Đắng đót mưu sinh trên sóng nước miền Tây

Đắng đót mưu sinh trên sóng nước miền Tây

Chủ nhật, 30/06/2013 | 18:55
0
"Người ta cứ nghĩ con gái miền Tây không phải đi làm mà chỉ ở nhà làm đẹp, chơi, nấu cơm rồi chờ chồng đi làm về. Đấy chỉ là những cô may mắn lấy được chồng giàu thôi. Chứ chị không đi làm thì lấy gì mà ăn hả cưng ơi".

Lời nói đó là của chị Chín Chi, hộ nghèo của cù lao Thới Sơn. Sau nụ cười buồn buồn, chị thở dài cái thượt, những nếp nhăn ở khóe mắt được dịp đua nhau xếp thành hàng. Hai chúng tôi bỗng im lặng, chỉ còn tiếng ì oạp của mái chèo khua và tiếp nước va vào những đám dừa nước mọc chen chúc hai bên con kênh.

Nước mắt nơi đại gia Hoàng Kiều chọn làm nơi thi hoa hậu

Tôi đến cù lao Thới Sơn (còn gọi là cồn Lân) huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vào một buổi sáng tháng 5 trong lành. Nằm giữa sông Tiền, từ lâu cù lao Thới Sơn đã là đầu cầu du lịch sông nước miệt vườn Nam Bộ nổi tiếng trong nước và thế giới. Từ thành phố Mỹ Tho- đô thị cổ kính có hơn 330 năm tuổi đi một chuyến phà nhỏ trên dòng sông Tiền  dập dềnh chừng 15 phút là tới.

Các bậc cao niên trong vùng nói rằng, quanh dòng sông Tiền trù phú là bốn cù lao xúm xít bên nhau, được đặt tên theo nhóm tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng; trong đó cồn Lân là cù lao Thới Sơn. Bốn cù lao này nay ở hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Lạ & Cười - Đắng đót mưu sinh trên sóng nước miền Tây

Chị Chín Chi đang chèo ghe chở khách trên sông.

Nơi đây được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi, bốn mùa cây trái ngọt lành đủ loại như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, cam quýt, bưởi, nhãn... Con người lại hiền hòa, dễ mến nên từ lâu nơi đây đã được nhiều công ty du lịch lựa chọn.

Hẳn nhiều người còn chưa quên đại gia Hoàng Kiều, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn RAAS Hoa Kỳ, là nhà đầu tư nhà có nhiều dự án táo bạo để khai thác tiềm năng phát triển du lịch của cù lao Thới Sơn. Nơi đây từng được "vẽ" nên giấc mộng đẹp, là nơi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 2010.

Ngày ấy, hàng nghìn người dân sinh sống ở cù lao này và các cù lao xung quanh hăm hở với các dự án nhà hàng, khách sạn, quán ăn... Nhiều người đã mơ tới những ngày tha hồ hốt bạc nhờ ăn theo cuộc thi sắc đẹp, được nhìn thấy những chân dài tận trời Tây mặc bikini hái dừa, phóng mô tô nước quanh cù lao...

Thế nhưng...  như "sét đánh ngang tai", báo chí đưa tin các cơ quan hữu trách của tỉnh Tiền Giang chưa cấp giấy phép xây dựng ở một số hạng mục công trình của đại gia Hoàng Kiều tại khu du lịch Thới Sơn 1, cuộc thi hoa hậu cũng không được tiến hành tổ chức ở Tiền Giang như đề nghị tha thiết của tỉnh Tiền Giang và tập đoàn RAAS của đại gia Hoàng Kiều. Giấc mộng của người dân miền cù lao sông nước này vỡ tan theo bóng nước sông Tiền.

Sau 3 năm, dư chấn của "giấc mộng" hoa hậu đã phần nào nguôi ngoai, người dân lại trở về cặm cụi bên những liếp dừa nho nhỏ. Một số nhà trở thành điểm du lịch, một số người chèo ghe chở khách qua những rạch nhỏ tham quan. Và, cũng chính vì thế mà tôi có cơ duyên gặp chị, người chèo ghe tay chở khách du lịch từ cồn Lân ra tới điểm tập kết tàu thuyền ở sông Tiền.

Giọng nói nhẹ nhàng của người con gái miền Tây kéo tuột tôi khỏi những hấp dẫn từ cảnh sắc sông nước miệt vườn. "Cưng là người Hà Nội hả? Cưng vào đây chơi thôi hay đi công tác?". Chị vừa nói, vừa đưa cho tôi chiếc nón lá trắng tinh còn thơm thơm mùi hồ, miệng cười duyên duyên lạ.

Nụ cười thoảng nhẹ lấp lóa bên dòng kênh, bên bóng dừa xanh mướt bất giác càng khiến tôi thấy mình như cách xa thêm Hà Nội, nơi mà bấy lâu nay tôi chỉ thấy đầy rẫy bon chen và khói bụi. Tôi muốn nghe tiếp cái giọng ngọt ngào ấy nên tiếp chuyện: "Một ngày chị chở được mấy chuyến khách vậy?". Khuôn mặt đang tươi cười của chị bỗng trở nên trầm tư. Giọng chị trầm ngâm: "Ngày nào may thì chị chạy được hai chuyến thôi cưng.

