Đáng sợ sự vô cảm trong vụ bệnh nhân phong bị bỏ đói

Đáng sợ sự vô cảm trong vụ bệnh nhân phong bị bỏ đói

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Phát gạo sống, thịt sống, rau sống cho bệnh nhân phong, các hộ lý ở khu điều trị nội trú thuộc Trung tâm Da liễu Hà Đông (xã Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội) đang làm dấy lên làn sóng bất bình trong dư luận.

Theo tường trình của một số bệnh nhân tại khu điều trị phong nặng, ngày 4/5, các hộ lý phục vụ thay vì nấu chín thức ăn cho bệnh nhân như thường ngày lại phát cho mỗi cụ một suất ăn gồm gạo sống, thịt sống và một loại rau xanh còn nguyên cả rễ. Các bệnh nhân này đều là những người già, mắc bệnh khá nặng, chân tay bị cùi cụt rất khó khăn khi di chuyển và sinh hoạt cá nhân. Khi PV đến trung tâm để tìm hiểu thông tin viết bài, nhiều người bệnh còn cố lê đến phòng tiếp đón để được trình bày về vụ việc đau lòng mới xảy ra.

Xã hội - Đáng sợ sự vô cảm trong vụ bệnh nhân phong bị bỏ đói

Bữa trưa là đồ ăn sống của các bệnh nhân phong

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Vũ Văn Trình, phó giám đốc Trung tâm Da liễu Hà Đông giải thích: Bữa cơm toàn thực phẩm sống là do nhà bếp bị hết gas. Tuy nhiên theo tìm hiểu, trước đóỏ, Giám đốc trung tâm (nay đã bị điều chuyển công tác) đã từng nhắc nhở về việc chuẩn bị nhiên liệu đốt, mua bếp gas mới phục vụ bữa ăn bệnh nhân nhưng nhân viên cấp dưới không thực hiện theo chỉ thị.

Đặc biệt, sau báo chí lên tiếng về cách phục vụ, chăm sóc thiếu trách nhiệm của các hộ lý, tình hình tại trung tâm ngày càng thêm căng thẳng. Theo phản ánh, một số người đã có hành vi dọa nạt, cắt phần cơm nếu bệnh nhân không ăn hết suất của mình. Thậm chí, có người tuyên bố sẽ đuổi bệnh nhân ra khỏi khu điều trị. Bệnh tật bủa vây, xã hội không phải ai cũng cảm thông và giờ đây những con người không may mắn mắc phải bệnh phong lại từng ngày đối mặt với sự lo lắng về miếng cơm, manh áo.

Diễn biến về vụ việc cùng những nghi vấn sai phạm tại Trung tâm Da liễu Hà Đông đang dần hé lộ. Qua sự việc này, không ít người cảm thấy ngỡ ngàng và mất niềm tin về những con người vốn được coi như "người mẹ hiền" của nhân dân. Đạo đức, nghề nghiệp của một bộ phận nhân viên tại đây phải chăng đang xuống cấp trầm trọng?. Họ tỏ ra lạnh lùng và vô cảm trước nỗi đau, sự kém may mắn của người khác.

Theo thông tin mới nhất chúng tôi mới nhận được, chiều ngày 10/5, Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ nhiệm vụ điều hành khu điều trị nội trú của ông Vũ Văn Trình. Đồng thời, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Da liễu Hà Đông phải xây dựng cơ chế quản lý, phân công cụ thể đảm bảo đúng các quy định để các bệnh nhân được chăm sóc toàn diện. Động thái này là niềm an ủi rất lớn đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của những bệnh nhân nơi đây. Song có lẽ, dư luận vẫn muốn các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng hãy quyết liệt hơn, xử lý đích đáng những người vi phạm và bảo vệ quyền lợi của những người bệnh kém may mắn.

Phát đồ ăn sống khác nào bảo nhịn đói

Trao đổi với PV Người đưa tin, bà Nguyễn Thị Khá, ủy viên ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: "Bệnh phong là một trong những bệnh nan y. Người mắc bệnh này phải vào trung tâm điều trị, phải sống nhờ trợ cấp xã hội. Họ không may mắn khi mang trong mình bệnh trọng bệnh và phải chịu sự xa lánh của cộng đồng. Nhà nước ta với chính sách nhân đạo đã có sự quan tâm đặc biệt, quy định các cơ sở điều trị phải tạo điều kiện chăm sóc toàn diện cho các bệnh nhân. Dù với bất cứ lý do gì, các hộ lý cũng không được phát gạo, rau, thịt, đồ ăn sống cho họ. Làm như vậy khác nào bảo người ta nhịn đói. Hộ lý cũng là người làm trong ngành y, chữ tâm và đức phải được coi trọng. Theo tôi đơn vị chủ quản cần phải có biện pháp xử lý thích đáng những người này. Họ không có quyền đối xử với người bệnh như vậy".

