Cuộc sống giản dị của

Cuộc sống giản dị của "vua" kim hoàn Sài thành một thuở

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Nghệ nhân Lê Văn Hai là người thợ kim hoàn chế tác trang sức dạng chuỗi cao tuổi nhất đã được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận. Hơn 70 năm theo nghề, có thời điểm, ông bước đến đỉnh cao vinh quang, cũng đôi lần vì cái nghèo buộc ông phải dứt đi cái nghiệp cha ông truyền lại.

Bí quyết truyền đời

Nghệ nhân Lê Văn Hai hay còn gọi là Hai "Chuỗi" sinh năm 1931 ở miền quê nghèo của tỉnh Long An. Mẹ ông không may mất sớm, cha ông sống cảnh "gà trống nuôi con" quyết không đi bước nữa để dành trọn vẹn tình cảm cho cậu con trai. Từ những ngày vừa biết đi, ông Hai "Chuỗi" đã là cái đuôi theo cha đến chỗ làm. Quan sát cha cặm cụi kết từng hạt chuỗi, tỉ mỉ chạm khắc rồng phụng trên những mẫu hạt chuỗi vàng tròn lấp lánh, ông Hai thấy yêu sự lao động chân chính của cha. Rồi sau này, ông yêu luôn cái nghề mà cha đã chọn sẵn cho mình.

Sự kiện - Cuộc sống giản dị của 'vua' kim hoàn Sài thành một thuở

Nghệ nhân Lê Văn Hai bên những vật dụng có tuổi đời ngang tuổi mình.

Những thời điểm kinh tế khó khăn, cha ông chuyển từ chế tác trên vàng sang chất liệu bạc hay đồng đỏ. Còn ông Hai từ biệt cha vào Đồng Tháp Mười tham gia kháng chiến. "Từ năm 1946-1954, tôi đi kháng chiến ở Đồng Tháp Mười. Hoạt động ở đó một thời gian, cha tôi vào bắt về nhà để truyền nghề làm chuỗi vàng. Cha xót xa khuyên rằng, nhà giờ chỉ tôi là con trai. Tôi mà không học thì sẽ mất nghề và có lỗi với tổ tiên", ông Hai nhớ lại.

Mặc dù trong thâm tư khi đó ông vẫn muốn tiếp tục hoạt động để thỏa chí tang bồng của một đứng nam nhi khi Tổ quốc đang lâm nguy nhưng không đành lòng trước sự đau đáu của người cha già nên ông Hai lặng lẽ theo cha về nhà. Ông nghĩ, dù sao nếu làm tốt và phát huy được bí kíp nghề của gia đình cũng là một cách để đóng góp với đời. Vì thế, ông ngày đêm mài giũa tay nghề, mong mình sớm tự thân đứng ra chăm lo quảng bá trang sức dạng chuỗi độc môn.

Ngày ấy, máy móc chế tác vàng thành dạng chuỗi vô cùng thô sơ và chủ yếu dựa vào sức người là chính. Từ khi được truyền dạy nghề, ông Hai tự sáng tạo thêm, cải tiến máy móc để giảm bớt công lao động và cho sản phẩm chất lượng hơn. Khuôn, máy cán, máy quay chuỗi được sử dụng đến ngày nay đều là công sáng tạo của nghệ nhân Lê Văn Hai.

Những công đoạn để làm nên một hạt chuỗi cực nhẹ, cực mỏng nhưng phải tròn trịa và bóng bẩy là cả một quá trình công phu. Đây là việc mà người thợ phải được truyền dạy trong nhiều năm. Thế nhưng, để chế tác được trang sức dạng chuỗi có tiếng trong giới kim hoàn hiện nay, người thợ phải được đích thân người trong dòng họ Lê Văn truyền tuyệt kỹ. Tuyệt kỹ này hiện nay chỉ có Nghệ nhân Lê Văn Hai và người con rể Bùi Vinh Bình nắm giữ.

