Nguyễn Thành Phong: 'Khi thành đại gia khó quay lại nghề họa sĩ'

Nguyễn Thành Phong: 'Khi thành đại gia khó quay lại nghề họa sĩ'

Thứ 2, 22/04/2013 | 09:53
0
Nhiều người dân đang vô cùng ấn tượng với quyển sách Phê như con tê tê của họa sĩ Nguyễn Thành Phong. Đây là quyển thành ngữ sành điệu dành cho giới trẻ có gắn mác 15+.

Nhân dịp cuốn sách ra mắt độc giả, PV Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn họa sĩ Nguyễn Thành Phong để hiểu thêm nữa về chuyện đời, chuyện người của họa sĩ từng làm xôn xao dư luận và gây ra không ít những tranh cãi trái chiều về phong cách ngôn ngữ mới đang được hình thành trong giới trẻ.

Xã hội - Nguyễn Thành Phong: 'Khi thành đại gia khó quay lại nghề họa sĩ'

Nghề khắc nghiệt: Vẽ truyện tranh

Chào họa sĩ Nguyễn Thành Phong, cơ duyên nào để anh có ý tưởng viết những câu thành ngữ và hoàn thành tập sách Sát thủ đầu mưng mủ và Phê như con tê tê, những quyển sách mà chỉ mới nghe thôi đã thấy rất đặc biệt?

Ý tưởng của cuốn sách tranh tập hợp các câu thành ngữ của giới trẻ được ban biên tập một công ty cổ phần sách đưa ra, và tôi là người được mời để chuyển những câu nói đó thành hình ảnh. Nghĩ lại thì có lẽ đó đúng là một cái duyên, bởi trước tôi, có hai họa sĩ rất tài năng cũng đã được mời nhưng không rõ lý do gì họ lại từ chối.

Mang nỗi ám ảnh về giao thông sau cái chết của em gái

Nguyễn Thành Phong còn có một cô em gái 9 tuổi. Trong một ngày đi học về, vì va chạm với xe bus, cô gái nhỏ đã không còn nữa. Đó là một niềm thương tiếc khôn nguôi khiến Nguyễn Thành Phong mang nỗi ám ảnh về việc mất an toàn giao thông. Biến cố ấy phần nào hình thành tính cách con người anh: Ít nói, ít cười. Cũng từ đó, nỗi đau đớn này đã trở thành một động lực khiến anh luôn dùng nét vẽ của mình mang thông điệp đến xã hội về một giao thông an toàn như một lời cảnh tỉnh.

Khi được mời làm, tôi đã thấy thích ý tưởng của dự án ngay lập tức, và cảm giác sẽ có thể thử thách khả năng thị giác hóa ngôn từ của mình, nên nhận lời ngay. Cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ được hoàn thành trong thời gian vài tháng, và mất chừng đó thời gian để chỉnh sửa, vẽ thêm những tranh mới trong tập Phê như con tê tê này.

Là một họa sĩ trẻ anh có gặp những thuận lợi và khó khăn nào khi vẽ những tập tranh này?

Thuận lợi nhất có lẽ là do mình vẫn còn trẻ. (Cười) Khó khăn thì có lẽ do tôi đã bắt đầu bớt thích vẽ cho giới trẻ, hiện giờ tôi đang hướng tới đối tượng độc giả lớn tuổi hơn (hay có thể coi là đa dạng hơn), với những nội dung gần gũi hơn, thiết thực với cuộc sống và  xã hội đương đại.

Theo anh vì sao truyện tranh cho giới trẻ ở Việt Nam còn chưa phát triển?

Có nhiều lý do khiến cho truyện tranh Việt Nam nói chung và truyện tranh cho giới trẻ nói riêng chưa phát triển, nhưng theo tôi có lẽ do truyện tranh là một nghề tương đối mới và khắc nghiệt. Còn mới lại chưa được đầu tư xứng đáng từ cả phía nhà xuất bản  và tác giả, nên dẫn đến việc  kém hấp dẫn độc giả.

Thêm vào đó, vấn đề sách lậu và  bản quyền cũng chưa thực sự được người đọc quan tâm đúng mức. Nhiều bạn đọc ở Việt Nam hiện nay quen với thói quen đọc, chia sẻ miễn phí và dễ dàng trên internet mà không biết rằng đôi khi đó là hành vi vi phạm pháp luật. Việc đó cũng ảnh hưởng xấu tới chính tác giả và nhà xuất bản.

Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ thích được trở thành họa sĩ. Là một người cũng khá thành công trong lĩnh vực này, theo anh để trở thành một họa sĩ cần phải có những phẩm chất và yếu tố nào?

Tôi nghĩ trước hết các bạn cần phải  sáng tạo và sau đó là phải yêu nghề, đó là hai điều tiên quyết. Ngoài ra cũng cần cả yếu tố may mắn nữa vì nếu xét tỉ lệ họa sĩ thành công so với số sinh viên mỹ thuật ra trường mà sống tốt bằng nghề thực sự là một điều hiếm hoi.

Nghề họa sĩ là một nghề đòi hỏi tính sáng tạo cao, vẽ nhiều thì cũng có đôi lúc bị cạn kiệt, những lúc như thế anh thường dùng cách để tìm nguồn cảm hứng sáng tác lại?

