“Danh xưng không làm nên vị trí của nghệ sĩ”

“Danh xưng không làm nên vị trí của nghệ sĩ”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
– “Danh xưng nó không làm nên vị trí của người nghệ sĩ trong lòng công chúng. Tài năng, cống hiến nghề nghiệp đến đâu sẽ có khán giả người ta ghi nhận”, NSƯT Thanh Tú chia sẻ.

Sự kiện - “Danh xưng không làm nên vị trí của nghệ sĩ”

NSƯT Thanh Tú

"Giấc mơ" khó thành nơi nhà hát

Chị đã gắn bó với Nhà hát kịch Hà Nội đã hơn 40 năm. Xuất thân là một diễn viên kịch, chị thấy tình hình sân khấu đương đại Việt Nam thế nào?

Mỗi lần đến nhà hát kịch, tôi thường xúc động và có khi không cầm được nước mắt. Với tôi, Nhà hát kịch Hà Nội nó là một phần máu thịt, gắn bó sâu sắc và chính nó nuôi dưỡng, đưa tôi chạm tay tới cánh cửa điện ảnh.

Nhưng hiện thực của sân khấu kịch Việt Nam bây giờ phũ phàng lắm. Giám đốc nhà hát kịch hầu hết đều xuất thân từ đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật. Họ dùng chính quyền lực của mình để dựng vở. Tôi cũng từng đề xuất, ấp ủ giấc mơ sẽ trở thành một đạo diễn sân khấu kịch nhưng tôi là gì mà có thể triển khai được những dự án như thế. Nhiều đêm tôi nằm mơ mình được thực hiện một vở, nhưng sáng ra tỉnh dậy biết đó chỉ là mơ thôi.

Với diễn viên, có nhiều em trẻ về nhà hát làm việc, có khi tới mười năm vẫn chưa được đóng một vai chính. Còn có những diễn viên 40, 50 tuổi vẫn lại đóng vai trẻ. Suốt một thời gian dài như thế, làm sao những em trẻ có cơ hội vượt qua các cây cao bóng cả, rồi tuổi xuân cũng đi qua phí hoài và cuối cùng có lẽ nhà hát chỉ còn là một chỗ để lĩnh lương hàng tháng thôi.

Vắng bóng khá lâu trên màn ảnh và chị đột ngột trở lại trong năm 2010 và 2011 bằng hai vai diễn hài. Điều gì khiến chị chọn hài để tái ngộ khán giả yêu mến mình?

Người nghệ sĩ luôn tìm được cái đẹp và phong độ dù ở bất kể lứa tuổi nào. Khi tôi quyết định chọn Bà nội không ăn Pizza và Lời thú tội của Eva để tái ngộ với khán giả, tôi cũng đã phải suy nghĩ, trăn trở rất nhiều. Nhưng cuối cùng, vì cảm thấy nó khác hẳn với những vai diễn trước kia của mình nên tôi đã quyết định tham gia.

Cả hai vai diễn đều là vai hài, hài tự thân, tình huống chứ tôi không phải gồng mình lên để làm hề cho khán giả cười. Sự thâm thúy, sâu sắc của nhân vật rất hợp cách diễn, ngoại hình của tôi. Hơn nữa, đôi khi người nghệ sĩ cũng cần phải thay đổi bản thân để không thấy mình nhàm chán.

Chị nhắc tới sự thay đổi. Hẳn sau những vai hài đã thành công chị sẽ thử sức ở một số dạng nhân vật mới?

Sau hai phim này, các đạo diễn có lẽ nghĩ tôi chuyển hẳn sang đóng những nhân vật có tính cách tưng tửng này thì phải? Họ liên tục gửi kịch bản mời tôi tham gia, nhưng tôi thẳng thắn từ chối. Không phải vì tôi chán nghề diễn mà bởi đóng hài như vậy đủ rồi, cái gì mới cũng làm người ta tò mò, thích thú nhưng nếu lạm dụng sẽ thành phản tác dụng ngay. Tôi muốn tìm một mẫu nhân vật khác, vì vậy tôi đang chờ đợi một kịch bản ưng ý.

Cả hai bộ phim đều của những đạo diễn trẻ và chị cũng có dịp cộng tác với nhiều diễn viên trẻ. Chị nghĩ sự khác biệt lớn nhất giữa các thế hệ diễn viên cũ mới là gì?

Thế hệ của chúng tôi ngoài sự nhạy cảm, khả năng và hình thể trời phú còn phải rèn luyện, nỗ lực rất nhiều mới có được một vai diễn thành công, để đời. Chúng tôi diễn mà như hóa thân thành chính nhân vật, thậm chí đóng xong phim vẫn còn bị nhân vật ám ảnh, chi phối đến cuộc sống bên ngoài. Nhưng khi quan sát các em diễn viên trẻ hôm nay, tôi phải dùng từ lười để nhận xét các em.

