"Đau đớn" với 4 cái tang trong một ngày

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
"Tưởng khi đưa được xác anh Tú về, mọi người sẽ nén đau thương để ổn định lại cuộc sống. Nào ngờ, vận đen khiến đau thương nhân lên nhiều lần".

Đang đợi thi thể chồng về, bất ngờ chị Trần Thị Tình (thôn Văn Đồng, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) nhận được một cú điện thoại khiến chị choáng váng. Chiếc xe cứu thương đưa xác chồng chị từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) trở về Nghệ An gặp nạn khiến 4 người đi đón chết tại chỗ. Tang thuơng chồng lên tang thương, chỉ trong vòng chưa đầy 24h đồng hồ, chị Tình phải 4 lần đội khăn tang.

Chị Tình và 3 đứa con nhỏ dại trong đám tang chồng và 3 người thân

Vỡ mộng xuất ngoại

Cuối năm 2009, anh Nguyễn Nhân Tú (SN 1974, chồng chị Tình) làm hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động tại ả rập Xê út. Đầu tháng 1/2010, anh Tú tạm biệt gia đình và người thân để lên đường đi xuất ngoại, mang theo bao hoài bão về một cuộc sống giàu có sau khi có công ăn việc làm ổn định xứ người. Tuy nhiên, gần 1 năm sau đó, anh Tú chỉ 2 lần gửi tiền về cho vợ con với tổng cộng chưa đầy 20 triệu.

Ngày 7/12/2010, anh Tú điện thoại về cho vợ thông báo: "Anh nhận được lương rồi, anh sẽ tiếp tục gửi tiền vể để nộp tiền học cho con và gia đình tiêu Tết". Chị Tình cho biết, chị không ngờ đó lại là lần cuối cùng 2 vợ chồng nói chuyện với nhau, bởi chỉ vài ngày sau đó, chị nhận được hung tin từ người quen của chồng ở bên đó thông báo, anh Tú đã qua đời sau một tai nạn giao thông.

Mòn mỏi đợi thi thể chồng, thế nhưng ngày qua ngày, tháng này qua tháng khác, với nhiều lời hứa hẹn khác nhau của công ty xuất khẩu lao động, thi thể anh Tú vẫn chưa được đưa về Việt Nam. Khó hiểu về cách làm của Công ty TNHH một thành viên Nhật Duyên (trụ sở ở thôn Dục Quang, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), chị Tình đã làm đơn tố cáo gửi Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An. Sau đó một thời gian, ngày 17/2 đại diện của Công ty mới thông báo với gia đình: Sẽ chịu trách nhiệm đưa thi thể anh Tú về Việt Nam.

Ngày 11/4, đại diện gia đình nạn nhân gồm ông Trần Hữu Cổn (chú vợ nạn nhân); Nguyễn Nhân Nam (anh trai); Trần Đăng Kiêu (anh rể); Trần Sơn Tùng, Trần Hữu Hùng (anh em ruột của vợ nạn nhân) đã có mặt tại sân bay Nội Bài.

Tuy nhiên, sau khi nhận thi thể của anh Tú từ sân bay thì giữa Công ty Nhật Duyên và gia đình đã xảy ra bất đồng. Một người chứng kiến vụ việc xảy ra ở sân bay cho biết: Đại diện cho Công ty có 2 người, tự xưng là trưởng phòng và phó phòng cùng đến sân bay nhận xác, nhưng sau đó xe chuyển bánh được một quãng đường ngắn thì xe của 2 người này rẽ sang một hướng khác rồi biến mất.

Đám tang nối đám tang

Trên đường chạy về Nghệ An, do trời mưa, đường trơn lại khuất tầm nhìn bởi sương mù, khoảng 2h30' sáng ngày 12/4, chiếc xe cứu thương gặp nạn tại địa phận huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) khiến 4 người chết tại chỗ (gồm lái xe và 3 người thân của chị Tình), 2 người khác phải đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Hiện trường vụ tai nạn

Chiều ngày 12/4, thôn nghèo Văn Đồng chìm trong đau thương, tang tóc. Chỉ trong bán kính chưa đầy 100m, 4 chiếc rạp tang dựng vội lên. Anh Nguyễn Nhân Tú sau hơn 4 tháng nằm lạnh lẽo ở xứ người được "ưu tiên" cử hành tang lễ đầu tiên. Vừa cạn nước mắt khóc tiễn chồng về chốn an nghỉ, chị Tình lại phải đội lên đầu chiếc khăn tang khác lê từng bước chân đưa anh rể chồng tên là Trần Đăng Kiêu ra nghĩa trang ngay trong đêm tối.

Đưa tang anh Kiêu xong đã gần 2h sáng, hàng trăm hộ dân thôn Văn Đồng đã thức trắng cùng thân nhân các gia quyến. Đến tờ mờ sáng ngày 13/4, tang lễ của anh ruột nạn nhân tên là Nguyễn Nhân Nam đã được cử hành. Đầu giờ chiều, đến lượt Phó bí thư Đảng ủy xã Hiến Sơn, chú vợ nạn nhân tên là Trần Hữu Cổn cũng được người dân đưa về nơi an nghỉ cuối cùng.

Chưa bao giờ, làng quê nghèo xã Hiến Sơn lại phải chứng kiến nhiều cảnh tang tóc trong một thời điểm như vậy, và không phải chị Tình mà rất nhiều người đã phải cùng lúc đội trên đầu 4 chiếc khăn tang, bởi họ đều là người thân của nhau trong một đại gia đình.

Chị Nguyễn Thị H., một người dân thôn Văn Đồng cho biết: "Suốt 4 tháng qua, anh em họ đã phải mòn mỏi đợi chờ thi thể người thân ở xứ người, tưởng khi đưa được xác anh Tú về, mọi người sẽ nén đau thương để ổn định lại cuộc sống. Nào ngờ, vận đen khiến đau thương nhân lên nhiều lần".

Một người hàng xóm của chị Tình cho biết: Để đủ 50 triệu đồng cho anh Tú đi xuất khẩu lao động, chị Tình phải đem bán 5 chỉ vàng, 2 con bò và vay mượn khắp làng. Thế nhưng, khi công việc vừa ổn định thì tai họa ập tới, chồng chị mất, giờ một mình 3 đứa con thơ và những khoản nợ chưa kịp trả.

Kim Thoa