Cảm hứng sáng tạo chúng có ở khắp mọi nơi. Chỉ cần bạn chú tâm quan sát cuộc sống một chút lúc ấy bạn sẽ nhận ra cảm hứng được đến từ những cách rất  tình cờ như khi bạn đi trên những chuyến xe khách nhét chật kín người, cũng có khi đang vừa rửa bát vừa nghe nhạc, từ những chuyến du lịch bất ngờ không được lên kế hoạch trước, hay nghe tin xăng lại vừa tăng giá... Cuộc sống chính là nguồn cảm hứng bất tận cho sự sáng tạo.

Xã hội - Nguyễn Thành Phong: 'Khi thành đại gia khó quay lại nghề họa sĩ' (Hình 2).

Bìa cuốn sách Phê như con tê tê

Khi thành đại gia khó quay lại với nghề họa sĩ

Đọc những câu thành ngữ và tranh vẽ của anh, thoạt nhiên người đọc cảm thấy ngạc nhiên sau đó là thích thú bởi nó có một sự ấn tượng đặc biệt. Những điều đó gợi lên một người rất hài hước và có khiếu văn chương. Đó có phải là con người của anh ngoài đời không?

Thú thực là tôi không thích kể nhiều về mình lắm đâu. Tôi chỉ cảm thấy may mắn vì đã luôn được chọn lựa làm những điều mình thực sự yêu thích và nhận ra được sự trưởng thành của bản thân qua thời gian. Tôi thích hài hước để cuộc sống thêm phong phú và vui tươi. Tôi cũng thích văn học nữa nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình có khiếu về văn chương đâu.

Ngoài lòng đam mê điều gì khiến anh có thể thành công như bây giờ? Anh có bí quyết gì để chia sẻ với các bạn trẻ?

Có lẽ là may mắn? Tôi cũng không chắc nữa, chỉ biết mỗi khi làm việc, tôi đều cố gắng hết khả năng của mình và tận hưởng cảm giác được sáng tạo, được chảy trong công việc với tất cả niềm hứng khởi của mình. Tôi ít nghĩ về thành công, bởi được làm những việc mình say mê và sống thoải mái đã là một thành công rồi.

Thu nhập của anh chắc cũng rất khủng so với những gì đã đạt được trong sự nghiệp?

Đây là một câu hỏi khá mơ hồ, nhất là khi để trả lời chính xác cần có thứ để so sánh. Khủng so với ai: Giới kinh doanh? Viên chức? Nghệ sĩ? Bạn bè? Tôi gần như không bao giờ hỏi về thu nhập của người khác nên không thể đưa ra câu trả lời cho sự so sánh này. Nhưng nếu so với nhu cầu của bản thân, thì tôi nghĩ là tôi cảm thấy đủ để mình  hạnh phúc và  thảnh thơi trong cuộc sống.

Theo anh, nghề họa sĩ có thể làm giàu không và có thể trở thành đại gia từ nghề họa sĩ không?

Có không ít họa sĩ trở thành đại gia, nhưng một số người khi đã thành đại gia họ không thể quay trở lại làm họa sĩ nữa.

Nghe "đồn" rằng anh đã lấy vợ, anh có thể kể một chút về nửa còn lại của mình không?

Tôi thực sự vô cùng may mắn vì đã kết hôn với người bạn thân nhất, người luôn đem lại cho tôi những cảm hứng tuyệt vời trong cuộc sống cũng như trong sáng tạo trong suốt 7 năm qua. Cô ấy cũng là nghệ sĩ duy nhất về búp bê nghệ thuật tại Việt Nam. Tên cô ấy  là Trần Thu Hằng.

Cám ơn anh về buổi trò chuyện này và chúc anh ngày càng thành công hơn nữa!

Đây là ngôn ngữ một thời của giới trẻ

PGS.TS Phạm Văn Tình, Ủy viên BCH Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết: "Việc xới lên một mảng ngôn từ giới trẻ để làm sáng rõ bức tranh ngôn ngữ tiếng Việt là cần thiết. Tiếng Việt sẽ phong phú thêm, giàu thêm, đẹp thêm chính từ những chắt lọc, bồi đắp ngôn từ theo dòng chảy lịch sử. Các cuốn sách của họa sĩ Nguyễn Thành Phong là một sự mở đầu cho việc khai thác mảng từ ngữ đó. Đó chính là một thành công với người làm sách mà chúng ta cần phải trân trọng".

PGS.TS ngôn ngữ học Hoàng Dũng thì nêu lên quan điểm riêng: "Giới trẻ có cách ăn nói tếu táo của họ, sao lại bắt họ phải nghiêm chỉnh mới cho là hay? Chuyện lệch về đạo đức thì không đến nỗi như thế. Giới trẻ muốn khẳng định mình bằng ngôn ngữ của riêng họ".

Còn Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dự đoán: "Vài ba năm nữa, cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ và Phê như con con tê tê này chính là một tài liệu giúp tìm hiểu ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ thành thị một thời của tuổi trẻ, khi mà những câu nói được ghi lại trong đó đã không còn được dùng nữa".

Hợp Phố (thực hiện)