Không chịu đào sâu suy nghĩ, không có sự nỗ lực, thiếu đam mê... các em nghĩ đơn giản chỉ cần có hình thể ổn là có thể trở thành diễn viên. Có những em tìm cách cố gắng lấy cho được cái mác diễn viên để tự đánh bóng tên tuổi hoặc làm những việc khác không tốt.

Phải chăng đó chính là nguyên nhân khiến điện ảnh Việt Nam đang đi xuống?

Chẳng cần đến tôi phải lên tiếng đâu, người ta cũng nói mãi rồi. Thầy của tôi còn đưa ra nhận định: "Điện ảnh Việt đã xuống đến đáy". Thực sự, tôi thấy diễn viên bây giờ chán lắm, cứ đi qua, đi lại và nói trên màn hình chứ không phải diễn xuất. Vì có những em trẻ đóng phim như thế nên người ta mới coi thường nghề diễn viên đấy.

Chỉ nghĩ tới hư vinh khó gặt hái được thành công

Nghe chị nói, tôi hiểu vì sao chị lại chọn đến cửa Phật để tìm cách lấy lại thăng bằng, sự bình yên trong cuộc sống vốn đầy cám dỗ, trái ngang này?

Đến thời điểm này, tôi luôn tự hào về những thứ do mình làm ra, những điều mình đã đạt được trong cuộc sống đều là do một tay tôi bươn chải, nỗ lực mà có. Tôi tìm đến đạo Phật là để trở về chính bản ngã, được là chính mình. Bỏ qua mọi cám dỗ, những tham, sân, si trong cuộc đời để đổi lấy sự bình yên, sự thanh thản trong lòng người. Đạo Phật giúp tôi ngộ ra được nhiều chân lý sau chuỗi ngày không bình lặng đã đi qua trong cuộc đời tôi. Nói chính xác là tôi tự sám hối bản thân khi theo Phật.

Sự kiện - “Danh xưng không làm nên vị trí của nghệ sĩ” (Hình 2).

Chị là một diễn viên tài năng. Điều đó không ai dám phủ nhận. Chị cũng là người sở hữu những vai diễn vượt thời gian, điều này cũng đã được lịch sử điện ảnh chứng minh. Sao đến giờ, chị vẫn không lên Nghệ sĩ nhân dân?

Có nhiều người từng bảo tôi sao không làm hồ sơ xét duyệt nghệ sĩ nhân dân, giải thưởng Hồ Chí Minh? Nhưng tôi thực sự không quan tâm đến những hư danh ấy, khao khát lớn nhất của tôi là được làm nghề, được là Thanh Tú như người ta vẫn thấy. Danh xưng nó không làm nên vị trí của người nghệ sĩ trong lòng công chúng. Tài năng, cống hiến nghề nghiệp đến đâu sẽ có khán giả người ta ghi nhận. Tôi không chạy theo những phù phiếm bề ngoài, bởi tôi thấu hiểu giá trị của hai từ nghệ sĩ.

Chị cũng là người tham gia công tác đào tạo diễn viên trẻ. Khi giảng dạy, chị có nói cho các em biết về những điều này?

Tôi đã ngừng công việc giảng dạy được gần một năm nay. Nhưng trước đó, tôi luôn nói với các em sinh viên của mình một điều: Hãy yêu nghệ thuật chứ đừng yêu bản thân mình trong nghệ thuật. Khi đến với nghề diễn mà chỉ nghĩ tới hư vinh, không lao tâm khổ tứ với nó thì chẳng bao giờ gặt hái được thành công.

Mỗi giờ lên lớp, tôi luôn bảo các em cứ diễn thoải mái trên sàn diễn đi, nhiều người đến xem bảo: "Thế này thì các em sẽ thành diễn viên kịch hết". Tôi hỏi lại ngay: "Thế nào là kịch?". Tất nhiên khi đứng trên sân khấu thì phải diễn khoa trương cách điệu so với thực tế, nhưng bây giờ, người ta không vò đầu bứt tai để thể hiện sự đau khổ nữa, hay người diễn viên mắt hấp háy, tay chìa dài ra để nói mình đang si tình...

Kịch bây giờ đời lắm rồi, không như thời trước chỉ diễn biểu hiện. Khi bước từ sân khấu xuống trước ống kính máy quay, người diễn viên phải hiểu là mình nên diễn như thế nào. Khi học sinh đã diễn thành thạo trên sàn tập, tôi tin là các em sẽ biết tiết chế diễn xuất trước ống kính máy quay.

Chữ bình yên theo quan niệm của chị như thế nào?

Đơn giản lắm. Tôi hàng ngày dành thời gian chơi thể thao và tham gia các chương trình của nhà chùa, đi tham quan, đến khắp các chùa cầu an. Phật ở trong tim, tu tại gia hay tại tâm đều được.

Xin cảm ơn chị!

Hương Giang