Cuộc sống không “neo đậu” của người lính tiểu đoàn cảm tử trên biển

Cuộc sống không “neo đậu” của người lính tiểu đoàn cảm tử trên biển

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Cuộc sống đời thường của một người lính già vô cùng éo le, khổ cực.

Được ví như tiền thân của đoàn tàu không số huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển, đội quân ghe bầu thuộc Liên khu 5 xuất hiện từ thời chống Pháp, vượt biển tiếp tế cho chiến trường cực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ đã được vinh danh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Về cuộc sống đời thường, nhiều người có cảnh đời rất éo le, khổ cực. Điển hình là anh hùng Đậu Đình Tích (90 tuổi, trú tại 14 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội).

Xã hội - Cuộc sống không “neo đậu” của người lính tiểu đoàn cảm tử trên biển

Anh hùng Tiểu đoàn vận tải cảm tử Đậu Đình Tích cùng vợ ngày đêm mong chờ một “bến đậu” yên bình

Những người khai mở đường huyền thoại

Những năm đánh Mỹ, đường Hồ Chí Minh trên biển với đoàn tàu không số huyền thoại đã ghi dấu ấn khó phai mờ. Nhưng ít ai biết rằng, từ thời chống Pháp đã có đội quân ghe bầu thuộc Liên khu 5 (sau này là Tiểu đoàn vận tải biển 248) vượt biển tiếp tế cho chiến trường cực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Những người lính của Tiểu đoàn cảm tử 248 người mất nhiều hơn kẻ còn. Người còn sống cũng đã bước sang tuổi thượng thọ cửu tuần như ngọn đèn dầu lung lay trước gió.

Nhưng vận may cũng cho tôi tìm được anh hùng Đậu Đình Tích (90 tuổi, 14 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội), một trong những người lính hiếm hoi còn lại đang sống ở miền Bắc. Trong trí nhớ cái còn, cái mất, ông Tích kể lại thời khắc huy hoàng của cuộc đời mình. Vào cuối năm 1947, chàng thanh niên Đậu Đình Tích (Thạch Phú, Thạch Hà, Hà Tĩnh) háo hức tham gia vào đội vận tải trên biển theo tiếng gọi của lòng yêu nước. Vào thời điểm đó, mỗi chuyến đi giao hàng vào sâu tận cực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Vì thế, mỗi tháng ông chỉ đi được 2 - 3 chuyến, mỗi chuyến 4 - 6 ghe loại nhỏ. Với sự phát tiển không ngừng, đầu năm 1948, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 chủ trương nâng đội vận tải biển lên thành Tiểu đoàn 248. Quân số ban đầu khoảng 500 người, cũng có lúc lên tới 850 người, ưu tiên chọn lựa con em ưu tú, quê ở vùng ven biển, giỏi bơi lội, sức khỏe dẻo dai, chịu đựng được gian khổ hy sinh.

Sau khi được thành lập, Tiểu đoàn biên chế thành 3 đại đội vận tải. Nhiệm vụ chủ yếu là vận chuyển bằng đường biển tiền vàng, tín phiếu, tài liệu, vũ khí, quân trang, quân dụng, thuốc men, lương thực, thực phẩm từ Bắc vào Nam, phục vụ chiến trường cực Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Tổ chức đưa đón cán bộ của trung ương, Liên khu 5 và của các tỉnh ra Bắc vào Nam công tác.

Trong ký ức của anh hùng Đậu Đình Tích, Tiểu đoàn 248 hoàn toàn có thể gọi là đội quân cảm tử. Bởi mỗi chuyến đi ai cũng xác định chỉ có cái chết mới ngăn cản bước đi của những người lính anh hùng. Không quên nổi cái đêm kinh hoàng vào cuối năm 1948, ông Tích kể: “Giữa trùng khơi đêm đen mù mịt, bất ngờ máy bay địch ập tới xả đạn. Còn chưa hết hoảng hồn thì trên biển một đội tàu chiến của địch lao tới. Đứng trước hai làn đạn, các chiến sĩ vẫn kiên quyết “bám” tàu. Các chiến sỹ đã lên kế hoạch sẽ tự làm đắm tàu, anh dũng hy sinh chứ quyết không chịu rơi vào tay giặc”. May mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống, ông Tích bị thương nặng ở chân và đầu.