Chia sẻ một số tuyệt kỹ làm trang sức dạng chuỗi, ông Hai "Chuỗi" bộc bạch: "Kỹ thuật làm hạt chuỗi chỉ được truyền dạy trong nội bộ con cháu trong dòng họ. Tuy nhiên, điều kiện khách quan không còn cho phép tôi giữ cho riêng mình và con cháu được nữa. Qua cách làm nghề và cái tâm của người thợ, tôi sẽ chọn lựa những người xứng đáng để truyền dạy. Bởi vì nghề này đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ và cái tâm trong sạch không tham lam".

Con người là điều kiện cần và kỹ thuật lành nghề là điều kiện đủ để chế tác trang sức dạng chuỗi. Kỹ thuật chế tác chi li đến từng milimet. Nó đòi hỏi sự tập trung cao độ và sự cần cù tuyệt đối của người thợ kim hoàn. Mô tả các công đoạn chế tác, ông Bùi Vinh Bình, con rể ông Hai cho biết: "Vàng được cán cực mỏng, độ dày đạt chuẩn khoảng 0,06mm. Vàng cán mỏng đem cuộn lại tạo hình ống cắt từng đoạn nhỏ, rồi quay tròn từng hạt bằng phương pháp thủ công. Một phân vàng thì làm được khoảng 50 hạt chuỗi. Để làm một sợi chuỗi đeo ở cổ phải chế tác từ 3500 hạt nhỏ. Kích thước lớn nhỏ của hạt tùy thuộc yêu cầu của khách hàng. Nếu hạt chuỗi to sẽ được chạm rồng phụng, hoa mai lên bề mặt ngoài".

Theo nghệ nhân Lê Văn Hai, khâu làm bóng hạt chuỗi cần kỹ thuật điêu luyện nhất. Vì hạt chuỗi làm bằng vàng 24K nên rất mềm, người đảm nhận nhiệm vụ làm bóng hạt chuỗi thường là người thợ cả (người thợ có tay nghề cao nhất). Người thợ cả phải bỏ ra gần một giờ để ngồi vò bằng tay, tạo độ bóng đều cho hạt chuỗi. Công đoạn cuối cùng là kết chuỗi. Tưởng chừng việc này đơn giản nhưng nếu không cẩn thận, tỉ mỉ thì công sức trước đó sẽ tiêu tan. Những hạt chuỗi tròn rất dễ bị móp méo khi lực tay tiầ nặng trong lúc kết.

Sự kiện - Cuộc sống giản dị của 'vua' kim hoàn Sài thành một thuở (Hình 2).

Con gái ông Hai đang kết chuỗi.

Đơn hàng "toát mồ hôi"

Khoảng những năm 1960, trang sức dạng chuỗi của nghệ nhân Hai "Chuỗi" được khách hàng từ Nam ra Bắc hết sức ưa chuộng. Nữ trang kết từ hạt chuỗi lớn được khách hàng phía Bắc ưa thích, còn xâu chuỗi hạt nhỏ là món quà cưới của các cô dâu miền Nam. Trong suốt hơn 70 năm làm nghề, ông Hai "Chuỗi" đã nhận tiếp xúc và làm việc với không biết bao nhiêu khách hàng nhưng có một lần khiến ông vẫn nhớ mãi. Đó là khi ông được giao làm trang sức cho Trần Lệ Xuân (Em dâu của Ngô Đình Diệm).

Ông Hai kể: "Khoảng năm 1961-1962, như mọi lần, tôi đến tiệm vàng Bảo Thịnh để giao hàng. Tôi vừa bước vào tiệm, ông chủ kéo ghế mời tôi ngồi. Tôi rất run, nghĩ là mình gia công không đúng theo yêu cầu, sản phẩm không đẹp. Thế nhưng, ông chủ tiệm Bảo Thịnh lại đề cập đến việc làm nữ trang cho bà Trần Lệ Xuân".

Ông chủ Bảo Thịnh than thở với ông Hai rằng, "bà cố vấn" đi nước ngoài mua được một xâu chuỗi bằng ngọc rất đẹp. Ngay khi về nước, bà liền sai hạ cấp đến tiệm Bảo Thịnh (tiệm vàng lớn nhất nhì Sài Gòn những năm 1960) đặt làm một sợi dây chuyền dạng chuỗi thật độc đáo. Ông chủ Bảo Thịnh mất ăn mất ngủ chỉ trông đến ngày ông Hai "Chuỗi" đến giao hàng rồi nhờ cậy làm giúp. Ai cũng biết thời gian đó, Trần Lệ Xuân quyền lực như thế nào nên dù muốn hay không thì ông Hai vẫn phải nhận đơn hàng này.

