giảng lò võ Long Hổ Hội

Sư tổ từng vang danh giang hồ Sài Gòn

Bước vào trong nhà, chúng tôi mới thấy đây đúng là nơi khai sinh ra Long Hổ Hội. Phu nhân của cố võ sư Lâm Hữu Hội vẫn còn ngồi đó, trong căn nhà có nhiều kỷ niệm về phái võ. Bà đã gần 100 tuổi, mái tóc đã bạc trắng. Ra tiếp đón chúng tôi là một người đàn ông trạc trung niên. Người này cho biết, nếu muốn tìm hiểu về võ phái thì phải ra võ đường. Sau cuộc trò chuyện chóng vánh, chúng tôi muốn tìm thêm các tư liệu từ lời kể của các tuyền nhân. Tuy nhiên, người kế nghiệp võ của võ sư Lâm Hữu Hội là võ sư Long Hổ Bill (tức Lâm Hữu Bình) đã qua đời cách đây 2 năm vì bệnh. Hiện tại, người con trai của cố võ sư Long Hổ Bill đang kế nghiệp.

Theo tài liệu còn lưu lại tại tư gia thì người sáng lập ra Long Hổ Hội là cố võ sư Lâm Hữu Hội. Tuy tên tuổi ông vang danh ở đất Sài Gòn nhưng ông lại được sinh ra tại miền Tây, trong một gia đình đúng nghĩa công tử Bạc Liêu. Cố võ sư Lâm Hữu Hội sinh năm 1907 tại xã Vĩnh Lợi (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Theo tiểu sử còn lưu giữ tại võ phái thì ông sinh ra trong một gia đình khá giả. Cha ông vốn là một điền chủ, có nhiều ruộng đất. Sống trong gia cảnh sung sướng nên từ thuở thiếu thời, ông nổi tiếng là người ăn xài phóng khoáng.

Từ nhỏ, võ sư Lâm Hữu Hội là người rất mê và có năng khiếu trong võ thuật. Ông học võ từ một cao thủ người Tiều (Trung Quốc). Kế tiếp, suốt bảy năm trời, võ sư này thọ giáo võ công với Huỳnh Long đại sư (tức Chu Thiếu Quân, người Quảng Đông, dòng võ Chu gia nổi tiếng Long quyền). Nói chuyện với chúng tôi, võ sư Long Phi Báu, đệ tử của Long Hổ Hội cho biết: "Ngày trước tôi còn nghe kể lại rằng, cha (cách gọi sư phụ của môn đệ Long Hổ Hội - PV) còn được thọ giáo một người thầy về khả năng đỡ đạn. Một lần, có người lấy súng của Pháp, kê trên hai ngón tay nhưng không thể nào bắn trúng được ông. Học được một thời gian, vì ham chơi nên cha đã bỏ đi. Sau đó, sư phụ muốn truyền lại khả năng này nhưng cha mải chơi nên đã từ chối. Thế là ông lật bàn hương án đổ hết xuống núi. Từ đó thất truyền khả năng này".

Sau một thời gian thọ giáo nhiều cao thủ, Lâm Hữu Hội cho rằng mình đã đạt đỉnh công phu nên không cần học nữa. Có giai thoại kể rằng, khi gặp lại một người bạn và tỷ thí, Lâm Hữu Hội đã bị bại trận. Sau đó, ông mới ngộ ra "cao nhân ắt có cao nhân trị" nên tìm thầy học thêm võ nghệ.

Đó là lúc võ sư Lâm Hữu Hội mới tròn 17 tuổi. Với niềm ham mê võ thuật, ông đã rời xa gia đình, tìm lên núi Tà Lơn, giáp ranh Cao Miên (Thất Sơn, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang ngày nay) để tìm thầy theo chỉ giáo của bạn. Sau chặng đường xa xôi, ông gặp ba người Tiều. Sau khi dò hỏi, Lâm Hữu Hội biết được, họ là những cao thủ của Trung Hoa sang lánh nạn và ẩn dật trên núi Tà Lơn. Thời ấy, khu vực núi này có muôn trùng nguy hiểm, nhất là thú dữ. Với võ nghệ cao cường nên ba cao thủ người Tiều giống như những thần núi, thoát ẩn thoát hiện. Biết được nguyện vọng của Lâm Hữu Hội, cao thủ người Tiều đã dạy cho ông võ công. Đó là phái Thiếu Lâm Nững Xị, một trong hai phái võ lớn của người Triều Châu.