Có bệnh nhân gần 1 tháng không được tắm

Điều dưỡng viên Trần Thị Bắc công tác tại trung tâm này cho biết: "Theo quy chế bệnh viện và thông tư 07 của Bộ Y tê, các bệnh nhân phong nặng được hưởng chế độ chăm sóc toàn diện. Những bệnh nhân này được trợ cấp 300.000 đồng, 15 kg gạo, miễn phí hoàn toàn thuốc. Ngay cả khi các bệnh nhân này điều trị tại các trung tâm khám chữa bệnh, bệnh viện cũng không phải trả bất cứ khoản phí nào. 21 bệnh nhân ở khu điều trị phong nặng còn được phục vệ sinh cá nhân. Tuy nhiên, nhiều lần tôi có nghe các bệnh nhân phàn nàn về thái độ của một số hộ lý. Có những bệnh nhân cho biết cả tháng trời họ không được tắm. Nhìn họ tôi vô cùng xót xa".

Lương của các hộ lý còn thấp

Bà Nguyễn Bích Lưu, trưởng phòng Điều chế tiết dưỡng, Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: "Qua thăm hỏi và tìm hiểu thực tế tại Trung tâm Da liễu Hà Nội, phải thừa nhận rằng các cán bộ hộ lý, điều dưỡng của Trung tâm làm việc rất vất vả trong khi đó lương bổng, chế độ lương chi trả cho họ lại còn nhiều hạn chế. So với mặt bằng xã hội họ chỉ được 1,5 triệu đồng/tháng, mức đó là rất thấp. Do đóỏ, rất cần sự quan tâm, đãi ngộ từ các cơ quan quản lý, đồng thời cũng rất cần những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ để người bệnh nghèo bớt phần khó khăn. Qua vụ việc này, phía Trung tâm Da liễu cũng cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc đề ra các nội quy, xử lý tình huống khẩn cấp, tránh những điều đánh tiếc xảy ra như vừa qua".

Lãnh đạo Trung tâm đã nhận khuyết điểm

TS Lưu Thị Liên, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Sáng ngày 6/5, sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo chí, Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cùng các phòng, ban chức năng đã có buổi làm việc với lãnh đạo của Trung tâm da liễu Hà Đông. Tại buổi làm việc phía trung tâm đã báo cáo rõ nội dung vụ việc và thừa nhận khuyết điểm của mình. Chúng tôi cũng đã phân tích, khẳng định việc làm của trung tâm là sai. Phía trung tâm cũng đã nghiêm túc nhận khuyết điểm của mình và đã có đề xuất phương án mua củi về dự phòng, khi xảy ra "sự cố" sẽ có nguyên liệu, chất đốt sẵn sàng chế biến thức ăn. Trung tâm đã hứa sẽ chuẩn bị đủ thuốc để phục vụ khám chữa cho người bệnh".

Rất mong nhận được sự giúp đỡọ

Bệnh nhân Đặng Thị Le, Chương Mỹ, Hà Nội buồn bã tâm sự: "Tôi đã ở trung tâm 13 năm. Các cô chú nhìn chúng tôi bệnh tật thế này đủ biết là khổ thế nào rồi. Chúng tôi rất buồn phiền mỗi lần bị các hộ lý mắng nhiếc chuyện ăn uống. Sáng 4/5, hộ lý phát cho tôi đồ ăn sống. Tôi khỏe hơn còn nấu chín được mà ăn chứ hai người bạn già cùng phòng yếu quá đành ngồi một chỗ. Suất ăn của tôi phải nhường cho hai cụ. Rất mong các cơ quan chức năng giúp đỡ để các bệnh nhân phong có cuộc sống như những người bình thường".

Đã đến lúc cần nhìn lại vấn đề y đức

Anh Nguyễn Quốc Triệu, kinh doanh lĩnh vực bất động sản ở Hà Nội cho biết: Trong thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ việc không hay liên quan tới ngành y tế. Cụ thể như việc một số sản phụ tử vong không rõ nguyên do, các bác sĩ chậm chễ trong cấp cứu bệnh nhân dẫn đến cảnh người nhà bao vây bệnh viện... Những sự việc này khiến xã hội ngày càng thiếu thiện cảm với các nhân viên trong ngành. Để chấn chỉnh những sự việc trên các ban ngành chức năng cần phải có những biện pháp xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm".

Hoàng Mai - Hoàng Anh