Số phận cơ cực của người lính già chưa có bến đậu

Bởi quá say sưa với những cuộc chiến trên biển của đồng đội mà ông Tích quên đi chiến công của riêng mình. Cho đến khi, bà Hồ Thị Liễu (85 tuổi), vợ ông, ngồi bên cạnh nhắc khéo, ông mới lôi tấm bằng khen cho chúng tôi xem. Đó là thành tích cuối năm 1954, khi Chủ nhiệm Cung cấp Liên khu 5 có bằng khen tuyên dương ông Đậu Đình Tích với công trạng: “Đã tham gia kháng chiến ở Nha Trang bị thương, lạc đơn vị, nhịn đói nhiều ngày rồi tìm về đơn vị. Cho về nghỉ ở địa phương, ông vẫn tích cực tham gia công tác địa phương. Tuy còn đau, nhưng xung phong nhập đội cảm tử, đã gan dạ và sáng kiến vào đồn địch lấy tình hình địch báo cáo cho Trung đoàn đánh thắng. Ở tạm trú bệnh xá xây dựng nội bộ đoàn kết an tâm phục vụ”.

Sau khi dời chiến trường, năm 1955, anh hùng Đậu Đình Tích cùng vợ tập kích ra Bắc. Năm 1959, ông được phân công về làm Bí thư Đảng bộ đầu tiên của Công ty cây xanh Hà Nội. Đó cũng chính là thời điểm ông đưa toàn bộ gia đình đến ở tại địa chỉ 14, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội. Đến năm 1998, ông Tích được Bộ GTVT trao giấy chứng nhận Huy chương vì sự nghiệp GTVT và Huy hiệu Quân khu 5 do Cục Chính trị Quận khu 5 trao tặng. Năm 2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bằng khen “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho ông Đậu Đình Tích thuộc Tiểu đoàn vận tải biển cảm tử 248 thuộc lực lượng vũ trang nhân dân Liên khu 5.

Kể đến đây, giọng ông Tích lạc hẳn bởi sự uất nghẹn. Biết chồng xúc động không thể tiếp câu chuyện, bà Liễu cho hay: “Cuộc sống yên ấm của chúng tôi như bị rơi xuống vực thẳm, khi năm 1993, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội liên doanh với một Công ty của Nhật để thực hiện dự án. Mặc dù biết chúng tôi ở trên mảnh đất dự án, nhưng chẳng thấy ai đến trao đổi với gia đình về phương án giải phóng mặt bằng. Mãi đến năm 1996-1997, thấy phát sinh nhiều vấn đề, Công ty mới đến đề nghị gia đình tôi chuyển đến một nơi ở tạm thời khác nhưng gia đình từ chối vì không chấp nhận đổi hơn 200m2 đất nhà mình lấy nơi ở tạm.

Đến đầu năm 2009, chỉ với số tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng gần 50 triệu đồng, nhưng chính quyền lại đứng ra mua hộ và bắt gia đình ông Tích trả tiền một căn hộ tầng 5, có giá khoảng 600 triệu đồng để chuyển gia đình ông ra. Tuổi đã già, sức đã yếu ông không thể leo được lên tầng 5 mà không có thang máy. Cộng với số tiền mua căn hộ quá lớn, vợ chồng ông Tích bà Liễu chỉ còn biết dựa vào nhau trong căn nhà tồi tàn thiếu thốn điện nước. Chán nản với cuộc sống cơ cực, nhiều lần ông bà làm đơn đòi quyền lợi, nhưng đều nhận được những cái lắc đầu vô cảm.

Có lẽ để kết thúc bài viết này, tôi xin chép ra đây lời tâm sự đẫm nước mắt cảu anh hùng Đậu Đình Tích khi nói về mình: “Nhiều đồng đội của tôi đã yên nghỉ, riêng tôi còn phải gánh trên vai một cuộc chiến mới, cuộc chiến với số phận không bến đậu của mình”.

Trần Quyết


Tag: liên khu