Sau khi nhận lời với ông chủ Bảo Thịnh, ông Hai vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì dù sao đây là một khách hàng đặc biệt. Nếu trang sức của ông mà được "bà cố vấn" sử dụng thì sẽ là một cơ hội đặc biệt để quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên ai cũng biết "bà cố vấn" rất sành điệu, quyền lực lớn và đặc biệt là tính tình cũng khó lường. Nếu chẳng may món trang sức không được như ý của "bà cố vấn" thì hậu quả cũng rất khó lường. Rất may, sợi dây chuyền hạt chuỗi chín vòng do ông Hai chế tác nhận được cái gật đầu ưng ý của "bà cố vấn".

Trong những sự kiện chính trị, văn hóa mang tầm cỡ quốc tế, Trần Lệ Xuân thường phục sức dây chuyền chuỗi vàng với áo dài cổ thuyền. Hình ảnh này được truyền đi khắp nơi qua các cơ quan truyền thông đại chúng của chế độ Sài Gòn cũ. Giới phụ nữ thượng lưu ở Sài Gòn thời đó, đặc biệt là vợ của các quan chức tướng lĩnh thường học theo trang phục của Trần Lệ Xuân. Nhờ vậy, chẳng mấy chốc sản phẩm của ông Hai được nhiều người biết đến.

Nghệ nhân Bùi Vinh Bình, con rể ông Hai cho biết: "Sau giải phóng miền Nam, vì điều kiện khách quan, đặc biệt hàng hóa khó bán vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên cha tôi không thể làm nghề. Buồn chán, ông lao vào ăn chơi, tiêu xài hết tiền của để dành rồi mang thêm bệnh tật. Năm 1982, tôi về làm rể, sợ mất đi một nghề gia truyền quý nên tôi cũng xin nghỉ việc về nhà học nghề làm chuỗi". Từ sự động viên của người con rể, ông Hai dường như bừng tỉnh và cùng con rể gây dựng lại nghề nghiệp. Năm 1989, ông Hai "Chuỗi" chính thức làm nghề trở lại và làm đến ngày hôm nay.

Ngôi nhà ông Hai đang sống ọp ẹp, chật chội đến đáng thương. Ai biết được rằng người đàn ông này một thời đã từng được xưng danh như "vua" kim hoàn Sài Thành về trang sức dạng chuỗi. Hiện nay, đồ vật đáng giá nhất của ông trong ngôi nhà nhỏ nằm trên con hẻm nhỏ đường Hòa Hảo (quận 10) là mấy cái khuôn, máy cán, máy quay chuỗi... Những đồ vật này cũng xấp xỉ tuổi ông. Dù có biết bao thăng trầm trong cuộc sống và nhiều lần dứt tình với nghề gia truyền, ông vẫn không nỡ rời tay khỏi mấy cái máy cũ kỹ, già nua này. "Mấy cái máy móc này ngộ lắm, càng cũ làm hạt chuỗi càng tròn càng bóng đẹp. Ai hỏi mua bao nhiêu tiền tôi cũng không bán đâu", ông Hai chia sẻ.

Hoàng hậu Malaysia cũng mê nữ trang Hai "chuỗi"

Nữ trang dạng chuỗi của gia đình ông Hai vẫn được nhiều người ưa chuộng, trong đó có Hoàng Hậu Malaysia. Trong lần viếng thăm TP.HCM, Hoàng hậu Malaysia đã tham quan hết các cửa hàng kinh doanh trang sức của công ty SJC (nơi cha con ông nghệ nhân Hai "Chuỗi" nhận vàng về gia công). Tại đây, bà đã chọn mua bộ nữ trang dạng chuỗi có chạm rồng phụng cho vào bộ sưu tập nữ trang của mình. Bộ nữ trang mang tên "Uyên ương" là một trong 100 bộ nữ trang đẹp nhất thế giới do công ty SJC mang đi triển lãm quốc tế cũng do cơ sở ông Bình chế tác.

Ngọc Lài- Nguyễn Sơn