Sự kiện - Cuộc đời như trong phim của võ sư Lâm Hữu Hội (Hình 2).

Võ sư Lâm Hữu Hội mất năm 1988, thọ 81 tuổi

Gây sóng gió ở các sàn đấu Đông Dương

Sau 5 năm ròng rã khổ luyện, trình độ võ công của Lâm Hữu Hội thăng tiến vượt bậc. Một hôm, thầy gọi ông lại cho biết đã hết nạn nên trở về nước. Lâm Hữu Hội cũng xuống núi và bắt đầu hành tẩu giang hồ. Cuộc sống của ông là những ngày tháng phiêu bạt khắp nơi. Vị võ sư này sống ở các bến xe khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Với võ công và bản lĩnh của mình, ông sống bằng nghề xếp bến và bảo tiêu, áp tải hàng cho các con buôn. Võ sư Long Phi Thanh (tên thật là Phạm Thanh), một trong những môn đệ của võ phái Long Hổ Hội đang truyền dạy Thiếu Lâm Nững Xị tại quận Thủ Đức cho biết, nghề áp tải thời ấy rất nguy hiểm. Một ông chủ muốn chuyển số lúa từ Vĩnh Long lên Sài Gòn rất cần phải có bảo tiêu. Nếu không, dọc đường thế nào cũng bị cướp. Thời ấy, thầy tôi là một trong những cao thủ nên được nhiều người thuê làm bảo tiêu.

Khi chán với nghề xếp xe ở các bến, Lâm Hữu Hội chuyển sang đấu võ kiếm tiền. Thời ấy, các võ đài dựng lên khá nhiều. Từ miền Tây, miền Trung và đặc biệt là tại Sài Gòn, nơi hội tụ nhiều cao thủ võ lâm, các võ đài liên tục được thành lập. Ngày ấy, các đệ tử của Long Hổ Hội liên tục đánh thắng và lập được nhiều kỳ tích vang dội Sài Gòn.

Suốt thời thanh niên, Lâm Hữu Hội đấu rất nhiều trận tại các võ đài ở Việt Nam. Rồi ông đi Campuchia, Myanma, Thái Lan, Lào... du đấu. Năm 1932, Lâm Hữu Hội hạ đo ván Surivong, nhà vô địch Muay (kick boxing Thái) ngay tại Bangkok. Nghề đấu võ của ông thu nhập rất cao. Nhưng ngặt một nỗi, Lâm Hữu Hội lại rất mê trò đỏ đen. Vì thế, tiền vào tay ông như gió vào nhà trống. Cứ hết tiền thì lại lên đài thách đấu. Quãng thời gian ngốn nhiều tiền nhất chính là lúc Lâm Hữu Hội nhận bảo kê sòng bạc Đại Thế Giới ở Chợ Lớn. Sau này Đại Cathay là tay nối gót bảo kê sòng bài này. Môi trường này đã nhanh chóng cuốn ông vào những cuộc đam mê đỏ đen. Từ đó, nợ nần chồng chất, đến nỗi phải ở nhờ nhà người quen để trốn nợ.

Nhưng cũng nhờ đó, Long Hổ Hội chuyển hướng sang dạy võ. Lúc đầu là dạy cho con cháu người quen để trả ơn. Rồi sau này, danh tiếng trên võ đài khiến người tìm đến học ngày càng đông. Rồi ông mở lò võ dạy Thiếu Lâm Nững Xị tại xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp (đường Nguyễn Văn Công, phường 13, quận Gò Vấp ngày nay). Lâm Hữu Hội kết hợp chữ Long và Hổ quyền ghép với tên mình, thành lập võ đường Long Hổ Hội.

Võ sư Long Phi Báu cũng nghe kể lại: "Có lần, Long Hổ Hội đã giúp cho nghĩa quân Bình Xuyên lấy một đồn Pháp mà không tốn một viên đạn. Sau này, đồng chí Mười Trí (Huỳnh Văn Trí), Phó Thủ lãnh nghĩa quân Bình Xuyên còn đếm thăm cha".

Trung Nghĩa