Mỗi chuyến hai người chèo, người ta trả 30 nghìn đồng. Vậy là chị chỉ được 15 nghìn đồng một chuyến thôi. Mà ở điểm chờ khách này có tới gần hai trăm chiếc ghe lận, nếu không làm thân được với hướng dẫn viên du lịch thì có khi cả ngày chị chỉ ngồi chơi không...  Kiếm được đồng tiền khó lắm cưng ạ".

"Cưng nghe bất ngờ quá à? Vậy mà phải qua xét duyệt lên xuống, đạt được "chuẩn" nghèo, tụi chị mới có được thu nhập đó đấy. Dân mình còn nghèo lắm, ngay đất cù lao trù phú như thế này mà kiếm được vài nghìn đồng cũng cực vô cùng. Người ở thành phố chắc cũng khó rành chuyện này", chị bộc bạch.

"Người ta cứ nghĩ con gái miền Tây không phải đi làm mà chỉ ngồi ở nhà nấu cơm rồi chờ chồng đi làm về. Đấy chỉ là những cô may mắn lấy được chồng giàu thôi. Chứ chị không đi làm thì lấy gì mà ăn hả cưng ơi. Nhà chị nghèo lắm, chồng chị đi làm phu...".

Sau nụ cười buồn buồn, chị thở dài cái thượt, những nếp nhăn ở khóe mắt được dịp đua nhau xếp thành hàng. Hai chúng tôi bỗng im lặng, chỉ còn tiếng ì oạp của mái chèo khua và tiếp nước va vào những đám dừa nước mọc chen chúc hai bên con kênh.  

Lạ & Cười - Đắng đót mưu sinh trên sóng nước miền Tây (Hình 2).

Cảnh đẹp hữu tình nơi sông nước miền Tây.

Khách việt còn phóng khoáng hơn khách tây

Chị đưa tôi đến bến rồi quay ghe ngược trở lại. Nhìn theo chiếc áo bà ba xanh xanh của chị lấp dần vào đoàn chở ghe tới lui trong lòng tôi nặng trĩu. Tôi quyết định quay ngược trở lại tìm chị. Nhưng đến bãi đỗ ghe không thấy Chín Chi đâu, tôi quay sang hỏi một ông già chừng 60 tuổi cũng vừa chèo ghe về bến trên mặt vẫn còn những giọt mồ hôi chảy dài. Cụ nói: "Hoàn cảnh nhà Chín Chi ở đây ai mà không biết. Nhà nó  nghèo có tiếng.

Hai vợ chồng lấy nhau không có lấy một mảnh đất cắm rùi.  Vợ chồng nó làm mướn riết rồi mà vẫn nghèo. Quanh năm nghèo hoài. Mấy ổng ở xã mới thương và cho đi chở ghe đón khách. Vay mướn mãi mới được 6 triệu đồng để đóng chiếc ghe. Bây giờ hàng tháng vẫn phải trả lãi người ta.

Ở xa nên ngày nào nó cũng dậy từ sáng sớm để kịp giờ chèo ghe thuê cho khách du lịch. Nhưng mà cháu ơi, ở đây ai mà chẳng nghèo, có riêng gì Chín Chi. Tôi cũng hơn 60 tuổi rồi vẫn phải chèo đò nuôi cháu nhỏ...". Ông già vừa nói vừa lấy chiếc tay vặn nút chiếc chai cũ kĩ lấy nước uống. Đúng lúc ấy, Chín Chi chèo ghe tới.

"Ngày trước Tây  chụp hình và hỏi han chuyện vui vẻ xong thường "bo", ít nhất là một vài đô la. Nhưng bây giờ họ keo lắm, dù có chụp hình xong, họ lờ đi chẳng "bo" đồng nào. Khách Tây sang đây du lịch phần nhiều là Tây ba lô không nhiều tiền, họ mang theo cả can nước năm lít đi để uống dần. Vào khu du lịch, trái dừa 10 ngàn đồng họ cũng không mua, nói chi đến tiền “bo”. Người Việt mình hành xử vẫn phóng khoáng hơn nhiều", Chín Chi tâm sự.

Thành Huế

> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng

Phận đời những 'bóng hồng' mưu sinh nơi cảng cá Cửa Sót

Thứ 3, 25/06/2013 | 16:07
Nắng như đổ lửa kèm theo gió Lào, đi trên con đường đầy cát dẫn vào cảng Cửa Sót (thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), chân tôi như muốn phồng rộp lên. Cả không gian nhuốm vị mặn mòi, tanh nồng của biển. Người người hối hả bốc dỡ nốt những mẻ cá cuối cùng để trốn chạy khỏi "biển lửa" đang ngùn ngụt bốc lên...

Những phận đời ngâm mình dưới biển mưu sinh

Thứ 2, 17/06/2013 | 10:42
Tôi gặp em vào một buổi chiều tà trên biển Cửa Lò (Nghệ An), cô bé đội chiếc mũ lụp xụp che khuất tầm mắt, nhưng vẫn để lộ nụ cười rất tươi trong ánh hoàng hôn. Nhưng điều khiến tôi ám ảnh hơn cả là một cơ thể đang run vì lạnh giữa tiết trời vẫn còn hầm hập nóng của ngày hè tháng 6 miền Trung.